Đỉnh núi đêm trăng

BuiQuang Viet

26/11/2021 11:01

Theo dõi trên

Ngày ấy, những người thầy dạy phi công Mỹ một điều khôn ngoan rằng: "Trong tác chiến, chẳng may máy bay bị trúng đạn hoặc tên lửa trên đất Việt Nam, thì phải nhanh chóng đưa máy bay về hướng biển hoặc lên rừng thì sẽ có đồng đội ứng cứu". Do đó, hầu hết các máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, đều nằm trên các đỉnh núi cao, trong rừng rậm hoặc ngoài biển sâu. Sau này, rất khó khăn cho việc tìm kiếm hài cốt phi công Mỹ, đưa họ về nước.

259605237-952650659014674-5154387968000718583-n-1637830359.jpg
Ảnh sưu tầm

Đoàn cán bộ liên ngành của chính phủ gồm các cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng và Công an, giúp đoàn Mỹ gần hai chục người, tìm kiếm 45 ngày, trên một đỉnh núi cao thuộc huyện A lưới, Thừa Thiên - Huế. Tôi được giao làm "Đoàn phó phụ trách hậu cần", lo tổ chức ăn uống và các điều kiện đảm bảo cho đoàn làm việc. Chính quyền địa phương hàng ngày tổ chức cho hơn một trăm người dân địa phương, giúp phía Mỹ đào bới đất cát, sàng xảy, tìm các mẩu hài cốt lẫn trong đất đá, để giám định, đưa về Mỹ. Họ cũng bố trí hai mẹ con một gia đình, người địa phương, nấu cơm cho đoàn cán bộ trung ương của chúng tôi. Chị tên Nhâm, hơn 40 tuổi và con gái tên Thơ, 19 tuổi.

Hàng ngày, tôi xuất tiền cho Nhâm đi chợ, mua thực phẩm, dặn chị hôm nay ăn món gì? Và nhiều bữa tôi xuống bếp, hướng dẫn hai mẹ con chị nấu ăn theo kiểu Hà Nội, vì tôi đã phải tự nấu ăn nhiều năm, khi còn ở tập thể và vợ con ở quê. Câu chuyện qua lại, tôi được biết Nhâm chồng mất, lúc chị sinh bé Thơ được hai năm do tai nạn giao thông. Chị không đi bước nữa mà quyết ở vậy nuôi con cho đến lúc trưởng thành. Nhiều chuyện Nhâm kể về cảnh nuôi con một mình, bé Thơ ốm đau, phải đưa vào bệnh viện huyện, trong nhà hết gạo, trong túi hết tiền, phải nhai rau Má luộc, bón cho con. Tôi động lòng, ứa nước mắt. Mỗi buổi tối, sau khi ăn uống dọn dẹp xong, ba chúng tôi lại leo lên bãi đỗ máy bay trực thăng của đoàn, kê dép ngồi chơi, nói chuyện. Giữa đỉnh núi, không có điện, xung quanh là bạt ngàn những rừng cây Keo Tai tượng, hỏi còn biết làm gì? Có hôm chúng tôi ngồi đến khuya, nghe tiếng gà rừng gáy lúc nửa đêm, mới trở về lán ngủ. Tôi cảm nhận cả hai mẹ con Nhâm cùng rất quý tôi và tôi cũng là loại người rất dễ được người khác quý, vì tính nết xởi lởi, hào hoa đã ăn vào máu từ thời còn trẻ. Nhâm bảo bé Thơ: "Con phải quý bác Quang, coi bác như ba, sau này khó khăn gì nhờ bác giúp. Bác là cán bộ to ở Trung ương đấy!". Ôi, một đứa trẻ mới lớn lên ở miền Núi, học hết cấp hai, ở nhà đi làm nương rẫy. Mẹ bảo sao nghe vậy, có biết gì?

Đêm chia tay, ba chúng tôi lại leo lên đỉnh núi, trăng vằng vặc, gió núi lớp lớp vờn nhau, vít ngọn cây Keo trĩu xuống. Sương lạnh, ướt đầm vai áo. Trong rừng xao xác tiếng gà. Ba chúng tôi đứng dậy, ôm chặt lấy nhau. Tôi nghe tiếng bé Thơ thì thầm: Ba của con!

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Đỉnh núi đêm trăng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn