Như để tiếp thêm sinh khí cho nghề chằm nón, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ “Chứng nhận việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nón Huế”.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, khu vực địa lý nón lá Huế được xác định gồm vùng lá nón là huyện A Lưới và huyện Nam Đông. Vùng cung cấp vành nón là xã Bình Điền (huyện Hương Trà). Vùng sản xuất khung nón là phường Phước Vĩnh (TP Huế) và xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang). Các làng nghề chằm nón Huế gồm 2 phường An Hòa, Phước Vĩnh (TP Huế); 6 xã Phú Mỹ, Phú Hồ, Phú Diên, Phú An, Phú Dương và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).
Khoảng 25 năm trở về trước, “đặc sản” số 1 của Huế là nón bài thơ chứ không phải mắm tôm, mè xửng. Thời hoàng kim làng nón bài thơ nổi tiếng nhất là Tây Hồ (xã Phú Hồ, Phú Vang). Ở đây, phụ nữ và trẻ em 100% đều biết chằm nón. Ông Dương Văn Hoàng, Trưởng thôn cho biết: có 351 hộ thì cũng có chừng ấy hộ làm nón. Tây Hồ lúc nào cũng thấy nhà nhà chằm nón, trừ thời gian gieo sạ và cấy hái. Rộ nhất là cuối tháng 10 âm lịch đến ra giêng hai, lúc đó thương lái đến tận nhà mua nón. Để khỏi buồn chán, các chị, các em tụ tập thành từng nhóm bốn, năm người vừa thoăn thoắt tay chằm, vừa hò hát rất vui vẻ.
Các năm 1980-1990 Huế nổi tiếng về nghề buôn nón đi vào các tỉnh phía nam và ra phía bắc. Một số gia đình trở nên khá giả nhờ mua gom số lượng nón khá lớn, đóng hàng theo các chuyến tàu chợ. Lúc đó tại xã Thuỷ Vân, huyện Hương Thuỷ có một chợ nón trù phú tại làng Dạ Lê. Người dân cá làng nghề chằm nón đổ xô về đây bán từ 5 giờ sáng, đến 11 giờ thì chợ tan. Chợ Dạ Lê chủ yếu mua bán nón và cung cấp các loại nguyên vật liệu cho người chằm nón như lá nón, gấc chỉ, soài, vành nón, dầu nón v.v.
Ở đâu chẳng có nón, nhưng nón Huế được nhiều người ưa chuộng là vì sự thanh thoát nhẹ nhàng. Nón không chỉ là vật dụng sinh hoạt đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tỷ mỷ, từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, rồi đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh dầu bóng. Biểu tượng trong chiếc nón bài thơ là hình ảnh sông Hương, Cầu Trường Tiền, Núi Ngự Bình, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Cầu Ngói Thanh Toàn...Đi kèm là một số câu thơ viết về Huế được cắt bằng giấy bóng, nổi bật giữa nền xanh trắng của lá nón.
Nón Tây Hồ mỏng, nhẹ, thanh tao và cân đối nhưng rất bền. Chiếc nón lá màu trắng xanh, nặng khoảng 57,4 - 60,3 g rất nhẹ và mát. Trong các loại nón nổi tiếng nhất vẫn là nón bài thơ Tây Hồ, thuộc vào nhóm hàng thủ công mỹ nghệ để du khách mua về làm quà. Thừa Thiên- Huế đã có nghị quyết bảo tồn nghề nón. Tuy muộn nhưng có còn hơn không. Trong số rất nhiều làng nghề chằm nón phồn thịnh trước đây hiện nay chỉ còn một số ít làng nón hoạt động dựa vào các dịch vụ kinh doanh du lịch.