Hà Nội: Đan Phượng trồng nho hạ đen kết hợp với du lịch trải nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Vài năm trở lại đây, mô hình trồng nho hạ đen kết hợp với du lịch trải nghiệm tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) được nhiều người quan tâm và yêu thích. Không chỉ vậy, đây còn là giống cây trồng mới, hợp khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

anh-1-tung-chum-nho-chin-sai-triu-qua-1717670821.jpg

Từng chùm nho chín sai trĩu quả chuẩn bị vào mùa thu hoạch

Nằm ven khu vực sông Đáy, vốn chỉ quen trồng lúa, các cây hoa màu nhưng vài năm gần đây, người dân xã Đan Phượng đã chuyển đổi sang trồng rau hữu cơ, đặc biệt là nho hạ đen kết hợp với phát triển du lịch địa phương.

Thu lãi hàng trăm triệu mỗi vụ nho

Trên cánh đồng tại xứ đồng Bãi Tổng (xã Đan Phượng), những nhà màng, nhà lưới nối tiếp nhau trải dài ngút tầm mắt. Đến tham quan vườn nho Hợi Hường của gia đình ông Nguyễn Hữu Hợi khi vụ nho đầu tiên của năm 2024 sắp bắt đầu vào vụ thu hoạch, ai cũng thích thú ngắm nhìn những chùm nho căng mọng, chín thẫm, thơm ngào ngạt. Được biết nhà vườn mở cửa đón khách ngay từ sáng sớm tinh mơ tới chiều muộn. Khách đến mua nho về ăn, biếu người thân hay đến để trải nghiệm cắt từng chùm nho, chụp hình lưu niệm đều được chủ vườn chào đón nhiệt tình.
Là người không cần dùng đến kéo, đến dao, đôi tay thoăn thoắt, vừa nhanh nhẹn, dứt khoát, khéo léo của ông Nguyễn Hữu Hợi, ở khu xứ đồng Bãi Tổng tỉa từng chiếc lá để quả ra có năng suất hơn. Ông Hợi chia sẻ, đó là những công việc hàng ngày mà tôi phải chăm sóc, để quả và hoa có sản lượng tốt  hơn.
Hỏi về hành trình “bén duyên” với cây nho hạ đen trên cánh đồng khu Bãi Tổng, người dân xã Đan Phượng nhắc ngay đến ông Nguyễn Hữu Hợi - người trồng nho hạ đen lớn nhất huyện.
“Nhận thấy, giống nho này ưa khí hậu ngoài bắc, nên từ những năm 2019 tôi bắt đầu tìm hiểu và tới năm 2020, tôi nhập giống nho hạ đen từ trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang. Cây nho hạ đen ưa nóng, rất thích hợp với khí hậu ngoài này nên chỉ trồng vài tháng là đã cho ra quả. Mỗi năm, cây cho ra hai vụ thu hoạch là tháng 6 và tháng 12, có những đợt còn không có mà bán cho thương lái. Từ ngày chuyển sang trồng nho, thu nhập cao hơn nhiều so với cây đào, quất”, ông Hợi nói.

anh-2-ong-nguyen-huu-hoi-1717670821.jpg

Ông Nguyễn Hữu Hợi chăm sóc vườn nho của mình

Nho hạ đen là giống nho khá mới mẻ đối với các tỉnh phía Bắc, cho sản lượng nhiều hơn so với các giống nho bản địa. Nho cho quả to, tròn, sai quả, thịt quả dày và không có hạt. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm và khá giòn.
Cũng theo ông Hợi, là giống cây cho ăn quả, song nho hạ đen có ưu điểm đầu tư giống một lần, và cho thu hoạch từ 15 - 20 năm. Mỗi năm, cây cho 2 vụ thu hoạch và kéo dài 2 tháng rưỡi. Đặc biệt, giống cây trồng cũng ít sâu bệnh, chăm sóc cũng không quá cầu kỳ. Cây được trồng trong nhà màng sẽ phần nào hạn chế được tác động khắc nghiệt của thời tiết, từ đó cho ra năng suất và chất lượng cao hơn.
Hiện, gia đình ông Hợi đang có khoảng 1,5ha nho hạ đen. Toàn bộ diện tích được ông trồng trong nhà màng. “Trên một khu ruộng, khi tới vụ thì ngày nào cũng được thu hoạch, với số lượng  cho thu hoạch khoảng 3 tạ/sào. Quay vòng như vậy, ngày nào tôi cũng có nho bán ra thị trường, cho các tỉnh thành lân cận khác. Ngoài ra, tôi còn kết hợp với du lịch trải nghiệm, có những ngày vào mùa cao điểm lượt khách lên đến 400 - 500 lượt, nho còn không có để bán ra ngoài”, ông Hợi chia sẻ.
Với giá bán 150.000 đồng/kg tại vườn, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, vườn nho hạ đen của ông Nguyễn Hữu Hợi còn là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn. Hiện, giá vé vào cửa là 30.000 đồng/người, trẻ em được miễn phí vé vào cửa, trung bình mỗi ngày, nông trại của ông Hợi tiếp đón vài chục khách, có ngày đoàn lên tới cả trăm người. Nho hạ đen mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 12, sản lượng khoảng 3,5-4 tấn/vụ, thu khoảng 400 triệu đồng/vụ.

Mô hình kết hợp du lịch được lan rộng

anh-3-du-khach-den-1717670821.jpg

Du khách đến check- in, trải nghiệm tại vườn nho

Theo ông Hợi, ý tưởng kết hợp trồng nho với du lịch trải nghiệm để khách tự tay được cắt những chùm nho yêu thích xuất hiện ngẫu nhiên. Ban đầu, thấy khách đến mua nho tại vườn thích thú mô hình trải nghiệm du lịch, gia đình đã học cách làm.
Để mọi người biết đến sản phẩm của mình, ông Nguyễn Hữu Hợi cũng đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm qua các trang Facebook, Zalo… Nhờ đó, mà nhiều người biết đến sản phẩm cũng như các khách du lịch đến trải nghiệm, check-in tại vườn và mua nho mang về làm quà biếu, để ăn. 

Ông Hợi cho biết, đặc thù ở miền bắc có hai mùa nóng và lạnh, mà nho hạ đen lại phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Vào mùa đông, thời tiết lạnh cây khó phát triển cũng làm ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất và chất lượng quả. Nếu kỹ thuật trồng tốt và thời tiết thuận lợi thì cây sẽ cho thu hoạch 2 vụ/năm. Dù chi phí đầu tư cao và bỏ ra nhiều công sức, nhưng theo ông Hợi cây nho cho năng suất cao hơn so với các loại cây khác, nên chỉ trồng 1-2 năm là có thể lấy lại vốn.

anh-4-vuon-nho-sai-triu-qua-1717670821.jpg

Vườn nho sai trĩu quả tại xứ đồng Bãi Tổng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội)

Có thể thấy, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cũng như giá trị kinh tế mà nho hạ đen đem lại hiệu quả cao cho người dân vô cùng lớn. Việc kết hợp giữa mô hình trồng nho và tham quan trải nghiệm tạo hiệu quả kinh tế cao, mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, là đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, khi các du khách đến trải nghiệm và mua tại vườn giúp người dân không tốn thời gian tìm nguồn cũng như tiết kiệm được thời gian chuyển đi.

Bên cạnh đó, chủ vườn nho hạ đen Hợi Hường cũng có mong muốn phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm phát triển hơn nữa. Do trồng nho trên đất quy hoạch cứ 5 năm là thuê một lần bởi thế mà ông Hợi không dám đầu tư mạnh, vì người dân có thể đòi bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, khi các du khách đến tham quan, trải nghiệm, chủ vườn chưa bố trí được những chỗ nghỉ ngơi hợp lý. Mặc dù các nhà màng đã được đầu tư bằng những khu sắt cao, đã tạo được không gian rộng lớn cho du khách đến check-in, trải nghiệm tại vườn… nhưng vẫn chưa đúng với kỳ vọng.
“Chúng tôi rất mong muốn chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ cho phép chuyển đổi một phần diện tích để xây dựng một số công trình thiết yếu phục vụ đón khách du lịch", ông Hợi bày tỏ.

Sau 4 năm trồng nho hạ đen, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các đơn vị chuyên ngành, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đan Phượng tự tin về quy trình trồng, chăm sóc giống nho này. Không chỉ ở xã Đan Phượng, nhiều hộ dân ở các xã: Hạ Mỗ, Trung Châu, Phương Đình... cũng đã bén duyên và thành công với mô hình trồng nho hạ đen kết hợp tham quan, trải nghiệm… Để sản phẩm nho hạ đen có uy tín, có chỗ đứng trên thị trường, huyện Đan Phượng cũng chủ động hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ngay từ đầu. Hiện sản phẩm nho hạ đen của nông trại Hợi Hường đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Đến nay, chất lượng quả của các vườn nho ngày càng được nâng cao, thơm ngon; khách tham quan hài lòng và giới thiệu bạn bè, người thân tới trải nghiệm.
                                                                                  Hiền Lương - Thanh Tâm