"Núi thả bùa mây trắng" là tập thơ thứ 3 của Phạm Quỳnh Loan, sau hai tập "Đàn bà tuổi 50" 2017 và "Bóng núi" 2018 đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản. Trong ''Bóng núi''- tập thơ thứ hai của mình, người ''Đàn bà tuổi 50'' Phạm Quỳnh Loan không còn trẻ cũng chưa hẳn già, nghĩa là đang bước vào độ chín chắn về tình đời, tình yêu, đã thổ lộ:
"Khát tôi một ánh trăng suông
Tìm trong bóng núi một vuông vắn mình
Chim kêu vỡ ánh bình minh
Núi vờn bóng núi, tôi hình hài tôi''.
Nếu như trong '' Bóng núi '' - bóng quê hương xứ sở, Phạm Quỳnh Loan qua thi ca mới nhận ra bóng dáng mình, thì đến ''Núi thả bùa mây trắng", cái ''vuông vắn mình'' và cái ''hình hài tôi'' đã được chị thức nhận và giãi tỏ ở một cấp độ mới và sâu đằm bằng trái tim của một nữ sĩ đa cảm và giàu lòng nhân ái. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về tập thơ thứ ba ''Núi thả bùa mây trắng'' của chị. Nói như vậy cũng có nghĩa là trên con đường thi ca cao sang và đầy nhọc nhằn, Phạm Quỳnh Loan đang có bước đi chắc chắn và rất đáng trân trọng.
Thơ là sự tự bộc lộ mình một cách trực tiếp, tức là con người tự cảm thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩa, cảm xúc chủ quan đối với xã hội và nhân sinh. Đó chính là cái tôi trữ tình của chủ thể sáng tạo cảm xúc thông qua tâm hồn - nhịp tim dân tộc gắn liền với những cái chung của tồn tại con người, được tổ chức bằng một kiểu ngôn ngữ đặc biệt. Nếu quan niệm về thơ như vậy, thì ta thấy trong ''Núi thả bùa mây trắng'', cái tôi trữ tình của Phạm Quỳnh Loan được thể hiện đậm đà ở hồn cốt dân tộc, với một giọng điệu riêng bằng ngôn ngữ mang sắc điệu miền núi khá tự nhiên và phong phú, không hề gượng ép, có cá tính rõ nét.
Tôi là người tiếp cận thơ và làm thơ về miền núi từ những năm 60 của thế kỷ trước, vốn rất yêu quý những nhà thơ Cầm Giang, Lương Quy Nhân, Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi, Giàng Páo Ly, Bàn Tải Đoàn, Nông Quốc Chấn..., và đã từng thuộc lòng những câu thơ: ''Tung nắm tấm thành ra đàn gà/ Khua cái chày hoá ra gạo trắng/ Đụng vào cỏ, thì cỏ chết nắng/ Vuốt lên lúa, lúa phải ra bông...'' , trong bài thơ ''Em là con gái Châu Yên'', nên rất có cảm tình với giọng điệu thơ Phạm Quỳnh Loan, đặc biệt là các bài thơ chị viết về các dân tộc Tây Bắc.
Có thể nói hai bài thơ mở đầu tập: ''Lời của núi'' và ''Bùa Tây Bắc'' chính là lời bày tỏ ý đồ nghệ thuật và thông điệp tâm hồn của Phạm Quỳnh Loan. ''Lời của núi'' là lời của thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ Tây Bắc, con người Tây Bắc nồng nàn nhân hậu, hồn nhiên và chan chứa yêu thương. Đó là:
''Núi chồng núi cung đường lượn sóng
Ruộng bắc thang lên tới đỉnh trời
Váy thổ cẩm xoè theo từng nhịp
Trong veo mắt rừng, lù cở ngang mây''.
Và
''Lúa căng mùa con gái
Gió thì thầm thơm ngực sữa non''.
( Lời của núi)
Như vậy thiên nhiên và con người Tây Bắc chính là hình tượng nghệ thuật được Phạm Quỳnh Loan dựng lên thành ''núi''- chủ thể của việc ''thả bùa mây trắng''. Còn ''bùa mây trắng'' là bùa gì và có sức ám ảnh đến đâu, thì đó chính là bùa yêu, được Phạm Quỳnh Loan khắc hoạ khá độc đáo trong một bài thơ năm câu dưới đây:
''Dải lụa mềm ngủ hoang ngực núi
Mắc pém dậy thì rưng rức heo may
Rưng rức cạp váy xanh trong đêm xoè ngũ sắc
Hoa ban trắng trời
Mắc pém bỏ bùa yêu''.
(Bùa Tây Bắc)
Đó là ba đặc sản tiêu biểu của ''Bùa Tây Bắc'': Dải lụa mềm, mắc pém và cạp váy xanh. Đó cũng chính là văn hoá mang đặc thù Tây Bắc, mà hình tượng trung tâm là mắc pém - cúc áo Cỏm của người con gái Thái tạo nên lá bùa yêu hút hồn người, khiến bao người cả trong và ngoài nước rung động. Từ ý đồ nghệ thuật nói trên, Phạm Quỳnh Loan trải lòng mình thổ lộ lòng yêu thương tha thiết đối với quê hương và con người miền Tây bằng những tình thơ và ý thơ sâu lắng.
Đây là tình yêu của chị với quê hương Yên Bái, nơi chị sinh thành:
'' Đứng trên cầu Bách Lẫm
Nghe dòng thời gian miết chảy sông Thao
Những con sóng vỗ ngàn năm thế sự
Vỗ tuổi thơ tôi nắng gió lở bồi
Thương con đò xưa oằn cong mùa lũ
Tháng tám ngày ba chát mặn đồng Cò
Vai áo người vắt mồ hôi nuôi đất
Đất nuôi người đất mở lòng nhân''...
( Yên Bái trong tôi)
Quê hương bao giờ cũng là bến đỗ của tâm hồn. Bến quê là bến tâm hồn, là nơi nương tựa của tình người, tình quê, nhất là khi bước chân ta thập thững trên đất người, xứ người:
''Con trở về bến quê tìm sóng
Sông Thao thắt dòng cuộn chảy
Bách Lẫm vặn dòng đếm bước chân xa''.
(Bến quê)
Bởi ở đó, chị có bao kỷ niệm một thời, những ''ì oạp dòng... mùa trở dạ '' ''Hạ dùng dằng đỏ dọc triền quê '' và ''Cánh cò bì bõm ngược mưa/ Bài tập vỡ lòng run nét chữ ngày xưa'', rồi ''Cọng tép gầy ướp trắng muối thời gian'', ''Ngọt tuổi thơ hoa mua tím lịm'', v.v…
Còn đây là tấm lòng thành kính sâu sắc của chị với người cha làm nghề ''Trồng người'' mà sau này chị đã kế nghiệp ông:
''Khói hương trắng trở vành sương
Trở bao mùa Yên Bái
Bóc vỏ Giới Phiên, Minh Quân, Âu Lâu, Phúc Lộc
Hạt nảy mầm cha ươm từ phấn bụi
Từ bảng đen nở những ánh người''.
(Với cha)
"Ươm hạt nảy mầm từ phấn bụi" và "nở những ánh người từ bảng đen" là hình tượng thơ rất mới thể hiện công lao của người thầy giáo. Không có trải nghiệm nghề nghiệp và sự liên tưởng phong phú không thể viết được những câu thơ như thế.
Và đây là tình yêu thương sâu thẳm chị dành cho mẹ:
''Nắng còm len lén song thưa
Cỏ trơ dáng cỏ chát chua đồng Cò
Sóng xô quặn thắt lòng đò
Thương ve cuối hạ bên hồ tan canh...
Thời gian bỡn cợt dốc trôi
Liêu xiêu dáng mẹ chơi vơi bóng chiều''.
(Mẹ tôi)
Quê hương ấy, những con người ấy đã gắn bó thiết tha với Phạm Quỳnh Loan. Nhưng cuộc đời đâu có phẳng lặng êm trôi, bao trắc trở, trái ngang làm ta khó có thể cưỡng lại được. Ngày chia xa quê hương đã để lại trong lòng Phạm Quỳnh Loan bao ẩn ức xa xót:
''Đường Yên Ninh mùi hoa sữa lả lơi
Một khoảng trời nhớ thương còn dang dở
Một đôi mắt thẳm sâu nhiều chất chứa
Một con tim... đang khát đến dại khờ''.
(Chia xa)
Rời xa phố núi, Phạm Quỳnh Loan về thành thị giữa trưa hè
''Cõng cái nắng như rang mang theo về thành nội/ Đường phố chật như nêm bước chân trần lặn lội” (Nỗi niềm), ở trong một căn phòng hai mươi mét vuông ''Không ti vi máy lạnh chẳng đệm giường'', với hy vọng ''Muốn chắp cánh ước mơ tìm con đường rộng mở”. Giờ đây, chị đang gắng sức vượt qua hoàn cảnh mới “Ghé vai gồng vít nỗi niềm đau” để ổn định cuộc sống và đến với thi ca như một đam mê tự thân.
''Núi thả bùa mây trắng'' của Phạm Quỳnh Loan là tập thơ thể hiện tình yêu thương sâu đậm đối với thiên nhiên và con người Tây Bắc nói chung và quê hương Yên Bái nói riêng, cùng những nỗi niềm thầm kín của một thiếu phụ trẻ trung xinh đẹp đa cảm đa đoan trước cuộc đời. Tiếng thơ chị đã để lại nhiều đọng lắng trong lòng tôi. Tôi yêu tiếng thơ đó và mong nhiều bạn đọc cùng tôi đồng cảm, sẻ chia với tình cảm ưu ái và rộng mở.
Q.H
Phố Vương Thừa Vũ - Hà Nội