Đò ơi (Truyện ngắn)

Một chiều cuối tháng chạp năm 1975, có một anh bộ đội cao, to, đen (nhưng có lẽ là không hôi), quân phục chỉnh tề, đội mũ tai bèo, chân đi dép lốp, khoác chiếc ba lô cóc lép kẹp xuống ga Nam Định rồi đi xe “căng hải” về quê.

Người đó chính là Hoàng Đức, là tôi, ba mươi mùa bánh chưng, mười hai năm lính, chưa có một “mảnh tình vắt vai” nào cả.

Cuốc bộ chừng hai tiếng đồng hồ thì tới một bến sông.

Đây rồi. Bến sông Vân Hạ đây rồi. Cái bến sông nhiều đau thương và huyền thoại đây rồi.

do-oi-1651707586.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Các cụ kể lại rằng xưa có một đôi trai gái yêu nhau say đắm, thề non hẹn biển ở bến sông này. Thế rồi gia đình cô gái ngăn cấm vì chàng trai là con nhà thuyền chài khố rách áo ôm. Không lấy được nhau, một đêm tối giời, sau khi đã vỗ về ôm ấp nhau, gục đầu vào nhau để nước mắt ướt đầm lưng áo, cả hai người đã trẫm mình xuống dòng nước sâu để được mãi mãi bên nhau nơi chín suối. Thế rồi, đời nọ nối đời kia, cứ có đôi trai gái nào yêu nhau không lấy được nhau lại rủ nhau ra bến sông này tìm đến nơi thiên đường ở bên kia thế giới.

Thời nào cũng có những đôi như thế. Bến đò Vân Hạ thành bến sông thiêng.

Thế rồi đất nước có chiến tranh. Bao nhiêu chàng trai Cứu quốc quân, Giải phóng quân đã mang theo lời hẹn thề của các nàng thôn nữ ra trận.

Mười hai năm trước, tuy đã mười tám “mùa bánh chưng” nhưng tôi còn ngờ nghệch lắm (không biết sao tôi lại ngờ nghệch thế?) nên tôi khoác ba lô lên đường chẳng được một nàng nào trao cho lời thề hẹn cả (đáng buồn chưa?).

Thế nhưng tôi lên đường mang theo một món nợ với bến sông này, với người lái đò to cao, có bộ ngực trần vạm vỡ và đôi mắt sáng quắc như tỏa ra những tia chớp làm sáng bừng cả một khúc sông quê.

Ngày ấy, tôi mười hai tuổi. Một buổi chiều tôi theo mấy anh lớn ra sông. Các anh cởi quần áo vứt cho tôi trông. Tôi ngồi trên bờ coi đống quần áo và xem các anh bơi lội. Thế nhưng thấy dòng nước trong mát lấp lóa nắng vàng, tôi thích quá, cũng cởi truồng nhảy xuống sông. Tôi cũng đã biết bơi rồi, bơi ở trong ao nhiều lần rồi, nhưng ra sông thì chưa. Bất ngờ tôi bị chuột rút, người tôi chìm, không tài nào mà ngoi lên được.

Thấy tôi bơi ra rồi mà chẳng trông thấy đâu, các anh kêu ầm lên “Thằng Đức chết đuối! Thằng Đức chết đuối…”

May quá, ông Thiện chèo đò nghe thấy. Ông nhảy ngay xuống sông vớt tôi lên. Tôi đã bị uống nhiều nước. Ông Thiện vác tôi chạy một quãng dài trên đê rồi đặt tôi trên bãi cỏ, hô hấp nhân tạo cho tôi một hồi, tôi mới mở mắt. Thế là tôi thoát chết.

Sau lần ấy, ngày ngày, cứ đi học về là tôi lại nhảy ùm xuống ao. Tôi bơi ở ao làng rồi bơi ra sông cái. Năm năm sau, tôi trở thành vận động viên bơi lội loại cừ của xã. Thế rồi trước ngày lên đường tòng quân một năm, tôi đã đoạt giải nhất cuộc thi bơi toàn huyện Thư Vũ.

Hôm nay khoác ba lô về bến sông này, lòng tôi cứ bâng khuâng một nỗi niềm buồn vui khó tả.

Vừa đi vừa nghĩ… Đã đến sát bến đò.

Vẫn là người lái đò to cao… Nhưng sao ông lại già nua đến thế? Hay là không phải ông?... Trên đò còn có hai cô gái xinh đẹp nữa… (Xưa kia ông Thiện to cao lực lưỡng lúc nào cũng có hai bé gái lít nhít theo cùng cơ mà? Có phải…có phải đây là hai cô bé ngày xưa ấy không?...)

Tôi bước chân xuống đò. Thôi đúng, người lái đò kia đích thị là ông Thiện vì ông già tiều tụy nhưng ánh mắt thì tôi vẫn nhận ra. Và hai cô gái kia đích thị là hai cô bé ngày nào…

Tôi lại gần ôm chầm lấy ông Thiện làm con đò chòng chành, chòng chành mấy phút. Một lúc sau ông mới nhận ra tôi là thằng bé ngày nào.

Thế rồi tôi nhìn thấy hai cô gái xinh đẹp. Cô chị và cô em giống nhau như đúc. Một cô có vẻ mặt già dặn hơn một chút chắc là cô chị. Cô chị nhìn tôi. Ánh nhìn như tia chớp lóe lên như là một tín hiệu lạ lùng…

*

**

Mười hai năm trở về, bố mẹ tôi đã khuất núi cả, chỉ còn có ông bác họ và mấy ông chú họ… Hai thằng em trai tôi vẫn còn tại ngũ. Cô em gái thì lấy chồng xa. Ngôi nhà nhỏ bố mẹ để lại thì dột nát. Tôi phải bắt tay ngay vào tu sửa ngôi nhà nhỏ với số tiền phục viên ít ỏi của mình. Sau đó một tháng, tôi mới mượn chiếc xe đạp cà tàng của bác đi xin việc. Đến nơi nào người ta cũng ca ngợi bộ đội vinh quang nhưng tất cả là phải chờ chỉ tiêu biên chế của Nhà nước.

Chỉ có một nơi tôi xin được một chân làm bảo vệ. Nhưng giám đốc công ty ấy lại chính là một thằng bạn đểu của chúng tôi. Nó cũng nhập ngũ cùng ngày với chúng tôi nhưng nó chưa “theo đảng được đến Còng” thì đã tự thương, tự lấy dao chặt vào ngón tay mình để “quay đằng sau”, rồi nhờ có ông chú là cán bộ cốp xin cho đi học Liên Xô rồi về làm sếp. Lẽ ra tôi cũng mặc kệ nó làm gì thì làm, vì đã là quá khứ. Nhưng một hôm nó lên mặt dạy đời, rao giảng đạo đức cách mạng, tôi không thể nào chịu được, tôi bỏ cuộc họp về thẳng. Và ngay hôm sau, tôi viết đơn nghỉ việc luôn. Tôi tự hứa với mình là không làm việc cho bất cứ cơ quan nào nữa.

Thế là tôi về quê. Bước chân vô định của tôi cuối cùng lại đưa tôi đến trước cửa lều ông Thiện. Tôi ở chơi với bố con ông mấy ngày liền, ngày đêm ở trên thuyền, lái đò với ông, trò chuyện với ông, chăm sóc ông…

Rồi anh em đồng đội bầu tôi vào Ban chấp hành cựu chiến binh xã, làm phó chủ tịch phụ trách trưởng ban dân phòng xã.

Mấy ngày sau, được tin ông Thiện ốm nặng, tôi đến ngay đưa ông đi bệnh viện. Điều trị mười lăm ngày hết cơn nguy kịch, bác sỹ cho ông về nhà. Tôi đem tiền gạo đến cùng với chị em Nhân, Nghĩa (hai cô con gái con ông) lo thuốc men chăm sóc ông suốt đêm ngày. Thế nhưng tình hình sức khỏe của ông mỗi ngày một xấu.

Ông cũng là thành viên Ban dân phòng của xã, lại là người bao nhiêu năm lo đưa đò cho cán bộ, bộ đội và bà con trong làng trong xã, có nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến. Vì thế, những ngày ông ốm nặng, lúc nào cũng có các đồng chí cán bộ xã và rất đông bà con đến thăm hỏi động viên.

Thế rồi, buổi chiều hôm ấy, ông vời tôi và hai đứa con gái ông lại gần. Ông chỉ vào tôi, chỉ vào Nhân rồi ngoặc hai ngón tay vào nhau ra hiệu gắn bó. Rồi ông thì thào “Con thuyền, con thuyền” rồi nhắm mắt.

Mọi người thuyết minh rằng ông bảo tôi phải cưới Nhân và làm nhiệm vụ chèo đò.

Nhưng ông chưa đi ngay. Ông còn chờ tôi và Nhân làm đám cưới.

Thật ra, tôi đã giành tình cảm đặc biệt cho Nhân ngay từ khi bắt gặp ánh nhìn như tia chớp của em. Thế nhưng, xét thấy mình chưa có một thứ gì trong tay cả cho nên chưa dám nói tới chuyện vợ con. Bây giờ, sự thể đã như thế này, quả là không thể trì hoãn được nữa.

Thế là ông bác, ông chú cùng với Hội cựu chiến binh và bà con dân làng đã tổ chức đám cưới (chạy tang) cho tôi và Nhân ngay tại bến sông này.

Và, sau đó một ngày, ông Thiện ra đi mãi mãi để lại niềm tiếc thương khôn nguôi trong lòng tôi, trong lòng người dân Vân Hạ.

Lo hậu sự cho ông xong, tôi bắt tay vào lo chỗ ở cho vợ chồng tôi và cho em Nghĩa.

Ngôi nhà của bố mẹ tôi cách bến đò đến hơn bốn cây số. Nếu vợ chồng tôi ở đấy thì tôi không thể nào làm nhiệm vụ chèo đò được. Vả lại em Nghĩa ở một mình cũng không yên tâm.

Thôi đành tạm thời ngăn đôi túp nhà nhỏ của ông Thiện làm đôi, một nửa cho vợ chồng tôi, một nửa cho em Nghĩa. Trước mắt, cứ tạm thời như thế…

Tôi xác định rằng chèo đò là cái duyên cái nợ chứ không phải là nghề mưu sinh chính của mình. Trời phú cho tôi còn có mấy tài lẻ nữa. Thứ nhất là nghề câu cá. Từ nhỏ tôi đã sắm mấy cái cần câu. Nhà tôi ngày nào cũng có cá. Không chỉ có cá mương, cá rô mà có cả cá chuối sộp, cá măng, cá ngão, cá trê và cả cá sông nữa. Thứ hai là nghề nông. Tôi mê cấy trồng và có thể đến lúc nào đó tôi sẽ đi học đại học Nông nghiệp. Thứ ba tôi có khiếu văn chương. Hồi ở đơn vị, tôi đã làm nhiều bài thơ về anh Giải phóng quân. Có mấy bài đã được đăng báo Quân Giải phóng… Nhưng bây giờ, hãy tạm như thế đã…

Còn có một việc khó khăn nữa, tôi chẳng dám nói với ai. Đó là việc về hai chị em Nhân, Nghĩa.

Theo nhận xét của tôi thì Nhân, Nghĩa có thể nói là xinh đẹp nhất vùng. Dẫu là thường xuyên phải dầm sương dãi nắng nhưng nước da Nhân Nghĩa trắng hồng, mái tóc đen, dày và dài như suối. Đôi mắt thì như có sao trời rơi vào đấy. Giọng nói thì thanh trong, ngọt ngào. Những đường cong có thể nói là không chê vào đâu được… Mà lạ lùng, hai chị em lại giống nhau như hai giọt nước mới lạ chứ? Giống từ dáng người, làn da, mái tóc, giọng nói, nụ cười… Lắm lúc tôi cứ giật mình thon thót, chỉ sợ nhầm lẫn…

Tuy nhiên, nếu ban ngày, nhìn kỹ,tôi có thể phân biệt được. Đó là đôi mắt của Nhân dịu hiền hơn một chút. Còn đôi mắt Nghĩa long lanh, lấp lánh hơn và dưới đuôi mắt bên trái có một nốt ruồi nhỏ trên đường dòng lệ chảy. Các cụ bảo người có nốt ruồi như thế là khổ về đường tình duyên, không biết có đúng không?

Còn ban đêm thì khó khăn hơn nhiều. Ban đêm phải nhờ vào giọng nói. Cũng ngọt ngào êm ái nhưng giọng chị hơi trầm hơn một chút. Và một điều nữa cực kỳ tế nhị. Điều khác biệt giữa hai chị em là ở cái …mùi. Cái hương ở Nhân là cái hương dịu mát của hoa nhài thoang thoảng. Còn cái hương toát ra từ Nghĩa lại là mùi hoa bưởi hoa chanh. Hai tháng trời chăm nom ông Thiện, ở gần hai chị em, tôi đã phát hiện ra điều bí mật ấy.

Vì thế, ngay cả ban ngày, không khi nào tôi dám có cử chỉ gì suồng sã với cả chị và em.

Ấy thế mà một buổi nhá nhem tối, tôi đã bị một phen nhầm đấy. Hôm ấy, lúc không có khách, tôi thả cần câu cá. Thường thì lúc vắng khách, tôi câu cá và làm thơ. Đang mơ màng với câu thơ mới nghĩ thì cần câu giật giật, tôi lôi ngay lên được một chú cá nheo to có đến dăm bảy cân ấy. Thả cá vào chiếc giỏ B52 buộc ở vệ sông xong, tôi chạy lên bờ ôm chầm lấy vợ hôn đánh chụt một cái vào má vợ và nói “Anh vừa câu được con cá nheo to lắm. Mai em đem ra chợ bán lấy tiền mua cái áo mới nhé”.

Em nở một nụ cười tươi sáng bừng một vùng bến sông hôn lại tôi một cái vào môi sực nức mùi hoa bưởi…

Thôi chết tôi rồi! Tôi đã bị nhầm tai hại… Rồi cứ thế tôi lùi lũi đi xuống vệ sông.

Một lần khác, cũng vào một buổi tối vừa ăn cơm xong, tôi ra con thuyền vừa câu cá vừa làm thơ. Tôi vừa nghĩ ra được bốn câu thơ về tình yêu. Thú vị quá, tôi chạy bổ về phòng ôm chầm lấy vợ hôn một cái rõ dài và đọc bốn câu thơ thú vị ấy.

Bỗng có tiếng Nhân (tôi nhận ra vì giọng em trầm hơn) gọi:

- Anh Đức ơi. Em Nhân đây. Đêm nay anh phải thức viết báo. Em mua chè khô ngon cho anh đây này…

Thôi chết. Tôi lại nhầm. Nguy hiểm quá. Tôi cứ sợ Nghĩa ghét tôi, khinh tôi vì là tôi “thấy mía ngọt muốn đánh cả cụm”. Tôi lo lắm. Nhưng thật lạ lùng. Sớm mai, Nghĩa lại nở nụ cười với tôi (hình như) còn tươi hơn hôm trước, không có biểu hiện gì là khinh ghét cả.

Thế rồi vợ tôi có bầu. Tôi phải mở một chiến dịch mới. Đó là chiến dịch xây nhà và phát triển kinh tế.

Trước hết, nhờ có một thằng bạn cùng là đặc công sống chết có nhau ở chiến trường Rừng Sác, bây giờ nó là chủ doanh nghiệp giàu có cho vay. Tôi cũng vay vốn cựu chiến binh và một vài đồng đội nữa. Tôi xin một thửa đất ngay bên cạnh ngôi lều của ông Thiện xưa rồi xây một ngôi nhà năm gian hai tầng và một dãy quán bán hàng. Tất cả khuôn viên rộng tới gần ba trăm mét vuông. Tôi cũng liên hệ lấy hàng công nghệ phẩm, tạp hóa về cho hai chị em bán theo nguyên tắc trả trước một nửa, cho chịu một nửa. Thế là giải quyết được vấn đề ăn ở và kinh tế.

Đùng một cái, tôi lăn ra ốm. Tôi bị cảm hàn nặng. Phải cấp cứu. Nhưng cũng chỉ ở viện có ba ngày. Rồi về nằm mất mươi hôm nữa. Lúc này, vợ tôi đang con nhỏ. Một tay Nghĩa vừa chăm chị, chăm cháu, lại chăm anh nữa. Bây giờ tôi mới thấy được cái tài, cái duyên của Nghĩa, và mới hiểu hơn tấm lòng của Nghĩa, tình cảm của Nghĩa đối với tôi.

Thấm thoắt đã tám năm kể từ ngày ấy. Vợ tôi đẻ cho tôi những bốn “Nàng công chúa”. Gia đình tôi phải nói là hạnh phúc nhất vùng.

Về kinh tế, cửa hàng công nghệ phẩm, thực phẩm công nghệ của tôi càng ngày càng phát đạt, trả hết nợ lại còn có tích lũy kha khá. Tôi mua thêm năm mẫu đất đồng bãi trồng dâu và hợp đồng bán cho nhà máy dâu tằm tơ của tỉnh.

Tôi cũng tôn tạo nhà thờ các cụ ở quê khang trang hoành tráng.

Thế nhưng, có lúc, có lúc thôi, có lúc nghĩ cũng hơi buồn buồn. Cơ ngơi bề thế là thế, tiền bạc không phải là ít…sau này bốn “Nàng công chúa” có quản lý được không?...

Lại nói về Nghĩa. Ba mươi hai tuổi. Em vẫn xinh đẹp ngời ngời. Đã có mấy anh chàng đến dạm hỏi, nhưng không đám nào em nhận lời cả. Tôi đã nhiều lần khuyên nhưng em cười buồn “Khi nào tìm được người đẹp trai như anh, giỏi như anh, em mới lấy”.

Tôi bảo rằng “Em ơi, anh kém cỏi bất tài lắm. Trên đời này, còn bao nhiêu người đẹp trai hơn anh, tài giỏi hơn anh ấy chứ”.

Em không trả lời, chỉ khóc.

Từ đấy tôi không dám khuyên em lần nào nữa.

*

**

Thế rồi đến một ngày. Hôm ấy cả nhà tôi về giỗ cụ ở quê. Cả em Nghĩa nữa. Cơm nước xong thì năm mẹ con Nhân ở lại quê vì các em con nhà bác, nhà chú quý các cháu lắm, các cháu cũng chưa có dịp nào về quê lâu cả. Nhưng tôi thì phải về bến sông. Còn Nghĩa thì phải về bán hàng.

Đêm hôm ấy, vừa thả neo cho con thuyền đậu vào bờ xong thì trời nổi cơn mưa gió. Tôi vừa chạy về đến nhà thì trời gió mưa sầm sập sầm sập.

Tắm rửa xong, tôi thấy buồn buồn. Thế là tôi lôi chai rượu bổ trong tủ ra uống. Ở phòng bên cạnh, Nghĩa chạy sang, tay cũng cầm một chai rượu bổ và một đĩa cá mực nướng và nói:

- Cho em uống với.

Ban đầu tôi không nhận ra vì hôm nay em mặc bộ đồ mỏng trông trẻ ra như gái hai mươi vậy.

Tôi không phải là “sâu rượu” nhưng đang lúc buồn buồn lại được em gái xinh đẹp chúc rượu cho, tôi uống mấy chén liền.

Ôi, rượu ngon quá. Mà mồi cũng ngon quá. Tiếng nói của em lại ngọt ngào quyến rũ làm sao…

Ngoài trời, mưa gió gầm gào. Điện phụt tắt.

Đêm ấy, tôi say không biết gì. Say nhưng hình như lại là tỉnh. Vì tôi mơ thấy rõ ràng tôi đang ôm một cô gái xinh đẹp có thân hình bốc lửa và những nụ hôn thơm lừng hương bưởi, hương chanh… Rồi tôi làm “chuyện ấy” với cô gái…

Đến gần sáng, điện bừng sáng. Tôi choàng dậy thấy mình đang ôm Nghĩa, trên người không có quần áo. Tôi hốt hoảng nhảy xuống đất, mặc quần áo.

Nghĩa cũng dậy làm như tôi.

Tôi lắp bắp:

- Anh xin lỗi…anh xin lỗi…

Và tôi nhìn Nghĩa. Hình như em còn nở một nụ cười mãn nguyện nữa…

*

**

Thế là tự nhiên tôi thành hai vợ, năm con. Nghĩa đẻ cho tôi một “Hoàng tử” khôi ngô tuấn tú.

Dân làng và anh chị em cựu chiến binh không ai nói gì. Nhiều người bảo rằng lẽ ra phải là như thế từ lâu rồi mới phải.

Còn tôi. Tôi nhận kỷ luật trước chi bộ Đảng và xin được rút khỏi danh sách đảng viên vì tôi làm như thế là không xứng đáng.

Nhân không nói gì. Nàng có buồn hơn trước. Nhưng nàng quý các con và cháu lắm. Có thể là nàng ghét tôi nhưng chắc chắn nàng không khinh tôi. Tất cả cũng là máu mủ ruột rà nhà mình cả thôi.

***

Đã bốn chục năm trời trôi qua.

Bến đò Vân Hạ chỉ còn trong ký ức của người dân. Giữa đôi bờ Vân Thượng, Vân Hạ người ta đã bắc một cây cầu dây văng hiện đại vào loại nhất nhì Đông Nam Á.

Bốn “nàng công chúa” Lung, Linh, Lóng, Lánh và “Hoàng tử” Hoàng Văn Tình của chúng tôi đã thành những kỹ sư, bác sỹ và nhà giáo. Riêng Hoàng Văn Tình là cán bộ nguồn của Bộ giao thông vận tải phụ trách về đường sông đường biển. Con cháu của người thuyền chài khốn khổ xưa kia bây giờ đã có thể cùng với dân làng và bầu bạn ngẩng cao đầu bước đi trên con đường lớn.

Trái tim người lính