Sau lần vinh danh "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu Châu Á", Cao nguyên Mộc Châu của tỉnh Sơn La tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu Thế giới" công bố tối 11/11/2022 trong Gala chung kết Giải thưởng Du lịch Thế giới tại Thủ đô Muscat của Oman. Đây chính là danh hiệu cao quý nhất trong ngành du lịch do các chuyên gia du lịch, giới truyền thông và người tiêu dùng trên toàn thế giới bình chọn.
Và, chúng ta cùng biết đến “Năm du lịch Quốc gia Mộc Châu” dành cho hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu qua sự kiện khai mạc diễn ra hồi nửa cuối tháng 5 năm 2024. Điều đó càng thêm khẳng định Mộc Châu đang được đánh giá là một trong những khu du lịch quan trọng trên hành trình du lịch “Qua miền Tây Bắc”.
Nơi đây đã hình thành nhiều điểm đến, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí như: Khu du lịch Mộc Châu Island - Cầu kính Bạch Long; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Phượng Hoàng - Rừng thông Bản Áng; điểm du lịch sinh thái Thác Dải Yếm - Cầu kính Tình yêu; làng Bắc Âu, phố đi bộ - Chợ đêm; Đồi chè trái tim; Làng nguyên thủy Hang Táu, thuộc Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc; Kỳ quan Núi Đá dựng Ông Chứ cúng, xã Tân Lập; Thác Tạt Nàng, Thác 7 tầng Chiềng Khoa, Làng văn hóa du lịch Hang Kia - Pà Cò…
Du khách dưới xuôi khám phá Mộc Châu thường đi ngược Quốc lộ 6, “con đường huyền thoại” gắn với nhiều đèo dốc từng ghi danh sử sách, nổi tiếng về nét uốn lượn kỳ vĩ, kiến tạo nên cung đường rất riêng Tây Bắc: Dốc Cun - đoạn nối thành phố Hòa Bình với huyện Cao Phong, nơi có chỉ dẫn Bản đồ Quốc gia về đặc sản Cam ngon (với bốn loại: Cam lòng vàng (CS1), cam canh, cam Xã Đoài lùn và cam Xã Đoài cao); vượt Đèo Thung Khe huyện Tân Lạc - có Phố Trắng áp đỉnh núi. Khu vực này có mấy điểm nghỉ chân check-in lý tưởng: chinh phục cột cờ, ngắm bản làng dưới chân núi và nếm các sản vật của người H’Mông bày bán phía bên phải đường; Qua đỉnh đèo dừng ngắm phố huyện Mai Châu từ trên cao, ẩn hiện dưới long thung trập trùng núi, trập trùng mây phía bên trái…
Dạo qua thủ phủ Vân Hồ sẽ đặt chân lên đến trung tâm Mộc Châu. Từ Quốc lộ 6 rẽ phải, qua Thị trấn Nông trường, trên đường vào xã Tân Lập là nơi mấy năm gần đây cứ vào độ tháng 9 năm trước cho đến hết tháng 3 năm sau lại rộ lên đón các đoàn khách đến tham quan, check-in các vườn hồng đương độ chuyển sắc từ vàng cam sang đỏ mọng: Vườn Hồng bản Ôn; bản Pa Khen, bản Phiêng Khoang…mang tên các chủ vườn: Leon, Thanh Bình, Thảo Kỳ, Hai Lúa, Anh Thư, Ánh Tuyết, Bà Thông…
Theo nghiên cứu thì trái hồng loại này ở Việt Nam xuất hiện nhiều nhất ở ba địa danh: Đà lạt (Lâm Đồng), Măng Đen (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) và Vân Hồ - Mộc Châu (Sơn La). Và, dường như loại quả này là sản phẩm quá ưu ái cho tình yêu và phái đẹp: Chúng chuyển vàng từ trước 20/10 (ngày Phụ nữ Việt Nam), rồi càng thắm hơn khi bước qua Tết Dương lịch và Tết cổ truyền. Tiếp đến, thêm rạng rỡ và khoe sắc đỏ mọng cùng ngàn lộc biếc mỗi độ xuân sang, làm ngời lên những khuôn mặt đón Lễ Tình nhân 14/2 rồi vắt hết mình qua mùng 8/3 Quốc tế Phụ nữ bên nao nức váy áo chị em…
Trong lịch sử, xưa nay, làm gì có thứ hoa trái nào “tận hiến” đến như thế?!
Vườn Hồng diện tích lớn nhất
Và, khi được trải nghiệm cùng Vân Hồ - Mộc Châu chuyến vừa rồi, tôi thực sự ấn tượng với Nhà vườn Hồng Leon, diện tích trồng hồng được cho là rộng lớn nhất, theo chỉ dẫn: Số nhà 138, tỉnh lộ 104 thuộc Tiểu khu mía đường. Họ đã chủ động “thiết kế” riêng một bãi đỗ xe rộng, đủ cho xe du lịch từ 4 - 50 chỗ đỗ và quay đầu, không làm ảnh hưởng đến giao thông, tạo sự an toàn tuyệt đối cho du khách.
Chủ vườn Hồng Leon mang tên Đặng Nhung có cô con gái thứ Khánh Huyền xinh xắn luôn tay chuyển điện thoại qua các túi áo để kịp “bấm máy” chụp theo yêu cầu của khách. Cặp mắt lúng liếng, làn da trắng trẻo, “khuyến mại” nụ cười thường trực trên khuôn mặt khả ái, thân thiện…
Mới chỉ lướt qua và cảm nhận, ngay cả thảm cỏ xanh mướt trong khu vườn rộng ấy cũng như mềm mại đón đưa những nhịp chân nhún nhảy, tạo dáng của các cô, các cậu bé người H’Mông đang râm ran bên các nhóm khách diện đa sắc váy áo làm duyên…mải vui rộn khắp các góc vườn…
Khánh Huyền cho biết: Nhà cháu ai vào việc đó, bố thì “xi-nhan” cho xe tiến lùi ngoài bãi. Anh trai và chị dâu ngoài việc trèo hái hồng chín rồi ngâm mấy ngày, gạn qua nhiều lượt nước “siêu sạch” để “trình diễn” những giỏ hồng chín phục vụ khách ăn và mua về dưới xuôi làm quà. Mẹ cháu thu vé, hướng dẫn khách lối lên vườn và không quên dặn khách thoải mái nghiêng ngả chụp cùng vườn hoa mua tím trải dài suốt một vạt đồi, tạo dấu ấn trong những tấm hình lưu niệm lung linh. Còn cháu, chuyên “tư vấn” những góc chụp lý tưởng nhất “theo giờ” giúp khách, tỷ dụ: sáng chụp góc này, chiều phải “tạo dáng” góc kia, tránh ngược sáng, nước ảnh sẽ thiếu độ trong…
Cháu còn “mượn” các em bé trong bản với trang phục sẵn có của “người đồng bào” (H’Mông) chiều khách hết nấc, nhằm tạo ấn tượng thật tốt, thật thân thiện. Hầu như đoàn khách nào cũng “thưởng nóng” cho nhóm các em bé ấy, chúng nó và gia đình rất trân quý và cảm ơn lữ khách luôn rộng lòng…
Chị Đặng Nhung cho rằng: chính Khánh Huyền đã “nghĩ ra phương án mở vườn check-in” cho du khách. Do vậy, khoảng ba bốn năm nay, phong trào tỉa lá để lộ nguyên vườn hồng chín trở thành trào lưu và quả là rất “hợp lòng người”,…
Chị Đặng Nhung còn tâm sự thêm: Gia đình chúng tôi phải đầu tư phân bón vi sinh và hữu cơ có hàm lượng cao, nhằm “chăm sóc sức khỏe cho cây hồng” một cách bài bản. Phải nhờ những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phân bón của Supe Lâm Thao cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện nhà tham góp giúp các giải pháp tối ưu. Vì chất lượng trái hồng phải to, chín đều, duy trì tuổi thọ dài ngày trên cây (khoảng 6 tháng từ khi chín), đủ thời gian cho nhiều lượt khách được tham quan. Bên cạnh đó, phải tuyệt đối giữ bầu không khí trong lành không mùi thuốc, vì sức khỏe cộng đồng…
Mô hình “Kinh doanh Du lịch điền dã” sẽ ngày càng phát triển
Tôi có cảm giác như chính họ đã trở thành những “chuyên gia”, vì họ chẳng những đã nghiên cứu kỹ lưỡng đặc tính của cây trồng mà còn biết dõi theo và áp dụng khoa học, kỹ thuật, biết lắng nghe nhịp thở của đồng loại: Vui là tốt nhưng khách tham quan nhất định phải khỏe nữa mới là cái đích của mô hình “kinh doanh du lịch điền dã”!
Nhìn từ góc khác, qua từng cử chỉ và lời nói chân thành từ họ - những người nông dân của hôm nay, khi tôi được biết chính xác mỗi vườn hồng đều đã được trồng từ hơn 10 năm trước. Người dân ban đầu chỉ ước muốn có vườn trái sạch để cung cấp cho người tiêu dùng, đâu nghĩ để làm du lịch trong nay mai?!
Chính vì vậy, khi ngẫu nhiên lọt vào giữa Khu Du lịch Quốc gia, họ đã kịp xoay trở nhằm đáp ứng nhu cầu của thực khách ba miền như một minh chứng cho một mảnh đất giàu tiềm năng như Mộc Châu của ngày hôm nay - Mảnh đất từng được ví như “Đà lạt của Miền Bắc” hay “Nàng Thơ Tây Bắc” đang kết nối chuỗi giá trị từ văn hóa tinh thần ngày càng được vật chất hóa, nâng cao hơn mức sống của người dân vùng cao, hẻo lánh này…
Như lời cháu gái Khánh Huyền khẳng định: Ngày cao điểm, gia đình cháu thu được khoảng trên dưới 5 triệu đồng tiền vé tham quan và bán hàng. Có nghĩa là việc tái đầu tư chăm sóc cho cây quanh năm cũng sẽ được “nhẹ gánh” hơn nhờ tạo được nguồn thu trong suốt mấy tháng dòng. Dịch vụ cho thuê váy, áo và bán đồ ăn “bản địa” cũng phát triển theo…
Tôi thấy thật vui qua cuộc nói chuyện rất cởi mở và lý thú với hai mẹ con chủ vườn hồng Leon ấy - cháu Khánh Huyền tặng tôi số điện thoại qua giọng đọc trong veo: 0967.450.867 và dặn với theo: Chú nhớ gửi tặng cháu mấy tấm hình chụp riêng lúc cuối chiều nay nhé ạ…
Tôi khẽ gật đầu, chào xuôi và hứa sẽ quay trở lại khi tiết Xuân sang…muốn tận mắt nhìn thấy những mầm xanh khởi lên trong sắc hồng chín mọng…
Mộc Châu, tháng 12 năm 2024.