Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 24): Dưới bóng người cha

Nghề báo sôi động và của quí của ba đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tôi dự định học nghề báo, tập trung vào các môn kinh tế học, mậu dịch quốc tế, tiếp thị và các nước đang phát triển.

Phạm Xuân Hoàng Ân, trích lý lịch, 1990

xuan-an-ky-23-1653889659.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp

Lúc đầu, gia đình Phạm Xuân Ẩn bay sang Guam, rồi ở đó một tuần để chờ xem ông Ẩn có sang cùng với gia đình không. Phạm Xuân Ẩn vẫn giữ liên lạc với vợ ông, bà Thu Nhàn, qua máy telex của Văn phòng Tạp chí Time. Cuối cùng, ông khuyên vợ chấp nhận lời mời và sự giúp đỡ của Tạp chí Time, chuyển gia đình sang Hoa Kỳ. Gia đình Phạm Xuân Ẩn đáp máy bay đi Fort Pendleton, California, để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên họ không có thời gian để nghĩ tới việc gia đình chỉ ở cách khu học xá Trường Orange Coast ở Costa Mesa hơn 85 km. Do đã được Tạp chí Time bảo lãnh, nên thủ tục được thông qua nhanh chóng. Gia đình ông Phạm Xuân Ẩn được nhận thẻ an sinh xã hội, và các giấy tờ khác. Sau đó, vợ con ông được chở bằng xe hơi đến Los Angeles, ở tạm tại một khách sạn nhỏ ven đường cùng với một nhân viên người Việt Nam khác của Tạp chí Time.

Bà Thu Nhàn nhớ lại:

- Tôi không cảm thấy thoải mái khi ở Los Angeles. Thành phố quá lớn đối với tôi. Do vậy mà tôi đã nói với Tạp chí Time rằng liệu chúng tôi có thể đi Virginia hay không?

David De Voss của Tạp chí Time đã đi cùng gia đình Phạm Xuân Ẩn trên một chuyến bay và sau đó, họ đến Arlington, bang Virginia. Lúc đầu gia đình ở tạm trong căn hộ của Beverly Deepe trong ba tháng cho đến khi bà Thu Nhàn thuê được nhà. Tạp chí Time đài thọ mọi chi phí liên quan đến việc di chuyển chỗ ở, ngoài ra mỗi tháng còn trả 700 USD tiền lương cho bà Thu Nhàn. Các cháu tuổi mười hai, mười một, mười, và tám tuổi đều được bố trí vào học tại Trường tiểu học Patrick Henry. Bà Thu Nhàn đã nói được một chút tiếng Anh cơ bản, nên mỗi buổi sáng, bà đi cùng lũ trẻ đến trường rồi ở đó luôn để giúp các cháu, vì bọn trẻ chưa nói được tiếng Anh. Bà Thu Nhàn cũng dự một lớp học tiếng Anh nâng cao, và cả gia đình bắt đầu điều chỉnh cho một cuộc sống mới ở Mỹ. Do có rất nhiều người từ miền Nam Việt Nam chạy di tản sang sống ở Washington D.C, và khu vực trung tâm Virginia, nên không bao giờ thiếu những người bạn có những cử chỉ giúp đỡ xúc động đối với mẹ con bà Thu Nhàn khi chồng bà vắng nhà.

Bà Germaine Lộc Swanson nhớ lại:

- Bà Thu Nhàn đau ốm luôn và lúc nào cũng lo cho chồng mình. Bà không biết chuyện gì đã xảy ra đối với ông Phạm Xuân Ẩn. Bà Thu Nhàn cảm nhận rằng, rất có thể bà sẽ chẳng bao giờ được gặp lại chồng mình. Trong 18 năm qua, bà đã quen với những cảm giác như vậy. Lần này thì khác ở chỗ, vợ chồng bà đang ở cách xa nhau đến nửa vòng trái đất, ở phía bên kia của thế giới. Mặt khác, ông Phạm Xuân Ẩn có thể bị các lực lượng Quân Giải phóng giết vì cho là có cộng tác với CIA. Còn có điều đáng sợ nữa là sau khi chiến tranh đã kết thúc, các hoạt động tình báo bí mật của chồng bà được công khai, trong khi bà và các con đang sống ở bên Mỹ. Sự an toàn của mẹ con bà có thể bị quấy rầy bởi cộng đồng những người di tản chống Cộng đến tận xương tuỷ. Bà cũng không biết Hà Nội có ra lệnh cho ông Phạm Xuân Ẩn tiếp tục nghề tình báo ở Mỹ hay không. Tương lai chẳng rõ ràng gì.

Phạm Ân nhớ lại:

- Má chẳng bao giờ cho chúng cháu biết rằng má đang lo như thế nào. Chúng cháu hoà nhập với cuộc sống mới rất dễ dàng. Chúng cháu dễ dàng kết thân với những bạn mới. Cháu nhớ hôm đầu tiên chúng cháu đến ở tại căn hộ của cô Deepe. Cháu nhìn qua cửa sổ thấy bọn trẻ con đang chơi dưới sân. Tụi nó giơ tay vẫy cháu và cháu cũng vẫy lại. Tụi nó cùng đi học tại một trường với cháu, và thế là chúng cháu trở thành bạn bè. Cháu học nói tiếng Anh. Thậm chí cháu còn có cả bạn gái nữa. Cháu vẫn còn nhớ tên cô bé ấy là Robin. Cha của cô bé ấy là một cựu binh Việt Nam. Khi cháu phải về nước, cả cô bé ấy và cháu cùng khóc.

Trở lại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn cũng buồn và sợ hãi. Sau vài ngày ở khách sạn Continental, Phạm Xuân Ẩn và mẹ về sống ở nhà. Nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn sợ cái điều mà ông đã từng mô tả cho tôi nghe đại loại như là:

"Khoảng hai giờ sáng, người ta đến gõ cửa nhà tôi rồi bắt tôi đi thủ tiêu, không ai còn được nghe gì về tôi nữa. Cảm giác lo sợ này giống hệt như ngày tôi từ Mỹ trở về Sài Gòn năm 1959. Đây là thời điểm rất nguy hiểm đối với tôi, bởi vì người ta chỉ biết tôi là một phóng viên Sài Gòn làm việc cho Mỹ".

Phạm Xuân Ẩn cho rằng, sẽ là không công bằng khi đất nước thì được thống nhất, còn gia đình ông thì bị ly tán.

Phạm Xuân Ẩn phải ra trình diện trước các nhà chức trách địa phương. Ông điền vào tờ khai nghề nghiệp là nhà báo, làm việc cho Tạp chí Time. Trước đó vài tháng, trong một lá thư gửi cho Edward Lansdale và vợ mình là Pat, Bob Shaplen nói:

- Hầu hết những người bạn cũ của chúng ta đều chán nản, thất vọng, Nguyễn Hùng Vương, Phạm Xuân Ẩn, v.v… tinh thần của những người Mỹ còn ở lại như Jake và Mark Huss rất thấp. Tất cả họ đang cố cầm cự càng lâu càng tốt, với lại họ còn biết làm gì được nữa? Còn đối với những người Việt như Nguyễn Hùng Vương, Phạm Xuân Ẩn, họ vẫn giữ vững tinh thần không nao núng, nhưng không vui vì những vết nhơ từng làm việc cho chúng ta khiến họ phải đau đớn về mặt nghề nghiệp.

Phóng viên người Australia Neil Davis và nhà báo Y Tiziano Terzani là hai trong số ít phóng viên nước ngoài còn ở lại Sài Gòn. Thỉnh thoảng, họ lại ghé qua văn phòng Tạp chí Time để trao đổi với Phạm Xuân Ẩn và hỏi quan điểm của ông về thời kỳ quá độ này.

Davis cũng giữ quan hệ thân thiết với Shaplen, cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình và giúp chuyển những thông tin từ phía Phạm Xuân Ẩn cho Shaplen. Những bài viết của Davis đặt một chút nghi ngờ rằng, sau khi được giải phóng Sài Gòn là một nơi nguy hiểm.

"Tôi bị bộ đội (lính Bắc Việt Nam) bất ngờ từ trong bụi cây hay đang nấp, hay sau gốc cây nhảy ra chặn lại hỏi giấy tờ tuỳ thân".

Tất cả mọi người bất kể là người nước ngoài hay người Việt Nam, đều phải trình diện chính thức ngay từ đầu với các nhà chức trách mới. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là có thể bị những thanh niên mặt mày hớn hở thuộc các đội tự vệ mới chặn lại. Những người này gây phiền hà giống hệt như quân tự vệ trước đây của chính phủ cũ. Việc đăng ký trình diện, ít nhất là tại Sài Gòn, có vẻ như sắp hoàn thành. Cho đến nay thì trình diện là một trong số ít việc làm chứng tỏ quyền lực của chính quyền mới. Tất cả mọi người Việt Nam, từ cựu sĩ quan, binh lính, viên chức chính quyền cũ, nhân viên làm việc cho Mỹ cho đến những người được mô tả kỳ cục như là "nhân viên mật vụ, đều phải khai báo rõ nơi ở, nơi làm việc,… để xác định danh tính".

Đầu tháng 5, Đại tướng thắng trận Võ Nguyên Giáp đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến Dinh Độc lập để dự một cuộc họp với tướng Trần Văn Trà, Chỉ huy các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tướng Trần Văn Trà vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó nhiều năm, cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lẫn tướng Trần Văn Trà đều nhận thông tin từ những báo cáo tình báo của Phạm Xuân Ẩn. Thế mà giờ đây vài tuần sau giải phóng, trùm điệp viên - người đã đóng góp rất nhiều vào chiến thắng của Hà Nội - ở cách Dinh Độc lập chỉ vài toà nhà, đang phải lo lắng cho sự an toàn của chính mình dưới chế độ mới

Giờ đây, Phạm Xuân Ẩn thực sự theo nghĩa đen là người của Tạp chí Time ở thành phố Hồ Chí Minh, giữ mối liên hệ với các đồng nghiệp cũ và đang đóng góp bài vở cho số báo sau 30/4 của Tạp chí Time. Phạm Xuân Ẩn gửi bằng telex bức điện tới New York:

- Tất cả các phóng viên Mỹ đã di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng Tạp chí Time hiện nay do Phạm Xuân Ẩn điều hành.

Ban quảng cáo của Tạp chí Time đăng tấm ảnh Phạm Xuân Ẩn đang đứng trên một đường phố không người, hút thuốc lá và trông có vẻ thích gây gổ.

Mỗi buổi sáng, Phạm Xuân Ẩn đến Văn phòng Tạp chí Time làm việc. Tại đây "các lực lượng giải phóng" đã cử một người đến giám sát, kiểm duyệt Phạm Xuân Ẩn.

- Tất cả chỉ có một mình tôi, trừ người giám sát, ông ta không phải là người khó tính, nhưng là một người kiểm duyệt khắt khe. Sau vài tuần, chẳng có tin bài nào được gửi đi. -Phạm Xuân Ẩn nói với tôi như vậy.

Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn cũng có lợi là được sử dụng thiết bị telex của Tạp chí Time để gửi các bức điện cho vợ ông, bà Thu Nhàn, thông qua trụ sở chính của Tạp chí Time ở New York.

- Tôi chỉ có thể gửi được những bức điện nói rằng cho đến lúc này tôi vẫn OK. Chứ thực sự, tôi không thể nói được điều gì khác vì sẽ có nhiều người đọc bức điện đó của tôi. - Phạm Xuân Ẩn nói.

Bài báo cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn phát đi được đăng trên Tạp chí Time số ra ngày 12/5 mang tựa đề "Cuộc chia tay cuối cùng nghiệt ngã". Dưới đây là một đoạn trích từ bài báo đó:

"Hình ảnh cuối cùng về cuộc chiến tranh: Những người lính thuỷ đánh bộ Mỹ dùng báng súng giáng xuống những ngón tay của nhiều người Việt Nam đang cố bám tường tìm cách vào được bên trong khuôn viên toà Đại sứ Mỹ để chạy trốn khỏi đất nước họ. Một không khí lộn xộn, bừa bãi chẳng khác nào cảnh mô tả trong kinh khải huyền - một số kẻ cướp ngày lái những chiếc xe hơi của sứ quán bỏ lại chạy như điên quanh thành phố cho đến khi hết sạch xăng; một số kẻ khác vào lục soát Siêu thị PX Tân cảng Sài Gòn vốn được coi là giấc mơ, rập khuôn như vùng ngoại ô của Mỹ. Một người phụ nữ đội hai thùng rượu anh đào và một thùng kẹo cao su Wrigley Spearmint. Ngoài khơi, những chiếc máy bay trực thăng trị giá hàng triệu đô la bị lật nhào khỏi boong tàu cứu hộ Mỹ một cách lãng phí, chẳng khác nào việc ném đi những lon bia, để lấy chỗ cho những chiếc máy bay trực thăng khác sắp đến.

Cuối cùng, Việt Cộng và những người Bắc Việt Nam đổ vào Sài Gòn, kéo cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và bắt giữ Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Đối với nhiều người Mỹ, điều đó giống như một cái chết đã được chờ đợi từ lâu, nhưng đến khi xảy ra thì người ta vẫn cảm thấy bị sốc.

Một cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ đã kết thúc bằng một cuộc di tản hiệu quả, nhưng nhục nhã. Đó là sự kết thúc giống như một cơn ác mộng, không, có thể còn tồi tệ hơn cả cơn ác mộng; chỉ có rất ít lính Việt Nam Cộng hoà nổ súng vào những người Mỹ đang di tản, nhưng chẳng trúng phát nào. Ít nhất thì người Mỹ cũng đã gây ra cảnh tượng khủng khiếp cuối cùng về người của mình đánh những người bạn và đồng minh của Mỹ đang chen lấn nhau di tản. Mặc dù trên thực tế, người Mỹ đã tìm cách đưa khoảng 120.000 người Việt Nam tị nạn ra đi với họ.

Có lẽ đúng hơn phải nói rằng, cuộc chia tay lần này của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam là một hành động duy nhất không ảo tưởng trong suốt những năm chiến tranh…”

Những người cầm quyền mới ở miền Nam Việt Nam tuyên bố rằng họ sẽ "quyết tâm thực hiện một chính sách hoà bình, độc lập, trung lập, và không liên kết".

Đối với những người miền Nam Việt Nam từng cộng tác và làm việc với người Mỹ, cuộc sống chẳng bao lâu sau đã trở nên khó khăn và tàn nhẫn. Một số người như tướng Phạm Văn Phú chỉ huy Quân đoàn II người từng ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên, đã chọn cách tự sát bằng thuốc độc còn hơn là đầu hàng Cộng sản. Đối với hầu hết các cựu quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn còn ở lại, thì chả biết làm gì ngoài chờ đợi chỉ thị của chế độ mới. Đây cũng là thời gian đặc biệt bối rối đối với ông Phạm Xuân Ẩn cùng với rất nhiều bạn bè bởi tương lai không mấy sáng sủa.

"Nhiệm vụ tình báo của tôi về mặt kỹ thuật đã hoàn thành, đất nước tôi đã được thống nhất và người Mỹ đã phải rút về nước. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể nói được với mọi người về sự thật. Tôi vẫn không được hạnh phúc vì đang phải sống trong cô đơn và sợ hãi. Vợ con tôi vẫn đang ở Mỹ. Tôi không biết liệu mình có được gặp lại vợ con lần nữa hay không? Tôi còn có nhiều bạn bè, họ cũng không thể đi được và tôi cũng không biết điều gì đang xảy ra đối với họ nữa. Có rất nhiều điều chưa rõ".

( còn nữa)

Theo Trái tim người lính/Nguồn: " Điệp viên hoàn hảo " của giáo sư Larry Berman