Bùi Văn Dung nổi danh với lời hai ca khúc “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào”: Bài 2: Người đầu tiên đưa vào thi ca hình tượng “Em - cây thông xanh…”

Bùi Văn Dung là nhà thơ tài hoa được nhiều người mến mộ bởi thơ ông rất có hồn, mỗi bài thơ của ông đều truyền tải những thông điệp ý nghĩa, lời thơ ngọt ngào, đậm chất trữ tình.

 

Những ấn phẩm thơ của tác giả Bùi Văn Dung tặng tác giả bài viết

Bài 2: Người đầu tiên đưa vào thi ca hình tượng “Em - cây thông xanh…”

Thi sĩ Bùi Văn Dung bộc bạch nhớ về bối cảnh ra đời bài thơ “Gửi nắng cho em”: Sài Gòn tháng 12/1975 vừa tròn tám tháng sau ngày giải phóng miềm Nam, thống nhất đất nước khi đó với quân hàm Thượng úy. Những chàng lính Bắc chúng tôi, phần lớn chưa được về phép. Ngày chủ nhật thường gặp nhau "cải thiện" bữa ăn và nói với nhau những dự định khi được ra Bắc về thăm gia đình. Trưa hôm đó, sau khi cơm nước xong, mấy anh em chúng tôi ngồi nghe bản tin thời sự lúc 12 giờ trưa. Giữa lúc trời Sài Gòn  Phương Nam nắng chói chang thì Miền Bắc lại là mùa đông rét bút. Cuối bản tin là dự báo thời tiết, chúng tôi không ngờ là cùng một dải đất hình chữ S mà mùa đông xứ Bắc lạnh cắt da, cắt thịt, còn ở đây là mùa đông ấm áp lạ thường.


Một ai đó bỗng nói, ở đây thì thừa nắng mà ngoài mình thì lạnh đến gần không độ, giá gửi được ít nắng ra ngoài ấy nhỉ… ? Chộp được cái tứ "Gửi nắng" thế là tôi ngồi vào bàn, chỉ sau 15 phút , bài thơ "Gửi nắng cho em" được viết xong. Tôi gọi anh em lại, đọc cho mọi người cùng nghe. Mấy cậu có vợ rồi thì nhảy cẩng lên tán thưởng, mọi người đều giục tôi gửi ngay cho báo "Sài Gòn giải phóng" tờ nhật báo lớn nhất miền Nam lúc đó. Ngay sáng hôm sau bài thơ "Gửi nắng cho em" được đăng trên trang 3 báo "Sài Gòn Giải phóng".

Cựu chiến binh, Nhà thơ Bùi Văn Dung (bên trái) trao đổi với tác giả bài viết về sáng tác văn thơ. Ảnh: Tiến Dũng.


Bẵng đi một thời gian, tôi cũng không để ý gì đến bài thơ đó nữa. Vì tôi là cộng tác viên ruột của tờ báo, nên tuần nào cũng có thơ được đăng. Mãi đến năm 1976, bài thơ "Gửi nắng cho em" được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi và nhạc sĩ cũng chưa hề gặp nhau. Đến thư từ cũng không có liên lạc vì chẳng ai biết địa chỉ của nhau cả. Cuối năm 1976, qua báo Tuổi trẻ tôi nhận được thư và bản nhạc chép tay của Nhạc sĩ Phạm Tuyên gửi tặng. Từ đó, tôi và nhạc sỹ Phạm Tuyên thường xuyên có thư trao đổi. Và sau này lần lượt các bài thơ của tôi được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc như "Con kênh ta đào”, "Giá em đừng yêu anh"... Tuy nhiên, bài hát "Gửi nắng cho em" sau đó không được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Phải mãi đến năm 1981, khi ra Bắc về học chương trình chính trị cao cấp ở Học viện Chính trị quân đội, đến nhà Nhạc sĩ Phạm Tuyên ở Khương Thượng (Hà Nội), tôi mới được biết lý do. Nhạc sĩ đưa cho tôi xem một số ý kiến phê phán nội dung phần lời của bài hát. Bằng một lối suy diễn rất "ấu trĩ" cho rằng: “Miền Bắc xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, thiếu gì nắng mà phải gửi nắng của miền Nam, trải qua mấy chục năm chủ nghĩa tư bản xấu xa”. Dầu sao, cho đến nay bài hát "Gửi nắng cho em" vẫn được dư luận xã hội chấp nhận, mến mộ.

Sau khi bài thơ “Gửi nắng cho em” được đăng báo và phổ nhạc, ông đã cho ra đời tiếp bài thơ thứ 2 sáng tác về phong trào làm thủy lợi của thanh niên xung phong Tp Hồ Chí Minh năm 1976. Bài thơ: “Con kênh ta đào” sau đó gửi đăng báo Tuổi trẻ TP.HCM và cũng đã được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát “Con kênh ta đào”, được công chúng yêu thích. Khi ấy bài thơ của ông còn được báo Tuổi trẻ TP.HCM in thành tờ gấp phát cho hàng vạn thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Không những vậy, Bùi Văn Dung là tác giả thơ được phổ nhạc khá nhiều: “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào”, “Giá em đừng yêu anh”, “Biên giới này là Tổ quốc”, “Đảng gọi rồi chúng tôi xin có mặt”, “Chào Tổ quốc từ đỉnh cao chiến thắng” (nhạc Phạm Tuyên), “Trăng nguyên” (nhạc Huy Thục), “Tôi ca Vĩnh Tường” (nhạc Xuân Cửu). Nhạc sỹ Phạm Tuyên, người phổ nhạc liên tục sáu bài thơ của Bùi Văn Dung. Trong các bài hát đó đều là một chỉnh thể có sự đồng điệu trong cảm xúc của cả hai tác giả thơ và nhạc, có hình ảnh và nội dung tình cảm phù hợp nhất, rung động lòng người.

Bùi Văn Dung là nhà thơ tài hoa được nhiều người mến mộ bởi thơ ông rất có hồn, mỗi bài thơ của ông đều truyền tải những thông điệp ý nghĩa, lời thơ ngọt ngào, đậm chất trữ tình. Thơ đề cập đến chiến tranh nhưng không hề thấy nỗi mất mát đau thương mà xen vào đó có những tình cảm sâu lắng, chia sẻ, gắn kết động viên nhau giữa tiền tuyến và hậu phương cùng gắng sức tạo nên sức mạnh vượt qua thử thách, gian lao kháng chiến chống quân xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn. Điều đó được thể hiện trong 3 tập thơ “Gửi nắng cho em”, “Nhìn ngoài đôi mắt”, “Trắng mây Tam Đảo” thấm đẫm hồn thơ của chàng trai quê có học với phong vị “triết lý” của Chế Lan Viên, phản phất hồn thơ “trữ tình” của Phạm Tiến Duật, đồng thời pha chút “chân quê” nhưng vượt qua khỏi “Lũy tre làng” của Nguyễn Bính. Qua đó,  Bùi Văn Dung gửi gắm một cách lý giải chiến tranh và lý giải cuộc đời bằng thơ trong những năm gian khổ kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc.

Đặc biệt bài thơ “Gửi nắng cho em”, người chiến sỹ - thi sỹ sau ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước vẫn chắc tay súng, chưa về quê được “Muốn gửi ra em một ít nắng vàng / Nghe đài báo rét kéo dài ngoài ấy / Mùa đã xong, còn chiêm xuân cày cấy / Bà con mình sẽ xoay sở ra sao?”. Thật là trăn trở - nỗi suy tư của một người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ mặc áo lính vẫn canh cánh lo toan với nỗi nhớ nhà da diết “Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm / Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất / Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất / Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em”. Vì hiểu thấu lòng em và “Thương cái rét của thợ cày thợ cấy / Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy”…

Trong bài giới thiệu về “ Nhà thơ Bùi Văn Dung”, tác giả Cao Ngọc Thắng luận giải: Chiến tranh là chia ly, nhưng vẫn chung cuộc đời. Con người, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi đâu, vẫn hướng về quê nhà thao thức, ngóng trông. Tình thương - yêu rất cụ thể, không hào nhoáng, không nệ vật chất. Chia đều nắng là chia đều niềm vui, chia đều chiến thắng, cũng là chia sẻ những năm tháng “chăn đơn gối chiếc” nghiêng nỗi mỏi mòn vời vợi trong hy vọng mỏng manh. Vì, không có em, không có tình em, cũng là tình của quê hương, thì sao anh vượt qua được khói lửa chiến tranh. Một nửa thắng lợi là ở nơi hậu phương quê nhà nâng đỡ; cuộc đời trọn vẹn là mỗi người phải có, nhất định phải có một nửa yêu thương: “Nhìn từ phía nào đây / Bên lên hay bên lặn / Hai phần nửa đời mình / Mới thành trăng đầy đặn” (Trăng nguyên). Tứ thơ ấy chuyển hóa tư duy thơ Bùi Văn Dung và đọng lại ở một câu xuất thần trong bài “Gửi nắng cho em” và có lẽ khi đặt bút viết câu thơ: “Em hãy làm cây thông xanh nghe em”, Bùi Văn Dung không ngờ rằng ông là người đầu tiên đưa vào thi ca hình tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam đến đỉnh cao - cây thông, ngang với vị thế đấng quân tử, điều mà các bậc nho sỹ trước đây và thi nhân đương thời chưa hề nói tới. Dù chủ đích hay không, thì hình ảnh “Em-cây thông” đã hiện lên văn bản, đã “buột” khỏi tầm kiểm soát và không còn là của riêng tác giả nữa, nó có đời sống độc lập trong lòng người yêu thơ - yêu nhạc. Vị thế “Em - cây thông” không vấp phải sự chối từ, bởi người phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã được giải phóng, có quyền tham gia và tham gia đạt hiệu quả trên mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt xuất sắc trong hoàn cảnh chiến tranh.

Cựu chiến binh, Thi sĩ Bùi Văn Dung - “Người chiến sĩ ấy”  từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - với những phẩm chất cao quý không chỉ xứng danh, tô thắm danh hiệu “Bộ đội  Cụ Hồ” mà còn có những tác phẩm thơ đặc sắc đi cùng năm tháng, góp phần làm vẻ vang quê hương, đất nước, làm rạng danh nền thi ca nước nhà.

V.X.B - N.T.D