Đá cầu Việt Nam

Những năm 50, 60 thế kỷ trước, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng thửa một vài đồng chinh trong túi để chơi cầu. Hồi ấy tôi bám dây gàu trèo xuống giếng nước trong vườn nhà thằng Thành để mò tiền chinh, kiếm được hàng vốc lên chia nhau.
chuy-lf-que6-1631955652.jpg
Tại Giải vô địch Đá cầu thế giới lần thứ 10 tại Eaubonne, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp, diễn ra từ ngày 21-8 đến 24-8-2019, Đội tuyển đá cầu Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được năm Huy chương Vàng (trong tổng số bảy nội dung thi đấu của giải) và hai Huy chương Bạc, giữ vững ngôi nhất toàn đoàn.

Nhà thằng Thành rộng lắm. Nhà 99 phố Hàng Bột ( bây giờ là phố Tôn Đức Thắng – Hà Nội ) có cửa hiệu nước mắm Kim Long, chạy sâu vào ngõ Văn Hương đến sát xưởng cao su Hà Nội mới hết cái vườn có hàng rào xây bằng gạch, trên ốp ngói tráng men xanh của nhà nó. Trong vườn có hòn non bộ và cái giếng xây gạch bao quanh.

ch-lg-que5-1631955776.jpg
Cầu chinh và giày chân vịt. Hai ảnh do tác giả cung cấp

Trước chúng tôi đi đá bóng về hay vào hồ Đỗ Lợi để tắm. Có lần trượt chân ở chiếc cầu gạch bám đầy rêu xanh suýt chết đuối nên về sau tôi hay vào giếng nhà thằng Thành tắm nhờ. Giếng nước nhà nó vừa tắm thoải mái lại vừa uống được.

Có lần dây gầu bị đứt, thằng Nam con ông Thảo xuống mò lấy được cả mấy đồng tiền cũ thời Thành Thái hay Bảo Đại gì đấy, nên hôm sau, rình lúc người lớn đang ở cửa hàng, thằng Thành giữ dây để tôi leo xuống giếng mò được mấy vốc tiền chinh.

Chắc khi tiếp quản Thủ đô loại tiền đấy không tiêu được nên các cụ mới vứt xuống giếng cho đỡ tiếc và để làm sạch nước luôn thể.

Tiền chinh tròn xoe có lỗ hình vuông ở giữa để xâu dây. Đồng Bảo Đại nhỏ, cỡ 18-20mm thì phải chập đôi. Đồng Thành Thái to dày hơn, cỡ 25-26mm chỉ cần một cái. Phủ sợi ni lông lên một mặt, lộn lại và xâu qua cái lỗ, vuốt đều là thành quả cầu. Giấy pơ-luya cũng làm được nhưng phải luồn thêm một đồng chinh thì cầu mới cân, đá lên thì đế cầu mới luôn bay về phía trước.

Tiền xu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng làm cầu được, nhưng nó phí vì đồng xu đấy còn mua được nhiều thứ cần kíp hơn.

Vỉa hè nhà tôi ở Hàng Bột hồi ấy chưa trồng 2 cây bàng và nó kéo dài ra tận giữa đường Tôn Đức Thắng ( Đống Đa – Hà Nội ) bây giờ. Cả khoảng sân rộng là khu vui chơi của bọn tôi. Chỗ đá cầu, chỗ chơi bi hay đánh đáo. Hôm nào có các anh lớn thì bọn tôi lại phải dẹp vào một góc mà chơi.

Cầu chinh chơi không tốn đất. Có cái dây căng ngang và hai bên đá qua đá lại. Bên nào không đỡ được hoặc đá ra ngoài vạch ở bên kia là thua, phải nhường quyền đá giao cầu cho bên kia. Nó cũng như luật của bóng bàn hay bóng chuyền trong thể thao nhưng thoải mái hơn khi có kiểu người chơi thi đứng một mình để thi tâng cầu. Ai tâng nhiều lượt hơn người ấy thắng.

Xem đá cầu rất vui mắt nên người lớn ra gọi về ăn cơm, thấy bọn trẻ đang hồi quyết định thì cũng nán lại để xem.

Cái xóm nhỏ đấy đá khéo nhất là thằng Hoành, bên nhà số 160. Nó chân tay lều khều nhưng vào đá cầu thì chân nó như có mắt. Cầu được đá sang, nó như không cần nhìn mà vẫn vớt được quả cầu, tâng lên rồi xoay người đá vít. Quả cầu được đá như cắm thẳng xuống đất, không đứa nào đỡ nổi dù biết đấy là quả tủ của nó. Hoành nó còn có quả “San tô”. Đứng tâng cầu quay lưng với lưới, rồi nó tung người, móc lộn vòng đá cầu sang bên kia lưới. Thằng này lại thua mình quả “quét vôi”. Cầu bay sang, mình dướn lên và đá quét theo hướng cầu rơi. Thường mình nhắm đá xa chỗ nó vừa đứng gieo cầu nên lắm bận nó mài đầu gối xuống sân vì xoạc quá đà.

Bây giờ Việt Nam tham gia giải quốc tế về môn đá cầu thì gọi là Cầu chinh còn ở trong nước có khi gọi là Cầu phủi.

Quả cầu bây giờ cũng khác. Nó được làm bằng nhựa hoặc cao su, rất đẹp. Bỏ ra mười nghìn là được quả cầu. Khi dây ni lông quả cầu bị xơ lại lấy ra thay bằng dây mới, đỡ tốn tiền mua quả cầu mới.

Người đá cầu bây giờ cũng sử dụng loại giày chuyên dụng chứ không chân trần như bọn tôi ngày xưa. Họ gọi đó là giày chân vịt vì cả phía trước bàn chân là miếng da hoặc miếng bạt phẳng lỳ. Chỗ buộc dây được đưa sang bên cạnh hoặc tít lên cao nhằm hướng điểm tiếp xúc của cầu với bàn chân luôn luôn là một mặt phẳng. Giày không đắt, nhập từ Trung Quốc hoặc sản xuất trong nước, giá chỉ hơn trăm nghìn một đôi. Các vận động viên chuyên nghiệp lại cầu kỳ nhờ ông Ngân (Hàng Điếu) hoặc ông Cậy ( Làng Hồ- Thụy Khuê) đo chân đóng giày. Giá đôi giày thửa lên tới ba trăm nghìn nhưng khách vẫn xếp hàng nhờ mấy ông nghệ nhân này đóng vì đá rất thật chân. Chơi ít thì giày sử dụng được cả năm. Cỡ chuyên nghiệp hay chuyên đá phủi thì cũng dùng đến vài ba tháng. Đế mòn thì lại thay mới vì cái giày vịt này nó lại ưa cái mũ giày cũ đã được người dùng biết rõ nó sẽ tác động thế nào đến quả cầu.

Môn đá cầu khởi nguồn từ Trung Quốc, vào thời nhà Hán (năm 207 – 906) với tên gọi là Chien Tsu tức Mũi tên. Từ này cũng gần giống với từ đá cầu trong tiếng Anh là Shuttlecock.

Sang thời nhà Tống (960 – 1278), môn đá cầu được mọi người trong các vương phủ hay chơi và Cao Cầu – một tiểu lại của Đại học sỹ Tô Đông Pha được coi là người đá cầu giỏi nhất. Cao Cầu được vua Tống Huy Tông tin dùng, dần cất nhắc lên chức Điện soái, thống lĩnh 20 vạn cấm quân. Thi Nại Am cũng dựa vào tích này để sáng tạo hình tượng nhân vật Cao Cầu trong truyện Thủy Hử.

Năm 1933, tại Nam Kinh – Trung Quốc khai mạc giải đá cầu quốc gia. Năm 1936, tại Thế vận hội Olympic Beclin, nhóm vận động viên đến từ Giang Tô – Trung Quốc đã biểu diễn môn đá cầu khiến người Đức và các quốc gia khác hâm mộ và yêu thích. Thế giới bắt đầu học và chơi môn thể thao mang tính chất biểu diễn này.

Năm 1999 Liên đoàn Đá cầu thế giới (ISF – International Shuttlecock Federation) được thành lập và hàng năm đều tổ chức Giải vô địch đá cầu thế giới. Châu Âu tuy đi sau về môn đá cầu nhưng trong tổ chức ISF, các quốc gia châu Âu lại có số lượng lớn hơn nhiều các thành viên đến từ châu Á.

Từ năm 2003 môn đá cầu được đưa vào danh sách các môn thi đấu tại Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á.

Môn đá cầu được chia làm 2 loại : Đá cầu nghệ thuật và Đá cầu thi đấu.

Đá cầu nghệ thuật được thực hiện những động tác khó và điều khiển quả cầu một cách khéo léo bởi những vận động viên có kỹ năng thể dục dụng cụ và múa ba lê.

Đá cầu thi đấu lại tổ chức trên sân hình chữ nhật, dài 11,88m và rộng 6,10m, có lưới căng cao giữa sân từ 1,30 đến 1,60m tùy độ tuổi nhi đồng đến các vận động viên nam nữ.

Cả hai môn thi đấu này đều có những quy định chi tiết và luật lệ thi đấu nhưng cùng chung một điểm là không để quả cầu rơi xuống đất. Được dùng bằng tất cả các bộ phận trên cơ thể, nhưng tuyệt đối không sử dụng tay.

Liên đoàn Đá cầu Việt Nam thành lập muộn, sau nhiều nước ở châu Á nhưng ngay sau khi tham gia Giải đá cầu thế giới đã vươn lên thành người khổng lồ của thế giới. Tham gia 10 lần thì cả chục lần đều đoạt ngôi vô địch thế giới, bỏ xa Trung Quốc là nơi phát xuất của môn đá cầu.

Các vận động viên đá cầu như Tuyết Cương, Thanh Tuấn, Thanh Điền, Nguyễn Thị Thanh, Trà My, Nguyễn Đào, Bích Trâm, Minh Thuận, Thủy Tiên… Họ đã nhiều lần mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Trình độ đá cầu Việt Nam được thế giới nể phục. Trên một số sân phủi, nhằm quảng bá và phát triển môn đá cầu, nhà cựu vô địch đá cầu Nguyễn Minh Tâm hay đi thi đấu giao lưu và đá biểu diễn. Ông một mình một bên sân, chấp cả 2 – 3 người đội bạn mà đá không lại với ông. Có khi ông còn chấp bằng cách kê thêm cái xe máy của mình gần bên phần lưới để chấp sân, hoặc ông cho người buộc hai tay mình để đấu với ba cầu thủ đội bạn. Vậy mà qua nhiều sân phủi, ông vẫn chưa tìm ra đội nào thắng được ông.

Tại Hà Nội, cứ ra vườn hoa Hàng Trống (sân Ba lát xưa), góc Tràng Thi, Văn Miếu, làng Đông Xã ( Bưởi), Thành Công, Bách Thảo… đâu đâu cũng thấy có người chơi cầu.

Tố chất người Việt Nam như được sinh ra để chơi giỏi môn đá cầu, dù Trung Quốc mới là quê hương của nó.

Từ thành thị đến thôn quê, môn thể thao dân dã mà cuốn hút này đang dần trở nên môn thể thao thi đấu và cũng là thú vui chơi giải trí số 1 của người Việt Nam.

Theo Chuyện làng quê