Đại địa mạch quốc gia

Cách đây gần 10 năm, trên mạng thông tin quốc tế có một tấm bản đồ thật thú vị: Hình một con rồng rất đẹp mà đầu thì ở dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (có đỉnh Everest cao 8.888m được gọi là nóc nhà của thế giới), lưng uốn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam của dãy.

Từ đỉnh dãy, độ cao thấp dần và đuôi xoè ra ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam sau đó đi xuống vùng Vịnh Bắc Bộ và kết thúc ở vùng đại dương sâu nhất thế giới (Vịnh Mindanao ở Philippines sâu 10.800m).

dai-mach-1663561089.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đó là tấm sơ đồ sơn thuỷ ở phạm vi tầm thế giới. Thật kỳ diệu, các triền núi đó không thẳng băng mà uốn lượn như hình con rồng, tạo ra mạch núi và mạch nước tụ lại, rồi lan tỏa ở trên đồng bằng Bắc Bộ nước ta.

Thế mới biết tại sao vùng đất này luôn luôn bị người ngoài thèm khát và dòm ngó. Và thế mới biết sự uyên bác kỳ tài của Thiền sư Vạn Hạnh và Vua Lý Thái Tổ đã quyết rời bỏ Hoa Lư, để về với vùng đất Thăng Long để từ đó triệt phá được thiên la địa võng mà Cao Biền đã trấn yểm trên thành Đại La cũ 200 năm trước.

Cho đến hôm nay, tất cả những người có chút hiểu biết về phong thủy và lý thuyết về địa mạch đều đã hiểu rằng tất cả mọi bí mật xa xưa về đường kinh mạch, về huyệt đạo linh thiêng mà chỉ có các thầy pháp cao tay mới nắm giữ được, thì nay đã bị phơi bày ra tất cả.

Cái chính là “thiên hạ” thì biết cả, nhưng những người trong cuộc có ý thức được vấn đề và có những giải pháp mạnh để làm chủ các lợi thế đó hay không?

Nhìn vào sơ đồ “vi địa mạch”. Trở lại với địa hình núi sông trên miền Bắc nước ta, thì có 8 dãy núi vòng cung tạo thành hình rẻ quạt là dãy Đông Triều, dãy Ngân Sơn, dãy Bắc Sơn, dãy Tam Đảo, dãy Sông Gâm, dãy Hoàng Liên Sơn, dãy Sông Đà và dãy Hoà Bình, trong đó Hoàng Liên Sơn nối từ Hy Mã Lạp Sơn về có đỉnh Phan xi păng cao nhất Đông Dương (3143m). Hướng đi của các dãy núi đều hình thành các con sông như sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Đà, sông Đuống, sông Cầu…

Thế nhưng các dãy núi chỉ “chầu” nên đều đã dừng lại từ xa, còn các con sông thì đã “tụ” lại ở Việt Trì và nối thông với nhau và tỏa ra ở chính vùng Thăng Long. Kỳ diệu hơn nữa là ở ngay trên đất Thăng Long đã “mọc” lên ba ngọn núi khác: Đó là cụm núi Ba Vì linh thiêng đầy huyền thoại. Đỉnh núi này nhìn theo đường chim bay thì chỉ cách Hồ Tây chừng 25km.

Nhờ khoảng cách không quá xa, nên khi thuyền của vua Lý Thái Tổ đi từ sông Hồng rẽ vào Hồ Dâm Đàm từ làng Hồ Khẩu vào mùa xuân năm 1010, nhà vua có thể nhìn thấy rồng cuộn sóng bay lên, vừa nhìn thấy đỉnh Ba Vì, nên cái tên Thăng Long và tứ văn “Đắc Long bàn Hổ cứ chi thế, tiện núi sông hướng bối chi nghi” mới xuất hiện trong bản Thiên đô chiếu bất hủ.

Ngày nay, từ trên bản đồ vệ tinh, ta có thể dễ dàng tìm thấy đỉnh cao 1226m, nơi toạ lạc Đền Thượng, thờ Tản Viên Sơn Thánh, từ đó có một đường kinh mạch đi theo hướng chính Đông, qua khu vực Đền Kim Ngưu bên bờ Đầm Trị tiếp giáp với Hồ Tây, ra đến tận Cảng Vân Đồn và Vịnh biển Bái Tử Long, ở đó đã có đền Cửa Ông đầy linh thiêng mà nhân dân và hải quân ta hằng tôn thờ suốt 7 thế kỷ qua. Cảng Cửa Suốt của Đức Ông Trần Quốc Tảng xưa, đã và sẽ mãi mãi là một quân cảng quan trọng nơi Bờ Đông của Tổ quốc.

Cũng trên bản đồ vệ tinh, nếu nối một đường theo hướng Đông Bắc-Tây Nam mà mọi người quen gọi là Trục Thần Lộ đi từ đền Kim Ngưu bên bờ Đầm Trị lên đến thành Cổ Loa ( Kinh đô 2300 năm trước của vua An Dương Vương và cũng là Kinh đô hơn 1000 năm trước của vua Ngô Quyền ), trên trục đó ta sẽ gặp phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077 của Đại tướng Lý Thường Kiệt và Ngã ba sông Thiên Đức, nơi Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương lập đại bản doanh chỉ huy đánh quân Nguyên Mông năm 1284 và năm 1288.

Kỳ lạ thay, đường chéo này đi tiếp, rồi đi tiếp nữa, sẽ đến Đồng Đăng, cửa ải phía Bắc của Tổ quốc. Trong kinh dịch, hướng Đông Bắc là hướng Ngũ quỷ, lộc có nhiều mà hoạ cũng lắm, vậy nên chăng phải có đôi mắt tinh anh của Đức Thánh Trần chấn giữ cửa ải này.?

Những người có chút tính hiếu kỳ không thể không kinh ngạc khi phát hiện ra trục kinh mạch nằm ngang ở 21 độ vĩ bắc 3’ 28’’ từ đỉnh Ba Vì và trục Thần Lộ nói trên lại gặp nhau ở chính vùng nước cạnh Phủ Tây Hồ mà mọi người vẫn thành kính gọi là Huyệt đạo Quốc gia.

---

(Trích trong cuốn DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÙNG BẮC BỘ)

Chuyện Làng Quê