Đánh chim

Nói đúng ra theo ngôn ngữ văn bản thì phải viết là: bẫy chim. Nhưng mà lịch sử của dân tộc ta là lịch sử tiếp nối của những cuộc chiến tranh cho nên từ vựng mang mầu sắc quân sự nó đã đi sâu vào cấu trúc ngôn ngữ đời thường.
244360915-828384684505440-928796038740709674-n-1634280439.jpg

Động từ ''đánh" trong tiếng Việt được dùng làm tiền tố tràn lan trong các động từ mà nhiều khi những động từ ấy hoàn toàn có nguyên nghĩa của nó và chẳng liên quan gì đến chuyện đánh đấm ở đây cả. Ví dụ hành động "bẫy chim" thì người ta gọi là "đánh chim". Có ai dại gì mà lại "đánh" con chim, nó mà chết thì bán cho ai? Và muôn hình vạn trạng kiểu "đánh" nữa: đánh cá, đánh tôm, đánh chén, đánh xe, đánh đống rơm, đánh gianh lợp nhà, đánh bóng chuyền, đánh bóng bàn, đánh bóng đồ gỗ, đánh quả, đánh pắc, đánh cây ra trồng, đánh răng, đánh máy, đánh đàn, đánh móng chân móng tay, đánh son, đánh phấn... vân vân và mây mây... Dông dài một chút để thấy tiếng nước ta thật thú vị các bạn nhỉ!

Bấy giờ vào khoảng cuối những năm 1970, không hiểu có vấn đề gì mà vận nước lúc ấy xấu lắm. Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh với Mỹ, Ngụy thì lại dập vào cuộc chiến tranh với Campuchia ở biên giới Tây Nam, chiến tranh với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Lũ lụt ở miềnTrung, Miền Nam, bão lớn liên tục tràn vào miền Bắc, dòng người vượt biên gọi là "thuyền nhân" thành phong trào đông đoàn thác lũ. Mùa màng thóc lúa cấy trồng được bao nhiêu thì sâu rầy tàn phá bấy nhiêu, cây lúa bị bọ rầy hút khô kiệt, cháy từng mảng loang lổ khắp cánh đồng. Đất nước kiệt quệ, nhân dân đói khổ, thiên tai địch họa triền miên ,khí nước buồn lắm.

Đấy là sau này trưởng thành thì tôi mới nhận biết được như vậy chứ lúc ấy tuổi vô lo vô nghĩ có thấy buồn phiền gì đâu. Sâu, rầy nhiều vô kể chúng nhờn thuốc, phun các loại nó cũng không chết, thiên địch của chúng là chim nhạn kéo về đầy đồng, đậu đen các đường dây điện rồi buông mình bay liệng để bắt sâu rầy làm mồi ăn. Và thế là thợ đánh chim tràn ra khắp cánh đồng để bắt những con chim nhạn no mồi, béo núc. Nghỉ hè, rỗi việc và thấy họ đánh được nhiều chim nhạn thì thích lắm, tôi cố năn nỉ U cho tiền để sắm một bộ đồ đi đánh chim. Nì nèo mãi rồi U cũng đành phải chiều ông con giai út. Nói là đồ nghề cho nó oai chứ thực ra cái phải mua chỉ là cái lưới đan bằng dây dù nilon, sợi nhỏ, rất bén,chiều cao gần ba mét, chiều dài khoảng 15 mét, phía trên có sợi dây dù to bằng chiếc đũa cạp vào gọi là "rường lưới". Một đầu rường lưới buộc vào ngọn cây gậy tre cao khoảng hai mét rưỡi cắm xuống đất nhờ chiếc răng bừa gắn vào một đầu, phía ngọn gậy dùi một lỗ để buộc dây rường lưới vào đấy.

Lưới được rải ra ở chỗ đàn chim nhạn hay bay qua bay lại gọi là "cửa". Trên cả cánh đồng chỉ có vài cửa đẹp, chim bay qua lại ở đó rất nhiều thì mấy anh em những nhà đánh chim chuyên nghiệp canh giữ ngày đêm, loại nghiệp dư như chúng tôi vì tò mò ham chơi mà đi đánh chim thì chạy lông nhông thấy chỗ nào chim tụ về thì rải lưới rồi đưa chim mồi ra để dụ đàn chim vào cửa. Con chim nhạn thấy bạn của nó bay chấp chới dưới mặt đất thì sà xuống cứu, rường lưới trong tay người giật mạnh lên thế là con chim lao đầu vào lưới, công đoạn cuối là gỡ con chim ra và bỏ vào giỏ rồi tiếp tục giật giật sợi dây buộc lũ chim mồi để dụ con chim khác. Bọn trẻ con chúng tôi không lành nghề, lưới không tốt, cửa không đẹp nên một buổi đánh được vài chục con là nhiều. Những nhà chuyên nghiệp anh em họ thay nhau giữ cửa thì họ đánh được vài trăm con mỗi ngày. Đó là nghề kiếm tiền hơi bị nhiều của họ.

Chim nhạn có hai loại: nhạn mốc và nhạn xanh. Nhạn mốc to hơn nhạn xanh, đầu nó có một đám lông mầu vàng nhat nên gọi "mốc" là vì thế. Nhạn xanh nhỏ hơn, toàn thân bộ lông xanh đen bóng, lông dưới bụng màu trắng. Chim nhạn đánh được đem về vặt lông rồi thui, làm sạch và chế biến thành các món chả chim, nướng, quay, rang gừng... ngon tuyệt tác. Ăn không hết thì đem ra chợ bán, đắt hàng lắm. Vụ nghỉ hè đi đánh chim rong ruổi khắp cánh đồng, người cháy nắng đen nhẻm, tóc vàng cháy nắng khét lẹt, chẳng được là bao, chủ yếu để thỏa mãn tính tò mò và hiếu động. Vụ mùa tháng mười chim về mới nhiều và lâu, vụ này bắt được nhiều lắm. Nhưng rồi cũng chỉ được mấy năm ấy thôi, sau đó chim không về nữa, nghề đánh chim nhạn ở quê tôi coi như đã lụi tàn.

Tuổi thơ mục đồng chẳng suy nghĩ sâu xa gì, với lại ngày ấy đói kém, cái gì chẳng cho vào nồi, chim trời cá nước gi gỉ gì gi cái gì cũng chén tuốt. Sau này mới thấy điều đó là không nên, Trời sinh ra sâu, rầy thì Trời lại sinh ra chim nhạn để diệt những loài có hại ấy. Đó chính là cân bằng sinh thái tự nhiên. Cũng may mình mới chỉ dừng ở mức tò mò nghịch ngợm trong cái trò đánh chim nhạn này. Càng ngày môi trường sinh thái càng bị hủy diệt, nhiều loài chim, cò, cá,tôm, cua, côn trùng không còn xuất hiện trên cánh đồng, người ta lạm dụng phân bón, thuốc sâu làm cho các thiên địch chết hết còn các loại sâu bọ, côn trùng có hại thì kháng thuốc và sống dai kinh khủng. Quê tôi một vùng nông nghiệp thâm canh trù phú trước đây nay không còn cấy lúa nữa, chỉ làm rau mầu, mà cũng phải làm nhà mành thì mới đỡ sâu bệnh. Nền nông nghiệp nước ta dùng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học vô tội vạ dẫn đến đất bị chai cứng,suy thoái nghiêm trọng, sâu bệnh, chuột bọ không kiểm soát nổi. Tình hình rất đáng báo động, ung thư và các bệnh nan y ở nông thôn rất nhiều. Những lúc như thế này lại mơ về cánh đồng rợp cánh chim ngày xưa.

 

Theo Chuyện Làng quê