Là những người con của vùng đất “thủy tổ” Quan họ, cặp đôi Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hài và Nguyễn Thị Sứ đã có chia sẻ đầy tâm huyết về sứ mệnh lan tỏa tình yêu làn điệu dân ca Kinh Bắc cũng như sự tiếp nối của thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Sứ (sinh năm 1964) và nghệ nhân Nguyễn Thị Hài (sinh năm 1956) là cặp đôi liền chị nổi tiếng của làng Diềm (phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh). Cặp đôi Nghệ nhân Nguyễn Thị Sứ - Nguyễn Thị Hài đã giành nhiều giải cao trong hội thi hát quan họ đối đáp đầu xuân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức như: Huy chương Bạc tại hội thi hát đối đáp quan họ năm 2005; Năm 2006, đạt giải Nhất nội dung 150 bài hội thi hát đối đáp quan họ…
Hai nghệ nhân đã dành cả đời để cống hiến cho việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh. Nhiều người biết đến và đích thân mời các nghệ nhân truyền dạy tại địa phương. Việc đi biểu diễn và truyền dạy với cặp đôi liền chị này không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lúc họ lan tỏa những làn điệu quan họ cổ, để giá trị của di sản mãi được vững bền.
Để hiểu hơn về quá trình nỗ lực gìn giữ và phát huy dân ca quan họ Bắc Ninh cũng như lắng nghe ý kiến về việc tiếp nối của thế hệ trẻ, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với cặp đôi Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hài - Nguyễn Thị Sứ tại làng Diềm.
Sinh ra tại chính "cái nôi" của dân ca quan họ Bắc Ninh, hai nghệ nhân đã tiếp xúc với làn điệu dân ca này như thế nào?
NNƯT Nguyễn Thị Sứ: Ngày xưa, mẹ tôi và bố bà Hài cũng là người hát quan họ, chơi bọn quan họ Đống Cao. Khi thấy các cụ hát, tôi cũng lăm le xem để học theo, sau dần thì cảm thấy thích, hứng thú với những làn điệu quan họ này. Lớn lên đi học, tôi cũng muốn tham gia vào những đội quan họ. Khi có những cuộc thi quan họ do Tỉnh mở thì tôi lại đi thi, ban đầu là 50 bài, sau thì 70 bài, sau lại 150 bài, qua được những giải ấy là thi được giải Nhất.
Đến bây giờ, tôi đã được Tỉnh hội và Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào đầu năm nay 2023. Lúc nào tôi cũng rất yêu những làn điệu quan họ và mong sao có thể giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc cũng như lan tỏa quan họ đến nhiều người hơn nữa.
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Thời kinh tế còn khó khăn, ở làng Diềm này là làng gốc, các cụ vẫn cứ từ đời nọ truyền cho đời kia. Lớn lên vì là con nhà nòi nên cũng thích nghêu ngao hát. Mỗi khi có lễ làng, các cụ hay ra ngoài đình và ngoài đền để hát thì bà cũng ra đó nghe. Sau này tình yêu quan họ lớn dần thì bắt đầu đến nhà các cụ hát kỳ cựu trong làng để học. Cứ tập trung 4 5 đứa với nhau, muốn học cụ nào là đến theo.
Chắc vì dòng máu quan họ chảy trong mình từ bé, nên tôi học rất nhanh. Cũng có nhiều người lúc đó chỉ là thích, hứng lên học thôi, sau dần người ta cũng quên, không theo học nữa. Thuận tiện ở chỗ làng Diềm là làng gốc, không giống như các làng quan họ thực hành phải mướn thầy để dạy, nên luôn được truyền dạy bởi những thế hệ kỳ cựu đi trước. Thời đó, ban ngày chăn trâu chăn bò, tối đến ra đình ngồi học hát. Vui lắm!
Đồng hành với quan họ từ rất lâu như vậy thì hai nghệ nhân có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất khi đi hát?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Có một lần khi tôi còn nhỏ lắm, mới bắt đầu đi học khoảng 9, 10 tuổi thôi. Khi đi học cùng với NNƯT Nguyễn Thị Sứ, các cụ có khen chúng tôi hát hay mà còn nhanh thuộc, nên định cho chúng tôi sang làng Vân (bên cạnh làng Diềm) hát quan họ tại đám cưới. Tuy nhiên, đúng hôm có đám cưới thì nước sông lên mấp mé bờ đê sông Cầu nên các cụ không dám cho chúng tôi đi hát nữa. Các cụ sợ lật đò chết đuối nên có hứa để lần sau vì bây giờ nước sông đang chảy cuồn cuộn. Lúc đó tôi bảo: “Chả bao giờ chúng cháu được đi hát làng Vân, được buổi lại nước lũ thế này”. Khi đó tôi cũng cảm thấy buồn và hụt hẫng khi không được đi hát lần đầu.
NNƯT Nguyễn Thị Sứ: Để kể về kỉ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm, tôi nhớ những lần đi hát canh, ngồi trên thuyền, nước đầy kéo trôi dạt cả vào bờ hay những hôm trời mưa kéo dài nhưng mọi người vẫn cứ hát. Có lần khác, tôi đi hát ở hội Lim đến 12h đêm mới về. Nhưng về đến làng lại có người gọi và chúng tôi lại đi tiếp (cười). Đam mê, hâm mộ đến thế cơ!
Làng Diềm nổi tiếng bởi quan họ truyền thống. Vậy quan họ cổ và quan họ hiện đại có những điểm gì khác biệt thưa hai nghệ nhân?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Hát quan họ cổ có nhiều điểm khác với quan họ hiện đại. quan họ mới có thể đơn ca, đồng ca, tốp ca, tam ca… Tuy nhiên, quan họ cổ chỉ được song ca, phải hát đôi với nhau, gọi là các cặp liền anh liền chị. Hát theo cặp cũng rất khó ở chỗ là phải học, luyện nhiều với nhau thì mới thống nhất được chỗ nghỉ, chỗ i a ngân nga ra làm sao.
Trong một cặp liền anh liền chị như vậy thì vai trò sẽ được phân chia như thế nào?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Trong một cặp phải có một người hát luồn, một người hát dẫn. Như NNƯT Nguyễn Thị Hài hát dẫn còn tôi hát luồn. Người hát dẫn phải thuộc 100%, tuy nhiên người hát luồn chỉ cần thuộc 90%. Người hát dẫn bao giờ giọng cũng cao hơn người hát luồn, người hát luồn sẽ hát nhỏ hơn người hát dẫn một chút để khi có vấp váp thì người hát dẫn có thể che đậy được, không bị lộ ra.
Năm 2002 chúng tôi bắt đầu hát đôi với nhau. Hát theo cặp cũng có một phần bất cập vì một cặp để duy trì từ lúc trẻ đến lúc già rất khó, nhiều cặp không trụ được. Thứ nhất, khi chơi có nhiều tính nết không hợp nhau, không lựa được nhau. Thứ hai là do chất giọng không hợp nhau: người to, người nhỏ… May mắn là chúng tôi đã đồng hành với nhau trong thời gian dài.
Là những nghệ nhân quan họ làng Diềm, các bà có hoạt động như thế nào để lan tỏa tình yêu quan họ đến thế hệ trẻ?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Tôi có được danh hiệu nghệ nhân, được tỉnh Bắc Ninh và Nhà nước quan tâm nhưng trách nhiệm cũng lớn hơn. Tôi luôn nghĩ cách làm sao để truyền dạy, làm sao để lan tỏa quan họ và tìm ra những người kế cận. Trong câu lạc bộ, người ta tín nhiệm tôi làm Ban chủ nhiệm, tôi cần có trách nhiệm làm sao cho câu lạc bộ phát triển, thế hệ nọ sang thế hệ kia nối tiếp nhau.
Tại chính làng Diềm, hàng năm chúng tôi đều tổ chức những lớp quan họ hè cho các em nhỏ. Có một điều dễ nhận thấy rằng khá nhiều em nhỏ hứng thú với làn điệu dân ca này. Có những năm tổ chức tới 4 lớp, mỗi lớp cũng hơn 20 em. Sau khi dạy, chúng tôi cũng thường tổ chức cho một buổi diễn để tạo điều kiện cho các em được lên sân khấu, được diễn và sẽ nung nấu niềm đam mê hơn với quan họ.
NNƯT Nguyễn Thị Sứ: Chúng tôi lan tỏa quan họ bằng cách truyền dạy lại quan họ. Ở làng, một số anh hai chị hai vẫn đến học chúng tôi thường xuyên. Những làng khác họ cần những câu quan họ cổ cũng nhờ đến chúng tôi. Vì thứ nhất làng Diềm là làng gốc - nơi có đền Vua Bà Thủy Tổ quan họ, thứ hai là phong cách hát của làng Diềm cũng khác, độc đáo hơn so với những làng ngoài nên có rất nhiều người đến học thì chúng tôi phải có trách nhiệm truyền dạy lại cho họ.
Trong quá trình truyền dạy và quan sát, hai nghệ nhân thấy những người trẻ gặp khó khăn gì trong việc giữ gìn và tiếp nối làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Khi học hát thì không có khó khăn đâu, vì người trẻ bây giờ tiếp thu nhanh lắm. Khó khăn lớn nhất có lẽ là vấn đề kinh tế để duy trì quan họ. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm vì nghệ nhân cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Thứ nhất, khi có những đoàn khách, đoàn về làm phim, chúng tôi muốn gọi người trẻ đến hát thì mọi người đều đang đi làm công ty. Nghỉ một buổi công ty sẽ mất nhiều tiền như tiền chuyên cần, tiền thưởng… Có những anh hai đi xây một buổi được 500.000 nhưng đi ra quay phim cả ngày, có đoàn được 100.000, có đoàn chỉ cảm ơn. Vì thế nên nhiều người trẻ không muốn đi hát quan họ vì thời buổi bây giờ kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu và tùy vào tính chất công việc của mỗi người.
Vậy hai nghệ nhân đánh giá thế nào về việc sự tiếp nối những làn điệu quan họ Bắc Ninh của giới trẻ hiện nay?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Khác với hồi xưa, chúng tôi chơi quan họ đơn giản vì thích, vì đam mê. Tuy cũng vất vả lắm nhưng vì bản thân muốn được học, được theo quan họ nên vẫn quyết tâm. Còn hiện nay, tôi thấy có nhiều người chơi quan họ vì các mục đích khác nhau như vì danh hiệu nghệ nhân hay muốn trở thành nghệ sĩ, chính vì thế nên phong trào chơi quan họ hiện nay cũng mạnh hơn.
NNƯT Nguyễn Thị Sứ: Rất mừng là giới trẻ hiện nay nhiều bạn rất đam mê quan họ. Tôi thấy rằng có cả những bạn còn mở lớp quan họ ở ngoài Bắc Ninh. Ví dụ như ở Hà Nội, có lớp Chèo 48H do các bạn trẻ mở trong đó sẽ dạy những làn điệu dân ca như ca trù, quan họ, hát xẩm, chèo… theo đúng lối ca cổ, được mặc trang phục quan họ, têm trầu, đội nón quai thao…
Các bạn trẻ hiện nay đi hát quan họ thì có điểm gì khác so với thời các nghệ nhân mới bắt đầu biểu diễn không?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Thời trẻ của chúng tôi học vất vả hơn các cháu rất nhiều, phải học cả trăm bài mới dám đi diễn. Nhiều bạn trẻ hiện nay học chỉ khoảng 10 câu là có thể đi hát khắp nơi rồi. Nhưng có những em đi hát, khách họ yêu cầu hát câu quan họ cổ Sở Cầu Như Ý nhưng cũng không hát được. Nhiều bạn trẻ mặc lên bộ quần áo quan họ tưởng mình đã là anh hai chị hai nhưng người ta hỏi một câu rất đơn giản cũng không hát được.
NNƯT Nguyễn Thị Sứ: Cho nên khi chúng tôi đi hát, gặp những bạn trẻ, đặc biệt là các bạn có gốc là người Bắc Ninh thì chúng tôi thường nhắc nhở các bạn ấy học thật nhiều bài. Bởi vì, khi chúng tôi đi hát ở những lễ hội lớn ví dụ như hội Lim hay hát suốt cả đêm, các đoàn khách Hà Nội, Hải Phòng… không phải người ta về nghe 1 năm mà năm nào người ta cũng về nghe, nên người ta có thể không thuộc bài nhưng thích bài nào, họ có thể chỉ điểm được bởi họ nghe nhiều rồi.
Hiện nay nhiều bạn trẻ không chỉ hát mà còn “làm mới” quan họ bằng việc kết hợp với âm nhạc hiện đại như nhạc điện tử hay hiphop. Hai nghệ nhân cảm nhận thế nào về những sản phẩm đó?
NNƯT Nguyễn Thị Sứ: Khi nghe các bài hát đó, tôi thấy các bạn ca sĩ không chuyên về quan họ hát nhiều chỗ không chuẩn nên nghe rất buồn cười. Tất nhiên khi dòng nhạc mới như hip hop kết hợp với quan họ thì các bạn vẫn phải rap để phù hợp với giới trẻ. Nhưng để tiếp cận đến những nghệ nhân như chúng tôi thì nói thật là chúng tôi không thích kiểu kết hợp như vậy (lắc đầu). Các bạn làm chưa tới nên không giữ được nét truyền thống của quan họ.
Vậy hai nghệ nhân có thể chia sẻ về một số hướng kết hợp dân ca quan họ với các dòng nhạc hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống?
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Chúng tôi, các nghệ nhân và cả cấp quản lý, những người có trách nhiệm giữ gìn và lan tỏa quan họ vẫn đang trăn trở về việc này. Ví dụ như một đoàn quan họ vừa rồi, họ phối lại quan họ nhưng vẫn giữ được những nét xưa. Tức là họ phối gần giống với dòng nhạc mới nhưng hát với lời ca quan họ cổ. Khi người ta hát, một là bè ngang, hai là hát đuổi (người hát trước, người hát sau). Đoàn quan họ Bắc Ninh hiện nay cũng đang tạo ra nhiều những bài quan họ mới để phù hợp với thị hiếu bây giờ.
Các nghệ nhân muốn nhắn nhủ điều gì đến những người trẻ đang có mong muốn giữ gìn và lan tỏa dân ca quan họ Bắc Ninh?
NNƯT Nguyễn Thị Sứ: Tôi chỉ mong giới trẻ bây giờ dù có cải biên nhưng làm sao mà vẫn giữ được những nét quan họ cổ. Kết hợp với những thể loại âm nhạc mới vẫn phải giữ được những lời ca mượt mà của quan họ. Đừng cải biên quá làm nó mất hay. Mong tỉnh Bắc Ninh lúc nào luôn luôn giữ được những lời ca quan họ, nét đẹp của quan họ, bảo tồn và giữ đến mãi sau này.
NNƯT Nguyễn Thị Hài: Mong muốn của chúng tôi là các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn có niềm yêu thích với dân ca quan họ, nếu có đi biểu diễn ở đâu thì các cháu cũng phải hát những tiếng ca phù hợp với trang phục của mình. Các nhạc sĩ có sáng tác kết hợp quan họ với những dòng nhạc mới như hiphop thì người hát cũng phải hát đúng và rõ chữ.
Tôi cũng mong rằng, nếu giới trẻ có chuyển dòng nhạc dân ca mà sang những dòng nhạc lai tạp khác đi thì câu từ mình hát phải khéo. Sáng tạo cũng được, nhưng đừng để mất đi cái chất của quan họ. Tất nhiên thì những ca sĩ đại chúng không thể hát được bằng những người hát dân ca như chúng tôi. Nhưng phải làm sao khi đã có sự kết hợp đấy thì mình phải hiểu được câu từ của dân ca, hát tròn vành rõ chữ, không bị sai lệch đi.
Điều cuối cùng, tôi cũng mong rằng các bạn trẻ muốn lan tỏa dân ca quan họ thì hãy giới thiệu thêm về làng Diềm, về những người vẫn đang lưu truyền và bảo tồn dân ca quan họ.
Cảm ơn những lời chia sẻ đầy tâm huyết từ Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hài và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sứ. Chúc hai nghệ nhân luôn mạnh khoẻ và truyền lửa đến những thế hệ tiếp nối của dân ca quan họ Bắc Ninh!
Ảnh & Video: Anh Tuấn, Thục Quyên
Thiết kế: Hoàng Việt, Yến Vy, Thu Trang