Đến với bài thơ hay “Đừng làm ra chiến tranh”

Đừng làm ra chiến tranh, thể hiện rõ một cái tôi suy tư, chiêm nghiệm, giàu tính triết lý của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến.
dung-lam-ra-chien-tranh-1668350459.jpg
Chiến tranh luôn gây đau khổ cho con người. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Dù là ai đi nữa

Đừng làm ra chiến tranh

Dù là ai đi nữa

Đừng biến thành yêu tinh

 

Thế giới cần nhiều bánh

Để quan vững dân yên

Thế giới cần nhiều sữa

Trẻ em được đến trường

 

Từ khi có chiến sự

Thế giới toàn thương đau

Những người yêu cuộc sống

Phải lánh trong hầm sâu

 

Anh hùng làm gì chứ?

Nếu đất nước tang thương

Vinh quang làm gì chứ? 

Nếu máu loang chiến trường

 

Bạo chúa sinh bạo chúa

Oán hờn gọi oán hờn

Chỉ có phi bạo lực 

Mới mãi mãi trường tồn

 

Dù là ai đi nữa

Khi làm ra chiến tranh

Như làm ra vết chém

Vĩnh viễn chẳng thể lành.

19.03.2022

(Thơ Đoàn Thị Lam Luyến)

Lời bình: Nguyễn Văn Hòa

Lời khẩn cầu tha thiết– “Đừng làm ra chiến tranh”

Bài thơ Đừng làm ra chiến tranhđược Đoàn Thị Lam Luyến viết vào ngày 19/3/2022, sau nhiều đêm mất ngủ trước tình hình căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ucraina. Cảnh chết chóc tang thương và những cuộc di cư tán loạn đã làm cho biết bao nhiêu trái tim yêu chuộng hòa bình phải nhói đau. Hình ảnh những ngôi nhà, cơ quan, công xưởng bị đánh sập, bị đốt cháy, cảnh binh lính hy sinh, người dân tháo chạy...nhưng đáng thương nhất là người già, phụ nữ và trẻ em. Có nỗi buồn nào hơn thế không? Có nỗi đau nào hơn thế không? Khi chiến tranh xảy ra, dù là phi nghĩa hay chính nghĩa thì tất cả cũng để lại những hậu quả khó lường. Mất mát, tổn thương ập đến những người dân lành vô tội để rồi họ phải gánh chịu tất cả...

Mở đầu bài thơ là lời khẩn cầu tha thiết, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh với tất cả những “ai” có ý định, có mưu đồ làm ra chiến tranh.

Dù là ai đi nữa

Đừng làm ra chiến tranh

Dù là ai đi nữa

Đừng biến thành yêu tinh

Bài thơ với 6 khổ, được viết theo thể thơ 5 chữ gây sự chú ý đến độc giả. Bởi thể thơ 5 chữ có lợi thế trong việc diễn tả sự việc ngắn gọn. Nội dung phản ánh trong bài thơ là bắt nguồn từ hiện thực của cuộc sống đã và đang diễn ra.

Với cái nhìn của một người từng trải, sự quan sát và dõi theo tình hình thế sự, Đoàn Thị Lam Luyến nhận ra sự thật hết sức phũ phàng:

Từ khi có chiến sự

Thế giới toàn thương đau

Những người yêu cuộc sống

Phải lánh trong hầm sâu

Lời bộc bạch của nhà thơ không tránh khỏi nghẹn ngào, xa xót trước sự thật chua chát, đáng buồn ấy.

dung-lam-ra-chien-tranh-2-1668350556.jpg

Để rồi Đoàn Thị Lam Luyến nêu ra điều kiện cần: Thế giới cần nhiều bánh/ Thế giới cần nhiều sữa.

Thế giới cần nhiều bánh

Để quan vững dân yên

Thế giới cần nhiều sữa

Trẻ em được đến trường

Với mục đích đạt được cũng rất nhân văn:  Để quan vững dân yên/ Trẻ em được đến trường. Và đó cũng là ước muốn của loài người tiến bộ đang sinh sống trên trái đất này. Sợ nhất là cảnh đói nghèo, thiếu thốn; người dân sống trong cảnh bất an. Việc cấp thiết là nhà nước và những người cầm quyền phải chăm lo, xây dựng và phát triển đất nước một cách bền vững và nhân văn nhất có thể. Tâm thế đối thoại của nhà thơ được xác lập thông qua những tiêu chí, quan điểm rõ ràng.

Ở khổ thơ thứ tư, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sử dụng hai câu hỏi tu từ và liền sau mỗi câu hỏi là câu điều kiện càng làm tăng tính chất nghiêm trọng, đáng lên án cuộc chiến tranh mà bên gây chiến muốn mở rộng và thâu tóm để nắm tất cả quyền bá trong tay mình. Câu hỏi thấm đẫm nỗi đau nhân tình thế thái và đặt ra một vấn đề lớn cho nhân loại, tranh hùng tranh bá nhằm mục đích gì?

Anh hùng làm gì chứ?

Nếu đất nước tang thương

Vinh quang làm gì chứ? 

Nếu máu loang chiến trường

Cái hay là nhà thơĐoàn Thị Lam Luyến sử dụng phép đối lập:Anh hùng - tang thương, Vinh quang - máu loang để nhấn mạnh giá trị của hòa bình.

Thi sĩ Đoàn Thị Lam Luyến nêu ra quy luật tất yếu của đời:

Bạo chúa sinh bạo chúa

Oán hờn gọi oán hờn

Chỉ có phi bạo lực 

Mới mãi mãi trường tồn

Ở khổ thơ này, đằng sau những câu chữ chân thành lại hiển hiện màu sắc của cõi Thiền và sự biểu hiện chiều sâu tâm linh của con người. Đó cũng là cách để khơi gợi niềm tin, sự thiện lương trong mỗi con người; rộng hơn là ở tất cả các quốc gia, dân tộc. Và người đứng đầu quốc gia, dân tộc phải là người có “lòng nhân” đúng nghĩa, biết yêu chuộng và quý trọng giá trị của hòa bình. Đừng vì tham lam, ham hố để thực hiện giấc mộng “bá quyền” mà đẩy dân lành vô tội vào cảnh tang thương, đau khổ!

Kết thúc bài thơ, Đoàn Thị Lam Luyến đưa ra lời khẳng định:

Dù là ai đi nữa

Khi làm ra chiến tranh

Như làm ra vết chém

Vĩnh viễn chẳng thể lành.

Anh là ai không cần bàn tới nhưng làm ra chiến tranh thì đó là tội ác. Và tội ác này sẽ là lời nguyền rủa của muôn đời cháu con sau này. Lời thơ nghẹn ngào, nỗi đau quặn thắt khi nhà thơ liên tưởng và so sánh đến vết chém. Mà đã là vết chém thì vĩnh viễn chẳng thể nào lành, có chăng chỉ lành về mặt thể xác, thịt da còn nỗi đau tinh thần sẽ mãi đeo bám dai dẳng và bất biến với thời gian.

Đừng làm ra chiến tranh, thể hiện rõ một cái tôi suy tư, chiêm nghiệm, giàu tính triết lý của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Là người có vốn sống, vốn văn hóa, cộng với tài quan sát, khả năng bình giá cuộc sống, nhà thơ đã làm sáng tỏ ý nghĩa và giá trị đích thực của hòa bình. Chị đã theo sát nhịp đập, hơi thở của đời sống để phản ánh; đó không chỉ là nỗi niềm riêng mà thấm đẫm tâm sự chung của nhiều người!