Dì Tư tất bật vì những cảnh đời khốn khó

Trương Anh Sáng

18/05/2022 18:09

Theo dõi trên

Dì luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Nếu cán bộ không phục vụ nhân dân thì phục vụ ai? Muốn phục vụ nhân dân thì phải đi đến nhân dân mà phục vụ…Phục vụ nhân dân mà không vẻ vang thì cái gì là vẻ vang? Được phục vụ nhận dân là rất vẻ vang. Chúng ta đều là đầy tớ nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.

1-di-tu-1652872161.jpg
Dì luôn quan tâm đến những cảnh đời khốn khó (Ảnh minh hoạ)

 

Dì Tư tên thật là Nguyễn Thị Hạnh quê vùng miệt thứ An Minh. Gia đình Dì ngụ cư ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú hơn hai mươi năm nay. Dì là con thứ tư trong gia đình sáu anh chị em nên mọi người gọi là Tư. Dì có chồng là ông Bảy Dân đi bộ đội thời chống Mĩ ở đơn vị k19- Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác, bị bắt trong một trận địch càn vào chiến khu D. Địch đưa ông đi biệt giam tại địa ngục trần gian nhà lao Cây Dừa Phú Quốc và hy sinh ở đó vì những trận đòn tra tấn dã man, khốc liệt của địch, đến bây giờ Dì vẫn canh cánh bên lòng nỗi đau xót chưa tìm được hài cốt của người chồng thân yêu.

Bản thân Dì làm giao liên đưa đón cán bộ, bộ đội từ R về miền tây Nam Bộ. Trong một lần đón cán bộ từ R về đơn vị để chuẩn bị cho chiến dịch chống càn quét của địch nhằm nhổ cỏ U Minh, đoàn của Dì bị rơi vào ổ phục kích của địch. Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, Dì đã nổ súng thu hút địch về phía mình để đánh lạc hướng chúng tạo điều kiện cho đồng đội rút lui an toàn. Dì bị thương ở chân, ở đầu và bị địch bắt. Sau khi điều trị khỏi các vết thương, địch giam cầm Dì trong các nhà tù và tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì ở Dì. Giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, Dì trở về quê hương và chuyển về định cư ở nơi đây. Di chứng của chiến tranh vẫn còn ở trong đầu của Dì. Mảnh đạn vẫn còn ở đầu, bác sĩ bảo nếu mổ sẽ nguy hiểm vì động đến dây thần kinh khiến Dì có thể bị liệt, mất trí nhớ. Đành phải sống chung với lũ vậy chứ biết làm sao bây giờ. Những lúc trái gió trở trời vết thương hành hạ khiến đầu đau như búa bổ phải uống vài liều thuốc giảm đau mới đỡ.

Là đảng viên, cán bộ phụ nữ xã, Dì luôn đau đáu, trăn trở với những khó khăn, vất vả của người dân nghèo. Dì luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Nếu cán bộ không phục vụ nhân dân thì phục vụ ai? Muốn phục vụ nhân dân thì phải đi đến nhân dân mà phục vụ…Phục vụ nhân dân mà không vẻ vang thì cái gì là vẻ vang? Được phục vụ nhận dân là rất vẻ vang. Chúng ta đều là đầy tớ nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân” và coi lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho mọi hành động, việc làm của mình. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Dì luôn tìm mọi giải pháp để giúp đỡ người dân địa phương được hưởng những ưu đãi của nhà nước, tiếp cận khoa học kĩ thuật, áp dụng các mô hình làm ăn phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Dì động viên, tư vấn người dân trong ấp, xã trồng các loại cây trồng, vật nuôi như: bắp, đậu, dưa leo, cà tím, khổ qua, nấm rơm, nuôi bò sinh sản… cho thu nhập cao gấp ba đến bốn lần so với trồng lúa, phù hợp với những hộ ít đất, vốn ít, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng biên giới.

Điển hình là gia đình tôi. Nhà tôi chẳng có mảnh đất cắm dùi phải ở đậu trên đất nhà người ta. Nhà đông con, những năm đứa hơn kém nhau một tuổi, ba má làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày, bữa no bữa đói reo rắt. Trong một lần đi cắt lúa mướn cho nhà ông Sáu Lúa, ba thấy chóng mặt, đầu óc quay cuồng, mặt tái mét, chân tay run rẩy quỵ xuống bên bờ mương. May được mọi người phát hiện đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy giữ được mạng sống nhưng ba bị liệt nằm một chỗ. Má trở thành người trụ cột của gia đình. Những nỗi khó khăn, vất vả đè nặng trên đôi vai gầy guộc của má để có tiền thuốc thang chữa bệnh cho chồng, nuôi bầy con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn.

Thấy đời sống gia đình tôi hết sức khó khăn, Dì Tư thương lắm, tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận chương trình nuôi bò sinh sản, tư vấn má tôi tận dụng nguồn rơm có sẵn của người dân xin về trồng nấm rơm trong nhà theo hướng an toàn sinh học. Nấm rơm được trồng được quanh năm, ít rủi ro, đầu ra sản phẩm ổn định mà giá thành lại cao. Mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo hướng an toàn sinh học của gia đình tôi được nhiều nông dân đánh giá cao vì dễ áp dụng, thích hợp cho những hộ ít đất sản xuất, giúp bà con nông dân tận dụng được nguồn rơm rạ có sẵn để trồng nấm, hạn chế việc đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, tạo việc làm trong lúc nông nhàn góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.

Không chỉ giúp gia đình tôi có công việc ổn định, Dì còn giúp gia đình tôi có nhà mái ấm tình thương trị giá trên ba mươi triệu đồng để đón tết được ấm cúng, đó là ước mơ bấy lâu của má con tôi mà nếu không có sự giúp đỡ của Dì, ước mơ có một căn nhà của má con chúng tôi cả đời sẽ vẫn chỉ là mơ ước, chỉ là ước mơ thôi, chẳng bao giờ với tới được. Má tôi biết ơn Dì nhiều lắm. Nhờ có Dì mà gia đình tôi thoát nghèo, kinh tế khấm khá hơn, cất được nhà mới, trả được nợ ngân hàng, anh em tôi được đến trường.

Một hôm, khi tôi đang lúi húi nấu cơm dưới bếp thì Dì đến:

  • Này, dạo này Dì thấy thằng Hiếu hay tụ tập cùng với thằng Tùng, thằng Nam và con Hà la cà ở tiệm nét nhà bà Ba Béo lắm đấy, con và má cần khuyên nhủ em chuyên tâm học hành, không nên giao du với đám bạn xấu nhé. Nó mà bỏ học, nghiện ngập là nguy hiểm lắm đấy. Xã mình đã có mấy đứa “dính” nàng tiên nâu rồi đấy.
  • Dạ vâng! Con cảm ơn Dì, con và mẹ sẽ chú ý đến em nhiều hơn ạ.

Tôi rót nước mời Dì uống nhưng Dì bảo thôi để khi khác, Dì còn phải qua nhà ông Năm gòm xem thợ thầy xây nhà đến đâu rồi. Rõ khổ, vợ mất vì bom đạn của kẻ thù khi không kịp sinh cho ông được mụn con. Ông ở vậy đến giờ, tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, nhà cửa thì xập xệ, vách, mái lá rách te tua thua cái chuồng heo nhà ông Sáu Lúa. Làm cái nhà cho ổng để ổng có chỗ trú mưa, trú nắng lúc tuổi già, có chỗ thờ cúng đàng hoàng để vợ ổng ấm áp vong linh và ổng cũng thấy lòng mình đỡ tủi.

Dì là thế, luôn đau với nỗi đau của người khác. Còn nhớ, ngày ba tôi mất, gia đình nghèo khó chẳng thể mua nổi áo quan cho ba, chẳng thể lo được đám tang dù là đơn giản nhất, nhất là khi gia đình người cho nhà tôi ở nhờ trên đất của họ không đồng ý cho gia đình tôi tổ chức đám tang trên đất nhà mình vì sợ sui xẻo. Má tôi suy sụp, lo lắng chẳng ăn uống được gì. Họ đuổi thì gia đình biết tổ chức đám tang cha ở đâu khi mà gia đình không có bà con thân thích ở đây. Biết xoay sở thế nào đây. Biết tin, Dì đã kiên trì vận động, thuyết phục gia đình người cho ở nhờ đồng ý cho má con tôi tổ chức tang lễ ở ngay trên đất mà họ cho ở đậu. Má tôi ôm chầm lấy Dì, nước mắt ràn rụa “Má con em cảm ơn chị nhiều. Nếu không có chị, má con em không biết xoay sở ra sao nữa,…”. Dì đã đứng ra vận động các mạnh thường quân trong xã mua áo quan, mua đất, tổ chức tang lễ cho ba trọn vẹn, ấm cúng.

Dì luôn xót lòng trước cảnh nhiều người dân nghèo tất bật mưu sinh chạy gạo từng bữa, nhà cửa xiêu vẹo, dột nát phải che chắn bằng bạt cao su, bạt quảng cáo nên lại lặn lội đi xin cây, xin tôn, xin gạch, xi măng, sắt thép để xây nhà cho người nghèo. Đội cất nhà tình thương của Dì mỗi năm xây được khoảng 20 căn nhà, mỗi căn trị giá năm mươi triệu đồng. Nhà ông Năm gòm nên hình hài cũng nhờ sự đóng góp không nhỏ của Dì cùng các mạnh thường quân gần, xa “lá lành đùm lá rách” giúp ông có nơi ăn chốn ở ấm cúng lúc tuổi về chiều. Ngắm nhìn căn nhà từ thiện vừa mới xây xong cho ông Năm gòm cuối xóm chuẩn bị đón một mùa xuân mới đang đến gần, đôi môi Dì nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt rạng ngời niềm vui trong buổi chiều nhạt nắng đượm hương sắc nụ mai chúm chím gọi Xuân về.

Lời cảnh báo của Dì về thằng Hiếu với má con tôi đã trở thành hiện thực. Thằng Hiếu, em tôi, nghe lời rủ rê của chúng bạn thường xuyên cúp tiết la cà ở quán nét rồi bỏ học hẳn. Điều khiến má con tôi đau đớn nhất là thằng Hiếu “dính” nàng tiên nâu từ lúc nào không biết. Thảo nào, thỉnh thoảng mấy thứ đồ dùng trong nhà tôi “không cánh mà bay” là do nó gây ra. Thằng Hiếu bị công an bắt đưa vào trung tâm cai nghiện trong một lần “ăn vặt” để có tiền “mơ màng” với nàng tiên nâu đầy quyến rũ.

Thằng Hiếu dính vào ma tuý Dì cũng lo lắng lắm, luôn hỏi thăm, động viên má tôi không được buông xuôi, phải luôn quan tâm chăm sóc nó. Mỗi lần má tôi đi thăm, Dì đều có quà gửi cho nó. Đôi khi, Dì gác công việc nhà, công việc cơ quan để cùng má tôi đi thăm thằng Hiếu để nó không cảm thấy tủi thân, để nó thấy mọi người vẫn yêu thương, chăm sóc, không bỏ rơi nó lúc khó khăn hoạn nạn. Nhiều người, thậm chí có người là đảng viên thấy Dì quan tâm đến thằng nghiện nhà tôi thì xù xì bảo Dì “ôm rơm nặng bụng”, toàn “vác tù và hàng tổng”, chuyện gia đình mình không lo lại đi lo chuyện thiên hạ.

Trước những lời xù xì không mấy thiện cảm ấy, Dì đều nở nụ cười độ lượng, tâm sự điều hơn lẽ thiệt để mọi người hiểu, đồng cảm với việc làm của Dì “Phải luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “Chí công vô tư”, và có tinh thần “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản”, đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta, mỗi chúng ta phải luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình, soi rọi vào đó để mà thực hiện cho đúng, để xứng đáng với lời dạy của Bác và lòng mong mỏi của nhân dân.

***

Hơn một năm sau thì Hiếu được về. Má con tôi và Dì mừng mừng tủi tủi nhưng Dì vẫn canh cánh trong lòng về khả năng tái nghiện của Hiếu. Dì kiếm lá trầu không, giã lấy nước, dặn má tôi mỗi lần thấy Hiếu khó chịu trong người, có biểu hiện thèm thuốc thì cho uống.

Để giúp Hiếu hoà nhập cộng đồng, Dì đề nghị Đoàn thanh niên, Hội nông dân và ban ngành đoàn thể giúp đỡ, động viên Hiếu để em không cảm thấy mình bị bỏ rơi, thấy mình trở thành người thừa của xã hội, bị xã hội xa lánh, coi thường. Có ý kiến đây là việc riêng của gia đình tôi thì để gia đình tôi lo, không nên can thiệp vào làm gì, khi nào gia đình tôi có nhu cầu giúp đỡ thì làm đơn mới can thiệp; có ý kiến cho rằng cần để Hiếu thử thách một thời gian xem có tái nghiện không, nếu không tái nghiện thì lúc đó giúp đỡ cũng chưa muộn, còn nếu tái nghiện thì đưa đi cai nghiện tiếp; có ý kiến thì bảo đã “bập” vào ma tuý rồi thì khó “cai” lắm nên không nên dính vào nó làm gì cho “nặng bụng”,…

Trước những ý kiến trái chiều của mọi người, Dì nhẹ nhàng, Bác Hồ kính yêu đã từng răn dạy mỗi chúng ta “Người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ và Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm sao cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”, vì thế, mỗi chúng ta với tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên hãy phát huy tình yêu thương, nhân ái, động viên, giúp đỡ Hiếu vươn lên trong cuộc sống để trở thành người công dân có ích cho xã hội. Ai cũng xa lánh, ruồng rẫy em thì tội nghiệp em biết chừng nào. Không những thế, sẽ đẩy em trượt dài trên con đường tội lỗi, không lối thoát, tương lai mờ mịt, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong sâu thẳm tâm hồn Hiếu, em vẫn có những điều tốt, rất đáng hoan nghênh và ghi nhận. Bằng chứng là mới tuần trước thôi, trên đường đi làm thuê về Hiếu đã dũng cảm lao mình xuống nước cứu cái Thuỷ con chị Ba khỏi bị đuối nước, mới ba ngày trước, nếu không có sự xả thân của Hiếu thì thằng Nam con anh Tám sẽ mãi mãi không được gặp lại gia đình vì bị tai nạn giao thông,…

Từng lời tâm tình của Dì thấm đẫm tình yêu thương khiến mọi người lặng im suy nghĩ về lời nói, hành động, suy nghĩ của mình đối với Hiếu. Trong không khí trầm lắng ấy, nét suy tư, day dứt hằn trên trán mỗi gương mặt. Mỗi người nhận ra rằng, cái nhỏ nhen, ích kỉ, bàn quan, thiếu trách nhiệm của bản thân đã che lấp tình yêu thương đồng loại trong mỗi con người mình. Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại. Người với người sống để yêu nhau thì mới đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống thêm hương sắc, ấm no, hạnh phúc. Ai cũng nghĩ cho lợi ích của riêng mình mà quên đi lợi ích của người khác, nhất là những người yếu thế trong xã hội như Hiếu, thì thật là đáng trách, đáng lên án biết bao nhiêu.

Hiếu được hỗ trợ vốn để thực hiện mô hình nuôi lươn trong can nhựa trong môi trường nước tự nhiên. Nhằm giảm chi phí sản xuất Hiếu ra chợ mua lươn đồng được đánh bắt từ việc đặt trúm, dớn về để nuôi. Những chiếc can nhựa ba mươi lít đều được khoan lỗ xung quanh cỡ mười mi li và chia đều thành bảy hàng từ trên xuống nhằm cung cấp oxy cho lươn hô hấp và loại bỏ thức ăn thừa. Điều đặc biệt của những chiếc can nhựa là túi đựng thức ăn được treo ở nắp can. Chiếc túi thiết kế bằng vải thun với chiều dài 20cm, rộng 12cm, được khoét nhiều lỗ xung quanh kích cỡ tùy thuộc vào lươn lớn, bé nhằm tiết kiệm thức ăn, tránh lãng phí và có thể theo dõi sự tăng trưởng của lươn dựa vào lượng thức ăn còn thừa lại trong túi nhằm có hướng chăm sóc tốt hơn.

Mỗi can Hiếu thả nuôi khoảng 1kg lươn giống, khoảng 35 đến 45 con đã được thuần từ 5 đến 15 ngày. Sau 8 tháng chăm sóc, với thức ăn chủ yếu là ốc xay trộn với 30 đến 40% thức ăn viên, có bổ sung thêm đạm và khoáng giúp lươn phát triển nhanh thì lươn đạt trọng lượng từ 300 – 400gram/con. Mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần vào buổi chiều. Mỗi can lươn sau 8 tháng nuôi đạt khoảng 10kg đến16kg lươn thành phẩm mang về lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/can chỉ với 8 tháng nuôi. Mười ba can với 186 kg lươn thương phẩm, với giá trung bình 160.000đ/kg, sau khi trừ  tất cả chi phí, Hiếu thu về hàng chục triệu đồng tiền lãi. Đây được xem là mô hình nuôi lươn “siêu” thâm canh, vì có thể điều chỉnh được sản lượng tăng giảm tùy vào thị trường một cách dễ dàng, đặc biệt, giảm đáng kể chi phí sản xuất nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Không chỉ làm giàu cho mình, Hiếu còn cung cấp lươn giống cho rất nhiều bà con trong và ngoài địa phương, luôn sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi, nhằm giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có thể vươn lên về kinh tế với vai trò là Giám đốc công ty nuôi trồng thủy sản.

Chiều nay, khi ánh hoàng hôn dần buông rèm, từng tia nắng vàng vọt yếu ớt đậu trên những tán lá xoài ngoài sân, Hiếu đang xem điều khoản các hợp đồng sắp kí kết với đối tác ngày mai thì Dì Tư tới. Dì bảo, hôm rồi Ban chấp hành đoàn thanh niên của xã đã họp thống nhất giới thiệu Hiếu đi học cảm tình Đảng để kết nạp vào Đảng trong thời gian tới. Nghe Dì Tư nói vậy, Hiếu rất vui và hạnh phúc khi thấy mình được mọi người tin tưởng giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mừng đấy nhưng cũng lo đấy, không biết mình có đảm đương, gánh vác được trọng trách của người đảng viên hay không? Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự lớn lao nên cần phải cố gắng hết sức phấn đấu để phụng sự quê hương, đất nước. Dì Tư dặn, khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, con phải luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân. Làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”, có như vậy mới trở thành người công dân có ích cho đất nước, là người đảng viên chân chính.

Chị em tôi mời Dì ở lại dùng bữa cơm thân mật. Dì xua tay, để khi khác, bây giờ Dì còn phải đến nhà ông Hai cầu đường để cát, đá, xi măng và nhân lực đã chuẩn bị đầy đủ chưa để mai khởi công cây cầu Đập Đá rồi còn đến nhà bà Tám trầu vừa mới mất hồi trưa vì đột quỵ để lo chuẩn bị tang lễ cho bà được đầy đủ để bà yên lòng nơi chín suối.

Chị em tôi lặng nhìn dáng người nhỏ nhắn gò lưng trên chiếc xe đạp mini màu mận chín đi về phía nhà ông Hai cầu đường và bà Tám trầu. Cái bóng của Dì đổ dài trong ráng chiều nhạt nắng.

Dì là thế, luôn tất bật vì người khác!

Bạn đang đọc bài viết "Dì Tư tất bật vì những cảnh đời khốn khó" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn