Cần chuẩn mực trong việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt trên phát thanh, truyền hình

    Ths. Trần Thị Bích Thủy (Trường Chính Trị Trần Phú Hà Tĩnh)

06/05/2023 19:30

Theo dõi trên

Lịch sử phát triển của loài người, chứng minh rõ vai trò và tác dụng của ngôn ngữ. Cùng với sự phát triển của tư duy, của ý thức, ngôn ngữ đã góp phần hoàn thiện con người, phân biệt con người với con vật.

phatthanh-1683376156.jpg
Phát thanh viên. Ảnh: internet

Khi nhận diện một dân tộc, ngôn ngữ thường được coi là một trong những tiêu chuẩn chính. Ngôn ngữ góp phần làm nên bản sắc của một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Như khi nói về ngôn ngữ Ý người ta nghĩ ngay đến ngôn ngữ của tình yêu đôi lứa, ngôn ngứ Tây Bna Nha là ngôn ngữ chính trị, Ngôn ngữ Pháp là ngôn ngữ văn học, Ngôn ngữ Nga là tổng hòa của cả ba ngôn ngữ Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Trong suốt lịch sử lâu dài đấu tranh vì chủ quyền dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước, chúng ta có thể hình dung dân tộc Việt Nam ta đã phấn đấu gian khổ như thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trước âm mưu của các thế lực ngoại bang muốn diệt chủng về sắc tộc, đồng hóa về ngôn ngữ và văn hóa.

Ngôn ngữ là một trong những nhân tố hợp thành quan trọng, góp phần làm nên cái nền tảng về giá trị, bản sắc, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc; bởi lẽ nó liên quan đến ý thức xã hội, ứng xử và giao tiếp xã hội, cũng như các kết quả hoạt động vật chất và tinh thần của con người trong xã hội. Nên ngay từ rất sớm, khi đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt như Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1960, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát động phong trào giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Sau này, vào các năm 1979, 1999, cố Thủ tướng lại có nhiều bài viết nói về nội dung này mang tính khoa học, sâu sắc, có tính định hướng cụ thể.

Khi nói đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, trước hết cần thấy rằng đó là một công việc bình thường, tự nhiên và thường xuyên, lâu dài trong suốt cả quá trình phát triển của tiếng Việt từ trước tới nay và từ nay về sau, nhằm bảo vệ và phát huy cái bản sắc, cái tinh hoa của tiếng Việt.

Trong quá trình phát triển lâu dài, không có một ngôn ngữ nào trên thế giới lại không có sự tiếp xúc, vay mượn với ngôn ngữ khác, cho dù đó là những ngôn ngữ rất lâu đời, rất phát triển. Vì thế, mọi ngôn ngữ đều cần có sự tác động tích cực của con người, của xã hội, của nhà nước, để bảo vệ và phát huy sự trong sáng vốn có của ngôn ngữ đó, trước những hiện tượng vay mượn ồ ạt ngôn ngữ nước ngoài, tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.

Trong các loại hình báo chí, phát thanh là loại hình có ưu thế, thông tin nhanh, quá trình tiếp nhận dễ dàng, phương tiện nghe đơn giản, hình thức thông tin sống động nhờ sử dụng hiệu quả các phương tiện lời nói, tiếng động, âm nhạc. Chính bởi những ưu thế này, phát thanh ngày nay được coi là kênh truyền thông có vai trò quan trọng hàng đầu trong đời sống hiện đại.

Kể từ khi truyền hình xuất hiện vào đầu thế kỉ thứ XX và phát triển với tốc độ như vũ bão nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, tạo ra một kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày nay, truyền hình là phương tiện thiết yếu cho mỗi gia đình, mỗi quốc gia, dân tộc. Cùng với phát thanh, truyền hình trở thành công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa cũng như các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng. Nhận thức được tầm quan trọng của hai loại hình truyền thông này, ngày 5/11/2016, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt". Trong cuộc hội thảo đó, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành khẳng định sự giàu đẹp của Tiếng Việt, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan. Song những người tâm huyết với sự nghiệp gìn giữ và phát huy tiếng Việt đã thẳng thắn nêu ra thực tế hiện nay ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Đáng báo động là không có nhiều các nhà khoa học, những người có kinh nghiệm, tâm huyết quan tâm sâu sát, phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó.

Các học giả, các nhà quản lý trực tiếp tham gia hội thảo đã đề nghị các nhà quản lý các cấp, các nhà khoa học, nhà báo cần nghiêm túc đánh giá, khẳng định những ưu điểm, thành tựu, đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, các cơ quan báo chí và nhà báo từ kết quả, bài học của Hội thảo này, cần quan tâm hơn nữa, có hành động thiết thực hơn nữa trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, để mỗi tác phẩm ra đời đạt được sự chuẩn mực về ngôn ngữ, về tiếng Việt.

Tuy nhiên, trong 7 năm qua, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là đài phát thanh và truyền hình từ trung ương đến địa phương chúng ta thấy rõ một thực tế là cách sử dụng tiếng Việt tùy tiện, vay mượn quá nhiều từ nước ngoài (đặc biệt là tiếng Hán) trong khi vốn từ để nói về nội dung ấy trong kho tàng Tiếng Việt rất phong phú, đa dạng, miêu tả đúng bản chất sự vật hiện tượng.

Ví dụ: - Khi nói về việc nguyên thủ quốc gia mình chiêu đãi nguyên thủ quốc gia nước ngoài có quan hệ đặc biệt với Việt Nam đến thăm cấp nhà nước hoặc những ngày lễ quan trọng nhà nước thay vì nói tiệc chiêu đãi cấp nhà nước lại dùng từ “quốc yến”.

Khi nói về một bàn thắng đẹp của cầu thủ bóng đá lại dùng từ “mãn nhãn”

Khi nói về trả lại mặt bằng sau khi đã thi công một công trình nào đó lại dùng từ “hoàn nguyên”

Khi nói về việc người dân từ các thành phố lớn về quê ăn Tết cổ truyền lại dùng từ “Xuân vận”

Khi nói đến việc mở rộng diện tích trồng cây lại dùng từ “đại điền”

Khi nói đến việc ngắm cảnh đẹp dùng từ “thưởng lãm”

Hỗ trợ vốn tôn tạo các công trình đền thờ miếu mạo dùng từ “công trợ”

Nhà thờ họ Lê lại viết “Lê tộc từ đường”…

Ngoài ra, các phát thanh viên, biên tập viên, phóng viên còn vấp phải lỗi dùng sai từ, lặp từ, thừa từ, dùng cả từ tiếng Hán lẫn từ tiếng Việt:

Ví dụ: như “yếu điểm” là điểm mạnh, điểm chủ yếu, quan trọng nghĩa tốt, tích cực, ưu điểm khác với “điểm yếu” là điểm hạn chế, nhược điểm

Từ “ngày sinh” đồng nghĩa với “sinh nhật” nên khi dùng “ngày sinh nhật” là thừa từ hay “tái đi tái lại nhiều lần”, “tái mù chữ lại”….

Trong chuyên mục quảng cáo, dùng những từ không phản ánh đúng bản chất như “xịt một lần 3 nhát”, thay vì dùng từ “thuốc trị ho”, “chữa ho” lại dùng “thuốc ho”…..

Rồi cách đọc quá nhanh trong các quảng cáo thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… không có điểm nhấn, trọng âm, ngắt ý, ngắt câu làm ức chế cho người nghe.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những mong muốn, chỉ dẫn rất cụ thể mang tính định hướng trong việc giữ gìn và phát huy tiêng Việt. Người mong rằng mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức bảo vệ tiếng Việt cả trong giao tiếp cũng như viết báo, làm văn... “không nên dùng tiếng ngoại quốc, khi có thể dùng tiếng ta”(1). Không chỉ dừng ở đó, theo Hồ Chí Minh, khi đã có tiếng nói riêng của dân tộc mình thì chúng ta cần biết giữ gìn và phát triển nó. Khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn: “Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”(2). Chúng ta sử dụng tiếng nước ngoài để làm giàu thêm trong khi diễn đạt, nhưng phải có chừng có mực: “Cái gì tiếng Việt Nam có thì cứ nói tiếng Việt Nam, chớ có mượn tiếng nước ngoài”(3). Không nên mắc bệnh sính dùng tiếng nước ngoài, tưởng như thế là hay mà không lường hết được “Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”(4). Người nhấn mạnh: “Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”. Nói không phải dễ. Nói để người nghe hiểu, hiểu để làm càng khó hơn, vì thế Người căn dặn: “Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được” không phải cứ sính dùng chữ thế là sang. Biết tiếng nước ngoài là tốt, rất tốt nhưng không nên lạm dụng tiếng nước ngoài. Ra nước ngoài nói tiếng nước ngoài, nhưng ở trong nước nói chuyện với nhau nên dùng ngôn ngữ tiếng Việt. Chúng ta phải hiểu, yêu tiếng Việt là yêu nước. Phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Bảo vệ tiếng Việt - ngôn ngữ dân tộc là công việc hết sức khó khăn, lâu dài, cần phải kiên trì. Nhưng đó là việc chúng ta phải làm, đặc biệt là đối với các cơ quan truyền thông như phát thanh và truyền hình. Đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ với chính bản thân chúng ta mà còn vì tương lai của dân tộc. Đề nghị các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo cần nghiêm túc đánh giá, khẳng định những ưu điểm, thành tựu, đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong sử dụng tiếng Việt trên các phương diện nói chung, phương tiện thông tin đại chúng nói riêng. Các cơ quan nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, các cơ quan báo chí và nhà báo phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra đúng nguyên nhân từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, khoa học và xây dựng chuẩn mực, xác định lộ trình để thực hiện mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ngoài ra, đối với mỗi người dân cần ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt phải trên cơ sở nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Thiết nghĩ, việc giáo dục về tình yêu Tiếng Việt nhất định phải được khơi lên hằng ngày, từ những đứa trẻ còn nằm trong nôi đến khi bắt đầu tiếp nhận, hình thành khái niệm, ngôn ngữ ở bậc học mầm non cho đến lúc trưởng thành./.        

                                                            

 (1), (2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H,  2011, t. t.5, tr.341, 345, 33.

 (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 306.

                                                                      

Bạn đang đọc bài viết "Cần chuẩn mực trong việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt trên phát thanh, truyền hình" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn