Mùa cưới năm trước, họ đã quyết định sẽ làm lễ thành hôn, mọi việc đã chuẩn bị xong thì dịch bệnh bùng phát, đám cưới bị hoãn lại. Cứ thế, suốt hơn một năm qua, Huy và Mai vẫn không tổ chức được đám cưới. Lần này thì khác, nhà nước đã chủ trương sống chung với dịch bệnh một cách an toàn nên Huy và Mai quyết tâm sẽ tổ chức cưới cuối năm nay.
Nhưng lần này, không ngờ, đám cưới của Huy lại bị trì hoãn từ mẹ Huy, bởi một điều khó nói!
Huy là con một trong gia đình mà bố là doanh nhân; mẹ công tác tại một hội đoàn thể nên có bạn bè, đối tác khá lớn. Nếu không có dịch bệnh thì đám cưới của Huy chắc chắn sẽ rất đông. Nhà có đúng mụn con, tâm lý của bố mẹ Huy là muốn đám cưới con phải được tổ chức long trọng, hoành tráng... Nhưng theo qui định của nhà nước, đám cưới không tập trung quá 30 người, và phải tuân thủ qui định 5k. Với số lượng người qui định như vậy, thì người trong nhà cũng còn phải hạn chế nữa là khách. Trong khi đó, biết tin Huy sắp lấy vợ, bạn bè của bố, mẹ đều ráo trước:
- Đám cưới thằng Huy là phải mời tôi đấy nhé!
Thực sự, không mời thì cũng bị trách, mà mời thì vi phạm qui định của Nhà nước. Trước đây, bố mẹ Huy đều nhiệt tình đi dự đám cưới của bạn bè, đối tác. Không mời họ sẽ đẩy họ vào tình thế áy náy vì không đáp lại được sự nhiệt tình của bố mẹ Huy; hay nói trắng phớ ra là không trả được "cái nợ đồng lần" cho nhau thì cũng không thoải mái gì cho lắm...
- Hay là mẹ cho con và Mai đăng ký kết hôn trước, về ở với nhau, bao giờ dịch lắng xuống thì tổ chức đám cưới, lúc đó mẹ muốn làm qui mô thế nào chúng con cũng xin nghe. Huy đưa ra phương án để mong được mẹ đồng ý.
- Không được! Đây là Việt Nam chứ có phải Tây đâu mà làm như vậy. Vả lại, con phải biết nghĩ cho họ nhà gái chứ. Ai lại chẳng cưới xin gì đem con người ta về như vậy có phải coi thường họ hay không!
Hai mẹ con đang bàn chuyện với nhau thì chị gái bố Huy đến chơi. Nghe được câu chuyện, bác góp ý với mẹ:
- "Cưới vợ phải cưới liền tay", chúng nó đã quyết tâm về với nhau thì cô đừng trì hoãn thêm làm gì nữa. Dịch dã bây giờ không biết thế nào, phải chấp nhận sống chung thôi. Nhà nước qui định như vậy, tôi nghĩ cô nên chấp hành. Khách khứa, bạn bè thì cứ làm cái thiệp báo hỷ là xong. Họ biết, họ cũng sẽ thông cảm thôi.
- Nhưng mà...!!! Mẹ Huy ấp úng nhưng ngại không nói ra.
- Chuyện quà mừng chứ gì? Huy nó lấy được người vợ nó yêu. Cô có con dâu ưng ý, các cụ có câu "thêm người thêm của" là gì! Có con dâu, rồi có cháu sớm bế bồng. Đó chính là của cải lớn nhất của bậc làm cha mẹ rồi còn gì!...
Sau đó, đám cưới của Huy đã được tổ chức theo đúng qui định của thành phố. Chỉ làm vài mâm để đại diện hai bên gia đình ngồi ấm cùng với nhau. Đôi bạn trẻ rất vui mừng và hạnh phúc.
Nhận được thiệp báo hỷ, bạn bè cơ quan Huy; bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm làng giềng của bố mẹ Huy đều cảm thông. Dịch mà, làm khác sao được. Cưới là phải có phong bì hoặc quà mừng cho đôi bạn trẻ, đó là tập quán không dễ gì bỏ được. Quà thời buổi công nghệ cũng chẳng khó khăn gì để chuyển tới... Tặng phẩm thì có "síp- pơ" mà "phong bì" tiền mừng thì chỉ cần ấn điện thoại là tới.
Đám cưới của đôi bạn trẻ Huy và Mai thay vì tiếng pháo là những tiếng "tinh tinh" thi nhau phát ra từ điện thoại của các thành viên trong gia đình. Đó là những lời chúc mừng hạnh phúc và cả những khoản tiền mừng được "bắn" vào tài khoản của Huy, của bố và của mẹ của Huy nữa.
Vậy là, cuộc sống này cũng khá công bằng và không để ai phải thiệt thòi, không để ai phải áy náy! Âu cũng là một cách thích ứng an toàn với đám cưới mùa dịch. Liệu kiểu mừng như này có là xu thế của mùa cưới năm nay hay không?
Theo Chuyện làng quê