Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965-1973 (Kỳ 1)

Phạm Thuý Hậu

08/02/2022 06:30

Theo dõi trên

Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít Nhà xuất bản "ЄKЗAMEH" Mátxcơva (Liên bang Nga) ấn hành cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)" với lời đề tựa: “để tưởng nhớ các chuyên gia quân sự xôviêt - các cựu chiến binh tại Việt Nam.

Đây là một tập hồi ký chân thực, sinh động và hấp dẫn của các chuyên gia Liên Xô - cả dân sự lẫn quân sự - từng công tác tại Việt Nam trong những năm 1965-1973….”

chien-tranh-1644249801.jpg
Ảnh minh hoạ do tác giả sưu tầm

Người "Liên Xô” trong rừng Việt Nam

Mỗi khi có ai đó trong những người Việt Nam phát âm cụm từ này thì chúng tôi hiểu rằng đó là nói về chúng tôi. Sau khi đoàn tầu đến ga biên giới với Việt Nam, chúng tôi được các xe buýt chở đến nhà khách. Chưa kịp tắm rửa cẩn thận sau khi đi đường và chưa kịp ổn định chỗ ở thì tất cả chúng tôi đã được mời đi ăn tối. Sau đấy mọi người trở về các phòng ở của mình để chờ những chỉ dẫn tiếp theo. Nhà khách là một tòa nhà không lớn, đâu đâu cũng ngăn nắp trật tự. Tôi và viên sĩ quan chỉ huy trung đội là Trung úy Iu. Dakhmưlốp được bố trí vào một căn phòng có 2 giường với đầy đủ tiện nghi: 2 chiếc giường gỗ cao, những chiếc gối mềm, mỗi giường có 1 chiếc quạt làm bằng lông công, bên cạnh là phòng tắm và toa lét. Ý nghĩ trước tiên từ lâu đã theo đuổi tôi - đó là được tắm vòi sen. Tôi cởi quần áo và bắt đẩu đứng dưới vòi tắm. Tôi chưa kịp gội đầu xong thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Một binh sĩ ở ban chỉ huy trung đoàn đến và thông báo rằng Đại tá Bagienốp triệu tập gấp tôi đến gặp ông. Tôi lập tức mặc quần áo và đến trình diện.

Trong phòng, ngoài Đại tá Bagienốp, còn có tất cả các sĩ quan chỉ huy của trung đoàn, viên chỉ huy tiểu đoàn là Trung tá I. A. Liakisép và một nhân vật dân sự Liên Xô mà tôi chưa quen biết. Đại tá Bagienốp thông báo:

-Vì khung đường sắt, cũng như tất cả các cây cầu và đường hầm trên lãnh thổ Việt Nam đều hẹp hơn nhiều so với của Liên Xô và Trung Quốc, cho nên cần chuyển tất cả các khí tài của chúng tôi từ các toa xe của chúng tôi sang các toa xe trần của Việt Nam, chằng buộc chặt các khí tài và ngụy trang.

Tất cả công việc này được giao cho khẩu đội của tôi. Tôi phải chỉ huy công việc này và hoàn thành công việc trước lúc rạng đông. Để trợ giúp, một trung đội các binh sĩ Trung Quốc sẽ tới ngay sau đó, đến nơi tiến hành công việc này.

Mọi vấn đề đều phải được giải quyết với nhân vật đại diện của Bộ Tổng tham mưu Liên Xô là người chịu trách nhiệm về việc vận chuyển các đoàn tẩu chở hàng của Liên Xô qua biên giới Việt - Trung. Vị này chính là nhân vật dân sự Liên Xô mà tôi chưa quen biết và đã có mặt trong cuộc họp.

Tôi đã đem theo 6 chiến sĩ trong khẩu đội bệ phóng của mình: Súpsencô, Côsencô, Xêmencô, Rê va, Máctưnsúc, Lítvinốp. Tôi đã cùng họ khẩn trương đi xe buýt đến đoàn tầu. Không chờ tới lúc có thêm bộ đội Trung Quốc tới giúp, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc tháo gỡ dây chằng khí tài ra khỏi khung toa xe. Ngay sau đó một đội binh sĩ Trung Quốc (gồm 15 binh sĩ) đã tới giúp, chỉ huy toán binh sĩ này là một trung sĩ. Theo lệnh của viên trung sĩ này, những binh sĩ Trung Quốc đã tiến đến một bệ phóng và tìm cách chuyển dịch nó ra khỏi bệ toa xe, nhưng tất cả mọi nỗ lực của họ đều vô hiệu. Họ hội ý, sau đó họ đem từ đâu đến một dây cáp lớn, buộc nó vào bệ phóng. Họ nắm chặt dây cáp và lại cố chuyển dịch bệ phóng xuống mặt đường nhưng không có kết quả. Sau đó, theo mệnh lệnh của viên chỉ huy, tất cả toán bộ đội Trung Quốc đã xếp hàng trên mặt đường nhựa và bắt đầu thực hiện những động tác thể dục thư giãn. Việc này diễn ra khoảng 15 phút. Tôi không còn thích thú xem cảnh đó nữa, vì trời sắp sáng rồi. Theo lệnh của tôi, 6 binh sĩ của chúng tôi tiến đến bệ phóng và theo hiệu lệnh "Một - hai, ba kéo nào” đã kéo bệ phóng ra khỏi sàn toa tầu xuống mặt đường nhựa, kéo thêm khoảng 30 mét nữa. Điều này tác động rất mạnh đến tất cả toán bộ đội Trung Quốc. Sau đó họ làm việc nhịp nhàng cùng với chúng tôi.

Ngay sau đấy người ta đã chuyển những toa xe trần Việt Nam đến. Chúng quả thật hẹp hơn nhiều so với các toa xe lửa của chúng tôi. Chúng tôi bắt tay vào việc chuyển khí tài lên toa trần. Sự khác biệt về bề rộng của các toa xe trần đã gây khó khăn rất nhiều cho công việc. Mặc dù gặp những phức tạp, nhưng đến khi trời sáng chúng tôi đã kịp kết thúc công việc.

Đến chiều tối người ta đưa chúng tôi lên các toa tầu có giường cứng, bây giờ là các toa giường cứng của Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy những toa tầu ấy hẹp đến nỗi 2 người gặp nhau trong hành lang của toa tầu thì khó mà đi qua nổi. Các giường nằm thì ngắn đến nỗi nếu một người có chiều cao trung bình mà nằm xuống giường ở phía dưới thì đôi chân của anh ta sẽ thò ra ngoài chạm đến sàn.

Trên đường đi, từ toa tầu có thể nhìn thấy nhiều điều thú vị. Tại một trong số các trạm dừng tầu, điều đập vào mắt là vô số những ôtô tải hạng nậng nhãn hiệu ZIL-157 do Trung Quốc sản xuất, được chất đầy hàng nghìn khẩu súng trường CKC.

Cùng đi với chúng tôi có một Đại tá của Quân đội nhân dân Việt Nam, nói tiếng Nga khá tốt và kể tỉ mỉ cho chúng tôi biết về tình hình chính trị ở Đông Dương. Vị Đại tá này kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ tất cả các biện pháp ngụy trang. Ông này cũng hút thuốc như chúng tôi. Do vậy, lúc hút thuốc chúng tôi thường ra đầu toa xe và, thận trọng châm thuốc, lấy hai tay che điếu thuốc để hút. Vị Đại tá này đã nhiều lần nhắc chúng tôi rằng bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện máy bay trinh sát của Mỹ. Chúng tôi không hiểu điều này: tại sao máy bay Mỹ lại có thể bay trên không phận Việt Nam mà không bị trừng phạt?

Chúng tôi đi tầu gần 8 giờ trên đất Việt Nam và đến mờ sáng thì đến điểm dân cư có tên gọi là Trại Cau. Lúc đó trời nóng, ẩm ướt, mưa nhẹ. Tại nhà ga, các quân nhân Việt Nam đang chờ đón chúng tôi. Họ đã lập tức bắt tay vào bốc dỡ hàng trên tầu xuống. Và ở đây chúng tôi đã phải giúp họ vì các hòm đựng ZIP (bộ linh kiện dự trữ và dụng cụ chuyên dùng) của các bệ phóng quá nặng đối với các binh sĩ Việt Nam.

Khoảng 9 giờ đã có lệnh báo động đầu tiên đối với chúng tôi: trên bầu trời Việt Nam đã xuất hiện 1 máy bay trinh sát của Mỹ. Mọi công việc lập tức ngừng lại. Phải nói là tất cả những chuyên gia Liên Xô chúng tôi trong ba ngày cuối cùng ấy đã bị mệt nhoài bởi lao động chân tay và ngồi tàu căng thẳng. Do mệt mỏi, mọi người đã thật sự không đứng vững, khát nước và muốn ngủ kinh khủng.

Toàn bộ số khí tài vừa bốc dỡ khỏi đoàn tầu đã được bố trí phân tán từng phần quanh khu vực nhà ga và được ngụy trang. Chỉ đến tối người ta mới chuyển các khí tài ấy vào rừng là nơi dự định triển khai Trung tâm huấn luyện. Sau khi kết thúc công việc bốc dỡ, tất cả chúng tôi được chuyển đến địa điểm cư trú sau này và được đưa đến nhà ăn.

Sự mệt mỏi tích tụ trong suốt thời gian đi qua một quãng đường dài, cũng như khí hậu nóng bức đã có tác động: sau vài ngày, trong số các chuyên gia chúng tôi đã bắt đầu phát sinh bệnh tật. Trên thực tế, tất cả chúng tôi trong ít nhất ba ngày liền đã bị sốt cao và bị nhức đầu ghê gớm. Đấy có phải là bệnh sốt nóng hay là sốt rét - về chuyện này tốt hơn hãy để các bác sĩ phát biểu, vì họ chữa chạy và chăm sóc cho chúng tôi. Bệnh tật đã làm chậm lại đôi chút việc triển khai các khí tài và việc chuẩn bị khí tài để huấn luyện cho các khẩu đội Việt Nam.

Trong vòng một tuần lễ, tất cả chúng tôi đã được bố trí về các phòng. Tôi đã được sắp xếp nơi ở cùng với các sĩ quan chỉ huy của các trung đội - Dakhmưlốp và Miacuscô. Nhưng về đêm những con muỗi và những con thạch sùng bò trên trần nhà không để chúng tôi yên. Sau cùng: theo chỉ thị của ban chỉ huy Việt Nam, tất cả các giường nằm của chúng tôi đều có màn chống muỗi. Bấy giờ chúng tôi có thể ngủ yên giấc.

Trong nhà ăn có quầy giải khát, tại đấy có bán nước khoáng nhãn hiệu "Boócgiômi", nhưng chúng tôi không có tiền Việt Nam để mua. Chẳng bao lâu sau đó mỗi người chúng tôi được phát các biđông quân đội. Thế là mỗi buổi sáng chúng tôi đổ đầy nước sôi vào đấy hoặc đổ nước trà vào đấy và uống cả ngày.

Hàng ngày, sau bữa điểm tâm buổi sáng toàn đoàn tập hợp để nhận các nhiệm vụ trong ngày. Ít lâu sau chúng tôi đến địa điểm triển khai Trung tâm huấn luyện tương lai. Địa điểm ấy nằm sâu trong rừng, cách điểm dân cư Trại Cau 20 phút đi xe. Đến thời điểm ấy tất cả số khí tài đã được tập trung ở đây và được bọc kín. Chúng tôi có nhiệm vụ cùng với các khẩu đội Việt Nam chuẩn bị địa điểm để triển khai tổ hợp tên lửa với quân số hạn chế. nhằm đảm bảo khâu huấn luyện lý thuyết và thực hành cho các khẩu đội với điều kiện giữ lại tối đa số lượng cây cối và đảm bảo ngụy trang.

Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, chúng tôi đã bắt tay vào huấn luyện các khẩu đội Việt Nam. Trong mỗi nhóm có hai khẩu đội chiến đấu, với đầy đủ quân số theo biên chế thời chiến, được huấn luyện. Những buổi lên lớp về lý thuyết được tiến hành trong các nhà lán đơn sơ bằng tre, còn những buổi tập thực hành thì được tiến hành trên các khí tài chiến đấu. Mỗi chuyên gia - huấn luyện viên đều có một phiên dịch viên. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để thiết lập được sự hiểu biết lẫn nhau một cách nhanh chóng. Thoạt đầu các phiên dịch viên gặp khó khăn rất nhiều trong việc dịch văn bản tài liệu của chúng tôi, đành phải vài lần nhắc lại cùng một vấn đề, và phải thay đổi một số cách diễn đạt.

Có một lần, trong những bài giảng lý thuyết trong nhóm của tôi đã xảy ra một trường hợp rất buồn cười. Trong lúc nghe giảng, các học viên của tôi bỗng nhiên kêu ầm lên, một số nhảy ra khỏi phòng học, nhiều người giơ cao chân lên và nhảy lên bàn. Sau đấy có một số người nhảy bổ về phía tường, lao xuống đất và trong nháy mắt, họ đã long trọng giơ lên cho mọi người thấy một con rắn to vừa bị tóm! Đến hôm sau người phiên dịch cho tôi biết rằng con rắn bắt được hôm qua là loại rắn ăn được và thịt nó rất ngon !

Trên quãng đường từ Trại Cau đến Trung tâm huấn luyện có một nhánh sông đã bị cạn của một con suối nào đó. Trong trận mưa rào nhiệt đới, nhánh nước cạn ấy đã lập tức tràn đầy nước, thế là con suối ấy lập tức tỏ rõ sự hung dữ của mình, trong dòng thác ào ào nó cuốn trôi không những cây cối, mà đôi khi còn cuốn trôi cả những con trâu. Đối với chúng tôi đây là lần đầu tiên, khi trở về từ Trung tâm huấn luyện, cảnh tượng không đơn giản ấy trở thành một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Tất cả chúng tôi đã phải cởi quần áo, chỉ mặc quần đùi, để quần áo trên nóc xe buýt, đóng chặt các cửa xe và hò nhau đẩy xe buýt sang bờ suối bên kia.

Cũng như khi còn ở Liên Xô. chỗ chúng tôi cũng có tổ chức đảng hoạt động, các cuộc họp đảng vẫn được tiến hành. Trong cuộc họp tổ đảng, đầu tiên tôi được bầu làm phó bí thư chi bộ của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Trung tâm huấn luyện số 2. Có lần, trong cuộc trao đổi với tôi Đại tá I. I Xmiếcnốp, phó chỉ huy phụ trách công tác chính trị, vì đã nắm rõ các thành tích của tôi trong trung đoàn, nên đã khuyên tôi tổ chức hoạt động văn nghệ nghiệp dư.

Sau khi nhận thêm việc này, tôi đã tích cực tìm kiếm các tài năng, lựa chọn những người biểu diễn. Trong hàng ngũ chuyên gia chúng tôi hóa ra có khá nhiều người có tài năng văn nghệ. Cần suy nghĩ và soạn thảo chương trình văn nghệ và tổ chức tập luyện cho những người tham gia hoạt động văn nghệ. Đối với tôi đó là công việc bình thường, vì trước kia tôi cũng đã tổ chức hoạt động văn nghệ nghiệp dư như vậy tại Tiểu đoàn số 2 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không số 345, Quân khu phòng không Ba cu. Tập thể của chúng tôi đã thành công trong những buổi biểu diễn văn nghệ trước toàn đội ngũ đơn vị và đã luôn luôn giữ những vị trí hàng đầu trong các cuộc thi văn nghệ.

Sau một tháng, tổ văn nghệ nghiệp dư của Trung tâm huấn luyện số 2 đã sẵn sàng trình diễn. Một lần vào buổi sáng người ta đã cho một chiếc ôtô "Pôbêđa" đến Trung tâm huấn luyện đón tôi với lệnh của Đại tá N. V. Bagienốp yêu cầu đến gặp ông ngay lập tức. Người ta dẫn tôi vào nhà ăn. Khi tôi bước vào phòng ăn, tôi trông thấy có nhiều người Việt Nam, chủ yếu là các cô gái. Tất cả họ đều mặc quân phục, mỗi cô đều có hành lý để cạnh và có các phương tiện ngụy trang.

Đại tá I. I. Xmiếcnốp giới thiệu tôi với những người có mặt rằng tôi là người chỉ đạo hoạt động văn nghệ. Tôi được mời ngồi vào bàn. Đối diện với tôi là một cô gái duyên dáng có nước da bánh mật. Cô lập tức tự giới thiệu tên cô là Vũ Thanh (By Tahь) và bắt đầu vồn vã rót trà và mời tôi ăn bánh. Mọi người đều có thái độ thoải mái: họ cùng nhau trò chuyện, uống trà, hút thuốc. Đó là Đoàn ca múa của lực lượng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đoàn ca múa này từ Hà Nội đã phải đi mất ba ngày mới đến được chỗ chúng tôi. Tại đây người ta đã quyết định tiến hành buổi biểu diễn văn nghệ chung để phục vụ các chuyên gia của Trung tâm và toàn thể đội ngũ của Trung đoàn tên lửa phòng không số 238 sau này của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đã thỏa thuận chi tiết các tiết mục biểu diễn, ấn định thời gian và địa điểm tiến hành buổi biểu diễn.

Đến tối đã diễn ra buổi văn nghệ chung đẩu tiên và đã rất thành công. Đội văn nghệ nghiệp dư của tôi đã giành được quyền trình diễn. Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã biểu diễn thành công trước dân chúng trong tỉnh. Đã có vài nghìn người Việt Nam tụ họp trong rừng để xem buổi biểu diễn văn nghệ ấy.

Vào đầu tháng 8, vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại Việt Nam - ông I. X. Sécbacốp - đã đến thăm Trung tâm huấn luyện của chúng tôi. Vị đại sứ đã tìm hiểu tiến trình đào tạo các khẩu đội Việt Nam, đã tham quan các khí tài chiến đấu và đứng trước đội ngũ các chuyên gia Liên Xô, ông đại sứ đã tuyên bố rằng thời gian sắp tới chúng tôi sẽ ra các trận địa để tác chiến.

I. X. Sécbacốp đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết ở mỗi chuyên gia Xôviết phải có ý thức trách nhiệm cao, vì điều đó sẽ có ý nghĩa quyết định rất lớn đối với nhiều vấn đề trong quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. Việc cung cấp các phương tiện kỹ thuật chiến đấu đã được Liên Xô đẩy nhanh. Một phần số phương tiện ấy đã được vận chuyển qua ngả Trung Quốc, cũng như bằng đường biển.

Những phương tiện kỹ thuật được chở đến đã được tập trung trong rừng bên cạnh Trung tâm huấn luyện. Để trung đoàn chúng tôi xuất kích thì cần phải thành lập bốn tiểu đoàn hỏa lực, một khẩu đội điều khiển và một tiểu đoàn kỹ thuật của trung đoàn. Tất cả số chuyên gia quân sự Liên Xô của Trung tâm huấn luyện đã được phân bổ về các đơn vị ấy, với số chuyên gia còn lại người ta đã thành lập Tiểu đoàn tên lửa phòng không số 82 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không thứ hai (trung đoàn 238) của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Rõ ràng là phía Mỹ đã phát hiện được địa điểm đóng quân của Trung tâm chúng tôi, và chẳng bao lâu sau trên bầu trời Trại Cau đã có ba máy bay tiêm kích Mỹ bay qua rất thấp. Sang ngày hôm sau, vào khoảng 17 giờ các máy bay địch đã phóng xuống Trung tâm huấn luyện một số tên lửa không điều khiển, nhưng không gây ra tổn thất nào cả. Đến thời điểm ấy đã có ba máy bay Mỹ bị hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn tên lửa thứ nhất (Trung đoàn 236) bắn rơi. Tình hình luôn luôn trở nên phức tạp. Vậy là trung đoàn của chúng tôi nhận được lệnh tiến ra trận địa chiến đấu. Đó là vào giữa tháng 8 - 1965. Đã kết thúc thêm một giai đoạn bình yên trong đời sống của Tiểu đoàn 82 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không thứ hai (trung đoàn 238) của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965-1973 (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn