Câu chuyện về truyền thông trong lĩnh vực xuất bản

PV
Trong khuôn khổ của sự kiện "Ngày Sách và Văn Hoá Đọc Việt Nam lần thứ 3", sự kiện "Những Cuốn Sách Đi Tìm Độc Giả: Câu Chuyện về Truyền Thông trong Lĩnh Vực Xuất Bản" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả tại sân khấu chính, Hồ văn, Văn miếu, Hà Nội.

Với sự tham gia của các diễn giả là nhà thơ nhà báo Lữ Mai, tiktoker Giao Cùn, nhà văn Đức Anh và MC Thu Hằng (Truyền hình Quốc Hội Việt Nam, buổi tọa đàm đã mang đến những chia sẻ sâu sắc về cách thức tiếp cận và tương tác với độc giả trong thời đại số hóa ngày nay. Sáng tạo một tác phẩm chưa hẳn đã là “xong việc”. Truyền thông đến công chúng thế nào để đứa con tinh thần không bị cất vào ngăn tủ và…dần biến mất mới là vấn đề. Với sự thay đổi linh hoạt của các nhà sách truyền thống, các đơn vị xuất bản, tác giả đang đứng trước cơ hội tận dụng ưu thế của mạng xã hội và cả các kênh thông tin truyền thống  để truyền thông, quảng bá tác phẩm, với sự trợ giúp mạnh mẽ của các độc giả, tiktoker, kênh truyền thông cá nhân... Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội vừa là áp lực.. Làm sao để tận dụng được sức mạnh của cả truyền thông hiện đại lẫn các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống?
 

10-1713789478.jpg

 

Những biến động mới nhất về các công cụ truyền thông, về sự nở rộ của mạng xã hội, các kênh review cá nhân trong ngành xuất bản đang tạo ra cơ hội và thách thức gì đối với tác giả, và chính thương hiệu của công ty xuất bản. Nhà văn Đức Anh, thành viên sáng lập và Giám đốc truyền thông của Công ty Linh Lan Books, đã mang đến góc nhìn sâu sắc từ góc độ của một nhà xuất bản. Theo anh: “Cạnh tranh giữa sách và các phương tiện giải trí, thậm chí giữa chính những tác phẩm với nhau là rất lớn và sẽ càng ngày càng lớn hơn. Tất cả các công ty sách tư nhân hiện nay đều có bộ phận truyền truyền thông, không phải chỉ để quảng bá văn hóa đọc, mà còn là để thúc đẩy nhu cầu của những người mua sách. Không chỉ vậy, các câu lạc bộ đọc sách, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng cũng đồng hành với các nhà sách”.
 Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai nêu quan điểm từ người đã quan sát các thế hệ tác giả bước vào nghề và trưởng thành: “Ngày xưa thường có câu hữu xạ tự nhiên hương. Các tác giả viết xong và nghĩ là thế xong rồi. Họ không dám và không muốn dây dưa vào chuyện quảng bá, bán sách. Nhưng tôi cho rằng việc truyền thông sách không làm ta mất đi giá trị nào cả, ngược lại, chính nó giúp cho văn hóa đọc phát triển. Các tác giả bỏ rơi đứa con tinh thần của mình mới là đáng lo ngại. Chúng ta cũng thiếu những công cụ đo lường chính xác mức độ quan tâm của độc giả. Việc này sẽ cần cải thiện dần dần để các đơn vị xuất bản và tác giả có thể tìm được tiếng nói chung trong việc định hướng phát hành”
Ngày nay có những kênh truyền thông hàng triệu lượt xem, đã góp phần lan toả văn hoá đọc đến với thế hệ mới thông qua các nội dung ngắn vui vẻ và hữu ích. Đại diện của một trong những kênh truyền thông cá nhân nổi trội nhất, Tiktoker Giao Cùn cho biết: “Với thế hệ tiếp nhận bây giờ , việc truyền thông các sản phẩm văn hóa cần mang phong cách trẻ trung, thậm chí cởi mở và hài hước hơn, tránh khô cứng và giáo điều. Bản thân tôi khi làm kênh về văn hóa, tôi luôn lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích và tìm ra cách truyền đạt vui vẻ và năng lượng nhất.” Tuy nhiên, Giao Cùn cũng cho rằng nội dung ngắn trên mạng xã hội khiến cho sự tiếp nhận của độc giả trở nên nhanh chóng vội vã hơn và người trẻ phải rất cẩn trọng trước điều này.

 

11-1713789493.jpg

 


Bàn về đề tài chất lượng của các quảng cáo sách, nhà văn Đức Anh cho biết: “Vì không có nhiều nguồn nhân lực truyền thông chất lượng trong một ngành đặc thù, nên khối lượng công việc của các đơn vị xuất bản rất lớn. Điều đó khiến họ càng ngày càng phụ thuộc hơn vào cộng đồng, vào sự tự thân vận động của tác giả. Điều đó có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Mặt tốt là tác giả ngày càng chuyển mình, họ nghiêm túc với nghề, họ coi viết lách là một dự án với nhiều công đoạn, chứ không phải là một thú vui giải trí cuối tuần. Mặt xấu là những tác giả có xu hướng thích ẩn mình sẽ thường khó có cơ hội xuất bản hơn. Tuy nhiên, các tác giả có thể nhờ bạn bè, và đặc biệt đừng quên sự đồng hành của các biên tập viên và phòng truyền thông các đơn vị xuất bản”. Nhà báo Lữ Mai bổ sung: “Điều trên hết, các tác giả mỗi người là một cá tính riêng, nếu đi đến cùng với tác phẩm, với đề tài, không nửa vời thì chắc chắn tác phẩm sẽ tự thân thu hút các độc giả”. 
Trong không khí tràn ngập sự sáng tạo và tri thức, buổi tọa đàm đã kết thúc một cách thành công, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng của khán giả. Việc tận dụng sức mạnh của truyền thông hiện đại và các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống đã trở thành chủ đề nóng bỏng được bàn luận và thảo luận một cách sâu sắc, hứa hẹn những định hướng mới cho các tác giả và những người khởi nghiệp bằng xuất bản phẩm.