Ngày 14 tháng 12 năm 1825 tại Saint-Petersburg đã nổ ra cuộc Khởi nghĩa Tháng Chạp của những người cách mạng Nga, nhưng cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp và nhanh chóng thất bại. Nga hoàng Nikolai Đệ nhất lên ngôi cho phép nhà thơ từ nơi lưu đày được trở về Moskva. Mặc dù vậy, khi Nga hoàng hỏi “Khanh sẽ làm gì nếu như ngày 14 tháng Chạp khanh có mặt ở Petersburg?”, nhà thơ đã hiên ngang trả lời: “Thần sẽ đứng vào hàng ngũ những người khởi sự”.
Tháng 11 năm 1825 Nga hoàng Aleksandr Đệ nhất từ trần. Các nhà cách mạng Nga chớp lấy thời cơ để tiến hành đảo chính quân sự. Thừa dịp ngày lễ đăng quang của Nikolai Đệ nhất lên ngôi thay thế Nga hoàng Aleksandr, HỘI PHƯƠNG BẮC (1822), một tổ chức bí mật của các nhà cách mạng Nga do A. M. Muraviov và nhà thơ K. F. Rưleev đứng đầu, dựa vào lực lượng của một số đơn vị binh lính, đã tiến hành khởi nghĩa vào ngày 14 tháng Chạp năm 1825.
Kế hoạch vũ trang được thảo ra tại nhà Rưleev. Một bản Tuyên ngôn được thông qua tuyên bố lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, hủy bỏ chế độ nông nô, thừa nhận quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và các quyền tự do dân chủ. Mười một giờ trưa ngày 14 tháng Chạp năm 1825 ở Quảng trường Senat (Quảng trường Thượng Nghị viện), Saint-Petersburg, đã nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang của những người cách mạng Nga. Song cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp và bị dập tắt nhanh chóng vì những nhà cách mạng quý tộc Nga lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này “xa rời nhân dân quá đỗi” (V.I.Lenin). Họ đã không nhận được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân.
Nga hoàng Nikolai Đệ nhất đã khủng bố dã man các chiến sĩ Tháng Chạp: 5 người bị hành hình, hàng trăm người bị bắt, nhiều người bị kết án khổ sai và bị đày đi Sibir. Nhưng ngày 14 tháng Chạp năm 1825 vẫn sống mãi với thời gian và được khắc sâu trong tâm khảm nhân dân Nga như phong trào cách mạng đầu tiên chống lại chế độ chuyên chế của Nga hoàng.
Những phát súng ở Quảng trường Senat đã thức tỉnh cả một thế hệ - tư tưởng cách mạng cao cả này sẽ còn được nhân lên mãi và khích lệ tinh thần Nga của nhiều thế hệ tiếp bước mai sau.
Đại thi hào Nga Aleksandr Sergeevits Pushkin – Mặt trời của thi ca Nga - tuy không trực tiếp tham gia vào cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp, nhưng những vần thơ của Pushkin ca ngợi các chiến sĩ Tháng Chạp đã đi sâu vào lòng người dân Nga lúc bấy giờ. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Pushkin không có mặt ở Petersburg, nhưng đại thi hào rất quan tâm đến sự nghiệp của các chiến sĩ Tháng Chạp mà đại thi hào rất cảm phục. Ở Mikhailovskoe, nhận được tin dữ về cuộc tàn sát dã man các chiến sĩ Tháng Chạp, Pushkin cảm thấy lòng quặn đau như chính thể xác mình bị hành hạ. Đại thi hào đã viết bức thư ngỏ với những lời đau đớn : “Những người bị án treo cổ đã bị xử giảo, nhưng kết án khổ sai những 120 người bạn, người anh em đồng chí thì khủng khiếp quá!”
Chưa đầy một năm sau, vào đầu tháng Chín 1826, phái viên của Nga hoàng Nikolai Đệ nhất đến Mikhailovskoe đem theo chiếu chỉ của nhà Vua triệu nhà thơ về Moskva gặp Hoàng thượng. Lúc ấy Pushkin còn mặc nguyên bộ quần áo phong sương bụi đường đã lập tức bị dẫn giải thẳng vào cung đình. Vừa trông thấy nhà thơ, Nga hoàng Nikolai Đệ nhất hỏi độp ngay đại thi hào không hề úp mở: “Khanh sẽ làm gì nếu như ngày 14 tháng Chạp khanh có mặt ở Petersburg?” “Thần sẽ đứng vào hàng ngũ những người khởi sự”, - Pushkin trả lời không do dự. Quá bất ngờ, Nga hoàng Nikolai Đệ nhất sững người, song vốn thâm hiểm, Nga hoàng không để lộ sự tức giận qua nét mặt. Coi như không có chuyện gì xảy ra, Nga hoàng nham hiểm cho phép nhà thơ được ở lại Moskva, hy vọng vì chịu ơn Nhà vua Pushkin sẽ có lúc nghĩ lại mà cúc cung phụng sự chế độ Nga hoàng và rồi nhà thơ sẽ viết những vần thơ ca ngợi công đức vua Nga.
Nhưng Nikolai Đệ nhất đã lầm to. Trước sau như một Pushkin luôn là nhà thơ-công dân dũng cảm, yêu tự do và rất mực trung thành với tinh thần Nga của các chiến sĩ Tháng Chạp. Chưa đầy ba tháng sau buổi diện kiến bất đắc dĩ với Nga hoàng, vào dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp (14/12/1826), Pushkin đã viết bài thơ Gửi Pusin gửi tới người chiến sĩ Tháng Chạp và là người bạn thân nhất của mình từ hồi học ở trường trung học nay bị đi đày chung thân ở Sibir. Bài thơ thật sự có ý nghĩa đối với người bạn chí cốt Pusin và các chiến sĩ Tháng Chạp qua những vần thơ Pushkin viết ra tự đáy lòng:
Nguyện cầu ở chốn trời xa
Thơ tôi mang đến chút quà mừng vui,
Sẽ làm rạng chốn tù đày
Sáng tươi tình bạn những ngày học sinh.
(Thúy Toàn và Hoàng Yến dịch)
Và một năm sau đó, cũng trước thềm kỷ niệm hai năm cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp, Pushkin đã cho ra đời một bài thơ nổi tiếng Gửi tới Sibir (1827) gây tiếng vang lớn và làm cho Nga hoàng phải run sợ. Bài thơ trở nên phổ cập, có sức lan tỏa nhanh chóng và có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần kiên định đấu tranh vì tự do của các chiến sĩ Tháng Chạp:
Hỡi các anh, hãy kiên trung kiêu hãnh
Nơi hầm sâu mỏ quặng Sibir
Sự nghiệp lớn dù đau thương, không uổng
Dẫu khổ sai cực nhọc chẳng hề chi.
Niềm hy vọng thủy chung cùng bất hạnh
Như chị hiền trong bóng tối hầm sâu
Sẽ khơi dậy niềm hân hoan, sức mạnh
Sẽ tới ngày ta mong đợi từ lâu.
Rồi tình bạn với tình yêu mai, mốt
Sẽ vượt qua song sắt ngục điêu linh
Cũng giống như lời tự do tôi hát
Đến với các anh giữa chốn nhục hình.
Rồi xích xiềng nặng nề kia rụng xuống
Rồi ngục tù sụp đổ - và tự do
Sẽ vui đón các anh ngoài cửa lớn
Anh em mình gươm báu sẽ trao đưa.
(Đức Mẫn dịch)
Với những vần thơ thống thiết Pushkin muốn gửi gắm tình yêu, tình bạn và lòng ngưỡng mộ của mình đối với các chiến sĩ Tháng Chạp. Pushkin cố tình nhắc lại trong bài thơ Gửi tới Sibir một điểm nhấn “lòng kiên trung kiêu hãnh” như âm hưởng gợi nhớ Bài ca tạm biệt được dàn đồng ca học sinh trường trung học Hoàng thôn trình diễn với câu mở đầu “Khi bất hạnh ta kiên trung kiêu hãnh”. Hai bài thơ trên là minh chứng hùng hồn về sự ủng hộ tinh thần mạnh mẽ của đại thi hào đối với các chiến sĩ Tháng Chạp ở nước Nga. Pushkin thừa hiểu, gửi hai bài thơ đến tay các chiến sĩ đang bị đi đày nếu bị phát giác thì tính mạng nhà thơ khó bề an toàn. Nhưng nhà thơ không sợ chết mà trái lại còn tin chắc rằng thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ thuộc về những chiến sĩ Tháng Chạp kiêu hãnh.
Pushkin đã nhờ bà Aleksanđra Grigorevna, vợ của nhà cách mạng - chiến sĩ Tháng Chạp N. M. Muraviov, đem hai bài thơ trên đến Sibir trao tận tay cho các chiến sĩ Tháng Chạp. Họ đã tiếp nhận bài thơ của Pushkin với lòng biết ơn vô bờ. Thay mặt các chiến sĩ Tháng Chạp bị đi đày Aleksandr Ivanovits Odoevskij đã làm một bài thơ phúc đáp toát lên lòng kiên trung kiêu hãnh và tràn ngập niềm tin ở tương lai tươi đẹp:
Ôi tha thiết tiếng đàn tơ tiên báo
Chúng tôi nghe như uống từng lời
Muốn đứng dậy vung tay cầm gươm giáo
Hiềm nỗi xích xiềng buộc trói chúng tôi.
Xin thi hào hãy yên lòng đón đợi
Chúng tôi tự hào vì bị xiềng gông
Dẫu thân thể bị giam cầm ngục tối
Vẫn cười khinh Hoàng đế ngự ngai vàng.
Không uổng đâu cảnh khổ sai trần thế
Từ đốm lửa xanh ngọn lửa bùng lên
Nhân dân ta sẽ mở mang trí tuệ
Sát bên nhau tụ nghĩa dưới cờ thiêng.
Lấy xích xiềng chúng tôi rèn gươm giáo
Lại cùng nhau nhóm ngọn lửa tự do
Đánh tơi tả lũ Nga hoàng bạo chúa
Để mai ngày dân sung sướng ấm no.
(Nguyễn Xuân Hòa dịch)
Người chiến sĩ Odoevskij đã thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời ở nơi đày ải khổ sai, nhân danh các chiến sĩ Tháng Chạp từ Sibir xa xôi gửi về cho thi hào Pushkin cũng là gửi tới nhân dân Nga niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp tiến bộ. Từ đốm lửa cháy bùng thành ngọn lửa là niềm tin tất thắng mà Odoevskij gửi gắm trong thơ. Không lâu sau đó, năm 1900, V.I.Lenin người sáng lập tờ Tia lửa, tờ báo mác xít đầu tiên của nước Nga, đã lấy hai từ Tia lửa đặt tên cho tờ báo và lấy nguyên văn câu thơ của Odoevskij làm đề từ trên măng sét của tờ báo này: Từ đốm lửa cháy bùng thành ngọn lửa.
Hai bài thơ Gửi tới Sibir và Gửi Pusin của Pushkin cùng với bài thơ hồi âm của Odoevskij là tài sản lịch sử - văn hóa của nhân dân Nga, phản ánh một sự kiện chính trị xã hội quan trọng nhất những năm 20 cách đây ngót hai thế kỷ – đó là Cuộc khởi nghĩa ngày 14 tháng Chạp năm 1825 chống chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng.