1. Đặt vấn đề
Làng Vân Điềm, có tên nôm là Kẻ Đóm, xưa thuộc tổng Hà Lỗ, phủ/huyện Từ Sơn (Đông Ngàn), tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, làng Vân Điềm chính thức sáp nhập vào Hà Nội như hiện nay. Đình làng Vân Điềm được xây dựng vào năm Kỷ Mùi (1619), niên hiệu Vĩnh Tộ [4, tr.328], do cụ Nguyễn Thực (1555 - 1637) là người làng, đỗ nhị giáp tiến sĩ năm 1595, từng giữ chức quan thượng thư, tước quận công dưới triều Lê Trung Hưng đã cung tiến, tạo dựng. Năm 2006, Đình làng Vân Điềm đã vinh dự được Nhà nước xếp hạng “Di tích Quốc gia”. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đình đã được tu sửa lớn nhiều lần, đặc biệt năm 2012 đình được trùng tu toàn diện như kết cấu hiện nay với kinh phí từ nguồn ngân sách của Nhà nước.
Xa xưa, đình làng Vân Điềm có kết cấu năm gian gỗ lim rất bề thế, nổi tiếng cả vùng, dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền, ca tụng: “chuông Chờ, trống Chõ, mõ Phù Lưu, đình Kẻ Đóm”. Đình làng Vân Điềm hiện thờ Đức thánh Tam Giang và phúc thần. Vậy, Hoàng hậu - vị phúc thần được thờ phụng cùng Đức thánh Tam Giang là ai? Vị phúc thần này còn được thờ ở những đâu? Tại sao “Hoàng hậu” được thờ tại đình làng Vân Điểm? Việc phối thờ làm phúc thần từ khi nào? Đó là những câu hỏi cần làm sáng tỏ. Dựa trên những tư liệu về sắc phong có được từ đình làng Vân Điềm, kết hợp với nghiên cứu khác, bài viết này cố gắng tìm lời giải cho các câu hỏi trên.
- Đức thánh Tam Giang - thành hoàng làng Vân Điềm
Khi nói đến Đức thánh Tam Giang là nhắc tới hai vị tướng có tên Trương Hống và Trương Hát. Họ được sinh trưởng trong một gia đình thế tộc lớn, mẹ là Phùng Từ Nhan, người làng Vân Mẫu, quận Vũ Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Theo truyền thuyết bà Phùng Từ Nhan chiêm bao thấy thần long quấn mình trên sông Lục đầu, sinh ra bốn người con trai (Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy) và một người con gái là Trương Đạm Lương.
Đức thánh Tam Giang là cách dân gian gọi tắt dựa trên cơ sở mĩ tự sắc phong do vua các thời phong kiến ban tặng “Tam Giang, Khước địch thượng đẳng thần” cho hai vị tướng lẫm liệt Trương Hống và Trương Hát, đã có công lớn chống giặc Lương, cứu nước. Sử sách từng ca ngợi hai vị tướng là những người trung liệt, một lòng tôn kính Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục), khẳng khái khước từ lời đề nghị ra làm quan của Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế), quyết tìm đến cái chết để thể hiện khí tiết trung quân ái quốc, một lòng không thờ hai vua.
Theo tài liệu nghiên cứu Thánh Tam Giang và sự tích thơ thần của tác giả Trần Quốc Thịnh (1990), Nxb. Văn hóa thông tin - Thể thao Quế Võ, Đức thánh Tam Giang hiện được thờ ở 295 làng [11, tr.63-67] dọc theo lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ và khu vực lân cận. Theo Tục lệ này cho thấy truyền thống văn hóa, tín ngưỡng bản địa thờ thần sông nước và tinh thần ngợi ca anh hùng dân tộc. Đình làng Vân Điềm cũng thuộc một trong số những làng cổ thờ Đức thánh Tam Giang thuộc khu vực vừa nêu.
3. Hoàng hậu - vị phúc thần thờ tại đình làng Vân Điềm là ai?
Theo tài liệu Quyển cúng các ngày lễ tết trong năm của làng Vân Điềm, bên cạnh việc thờ thánh Tam Giang, đình làng Vân Điềm còn thờ Hoàng hậu. Trong bản Thần tích - Thần sắc, của làng Vân Điềm kê khai, báo cáo gửi lên Viện Viễn Đông Bác Cổ, phần “Khảo cứu phong tục làng Vân Điềm” cho thấy đương thời có sự lúng túng nhất định về việc thờ cúng Thành hoàng làng, báo cáo có đoạn: “Khi còn sinh thời Ngài thì đã lâu đời quá rồi, chúng tôi không lấy duyên cớ gì mà tra cứu được! Trước khi thờ Ngài cũng cũng lâu đời quá rồi chúng tôi không thể nào tra cứu được” [9].
Có ý kiến suy đoán: “Hoàng hậu được thờ ở đình làng có thể là Lý Chiêu Hoàng, vợ của vua Trần Cảnh”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy không có nội dung sắc phong nào lưu giữ tại đình làng và các văn bản liên quan đến việc thờ cúng tại đình làng nhắc đến các mĩ tự gắn với nhân vật Lý Chiêu Hoàng. Như vậy, ý kiến suy đoán vừa nêu trên hoàn toàn không có minh chứng, cơ sở khoa học.
Ý kiến khác lại cho rằng: “Hoàng hậu được thờ tại đình làng là vợ của thánh Tam Giang”. Tuy nhiên, với suy luận logic, tác giả bài viết này không nhất trí với quan điểm trên. Bởi lẽ, theo cách xưng hô thời phong kiến, đã gọi là Hoàng hậu tức là vợ vua, chứ không thể là vợ một vị tướng hay một vị quan lại nào khác. Trong khi đó, thánh Tam Giang sinh thời chỉ là hai vị tướng, mất mới hóa thánh. Trường hợp này cũng không phải ngoại lệ, do đó tên gọi Hoàng hậu quyết phải là vợ vua.
Ý kiến khác lại phỏng đoán rằng: “phải chăng là một Hoàng hậu nào đó từng bị giáng chức xuống phi”. Trong lịch sử thì sự kiện vô cùng phong phú. Tuy nhiên, ở góc độ tâm linh, nhân vật được chọn làm phúc thần để dân làng thờ phụng thì nhất định phải là người có công lao, đức hạnh to lớn, chứ không thể là người bị kỷ luật, giáng chức. Do đó, trường hợp phỏng đoán nêu trên không thật phù hợp, thiếu xác đáng.
Vậy, Hoàng hậu được thờ tại đình làng Vân Điềm, cụ thể là ai?
Tra cứu quyển “Đồng niên tế thần nghi tiết” hiện lưu giữ tại đình làng Vân Điềm, phần mĩ tự (tên hiệu do vua phong tặng) cho Thánh Tam Giang và Hoàng hậu, có đoạn: dành cho thánh Tam Giang “Đương cảnh thành hoàng Tam Giang, Khước địch, Hiển liệt, Anh duệ, Phù ứng, Đại vương. Hoàng triều sắc phong An Nghĩa, Chương linh, Hiển liệt, Biểu trung, Kiệt tiết, Trác vĩ, Dực bảo, Trung Hưng, Thượng đẳng thần”; và dành cho Hoàng hậu: “Hoàng hậu, Nhu gia, Trinh tư, Thục hạnh, Phi nhân” [2]. Qua đoạn sắc phong dành cho Hoàng hậu vừa trích dẫn, đã hé lộ một manh mối quan trọng. Đây là trường hợp rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ đã là hoàng hậu sao lại còn là phi ?. Manh manh mối này khiến tác giả bài viết đưa ra giả thuyết rằng: Phải chăng đây là một cung phi được vua sủng ái mà truy tặng tên hiệu “Hoàng hậu” khi bà mất?. Qua tham chiếu nội dung sắc phong cho Hoàng hậu với nội dung Thần phả được dịch từ nguyên văn chữ Hán trong bài viết “Bước đầu tìm hiểu tập văn tế đền thờ Đức Vua bà thôn Quả Cảm, xã Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh”, tác giả Mai Xuân Hải (Viện nghiên cứu Hán Nôm) và Nguyễn Quang Trung (Viện Sử học) có đoạn: “…Đức Bà là người xã Quả Cảm vậy. Đức Bà sinh vào năm Thiên Ứng Chính Bình đời Trần (1234). Bà có dung nghi đẹp đẽ, phong thái khác thường… Bà là Hoàng phi cung thứ ba, được hưởng bổng lộc 72 trang ấp… Công lao của bà thật to lớn… Bà bị bệnh mất, Nhà vua khóc lóc và làm lễ an táng truy tặng là “Hoàng hậu”, cho phép dân trang phụng thờ làm phúc thần, sai các quan binh mã, tượng đưa về An lăng, ở địa đầu núi Hoàng Đệ xã Quả Cảm an táng ” [16].
Như vậy, nội dung trong đoạn Thần phả đã trả lời cho câu hỏi đặt ra, làm sáng rõ trường hợp vừa là Hoàng hậu vừa là phi ghi tại nội dung sắc phong phần mĩ tự trong cuốn Đồng niên tế thần nghi tiết hiện lưu giữ tại đình làng Vân Điềm.
Theo các nguồn tư liệu đã dẫn ở trên, thì Hoàng phi - Hoàng hậu là người làng Quả Cảm (Bắc Ninh), sinh thời bà là người có dung nhan tuyệt sắc, với đủ các phẩm chất cao quý (tam tòng, tứ đức) công dung ngôn hạnh, đồng thời có tài ca múa nên bà còn được thờ với tư cách là thủy tổ Quan họ tại đền làng Viêm Xá (làng Diềm). Bà là vợ vua Trần Thái Tông (trị vì 1278-1333), bị mắc bệnh nên mất sớm, vua vô cùng thương tiếc, tổ chức an táng ngay tại quê hương Quả Cảm nơi bà sinh ra và lớn lên, được nhân dân suy tôn là Đức Vua Bà.
Các tác giả của công trình nghiên cứu “Bước đầu tìm hiểu tập văn tế đền thờ Đức Vua bà thôn Quả Cảm, xã Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh” đã tiến hành tra cứu nội dung các sắc phong, bản kê sự tích đức thánh làng Quả Cảm, bản kê sự tích của làng Viêm Xá và Văn tế cho thấy: “Giáp Ngọ chính là năm sinh của Bà Chúa Quả Cảm - Đức Vua Bà theo thần phả tức là năm Thiên Ứng Chính Bình (1234) đời vua Trần Thái Tông (Cảnh) (1225-1258)” [16]. Cũng theo hai tác giả này, trong phần dịch tập Phụng tế thần văn có ghi lại Tự điển Đại vương duệ hiệu của hai vị thành hoàng là Đức thánh Tam Giang và duệ hiệu (tức mĩ tự) của Vua Bà làng Quả Cảm “là điều hiếm có trong lịch sử Việt Nam” [16].
Qua phân tích, so sánh và tổng hợp các nguồn tư liệu, tham chiếu với nội dung bài viết của hai tác giả đã dẫn, kết quả nghiên cứu cho thấy Vua Bà, Hoàng hậu, Đức Giáp Ngọ chỉ là những cách gọi khác nhau về một người. Bà sinh năm Giáp Ngọ (1234), người làng Quả Cảm, Bắc Ninh, là vợ vua Trần Thái Tông, được thờ cúng từ thời Trần tại làng Quả Cảm và làng Viêm Xá, ngay sau khi bà qua đời. Trường hợp phối thờ Hoàng hậu (Vua bà) làm phúc thần cùng với thờ thánh Tam Giang ở đình làng Vân Điềm thì chỉ có thể liên hệ với nội dung sắc phong và các bài cúng tế trong quyển Đồng niên tế thần nghi tiết và Quyển cúng các ngày lễ tết trong năm lưu giữ tại đình làng Vân Điềm. Vấn đề phối thờ ở đình làng Vân Điềm tại thời điểm chính xác nào vẫn là câu hỏi mở, cần được tiếp tục nghiên cứu.
Trong báo cáo năm 1938 của làng Quả Cảm gửi lên Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội) ghi rõ ngày mồng Sáu tháng Tám là ngày Đại kỳ phước toàn dân dự (tức ngày kỵ nhật của Đức Giáp Ngọ - Vua bà - Hoàng hậu) [8].
4. Tại sao “Hoàng hậu” được thờ tại đình làng Vân Điềm? Việc phối thờ làm phúc thần từ khi nào?
Vấn đề tại sao Hoàng hậu (Vua Bà) được thờ ở đình làng Vân Điềm, hiện chỉ có thể liên hệ với bối cảnh lịch sử, ranh giới địa lý tỉnh thành trước đây và quan niệm tín ngưỡng dân gian để diễn giải hiện tượng này mà thôi. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta đã bắt gặp không ít những nhân vật nữ được nhân dân tôn thờ tại đền, miếu, đình, chùa như: Tiên Dung, Hai Bà Trưng, Lê Chân, Bà Triệu, Bà Tấm (Nguyên Phi Ỷ Lan), … Hiện tượng thờ nữ anh hùng dân tộc, những người có đức hạnh cao quý đã không còn xa lạ trong văn hóa truyền thống của người Việt. Trước năm 1961, Vân Điềm thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nằm cách không xa với làng Quả Cảm và làng Viêm Xá đều thuộc tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng, cùng tỉnh Bắc Ninh nên có chung nét văn hóa truyền thống và việc thờ cúng có điểm tương đồng cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, Bà là người có đức hạnh cao đẹp, có tài múa hát, vua từng truy tặng danh hiệu “Hoàng hậu” khi mất, từng được nhân dân trong vùng tôn sùng gọi là Vua Bà nên việc dân làng chọn làm phúc thần để phụng thờ là hoàn toàn phù hợp với tín ngưỡng bản địa truyền thống. Những lý giải chi tiết về vấn đề này, cần có một công trình nghiên cứu sâu hơn, minh chứng cụ thể hơn.
Việc phối thờ phúc thần (Hoàng hậu - Vua Bà) cùng với các vị Thánh có thể do triều đình phong kiến giao nhiệm vụ thờ cúng, cũng có thể bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử cụ thể của địa phương, tín ngưỡng của cộng đồng bản xứ. Theo các cụ cao tuổi trong làng (như cụ Độ, cụ Phiên, cụ Sách…) sinh thời cho biết: “trước đây Vân Điềm có đền thờ ở phía sau đình làng, đất xây chùa hiện nay”. Khảo sát nội dung câu đối cổ nhất hiện còn lưu giữ tại đình làng cũng cho thấy Vân Điềm từng có đền thờ: “Miếu mạo ngật trung thiên…” (Đền miếu cao ngất giữa trời…).
Không biết từ bao giờ, ngôi đền không còn nữa. Tuy nhiên, với nội dung phản ánh trong câu đối cổ kể trên và những câu chuyện của các cụ cao tuổi trong làng truyền lại, có thể khẳng định làng Vân Điềm từng có đền thờ cổ nằm phía sau đình làng hiện nay. Liên hệ với việc thờ cúng Vua Bà tại đền làng Quả Cảm và thờ Đức Giáp Ngọ tại đình làng Viêm Xá (Bắc Ninh) tác giả bài viết có thể đưa ra giả thuyết rằng: phải chăng Hoàng hậu - Vua Bà cũng từng được thờ tại đền làng Vân Điềm trước đây; Sau này khi không còn đền, khoảng đầu thời Nguyễn dân làng đã rước Hoàng hậu - Vua Bà từ đền vào đình làm phúc thần và được phối thờ cùng Đức thánh Tam Giang như hiện nay.
Khảo sát phần hậu cung đình làng cho thấy, hiện tại đang thờ hai ngai với hai bộ y phục màu đỏ và màu vàng, một ngai thờ thánh Tam Giang và một ngai thờ Hoàng hậu. Chiếc ngai có kích thước lớn hơn 1cm so với chiếc ngai còn lại, phủ mặc y phục có mũ, hia màu đỏ (dành cho tướng) thờ Đức thánh Tam Giang; chiếc ngai nhỏ hơn, phủ mặc y phục có mũ, hia màu vàng (dành cho Vua) thờ Hoàng hậu - Vua Bà. Như vậy, thực tế cho thấy vấn đề thờ cúng rất logic, ngai cao to thờ Đức thánh với màu đỏ dành cho tướng; ngai thấp nhỏ hơn thờ Vua Bà với màu vàng dành cho bậc đế vương. Thời phong kiến, sắc phục trong triều đình được quy định rất chặt chẽ, màu xanh dành cho quan văn, màu đỏ dành cho quan võ, màu vàng (trung ương, thuộc hành thổ) chỉ dành riêng cho vua.
Quyển Thần tích - Thần sắc (chữ viết tay năm 1938) của làng Vân Điềm, nộp tại Viện Viễn Đông Bác Cổ thời Pháp thuộc, tài liệu này tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội có ký hiệu FQ 418/II, 47, đã kê khai phong tục của làng Vân Điềm và thống kê số lượng 05 đạo sắc phong tại thời điểm đó, cụ thể:
Stt |
Niên hiệu |
Triều đại |
Ghi chú |
1 |
Năm Tự Đức thứ 3 |
Thời Nguyễn |
Hiện đã bị thất lạc |
2 |
Năm Tự Đức thứ 33 |
Thời Nguyễn |
Hiện đã bị thất lạc |
3 |
Năm Đồng Khánh thứ 2 |
Thời Nguyễn (1887) |
|
4 |
Năm Duy Tân thứ 3 |
Thời Nguyễn (1909) |
|
5 |
Năm Khải Định thứ 9 |
Thời Nguyễn (1924) |
|
Đáng tiếc, do hoàn cảnh chiến tranh và nạn trộm cắp cổ vật, đến nay chỉ còn lại 03/05 đạo sắc phong thời Nguyễn được lưu giữ tại đình làng Vân Điềm.
Với lòng kính ngưỡng công huân và phẩm hạnh của Đức thánh - Phúc thần được thờ tại đình làng Vân Điềm, và cũng là cách để dân làng địa phương dễ ghi nhớ công ơn các vị được thờ tại đây, tác giả bài viết này đã phụng soạn một đôi câu đối gắn liền với các mĩ tự do vua sắc phong cho các ngài:
- Tam Giang1 hùng thánh huân thùy đỉnh
- Thục Hạnh2 nữ hoàng đức trạch chung
Dịch nghĩa: - Hùng Thánh Tam Giang công ghi đỉnh
- Vua Bà Thục Hạnh đức thấm chuông
5. Tạm kết
Qua vấn đề tìm hiểu về các vị thánh - thần được thờ tại đình làng Vân Điềm, bài viết rút ra một số kết luận sau:
1. Các vị thánh được thờ tại đình làng Vân Điềm là Đức thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) hai vị tướng có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Lương, dựng nhà nước Vạn Xuân, hiện được thờ tại 295 làng thuộc lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ;
2. Hoàng hậu thờ ở đình làng Vân Điềm, Vua Bà thờ ở đền làng Quả Cảm, Đức Giáp Ngọ thờ ở đình làng Viêm Xá là một, vợ của vua Trần Thái Tông. Bà sinh năm Giáp Ngọ (1234), là cung phi thứ ba của vua Trần Thái Tông, được vua rất sủng ái, truy tặng “Hoàng hậu” khi mất, được phụng thờ làm phúc thần. Dân gian tôn sùng gọi bà là Vua Bà. Như vậy, Hoàng hậu, Vua Bà và Đức Giáp Ngọ chỉ là những cách gọi khác nhau về một người, được tôn làm thành hoàng hoặc phúc thần khi thờ cúng;
3. Xa xưa, làng Vân Điềm từng có ngôi đền nằm ở phía sau đình làng, địa điểm chùa làng hiện nay. Đình làng Vân Điềm (1619) thờ Đức thánh Tam Giang và phúc thần Hoàng hậu (Vua Bà) là hiện tượng phối thờ sau này, có thể từ thời Nguyễn, khi không còn đền. Ngai lớn phủ mặc y phục màu đỏ thờ thánh Tam Giang; ngai nhỏ hơn phủ mặc y phục màu vàng thờ Hoàng hậu (Vua Bà);
4. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng nói chung, thờ Đức thánh - phúc thần đều là những nhân thần, người có công với nước, người có phẩm chất cao quý như ở đình làng Vân Điềm nói riêng, phản ánh rõ nét văn hóa tín ngưỡng tôn vinh truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Nhân đây, tác giả bải viết xin đề xuất với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan sớm có kế hoạch di chuyển chùa làng đến địa điểm mới để trả lại mặt bằng, phục dựng lại ngôi đền cổ trong quần thể di tích lịch sử của làng.
Chú giải:
1. Tam Giang là mĩ tự (tên hiệu) vua các thời sắc phong cho các vị tướng Trương Hống và Trương Hát. Đây là hai vị thánh uy linh lẫm liệt: “Tam Giang, Khước địch thượng đẳng thần” nên trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi khi vận nước bị lâm nguy bởi giặc ngoại xâm, thì các triều đại phong kiến đều cầu đến sự hiển linh, trợ giúp của các ngài.
2. Thục Hạnh là mĩ tự do vua sắc phong cho Hoàng hậu (Vua Bà): “Hoàng hậu, Nhu gia, Trinh tư, Thục hạnh, Phi nhân”. Sinh thời, bà là người có sắc đẹp tuyệt trần, có tài múa hát, có đủ các phẩm chất cao quý, tam tòng, tứ đức, được vua Trần Thái Tông truy tặng “Hoàng hậu” sau khi mất, sắc dụ cho làng Quả Cảm thờ bà làm phúc thần. Bà còn là Thủy tổ quan họ của làng Viêm Xá (làng Diềm), Bắc Ninh.
Thời xưa, chỉ những bậc có công huân rực rỡ, đức hạnh phi phàm mới được ghi tạc vào chuông, đỉnh để muôn đời ghi nhớ.
Vân Điềm, ngày 17 tháng 11 năm 2022