Cờ tướng

Ngày nay cờ tướng vẫn là một trò chơi - môn thể thao trí tuệ - được nhiều người Việt Nam yêu thích vì đầu tư đơn giản, rẻ tiền, chỉ cần một bàn cờ cả quân bằng nhựa giá tiền khoảng trên dưới 100 nghìn đồng là chơi tốt. Điều ưu việt của loại cờ này là chỉ có 2 người chơi và có thể chơi bất cứ ở chỗ nào và thời gian nào.
co-tuong-1631261419.png
 

Xuất hiện từ thời Chiến Quốc bên Tàu (năm 475 - 221 trước công nguyên), thời đó trên bàn cờ còn chưa có 2 quân pháo. 1000 năm sau vào thời nhà Đường (năm 618 - 907 sau công nguyên) mỗi bên mới thêm 2 quân pháo vào. Ngày nay là một môn thể thao trí tuệ thịnh hành ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Singapore.

Đây là trò chơi chỉ có 2 người mô phỏng 2 đoàn quân đối địch tranh hùng trên chiến trường, mỗi bên có 3 hạng người gồm: Tướng (tư lệnh), Sĩ (tham mưu), Tốt (quân lính) và 4 hạng vũ khí gồm Tượng (voi), Xe (chiến xa), Pháo (đại bác) và Mã (ngựa - kỵ binh). Bàn cờ tỉ lệ 9/8 tượng trưng cho chiến trường, trận địa mỗi bên có 9 dòng kẻ dọc và 5 dòng kẻ ngang tượng trưng cho các đường hành quân chính, 2 trận địa cách nhau bằng 1 con sông ở giữa (gọi là Hà), mỗi bên có 16 quân cờ gồm: 1 tướng, 2 sĩ, 2 tượng, 2 xe, 2 pháo, 2 mã và 5 tốt, phân biệt bằng 2 màu đen trắng hoặc đen đỏ, các quân cờ đều đứng trên giao điểm của các dòng kẻ.

Thực hiện đúng luật chơi, 2 bên có hàng chục nước cờ để trảm quân của nhau, đến khi 1 bên bị chiếu tướng không đỡ được là thua, vì vậy khi đi 1 nước cờ phải dự tính được mấy nước tiếp sau, tiến thoái thế nào y như trên chiến trận, vì vậy đây là một trò chơi trí tuệ cao siêu không phải tầm thường. Thế giới đã nâng tầm trò chơi thành một danh mục thể thao và đã có nhiều Hiệp hội cờ tướng ra đời.

Đối với nước ta, đánh cờ tướng là một trò chơi dân gian có từ ngày xưa rất phổ biến ở thành thị và nông thôn, chơi vào bất kỳ thời gian nào chứ không chỉ vào những ngày lễ hội, vì phương tiện chơi đơn giản chỉ gồm 1 bàn cờ và quân cờ tự chế bằng gỗ hoặc bìa cứng, nhà nào cũng làm được. Đàn ông nông dân những lúc nông nhàn thường rủ nhau chơi cờ, các cụ ông thường vừa uống trà vừa chơi cờ suốt cả buổi không chán, mỗi cuộc cờ ngoài 2 người chính, xung quanh lại có vài ba thầy dùi xui đi từng nước làm cho không khí cuộc cờ vô cùng vui vẻ hào hứng. Những ngày hội làng đầu xuân, ngoài sân đình thường có trò chơi đánh cờ người, theo phong tục từng làng tất cả quân cờ đều là người của 2 xóm tham dự gồm toàn nam thanh nữ tú, trai chưa vợ gái chưa chồng, mặc cổ trang rất đẹp, hai ông giám khảo ngồi hai đầu sông, một ông giám thị đi vòng quanh quan sát, những quân cờ ngồi trang nghiêm trên ghế đẩu, những người đánh cờ gồm mỗi bên khoảng 5 ông cao cờ của từng xóm do một ông thủ quân cầm trịch lần lượt thay nhau đi quân cờ. Khi ông cai cờ (Ban tổ chức) đánh một hồi trống thúc quân dứt 3 tiếng cuối (khoảng 30 giây) là phải đi một nước, đến lượt bên nào thì một người bên ấy phải vào dẫn quân đến vị trí mới, quân nào bị trảm thì phải ra khỏi bàn cờ, nhưng phải đợi đến lúc tàn cuộc mới được về. Trẻ con rất vui sướng, cười nói chỉ trỏ, thích nhất được đứng gần các ông tướng, sĩ mũ cao áo dài oai phong lẫm liệt, các cô bác nhất là đám thanh niên trai tráng thì đứng ngắm hai hàng tốt đen tốt đỏ toàn là những cô thôn nữ trong làng mặc áo chẽn thắt lưng đen, đỏ, quần quấn xà cạp gọn gàng, đầu đội nón dấu như lính ngày xưa, cô tốt nào cũng khỏe mạnh, má hồng xinh đẹp tươi tắn với đôi mắt long lanh và nụ cưới hé mở trên làn môi mọng đỏ.

Cuộc cờ cứ thế kéo dài, người xem xúm đông xúm đỏ, tiếng trống thúc quân rộn rã đến lúc cờ tàn, một bên thua là kết thúc. Lúc trao giải mới vui: bên được thì giải to, bên thua thì giải bé, vì thế tất cả đều vui vẻ. Đánh cờ người là một nét văn hóa của làng quê Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay.

Giải cờ tướng ở Việt Nam chia làm 2 giải Bắc kỳ và Nam kỳ xuất hiện từ năm 1936, cho đến nay hầu như năm nào cũng có kỳ thủ vô địch với giải thưởng lớn hàng trăm triệu đồng. Gần đây các kỳ thủ cờ tướng Việt Nam đã giành 2 huy chương bạc Châu Á và 2 huy chương đồng Quốc tế. Khi thi đấu quốc tế, thời gian bị khống chế như sau: chuẩn bị 2 phút, toàn trận 25 phút, vì vậy mỗi nước cờ đi phải thật nhanh chỉ khoảng 10 giây và không có chuyện hoãn nước đi nhầm, vì vậy đòi hỏi các kỳ thủ phải rất thông minh nhanh nhạy.

Ngày nay cờ tướng vẫn là một trò chơi - môn thể thao trí tuệ - được nhiều người Việt Nam yêu thích vì đầu tư đơn giản, rẻ tiền, chỉ cần một bàn cờ cả quân bằng nhựa giá tiền khoảng trên dưới 100 nghìn đồng là chơi tốt. Điều ưu việt của loại cờ này là chỉ có 2 người chơi và có thể chơi bất cứ ở chỗ nào và thời gian nào.

Những ngày chống dịch gay go "ai ở đâu ở đấy" dài không biết bao giờ dứt này, chỉ bọn trẻ con là thích bởi chúng có đủ thứ để chơi, nào là thú cưng, nào là hộp xếp hình, nào là xoay rubíc, nào là các binh lính, động vật bằng nhựa, thú nhồi bông, vịt nhựa bơi trong chậu, các loại ô tô máy kéo, máy xúc, xe tải xây dựng công trình chạy pil có điều khiển, bút giấy vẽ, bột nặn điêu khắc v.v. suốt ngày chúng bày la liệt khắp nhà, trong khi mẹ thì phải lo mua đủ quần áo, thức ăn, cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ, bố thì sửa chữa nhà cửa, điện nước, các đồ dùng học tập và sách vở cho con, còn cắt tóc tắm rửa cho chúng, nhất là nếu có thằng cu chập chững biết đi thì còn phải trông nó sát sao, ngoài ra còn phải túi bụi lo đối phó với những qui định chống dịch của địa phương v.v...hàng trăm thứ việc không tên, người lớn không còn thì giờ đâu nghỉ ngơi chứ đừng nói là có thì giờ để chơi, suốt ngày giam mình trong bốn bức tường, đầu óc thì trì trệ, cơ bắp thì teo nhão, thỉnh thoảng có thời gian rỗi thì lại xem tivi hay nghịch điện thoại, mãi cũng chán, từ chán đến buồn...Lúc ấy, theo nguyên lý "thay đổi phương thức lao động chính là nghỉ ngơi" giá có bàn cờ tướng mà chơi thì có khi lại thêm phần hào hứng và phấn khích.

Chính vì thế từ cuối thế kỷ thứ 18, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương - một nhà thơ được đánh giá cao trong văn học sử Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 - đã quan sát việc đánh cờ bằng sự đặc tả vô cùng sinh động, sâu sắc và ý nhị trong bài thơ:

 

ĐÁNH  CỜ

 

Chàng với thiếp canh khuya trằn trọc

Đét đồn lên đánh cuộc cờ người

Hẹn rằng đấu trí mà chơi

Cấm ngoại thủy không ai được biết

 

Nào tướng sĩ dàn ra cho hết

Để đôi ta sẽ quyết một phen

Quân thiếp trắng, quân chàng đen

Hai quân ấy chơi quen đà đã lựa

 

Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa

Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên

Hai xe hà chàng gác hai bên

Thiếp sợ bí, thiếp liền ghểnh sĩ

 

Chàng lừa thiếp đang cơn bất ý

Đem tốt đầu dú dí vô cung

Thiếp đang mắc nước xe lồng

Thì quân pháo đã nổ đùng ra chiếu

 

Chàng bảo chịu, thiếp rằng chửa chịu

Thua thì thua, quyết níu lấy con

Khi vui nước nước non non

Khi buồn lại giở bàn son quân ngà ./.

 

                                           HỒ XUÂN HƯƠNG

 

Ghi chú:

- Người xưa qui định đêm có 5 canh như sau:

 

CANH

GIỜ

TỪ

1

Tuất

19h đến 21h

2

Hợi

21h đến 23h

3

23h đến 1h

4

Sửu

1h đến 3h

5

Dần

3h đến 5h

  Người nông dân vất vả 2 sương 1 nắng nên canh 2 đã là canh khuya.

- Đét đồn: là đốt đèn (nói lái).

Môn cờ tướng ở Việt Nam ta mới chỉ nhận được các huy chương bạc và đồng, biết đâu sau kỳ giãn cách dài dài, với phong trào thể thao trí tuệ phát triển này, nước ta lại có thêm nhiều kỳ thủ giành huy chương vàng khu vực và quốc tế./.