Nhảy dây
Nhảy dây. Nghe nói nó bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng nay thế giới đã có những cuộc thi về nhảy dây.
Nôm na thì người nhảy bật lên khi sợi dây (bằng nhiều chất liệu), quét qua chân và bay vòng qua đầu. Ai nhảy được lâu và không chạm vào dây, người đó thắng.
Nhảy dây cũng là môn thể thao và rèn luyện sức khỏe. Bất cứ cửa hàng dụng cụ thể thao nào cũng đều bày bán những sợi dây đủ màu, có hai tay cầm bằng nhựa hoặc gỗ tiện ở hai đầu. He he. Nếu nhà cực giàu có khi đúc tay cầm này bằng vàng cũng nên vì môn nhảy dây này thúc đẩy tuần hoàn máu, bảo vệ tim, tăng dung tích sống của phổi; thúc đẩy quá trình dậy thì của thanh thiếu niên, phát triển trí óc, tăng cường sức khoẻ và điều quý nhất đối với các madam là tác dụng giảm béo cực kỳ hiệu quả.
Khi nhảy dây, cơ thể sẽ được thúc đẩy và tiết ra endorphin, một liều dopinh tự nhiên của tạo hóa, mang đến cho người tập cảm giác thư thái, dễ chịu. Bên cạnh đó, hít thở sâu khi luyện tập nhảy dây còn giúp cho tâm trí được làm mới, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tăng độ tập trung.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhảy dây giúp tăng cường mật độ xương. Ở phụ nữ, chỉ 5 phút hàng ngày hoặc 30 phút hàng tuần là mật độ xương ở chân và phần dưới cột sống sẽ tăng rõ rệt sau 6 tháng tập luyện. Đây là bài tập đốt cháy lượng calo từ 1200 đến 1300 calo trong một giờ, hơn hẳn việc đi bộ hoặc chạy bộ.
Từ khi trò nhảy dây du nhập vào Việt Nam, đám con cháu hậu duệ Hai Bà Trưng còn nghĩ ra nhiều kiểu nhảy dây mà khó kể hết trong một lúc. Nhảy một người, nhảy hai người rồi tiến đến cả chục người cùng bật lên theo nhịp đếm. Nhảy xuôi chiều, rồi từng người từng cặp lại nhảy vào vòng dây theo hướng chéo nhau.
Nhảy đơn giản như nhảy lèo với một dây, rồi hai đứa bên ngoài cầm hai dây quật chéo nhau để tăng độ khó. Đến khi chán rồi lại nghĩ ra kiểu nhảy đạp. Kiểu nhảy không cần bật cao mà chỉ lần lượt nhắc từng chân khi dây chạm đất. Động tác nhanh, chân choãi ra để lấy thăng bằng nên khi một chân tiếp đất, giống y như động tác dùng chân đạp một cái gì đó trên mặt đất. Nó còn có kiểu nhảy Đông Bắc Tây Nam. Mặc sợi dây cứ quay đều đều, đứa trong vòng dây cứ biến tấu nhảy hết xuôi tới ngược rồi nhảy cả sang hai bên. Động tác này phải bật xa vì đường vòng của dây ở chính tâm rất rộng.
Giờ ra chơi ở sân trường xưa, lúc nào cũng thấy đám nhảy dây.
Đám con gái còn nghĩ ra trò nhảy dây chun. Không tiêu hao năng lượng như nhảy dây nhưng lại khiến các khớp ở đầu gối và cổ chân hoạt động tích cực.
Những sợi dây chun hồi đấy hình như phải nhập ngoại, vậy mà trong cặp sách của đám con gái lúc nào cũng có những sợi chun, được móc vào nhau thành sợi dây dài. Oản tù tì xong, hai đứa thua phải cầm hai đầu chun, có lúc lại là bốn đầu chun cho hai sợi dây chăng song song để bọn thắng nhảy qua. Từ độ cao ở tầm đầu gối, vạt áo, vai, đỉnh đầu rồi lại đứng kiễng chân cho nó cao thêm. Con gái hồi đấy đều không mặc váy như bây giờ. Bọn nó mặc quần phăng hoặc lụa, nhún lên rồi móc chân vào chun kéo xuống để vượt qua.
Hình như hồi đấy khi vung chân không đứa con gái nào sợ toạc quần. Bọn nó chỉ sợ đám con trai hay mở cặp lấy trộm chun để bắn đạn giấy hoặc chơi trò búng chun trên mặt bàn học.
Thật ghét. Bọn nó không chịu bớt tiền ăn sáng để mua chun mà chỉ nhăm nhe lấy trộm chun của bọn con gái!
Chuyện làng quê