Giải phóng thị xã Cheo Reo là trận thắng lớn nhất tôi từng thấy. Tù binh, xe pháo ta thu được không đếm xuể... và hi sinh cũng thật nhiều. Khóc đồng đội, chẳng nghĩ mai có thể là mình, cứ tiến thôi. Quang cảnh thị xã sau trận chiến là điều tôi không muốn bao giờ lặp lại nữa trên bất cứ nơi nào. Hoang tàn, lặng ngắt. Ngổn ngang xe pháo quân trang của đội quân thất trận trốn chạy vứt lại, không gian ngập ngụa đặc quánh ngạt thở. Đơn vị tôi chốt giữ ở đó hai ngày.
Cuống cuồng dân chạy loạn. Sau này chúng tôi mới biết người dân được tuyên truyền về quân Giải Phóng thật buồn cười, đáng sợ tới mức họ bỏ nhà cửa đang yên lành, chạy vào vùng chiến sự. Có thể thấy rõ dòng xe người dân di cư không phải vì không còn chỗ ở, mà họ đang tìm nơi ở mới. Họ có ô tô, trên xe là tất cả đồ đạc, thậm chí lợn gà... rồi bỏ cả xe lại trên đường, họ chạy mà chẳng biết đi đâu. Nhìn gà lợn vất đầy lính ta thèm lắm nhưng giữ kỉ luật vẫn ăn mắm kem, món ăn duy nhất của bộ đội trong rừng.
Đến hôm sau thì lục tục dân quay lại, chắc sợ lắm nhưng cùng đường rồi, những đôi mắt lấm lét rồi ngạc nhiên khi đồ đạc trên xe còn nguyên vẹn. Nụ cười ngượng ngập, họ đem những con lợn đói không kêu nổi nữa mời "các ông Giải phóng", nói vài lời động viên rồi xin từ chối, chúng tôi lên đường. Hơn chục ngày hành quân chiến đấu nữa là đến dấu ấn đáng nhớ của Đại đội tôi: Giải phóng thị trấn Tuy An. Lần đầu tiên trong đời lính bộ binh chúng tôi được một đơn vị tăng thiết giáp phối thuộc, được ngồi trong xe bọc thép. An toàn và sướng, tất nhiên rồi. Như không có trận chiến phía trước, lính ta hào hứng, cười nói tán gẫu. Rồi hoà nhịp hát "Tiến về đồng bằng giải phóng thành đô" đinh tai nhức óc trong thùng xe nóng bỏng, khí thế chiến thắng ùa về. Tuy An đây rồi. Cửa xe bật mở, chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, vững vàng có xe tăng T54 phía trước, loạt đạn 100 li rền vang. Đáp lại là mấy tiếng cối 81, rồi loạt đạn AR15 vu vơ... Không có sự kháng cự nào. Đơn vị xuất kích trong im lặng.
Thị trấn nhỏ hiện ra lộng gió thanh bình, hàng dừa trải dài. Góc phố với những cánh cửa đóng im ỉm. Một cánh cửa nhà dân hé mở, rồi nhiều cánh cửa mở ra, đầu tiên là người già rồi tất cả các cô các mẹ, trẻ nhỏ. Ánh mắt nghi ngại thăm dò thành cởi mở. "Các ông Cộng sản hiền khô à", chúng tôi vui sướng bối rối. Và chúng tôi được biết, nghe tiếng rít của xe tăng cùng loạt đạn thị uy của bộ đội, lính bên kia đã lột hết quân phục súng ống vất đầy đường chạy trốn. O du kích kể thế rồi nhìn chúng tôi kĩ lắm: "Bộ đội cũng là người mình thôi, thế mà"... Sao cơ? Ôi ra là bọn "tâm lí chiến" chẳng biết trình độ thế nào, tự nhận "thế giới tự do", tuyên truyền lính Cộng Sản sống trong rừng có "đuôi", dã man và vân vân... nhiều lắm. Tôi đã hiểu được ánh mắt khiếp sợ của người dân chạy loạn. Tôi quay một vòng cho em ngắm cái "đuôi" rồi cùng cười, tin cậy. Lần đầu gặp các cô gái nơi đây chúng tôi không khỏi lạ lẫm, trang phục mỏng tang không kín đáo như phụ nữ ngoài Bắc, chẳng biết nhìn vào đâu, nói chuyện với em tôi cứ nhìn mãi cái núm đồng tiền có nốt ruồi thật lạ, duyên dáng.
Cậu liên lạc tìm tôi báo lên gặp thủ trưởng. Chuyện là các mẹ các chị xin phép mời cơm đơn vị. Điện báo cáo cấp trên trả lời: "Đơn vị tự nghiên cứu quyết định". Nhận lời hay không? mấy anh em vắt óc suy nghĩ. Trong không khí thân tình này thật khó từ chối. Những bóng áo rằn ri mấy giờ trước còn làm chủ nơi đây, mấy ngày trước nghe tin quân Giải phóng dân còn chạy loạn, vừa xong là xem bộ đội có "đuôi" không? Căng thẳng. Tôi đã phần nào đoán được quyết định của chính trị viên đại đội, có thấy các anh nuôi nấu nướng gì đâu. Và cũng tin vào lòng dân nơi "thành đồng Tổ quốc", tôi xin phép ủng hộ. Cuối cùng anh Tác đứng ra nhận trách nhiệm trước Đảng, Quân đội. Lệnh đồng ý mà lo canh cánh. Về hội ý với trung đội xong là các má các chị đem cơm đến. Dọc theo con phố là bữa cơm ấm áp chắc trong đời chỉ một lần gặp của gần trăm lính. Tôi thì bốn năm rồi chưa có còn các anh tôi là lâu hơn nữa, nhưng sao tôi lại thương lắm các em lính trẻ, mình chịu mãi quen rồi. Muốn giành đứng cảnh giới thay chúng nó mà không thằng nào chịu.
Mỗi mâm ăn có một o một chị ngồi cùng chúng tôi. Và tôi biết được cách nói "bới cơm vào chén" thật dễ thương. Ngồi cùng chúng tôi lại là cô gái với nốt ruồi nơi lúm đồng tiền. Vừa mời cô vừa nhanh tay ăn trước hết lượt thức ăn trên mâm. Hơi "hỗn", lính tôi ngạc nhiên lắm còn tôi xấu hổ, chắc cô biết sự nghi ngại dành cho bữa ăn này. Cá thịt đủ và cả rượu bia nhưng chúng tôi không uống, ngon nhất là đĩa rau muống xào tỏi. Nỗi lo lắng trong lòng làm tôi dường như nuốt vội, thần hồn nát thần tính đến nỗi khi nghe mời "ăn ké" mà giật mình sao cô ấy biết biệt hiệu "Voi ké" của tôi có từ thời huấn luyện? Nhìn khúc cá vàng ươm được tiếp vào chén mới tự cười mình. Mọi chuyện hình như rất ổn.
Chẳng có nhiều thời gian, cậu liên lạc nháy tôi lên ban chỉ huy và vì là người ủng hộ Chính trị viên đại đội nên tôi được mang súng ngắn của anh C trưởng cùng anh Tác đến cảm ơn đại điện nhân dân. Ấm áp quá, có cả nước mắt. Chắc người dân thương lắm những gương mặt hốc hác tái xanh sốt rét, còn chúng tôi nhận được tình cảm yêu thương vậy bao gian khổ như đã được bù đắp rồi. Tuy An ơi. Mang trong lòng nghĩa tình ấy đơn vị lưu luyến chia tay bà con lên đường, "Tiến về Sài Gòn ta tiến về thành đô". Hoà bình gần lắm rồi. Hôm đó là ngày 1 tháng Tư - Bảy nhăm. Rời Tuy An lính bộ binh lại được ngồi xe, nhưng im ắng lắm. Chắc đều giống tâm trạng tôi, nhấm nháp tình thân gia đình vừa được hưởng, mạnh thêm ý chí tiến công.
Ngồi trên xe mới có thời gian cho tôi nhớ, ăn vội và lo lắng có để ý gì đâu, thức ăn ngon quá, đồng đội vui quá, và mới nhớ chưa chia tay cô gái Tuy An với nốt ruồi nơi lúm đồng tiền khoé miệng. Gương mặt lo lắng, nghi ngờ khó đăm đăm của tôi lúc ấy chắc làm em ngại lắm. Gần 50 năm qua rồi, tôi ước gặp lại em, tôi sẽ nhận ra ngay nốt ruồi rất dễ nhớ ấy. Và ở tuổi ông bà rồi, tôi vẫn muốn được hạ giọng nói: "Cảm ơn Tuy An, xin lỗi em".
Chuyện Làng quê