Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội”

Nguyễn Viết Hiện

16/06/2024 23:55

Theo dõi trên

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa trình làng tập tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội”. Đây là tập 3 nằm trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của ông do Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

1000001748-1718548659.jpg
Bìa tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội”

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ sẽ có 5 tập: Tập 1 “Nợ nước non” xuất bản năm 2022, tập 2 “Lênh đênh bốn biển” xuất bản năm 2023 đã giới thiệu với công chúng yêu văn học. Có thể nói tổng quát về bộ thiểu thuyết này là một bài ca lớn về một con người vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Với gần 200 trang, tác giả chia thành 5 chương, trong tập này, tác giả đã khắc hoạ thành công hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Đến chiều ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong thời gian 5 năm ngắn ngủi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa cách mạng trên mảnh đất Cao Bằng, nơi địa đầu Tổ Quốc. Ở tập này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã chọn lựa một giai đoạn vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam trong những năm đầu tiên Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc đến khi Người cùng nhân dân mình, đồng chí mình  trở về Thủ đô Hà Nội. Đấy là một giai đoạn vô cùng khó khăn của cách mạng Việt Nam và cũng là giai đoạn có tính sống còn của cả dân tộc.

Chương 1 với nội dung trải từ ngày 28-1-1941 đến Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941. Tác giả khắc hoạ chân dung Người sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người và các đồng chí của mình tổ chức cuộc sống trong rừng sâu, núi thẳm, xây dựng, tập hợp lực lượng, viết tài liệu “Cánh đánh du kích”, tổ chức các lực lượng cứu quốc thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941… Người đặt tên suối Lên-nin, núi Các Mác.

Chương 2 là cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh từ Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941 đến khi Người sang Trung Quốc, nắm bắt tình hình cách mạng Trung Quốc và Chính phủ Quốc dân của Tưởng Giới Thạch, cũng trong thời gian này Người ra Báo Độc Lập, phát động phong trào bình dân học vụ, tổ chức đội vũ trang tập trung, mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, chuyển từ Khuổi Nậm về căn cứ Lam Sơn rồi trở lại Pác Bó, thời gian này Người đi lại như con thoi giữa biên giới Việt-Trung, móc nối với cách mạng Trung Quốc để giúp đỡ cách mạng Việt Nam…

Chương 3 là câu chuyện về cuộc đời của Người khi sang Tĩnh Tây, Trung Quốc đến ngày 9-8-1944 người trở lại nước để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Đây là chương rất cảm động viét về người, những trang văn khắc hoạ hình ảnh sống động của Người, tình cảm của nhân dân Trung Quốc đối với Người và giai đoạn lao tù của Người trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm bất hủ “Nhật ký trong tù”.

Chương 4 là bức tranh cuộc đời Hồ Chí Minh từ khi người được chính phủ Tưởng Giới Thạch  trả tự do và trở lại Việt Nam tháng 8- 1944 đến khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945. Những nỗ lực của Hồ Chí Minh xây dựng mối quan hệ ngoại giao với chính phủ Mỹ thông qua việc trả tự do cho phi công Mỹ bị quân đội Nhật bắn rơi, Người chủ trương đấu tranh vũ trang và thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân và những chiến thắng đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần rồi người sang Trung Quốc và trở về chững kiến trận đói lịch sử tháng 3-1945 do phát xít Nhật gây ra.

Chương 5 là câu chuyện cuộc đời Người từ tháng 5-1945 đến Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, Người từ Khuổi Nậm về Tân Trào và từ Tân Trào về Hà Nội, thành lập khu giải phóng Việt Bắc, nhận sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ qua sân bay dã chiến, viết Tuyên ngôn Độc lâp và tình cảm xúc động của Người dành cho nhân dân Thủ đô trong những ngày về Hà Nội.

1000001747-1718548774.jpg
 

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ  cho biết, khi viết một bộ tiểu thuyết lịch sử về một con người lịch sử ông đã gặp những thách thức lớn, đó là nguyền tư liệu vô cùng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó vấn đề xử lý khối tư liệu khổng lồ đó sao cho khéo, nếu không có khả năng lựa chọn và kết nối tư liệu, không có khả năng đời sống hoá tư liệu thì nhà văn vô hình trung trở thành người chép lại chính sử một cách máy móc và sẽ cho ra mắt những trang viết vô hồn…

Nhưng với thái độ cẩn trọng, năng khiếu văn chương bẩm sinh, khả năng ngôn ngữ phong phú nên nhưng trang viết về Người vô cùng sinh động, hấp dẫn, mọi chi tiết trong cuộc sống “đời thường” của Hồ Chí Minh chứa đựng những sinh hoạt đời thường của một con người vừa bình dị mà thật xúc động để người đọc thấy Người gần gũi với nhân dân cần lao hơn và chúng ta càng kính yêu Người hơn.

Qua 198 trang sách của tập 3, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã khắc hoạ thành công chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chan chứa lòng yêu nước, thương dân vô bờ; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sâu sắc, khát vọng cao nhất của Người là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, phương pháp và tư duy cách mạng của Người là “dĩ bất biến ứng vạn biến”; đạo đức của Người là “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”.

Nếu tập 4 và tập 5 của bộ tiểu thuyết: “Nước non vạn dặm” được hoàn thành đúng như dự kiến của tác giả (tập 4 sẽ ra mắt trước 2-9-2024) và (tập 5 sẽ ra mắt trước ngày 19-5-2025) thì đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam đương đại phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh.

Bạn đang đọc bài viết "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com