Cho đến nay những người cao niên ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội cũng không rõ đình Trung Tự được xây dựng năm nào, chỉ biết rằng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 17. Đình Trung Tự khởi đầu từ một ngôi đền nhỏ thờ thần Cao Sơn và Huệ Minh công chúa, sau mở rộng thành đình.
Đình Trung Tự đã được tu sửa nhiều lần, lần mới nhất là năm 2020, đình đã được đại trùng tu. Ông Nguyễn Văn Tân, trưởng Tiểu Ban quản lý di tích đình Trung Tự cho biết: khi đại trùng tu có phá đình cũ từ móng trở lên làm lại mới nhưng không thay đổi gì hết mà giữ nguyên kết cấu, ngày xưa như thế nào thì giờ vẫn vậy.
Đình Trung Tự xây dựng lại có kiến trúc bề thế, đại đình 5 gian kết cấu theo hình chuôi vồ với hậu cung 3 gian và 1 gian nối mái. Ở chính điện đình có một bộ long ngai kiểu thời nhà Mạc với hai đầu rồng quay vào trong là thứ rất hiếm. Gian thứ hai chính điện có bộ cửa giữa rộng 4 cánh, phía trên là bức hoành phi cổ đề chữ Hán “Chiêu điện thiên cổ”. Cửa ngách bên trái treo hoành phi “Trang nghiêm”, cửa bên phải treo hoành phi “Tĩnh túc”. Ở giữa đặt ngai lớn thờ Đức Ông, 2 tay ngai chạm rồng tinh xảo, sau lưng có con rồng bay ra, hai bên gồm 6 trụ đứng, đế hình chân quỳ, 4 góc chạm hình đầu cá chép… Trên ngai xếp bài vị sơn son thếp vàng, đỉnh chạm lưỡng long triều nguyệt, xung quanh chạm trổ mây cuộn có hai đầu rồng vươn lên. Bên trái gian thứ tư còn xây bệ thờ, trên để long án bằng gỗ sơn son thếp vàng và có 6 trụ tay ngai hình rồng.
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, người cao tuổi ở phường Phương Liên thì tất cả các câu đối, những mảng chạm khắc trong đình đều giữ được giữ nguyên trạng từ thời Lê – Nguyễn.
Nói đến đình Trung Tự không thể không nhắc đến lễ hội của làng. Vì cảm kích công lao của đức thành hoàng làng, người dân nơi đây đã lấy ngày sinh Ngài, ngày 15/3 âm lịch làm ngày hội làng. Theo ông Phạm Gia Ngọc, cán bộ văn hóa phường Phương Liên, thì cho đến nay, lễ hội Đình Trung Tự luôn được xem là lễ hội văn hóa dân gian mang đậm phong tục, tập quán cổ truyền, thể hiện tinh thần dân tộc “uống nước nhớ nguồn”.
Không chỉ mang đậm dấu tích cổ xưa, đình làng Trung Tự cũng là nơi chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử. Cuối tháng Tám năm 1945, đình làng Trung Tự là địa điểm thành lập trung đội tự vệ chiến đấu và Ủy ban cách mạng lâm thời của làng Trung Tự. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình làng Trung Tự là nơi cất giữ truyền đơn, tập kết về nuôi giấu cán bộ về hoạt động trong vùng nội thành Hà Nội. Đây cũng là điều mà ông Phạm Gia Ngọc thấy rất tự hào khi nói về đình làng mình.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, việc giữ lại được vẹn nguyên những mảng chạm khắc độc đáo đã làm tăng giá trị cổ kính của ngôi đình làng. Đây không chỉ là một ngôi đình có kiến trúc cổ mà còn là một di tích lịch sử gắn liền với các giai đoạn phát triển của Thủ đô.