Bộ tứ tuổi Canh Tý 

Kiều Vĩnh Lộc

11/08/2022 15:36

Theo dõi trên

Hôm nay là ngày giỗ  Hoàng (đồng đội của tôi)  hy sinh ở mặt trận Vỵ Xuyên, Hà Giang năm 1984. Tôi đăng lại câu chuyện này, thay nén tâm nhang tưởng nhớ tới người đồng đội và các Liệt Sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ Quốc thân yêu cuả chúng ta.

canh-ti-1660207039.jfif
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Dịp tết nguyên đán, cháu Hiền là con đồng đội tới thăm, chúc tết gia đình tôi. Ngồi nói chuyện với cháu mà tôi không nguôi nhớ về người đồng đội. Cuộc đời của họ, chuyện tình của họ cũng như bao cuộc đời khác cùng trang lứa, trong thời buổi đất nước có chiến tranh.
Bố cháu Hiền tên là Chung, với Hoàng và hai bạn gái là Hoa và Nguyệt cùng tuổi Canh Tý (sinh năm 1960), nhà ở gần nhau trong con phố nhỏ ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Bốn người họ chơi thân với nhau, cùng học từ lớp vỡ lòng đến hết cấp 3 (THPT). Chung thi vào đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là đại học Kinh Tế Quốc dân), Hoàng vào đại học Bách Khoa, Hoa vào đại học Hóa Tổng hợp còn Nguyệt theo ngành Tài chính Kế toán. Cả bốn người đều trúng tuyển đại học. Chung và Hoàng nhận lệnh nhập ngũ trước khi giấy báo trúng tuyển đại học gửi đến nhà. Hoàng được điều về một đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ ở biên giới phía bắc, đánh quân trung Quốc xâm lược. Còn Chung bổ xung vào đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ đánh quân Pôn Pốt ở biên giới Tây nam, khu vực tỉnh Tây Ninh. 
Việc Chung và Hoàng nhập ngũ đã để lại cho Hoa và Nguyệt sự bồn chồn, lo lắng. Gần hai chục năm qua họ luôn ở bên nhau, chia sẻ với nhau mọi chuyện buồn, vui của tuổi học trò. Vào năm cuối cấp 3, họ gắn bó với nhau ngày càng sâu đậm hơn. Nào là học nhóm, nào là cùng đóng kịch trong tiết mục văn nghệ ở trường, rồi rủ nhau đi ăn kem, đi chơi mãi tận chùa Thày-Sài Sơn, chùa Trầm trong Chúc Sơn, đi bơi thuyền trên Hồ Tây. Cũng có những chuyện dỗi hờn, có những buổi hẹn hò bên cầu Thê Húc… Một tình bạn trong sáng, đẹp đẽ. Đến khi biết rằng hai bạn trai cùng nhập ngũ, ra chiến trường, rồi gì gì nữa sẽ có thể sảy ra!? (Tình cảm của hai đôi trai gái này, tuy chưa chính thức nói với nhau điều gì nhưng họ cùng hiểu cái lẽ “bên trong thì đã, bên ngoài còn e”), do vậy đã khiến cho Hoa và Nguyệt cùng bị sốc nặng. Tuy nhiên, họ cũng nhận thức được việc hai bạn trai phải nhập ngũ, trong tình hình hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Họ đã động viên nhau: người ở nhà chú ý giữ gìn sức khỏe và học cho thật tốt, người ra đi chân cứng, đá mềm, may mắn và bình an trở về.
Số anh em tân binh mới được bổ xung về đơn vị, đa phần có trình độ văn hóa cao, nhận thức được nhiệm vụ, hăng hái nhiệt tình, sống có kỷ luật và trách nhiệm, nhưng cũng rất tình cảm nên tôi rất quý, trong số đó có Chung – người cùng quận Hoàn Kiếm với tôi.
Một chuyện thật trùng khớp là giữa năm 1983, cả Chung và Hoàng đều được về nghỉ phép. Hôm Chung đưa Hoàng đến thăm nhà tôi (tôi đã chuyển ngành về cơ quan cũ ở Hà Nội từ cuối năm 1981). Anh em gặp nhau vui lắm, tôi bảo hôm nay anh sẽ chiêu đãi hai chàng lính trẻ một bữa bia hơi, uống mệt nghỉ. Chúng tôi kéo nhau ra cửa hàng bia hơi Cổ Tân (cạnh vườn hoa Cổ Tân). Lúc này còn chế độ bao cấp, họ chỉ bán cho mỗi người một cốc vại, tôi phải đưa thẻ Thương binh ra và nói rằng: tôi chiêu đãi hai chiến sĩ mới từ mặt trận về, họ mới bán thêm cho mỗi người một cốc nữa, với một gói lạc rang, vậy mà cũng rôm rả ra phết.

Vào một buổi chiều dịu nắng, tôi được mời dự cuộc họp của bộ tứ: Chung, Hoàng, Hoa, Nguyệt tại vườn hoa “Con Công” (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ, cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội). Các bạn cho biết là sẽ tổ chức đám cưới trong dịp nghỉ phép này. Cặp đôi: Chung với Hoa và cặp Hoàng với Nguyệt đều thống nhất tổ chức đám cưới theo hình thức đời sống mới (chỉ có nước chè, thuốc lá và bánh kẹo), tổ chức đám cưới chung và đề nghị tôi đứng ra làm chủ hôn.

Tôi đã đến thăm gia đình cả bốn bạn ấy, trao đổi với phụ huynh về ý của các bạn trẻ. Thì ra, cả bốn gia đình họ đã bàn bạc và thống nhất như vậy từ trước rồi. Thời điểm này kinh tế còn khó khăn lắm, hàng hóa cái gì cũng bán phân phối với số lượng rất ít. Tôi có người quen làm việc ở sở Thương Nghiệp Hà Nội, đã nhờ mua giúp các bạn ấy được mấy tút thuốc lá, chè mạn và bánh kẹo, cộng với số hàng được mua theo tiêu chuẩn khi đăng ký kết hôn, cũng tàm tạm cho hôn lễ. Đám cưới được tổ chức rất trang trọng tại nhà văn hóa quận. Đông đảo bạn bè, Thầy Cô, người thân và các đoàn thể của phường, của quận đã đến dự. mọi người đều vui mừng, chúc phúc cho vợ chồng hai người chiến sĩ.

Tiếng súng của quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía bắc vẫn ngày đêm không dứt, nhất là ở mặt trận Hà Giang, nơi Hoàng đang làm nhiệm vụ. Còn đơn vị của Chung đã chuyển sang làm nhiệm vụ quốc tế, truy quét quân Pôn Pốt trên đất Căm Pu Chia. Thư của cả Chung và Hoàng gửi cho tôi đều báo tin vui là vợ đã mang thai. Các cậu ấy giao hẹn với nhau: nếu một cặp sinh con trai, cặp kia sinh con gái thì dứt khoát sẽ gả con cho nhau, làm thông gia với nhau. Cả hai mặt trận lúc này vẫn còn rất ác liệt, Nhận thức rõ tình hình thực tế đó nên trước khi trả phép, các bạn đã có nghị quyết: Nếu một trong hai người hy sinh, người còn lại có trách nhiệm chăm sóc vợ, con của bạn.

Nguyệt mang thai đến tháng thứ bảy, thì gia đình nhận được giấy báo tử, Hoàng hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Ở Căm Pu Chia, Chung bị thương do mìn của quân Pôn Pốt trên đường làm nhiệm vụ. Sau mấy tháng điều trị, Chung được đơn vị giải quyết cho về phục viên.

Hoa và Nguyệt sinh con trong cùng một tháng, chỉ cách nhau ít ngày. Hoa sinh con gái còn Nguyệt lại sinh con trai, giống Hoàng như đúc. May mắn là lúc này đã có Chung ở nhà. Tôi đến thăm mà thấy thương cậu ấy quá, lúc thì chăm sóc vợ ở nhà, tiếp lại chạy sang bên xem mẹ con Nguyệt thế nào. Lúc bấy giờ, riêng việc xếp hàng mua lương thực, thực phẩm theo tem phiếu cho cả hai gia đình đã đủ mệt rồi. 

Năm tháng qua đi, cháu Hiền (con gái của Chung – Hoa) và cháu Tuấn (con trai của Hoàng – Nguyệt) đã cùng vào học lớp 1. Một sự cố đau lòng lại sảy ra: cô Hoa vợ cậu Chung đã qua đời vì tai nạn giao thông. Năm 1984, tôi đến dự lễ truy điệu Hoàng, chứng kiến cảnh Nguyệt đang lăn mình kêu khóc, với cái bụng mang, dạ chửa sắp đến ngày sinh. Nay đến viếng đám tang của vợ Chung, chứng kiến cảnh đồng đội đau xót thương tiếc vợ đến thẫn thờ, khóc không thành tiếng!!!
Phụ huynh của cả hai gia đình đều đã đi cùng tiên tổ, các con còn nhỏ dại, Chung và Nguyệt cùng nhau chia sẻ, lo toan mọi công việc của cả hai gia đình. Cháu Hiền gọi Nguyệt là Mẹ, còn cháu Tuấn gọi Chung là Bố theo tình cảm tự nhiên, gắn bó giữa hai gia đình từ khi các cháu mới sinh ra.

Sau ngày giỗ đầu của Hoàng, mẹ Hoàng có nói với tôi: “Nguyệt nó còn trẻ quá, tôi tiếc thương con trai tôi nhưng tôi cũng thương con dâu lắm, nếu bây giờ có ai yêu thương nó, tôi sẽ động viên để em nó đi bước nữa, tôi sẽ chăm sóc nuôi dạy cháu nội tôi thật tốt. Bác là người mà các em nó rất quý mến, tin tưởng, coi như người anh trong gia đình, bác ủng hộ ý nguyện của tôi nhé. Tôi thưa với Cụ rằng: theo cháu thì tương lai của Nguyệt hãy để cho cô ấy tự quyết định Cụ ạ. Bố cháu Tuấn đã hy sinh, trong thời buổi khó khăn này, điều gi có thể lo giúp cho cuộc sống của mẹ con cô ấy được, mọi người nên cố gắng để làm.

Có lần tôi nói với Chung: các cậu đã là bạn thân thiết của nhau suốt mấy chục năm rồi, bây giờ hoàn cảnh như vậy, hai đứa có thể hợp lại thành người một nhà được không? Chung bảo: không được đâu anh, Nguyệt có thể đi bước nữa, cô ấy xinh đẹp thế, em thấy cũng có người muốn xây dựng gia đình với Nguyệt, hình như cô ấy không chịu, với lại em và thằng Hoàng đã giao kèo với nhau, sau này các cháu lớn lên, em sẽ gả con gái cho con trai của Hoàng mà.  

Thời gian trôi đi nhanh quá, đám cưới của hai cháu Tuấn - Hiền được tổ chức chu đáo, một năm sau thì vợ chồng cháu sinh con trai. Cứ mỗi lần tôi đến chơi, cháu bé lại xà vào lòng đòi ông bế, đòi ông đưa đi chơi. Hôm thì tập trung bên nhà Nguyệt, hôm bên nhà Chung. Nhìn lên tấm ảnh của Hoàng, của Hoa trên bàn thờ, tôi cảm nhận thấy như họ đang mỉm cười, hài lòng trước hạnh phúc của các con.

Bây giờ kinh tế khá hơn trước rất nhiều, nhà cửa hai bên đã được sửa sang lại khang trang. Chung vẫn ở vậy một mình, sức khỏe có bị ảnh hưởng do vết thương tái phát. Còn Nguyệt đang độ hồi xuân, cô ấy tươi trẻ, xinh đẹp, dịu dàng. Nguyệt vẫn ở vậy chăm lo cho con cháu, chạy qua chạy lại bên nhà Chung, nấu cho Chung bữa ăn ngon và trông nom nhà cửa khi Chung ốm đau.

Có lần vợ chồng cháu Hiền nói với tôi: “Bác ơi, Chúng cháu thương bố Chung và mẹ Nguyệt quá, nếu bây giờ bố, mẹ về ở với nhau chung một mái nhà thì tốt quá. Đã mấy lần chúng cháu đề cập đến chuyện này, mẹ cháu bảo: “Ai lại thế, chẳng lẽ thông gia lại lấy nhau à. Còn bố cháu thì cứ ngồi im, rồi nghiêm mặt bảo: Từ nay các con đừng nhắc đến chuyện này nữa nhé. Do đó chỉ có bác là nói được thôi, vợ chồng cháu nhờ bác tác thành cho bố, mẹ chúng cháu bác nhé”.

Từ khi Hoàng hy sinh, rồi vợ Chung qua đời cho đến mãi sau này, họ vẫn qua lại chăm sóc cho nhau. Ở bên ngoài, miệng đời đã có nhiều chuyện xì xèo, dị nghị nhưng họ không quan tâm, không giải thích. Họ vẫn tận tình làm mọi việc mà theo họ, đó là bổn phận phải làm như vậy.

Tôi đã trao đổi với Chung: nếu hai người thương yêu nhau, có thể đến với nhau, điều này không vi phạm pháp luật hay đạo đức gì cả, hơn nữa đây cũng là ý nguyện của các cháu mà. Hai ngôi nhà, vợ chồng con ở một nhà, còn một nhà thì vợ chồng bố ở là hợp lý quá rồi, vẫn tiện chăm sóc cho con cháu và cô, chú chăm sóc cho nhau cho danh chính, ngôn thuận. Chung nắm chặt bàn tay tôi rồi nói: “Anh à, em thương Nguyệt lắm, cô ấy chịu nhiều thiệt thòi quá. Cô ấy xinh đẹp thế, khỏe mạnh, giỏi giang nhất hội em đấy. Hồi còn học cấp 3 có nhiều cậu mê cô ấy lắm, có cả Thầy giáo nữa đấy. Khi còn đang học đại học, đã có nhà là quan chức to, ướm chuyện với bố mẹ Nguyệt, muốn xin cưới Nguyệt cho con trai họ. Nguyệt chỉ yêu Hoàng. Nhóm bốn đứa chúng em gắn bó với nhau lắm, chỉ tiếc là Hoàng hy sinh quá sớm. Nguyệt lấy chồng mà thực chất chỉ được ở bên chồng chưa đầy một tháng. Tính Nguyệt em biết, cô ấy kiên định, thủy chung lắm. Thật là tội nghiệp cho Nguyệt”.

 Vợ chồng cháu Tuấn - Hiền thì cứ thúc giục tôi về việc tác thành cho bố, mẹ các cháu. Về phần Nguyệt tôi thấy đã ổn. Nguyệt nói với tôi: “Hoàng với Hoa về cõi vĩnh hằng cũng gần ba chục năm rồi. Bây giờ nhóm bộ tứ chỉ còn em và Chung, em thương Chung lắm. Chung không được khỏe, nhưng gia đình này không thể thiếu anh ấy được. Suốt mấy chục năm qua, Chung đã tận tình hết mức để chăm lo cho em và các con cháu, với tình yêu thương nhất. Có thể, có điều gì đó mà Chung khó nói ra chăng?
Đối với tôi, ngoài tình đồng đội, Chung đã coi tôi như người anh trong gia đình. Thấy tôi quan tâm nhiều đến quan hệ tình cảm của cậu ấy với Nguyệt, Chung bộc bạch: “Sau lần bị sức ép mìn ở bên Căm Pu Chia “bộ máy” của em đã hỏng hẳn rồi anh ạ. Về phục viên hơn 5 năm trời, nằm bên vợ mà em có “đền thương nhớ” cho vợ em được đâu. Chính vì vậy mà em không muốn làm khổ thêm cho Nguyệt nữa!”. Nghe Chung nói, nước mắt tôi cứ chảy dài!
Trong cuộc đời này, vì tình thương yêu - người ta sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu. Chung và Nguyệt tuy không còn trẻ nhưng họ cũng chưa phải đã già. Con người chứ đâu phải là gỗ, đá. Đâu chỉ cần ăn ngon, mặc đẹp mà còn những nhu cầu khác về tình cảm, ai cũng biết nhưng lại ngại nói ra!?
Chung đã qua đời được hơn một năm do vết thương ở phổi tái phát. Đầu năm Tân Sửu vừa qua tôi đến thăm Nguyệt. Hai anh em ngồi nói chuyện, Nguyệt nhắc tới ba người thân yêu đã bỏ cô ra đi, rồi ôm mặt òa khóc nức nở. Tôi ngồi im để cho Nguyệt khóc. Tôi nghĩ, cứ để Nguyệt khóc như vậy cho nguôi ngoai đi những buồn đau, những nỗi niềm đang còn chất chứa trong lòng. Khi thấy đã lắng dịu lại, tôi mới nói:
- Nguyệt à, mỗi người có một số phận riêng, không cưỡng lại được. Em hãy nhìn lên tấm ảnh của vợ chồng hai cháu Tuấn-Hiền, em sẽ thấy đủ hình bóng bộ tứ của các em. Em nhìn vào tấm hình 5 người kia, có đủ: Em, các con, các cháu. Con cháu em khỏe mạnh, xinh đẹp, khôi ngô tuấn tú thế kia cơ mà. Bây giờ người ta sống vì con, vì cháu. Con, cháu trưởng thành là động lực để ta sống vui, sống khỏe. Hơn nữa, em cũng phải sống cho chính mình nữa chứ. Em có thể làm điều gì mà em muốn, không có sự ràng buộc gì cả, cốt là em thấy vui, thấy khỏe và thấy mình thanh thản là được Nguyệt ạ.
- Dạ, em cảm ơn anh nhiều lắm.
Vợ chồng cháu Tuấn-Hiền đưa các con đi chơi vừa về đến nhà, cháu bé thấy tôi thì chạy vào chào. Tôi hỏi cháu:
- Năm mới,  cháu chúc ông, bà gì nào?
- Dạ, cháu chúc Ông, chúc Bà, chúc Bố Mẹ và chúc cả em Bống nữa năm mới luôn khỏe mạnh và thật vui ạ.
Thấy các cháu và cả gia đình người đồng đội vui vẻ, nghe lời chúc của cháu bé, tôi thấy thật ấm lòng giữa ngày đầu năm Canh Tý.
 

Bạn đang đọc bài viết "Bộ tứ tuổi Canh Tý " tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn