Cây muốn lặng gió chẳng đừng

Cây muốn lặng, gió chẳng đừng hay Cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng là một thành ngữ khá quen thuộc trong tiếng Việt.
cay-va-gio-1634481968.jpg
Cây và gió đều là những vật vô tri nên chẳng có chuyện "gió to chỉ muốn rung cây trong khi cây không muốn điều đó". Thái độ đó chỉ có ở con người. Ảnh internet

 

Căn cứ vào ngôn từ tường minh thì ở đây xuất hiện một sự vật (cây) và một hiện tượng (gió). Nếu chỉ thế thôi thì chẳng có gì để nói. Điều đáng quan tâm ở đây là dân gian đã mượn sự vật và hiện tượng đó để nói về một mối quan hệ và cách ứng xử đáng lưu ý.

Trước hết là mối quan hệ giữa "cây" và "gió".

Việt Chương (trong Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, quyển Thượng, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) có viết: "Có sống giữa cơn bão đang nổi cơn thịnh nộ, ta mới thấy thương xót cho một cái cây. Ngọn nó ngả nghiêng, oằn qua oặt lại, dù có muốn yên thân cũng không sao dừng lại được".

Chúng ta biết rằng, cây và gió đều là những vật vô tri nên chẳng có chuyện "gió to chỉ muốn rung cây trong khi cây không muốn điều đó". Thái độ đó chỉ có ở con người. Hiển nhiên, câu này dùng để ví von, ám chỉ một hiện tượng đang có trong cuộc sống chúng ta.

Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải nghĩa câu này là: "Cây chỉ mong được sống trong tĩnh lặng, nhưng gió lại chẳng chịu đứng yên cho. Hay dùng để than phiền về tình cảnh cứ phải đối đầu tuy lòng chẳng hề mong muốn".

Các tác giả (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành) trong Từ điển Thành ngữ Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin, 1993) có cách giải thích hợp lí hơn "Người muốn được bình an, yên ổn, nhưng kẻ khác lại cứ tiếp tục gây gổ, chống đối, quấy phá. VD: Cực quá rồi. Nhục hết chỗ chịu rồi. Cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Càng nhịn nó càng đạp mình xuống bùn (Phan Tứ, Gia đình má Bảy)".

Chuyện tương tự như vậy xảy ra không ít trong thực tế. Có những chuyện không hay, bắt nguồn từ xung đột giữa hai người, hai gia đình hay hai cộng đồng người nào đó, một bên đã muốn cho qua (vì thấy không cần thiết phải "xới" lại, vì lòng vị tha, độ lượng). "Phía bên này" hi vọng là "phía bên kia" dần dần sẽ hiểu ra vấn đề để có một thái độ cầu thị, sống thân thiện, tốt đẹp hơn. Cuộc sống ai cũng có lúc lỡ lầm.

Ai "nắm tay đến tối gối tay đến sáng" được. Điều quan trọng là chúng ta biết nhìn về phía trước, hướng tới tương lai. Nhưng thiện ý đó nhiều khi lại bị chính người trong cuộc kia có thái độ cố chấp, cố tình "gây hấn" trở lại (qua lời lẽ và hành động). Lão Tử từng nói: "Hiểu người là khôn, hiểu chính mình mới là khôn thực sự".

Đáng tiếc là trong những việc, sự tình diễn ra đã rõ ràng, minh bạch, nhưng nhiều người đã không nhận chân được hiện thực đó. Họ tìm cớ xuyên tạc, đặt điều và "bôi đen" hiện thực. Chính họ đã tự làm cho "gió bão, phong ba" trở lại và dĩ nhiên, sẽ gây hại cho "cây cối" đang yên đang lành phải chịu sự tác động, có thể chịu rủi ro, mất mát. Đó chính là một cách ứng xử không đẹp, thiếu đi tính nhân văn mà mọi người trong cộng đồng cần hướng tới, nhằm làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Muốn yên mà có được đâu

Ngoài kia giông bão trên đầu cứ bay.