Cứu trăng

Đêm mười sáu trăng tròn và sáng tỏ, mọi người đang chìm trong giấc ngủ! Bỗng nghe tiếng cụ Từ hốt hoảng “Ối làng nước ơi! Dậy cứu ông trăng! Mặt trời ăn mất ông trăng rồi!”.
trang-1663559805.jpg
Hình ảnh minh họa

 

Thầy tôi đang ngủ, vội choàng dậy chạy ra sân. Tôi khi ấy còn nhỏ, thấy ồn ào cũng dậy chạy ra sân xem sao? Mặt trăng buổi tối sáng vằng vặc, bây giờ bị một quầng đen che khuất hơn một nửa.

Thầy tôi chạy vội vào nhà mang chiếc nia ra sân gõ thùm thụp, hàng xóm thấy tiếng gõ nia, nhà nào nhà ấy mang nong nia, thúng mủng, nồi niêu, xoong chảo…ra gõ cùng. Thế là xóm này nối tiếp xóm kia, làng nọ nối tiếp làng kia thi nhau gõ nong nia, thúng mủng, nồi niêu, xoong chảo…tiếng gõ “Cứu trăng” vang vọng cả một vùng quê rộng lớn.

Quầng tối càng xâm lấn vào mặt trăng, thì tiếng gõ càng mạnh và dồn dập hơn. Tiếng gõ làm cho lũ mèo sợ hãi, chúng kêu gào thảm thiết nghe rợn cả người, làm cho không gian buổi đêm thêm huyền bí! Trẻ em và những người yếu bóng vía sợ, không dám ra khỏi nhà.

Đến khi mặt trăng sáng dần trở lại, thì tiếng gõ thưa dần, thưa dần…

Lúc trăng đã sáng lại gần như ban tối, cả làng cùng reo lên “Cứu được ông trăng rồi!”.

Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn kỳ thú! Khi mặt trăng đi vào hình chóp bóng của trái đất, đối diện với mặt trời. Điều này xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, khi ấy trái đất ở giữa. Nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những đêm trăng tròn.

Mặc dù là hiện tượng thiên văn đã được giải thích rất khoa học. Nhưng tục gõ nong nia, thúng mủng, nồi niêu, xoong chảo…để “Cứu trăng” đêm nguyệt thực ở quê tôi vẫn là một nét đẹp dân gian, gắn kết tình cảm giữa con người với mẹ thiên nhiên của chúng ta.

Chuyện Làng Quê