Con nít yêu bằng thương thầm nhớ trộm

Con nít chơi theo xóm, mỗi xóm lập thành một băng, không phải băng đảng mà là băng bò, kiểu bộ lạc thời tiền sử.
chuy-qe2f-1635082395.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Bé Ban em thằng Xẩu, nhỏ hơn tôi một tuổi (tên Bé, con ông Ban nên gọi thế). Bé Ban có gương mặt sáng đẹp như thiên thần, đôi mắt đen huyền tròn xoe. Bọn con trai chúng tôi đến năm bảy đứa cùng trang lứa, có ít nhất ba đứa thương thầm nhớ trộm Bé Ban, nhưng không đứa nào dám để lộ “tung tích”, vì còn con nít. Sợ nhất bị người lớn chê “ranh”

Ra đồng chăn bò, các trò chơi nối đuôi nhau theo mùa. Những “mùa chơi” chẳng biết theo quy luật nào mà cứ xoay vần đến mức tự nhiên. Từ trò chơi con gái như nhảy dây, đánh sạn năm hòn, ông làng (ô quan), đánh nẻ... đến những trò rất con trai như đánh tổng, ném cù, tản mạng, đá banh... con gái, con trai tất cả đều tham gia say sưa quên ngày, quên tháng.

Lần đầu tiên trong thời trẻ con, chúng tôi chung tiền mua được trái banh da, nhờ mót đậu cút, đậu đen bán cho bà Mực, bà Bốn Cối, chấm dứt thời đá banh gói rơm dây chuối. Nói là “mót”, chứ chủ yếu hái trộm của người ta. Mót chân chính làm sao mua nổi trái banh da thời đó.

Năm ấy vào đầu vụ Đông xuân, chúng tôi tổ chức bang những luống đất mộng làm sân bóng, đang vụ mùa nên không còn những bãi cỏ rộng. Trời lạnh quá tôi mặc nhiều đồ ấm, đến lúc xớt cỏ bang đất, cả người nóng lên, cởi dần từng lớp. Chiếc áo len hai màu xanh đỏ chị tôi mới đan cho rất dày và ấm, cùng bộ đồ nhái thời Mỹ còn lại, cái quần dài vải sa-phi-ốt mua theo chế độ khẩu phần của hợp tác xã, tất cả bị bỏ quên và mất sạch sành sanh trong ngày xui xẻo ấy. Tôi bị mẹ đánh một trân nên thân! Bé Ban không như cô bé của Giang Nam “nhìn tôi cười khúc khích” mà lo lắng cho tôi!

Một buổi chiều thả bò bên bờ mương Lăng Bà, thằng Bé Kỷ dùng roi tre dài, quất chết một con chim sẻ sà xuống đống lúa lép mới vê xong. Tôi, Bé Ban, thằng Xệ, Trụp Ô... đứng về một phe, đấu tranh chống trò độc ác của thằng Bé Kỷ, rồi tổ chức đám ma chim sẻ. Lấy bẹ chuối làm hòm, cũng tẫm liệm, thắp hương khấn vái, giả bộ khóc than như thật. Chôn xong được mấy ngày, lại bày trò hốt cốt mã, xây mộ “linh đình”. Mộ đất to bằng cái tô canh, bên cạnh mả đôi ông bà Phó Hộ.

Sau thời gian học và chăn bò, tôi vẽ tranh treo khắp nhà. Hôm đó Bé Ban lên nhà tôi một mình, cốt để xem tranh tôi vẽ, nào ngờ gặp tôi đang làm thịt ếch. Chiều hôm qua mưa giông, tối đến một mình đốt đèn đuốc bì bõm mấy đám ruộng sau nhà. Tám con ếch bị tôi bắt sống tại trận địa, sáng nay đem chặt đầu lột da. Tôi chặt đến con thứ bảy, Bé Ban đột nhiên đứng ngay trước mặt.

- Trời!!! Ông ni ác!

Mặt tôi tối sầm vì hổ thẹn, nhưng giả vờ như không ăn nhập gì. Tôi chặt nốt con cuối cùng. Ếch chắp hai tay vái lạy tôi - Thằng Đao Phủ!!!

Mãi nhiều năm về sau, ánh mắt ấy, lời nói ấy của cô bé như vẫn còn đọng trong tôi day dứt. Thương tuổi thơ nghèo và giây phút thật vô tâm. Tôi nợ món nợ ruộng đồng ngày ấy!

Năm tôi lớp 8, ba Bé Ban lâm bệnh nặng rồi mất. Vốn mồ côi mẹ khi mới vài tháng tuổi, bây giờ lại mồ côi cha. Chẳng bao lâu, mấy chị em Bé Ban dọn nhà vào Nam sinh sống, nhờ sự cưu mang của người cô ruột.

Hôm Bé Ban đi rồi, tôi sang nhà Bé Cơ, nghe lời than thở của nó:

- Buồn quá mi ơi!

Tôi không hỏi buồn vì nỗi gì, bởi tôi hiểu, nó cũng như tôi, đang chơi vơi… Sáng nay Bé Ban vừa xa quê, không biết đến bao giờ mới gặp lại. Sài Gòn xa hút mắt. Tôi cũng như nó, nhưng không đủ can đảm thốt ra những lời thở than như thế!

Năm năm sau Bé Ban về thăm quê, ghé nhà, lúc đó tôi vừa khởi nghiệp. Chúng tôi chuyện trò dưới tàng cây vú sữa trước sân, nơi có tấm chiếu manh với bộ đồ nghề chạm khắc. Thoáng chốc, Bé Ban vào lại Sài Gòn, còn tôi... một mình tiếp tục miệt mài đục gõ, những bức chạm gia công của những ngày đầu. Tiếng cui lốc cốc... lốc cốc... chồng lên tiếng lòng tôi chất ngất...!

Thời gian như làn gió cuốn theo bao kỷ niệm của một thời thơ bé, trong veo như sớm mai mùa hạ trên cánh đồng ngày thơ!

Gạo Quê 

Theo Chuyện làng quê