Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên (tên thật Nguyễn Việt Trung), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP Cần Thơ vừa gửi đến những câu thơ đầu trong tác phẩm “Những ngày đầu tháng Tư” do ông sáng tác vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở nước ta năm 2020.
Năm ngoái, ông nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm thơ, bài vọng cổ về chủ đề COVID-19. Năm nay, ông lại tiếp tục cho ra đời những tác phẩm lay động lòng người. Khi Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội vào ngày 19/7, nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên đã bắt đầu thu thập tư liệu, hình ảnh từ nhiều nguồn và bắt đầu chuỗi ngày sáng tác. Hơn 10 ngày, ông đã sáng tác được 13 bài vọng cổ, hàng chục bài thơ, nổi bật nhiều việc làm nghĩa tình trong đại dịch Covid-19 như: Cô sinh viên Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương chi viện cho TP Hồ Chí Minh không thể về đưa tiễn cha lần cuối; Người phụ nữ mang dép lê ở TP Phan Thiết gửi tặng tiền cho người dân về quê; Hình ảnh hộp súp nóng trên đỉnh đèo Hải Vân…
Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ: "Đây là khoảng thời gian mang lại cho tôi sự xúc động nhiều nhất, chia sẻ với những người ở tâm dịch, khu cách ly, văn nghệ sĩ không làm chuyện này thì còn làm chuyện gì nữa. Thông qua những tác phẩm này muốn nói với mọi người hãy tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Nhà nước mình, chú ý thực hiện thông điệp 5K. Bởi Covid-19 rất tàn nhẫn không từ một ai, từ giàu nghèo, trẻ già. Hãy tâp trung phòng chống dịch, đừng để mình, gia đình mình, bạn bè mình bị lây nhiễm và nếu đã bị nhiễm hãy cố gắng điều trị, tin tưởng vào Nhà nước, vào ngành y tế".
Ca cổ là món ăn tinh thần của miền Tây Nam bộ, hiểu được điều này, soạn giả Nhâm Hùng đã kịp thời sáng tác bài “Chung một tấm lòng”, nói về việc chung tay đóng góp cho quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Bài vọng cổ của ông được Nhà hát Tây Đô dựng thành MV, qua sự thể hiện của NSƯT Hoàng Khanh và nghệ sĩ Hồng Giang, thu hút nhiều lượt người xem và chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Bằng ca từ giàu hình ảnh, giọng ca mượt mà, sâu lắng, bài ca cổ đã đi sâu vào giới mộ điệu, tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng rãi.
Ngoài bài “Chung một tấm lòng”, trong đợt dịch vào năm 2020, hai bài vọng cổ “Tình anh mùa chống dịch” và “Nghĩa đồng bào” của soạn giả Nhâm Hùng cũng tạo được tiếng vang, hiệu quả tuyên truyền rất tốt.
Soạn giả Nhâm Hùng tâm sự cuộc chiến chống Covid-19 không của riêng ai, văn nghệ sĩ cũng phải xông pha trong cuộc chiến này. Bản thân hy vọng tiếng hát lời ca sẽ góp phần cổ vũ tinh thần của toàn dân để chung tay đẩy lùi dịch bệnh: "Bài đầu viết về bộ đội chống dịch, viết về Quân khu 9. Bài 2 “Nghĩa đồng bào” viết để kêu gọi mọi người chung tay tiếp sức, hỗ trợ đồng bào lúc khó khăn. Bài 3 “Chung một tấm lòng” nghĩa là mọi người chung lòng đóng góp vào quỹ vaccine, để giải quyết vấn đề chống dịch có hiệu quả hơn. Các bài vọng cổ vừa góp phần cổ vũ, vừa góp phần giải trí cho bà con, nhưng trong đó lồng nội dung tuyên truyền phòng chống dịch Covid".
Bên cạnh âm nhạc, thơ văn, lĩnh vực hội họa cũng góp phần tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng những tác phẩm ấn tượng, ý nghĩa. Trong phòng vẽ của mình, thời gian này, đối với họa sĩ Trần Quý Thuận, hội viên Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ, những bức tranh về đề tài lực lượng chống dịch được ông ưu ái, trân trọng hơn cả. Dưới nét vẽ đầy tình cảm, một tháng qua, họa sĩ Trần Quý Thuận đã dành tặng lực lượng y, bác sĩ 4 tác phẩm: "Bàn tay em là cánh sen hồng"; "Như bên mẹ hiền"; "Thương lắm Việt Nam" và "Con đã sẵn sàng".
Các bức tranh được họa sĩ Trần Quý Thuận vẽ bằng chất liệu sơn acrylic trên vải bố, tối giản từ bố cục cho đến màu sắc, tất cả dồn sự chú ý vào sự phồng rộp, méo mó của đôi tay y, bác sĩ vừa tháo găng tay ra sau nhiều giờ làm việc; hình trái tim có lá cờ Việt Nam trên tay một thiên thần áo trắng hay em bé nhỏ với bình sữa trên tay chuẩn bị đồ sẵn sàng đi cách ly... Các bức tranh ngay khi đăng “trình làng” đã có nhiều người quan tâm, bày tỏ sự đồng cảm.
Họa sĩ Trần Quý Thuận bộc bạch: "Khi vẽ những bức tranh đăng lên mạng xã hội rất nhiều người ủng hộ, người ta chia sẻ rất nhiều, vì cảm xúc chung của người Việt Nam chúng ta lúc này là hướng về dịch bệnh, hướng về những y bác sĩ tuyến đầu, những người ngày đêm chống dịch, với hy vọng là lực lượng tuyến đầu nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh. Cảm xúc trong tôi rất nhiều để có thể hoàn thành các bức tranh".
Cuộc chiến chống đại dịch là một đề tài mới, nóng được nhiều văn nghệ sĩ quan tâm. Nhiều tác phẩm đã tập trung đi sâu ngợi ca tinh thần, ý chí một lòng chống dịch của nhân dân trong thành phố; nỗi vất vả của các chiến sĩ áo trắng, tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch; tình người giữa đại dịch và tấm lòng của người Cần Thơ hướng về tâm dịch.
Theo ông Nguyễn Thành Kiên, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ: Các hội viên trên từng lĩnh vực nghệ thuật đang “xông pha” phòng, chống dịch Covid-19 bằng trách nhiệm của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, Hội cũng không ngừng tạo chất men, hăng say sáng tạo cho các văn nghệ sĩ, bằng cách đẩy mạnh các hoạt động công bố tác phẩm thông qua các triển lãm, đêm thơ, ra mắt tác phẩm mới…
"Qua hơn 10 ngày vận động, anh chị em nghệ sĩ đã sáng tác hơn 20 bài văn, thơ, ca khúc, ca cổ. Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ sẽ chọn những bài văn, thơ, tác phẩm ca khúc, ca cổ in trong Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số tháng 8/2021 này, để phục vụ công tác tuyên truyền. Từ nay đến cuối tháng 8 và về sau đó, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ tiếp tục chờ những sáng tác mới của văn nghệ sĩ, góp phần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa công tác phòng chống dịch Covid-19.
Văn nghệ sĩ là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, dù ở bất cứ thể loại nào, qua góc nhìn của họ cuộc sống vẫn đẹp và rất nhân văn. Chính vì thế, những sáng tác của văn nghệ sĩ Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung vào thời điểm này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc kêu gọi sự đoàn kết, lan tỏa tình yêu thương, vì nhau hành động, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.