Đoàn kịch Công an Hà Nội – Thời xa vắng

Hồ Công Thiết

14/11/2021 08:28

Theo dõi trên

Cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc có những bước ngoặt quan trọng. Quân đội Việt Nam chuyển sang thời kỳ Tổng phản công.

doan-kich-cong-an-ha-noi-1636853232.jpg
Đoàn kịch Công an Hà Nội và những chuyến lưu diễn

 

Quân Pháp đang gấp rút xây dựng mạng lưới gián điệp cài lại trên miền Bắc, thực hiện kế hoạch hậu chiến sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Tại Hà Nội, cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt của lực lượng phản gián công an Việt Nam, tình báo Mỹ CIA và cơ quan tình báo quân sự chiến lược (Deuxième Bureau) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp xoay quanh Bản danh sách các điệp viên sẽ được quân Pháp cài cắm lại trên miền Bắc Việt Nam.

Cuộc đấu trí gay cấn giữa Paul Hách, Hen-ry Thọ, đại úy Sáu, viên quản lý và Bella (tình báo Mỹ) và đặc biệt là Huệ, nữ chiến sỹ tình báo Việt Nam đã cuốn hút người xem từ đầu đến cuối.

Đó là nội dung vở kịch “Bản danh sách điệp viên” của Đoàn kịch Công an Hà Nội.

Là một đoàn nghệ thuật không chuyên tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn miền Bắc, vở kịch “Bản danh sách điệp viên” đã đoạt Huy chương Vàng cho tác giả kịch bản Văn Báu và 7 Huy chương Vàng cho các vai diễn :

-Vũ Tăng trong vai đại úy Hen-ry Thọ

-Bích Hoàn trong vai Huệ - nữ tình báo Việt Nam ở làng hoa Ngọc Hà

-Ngô Tỵ trong vai tình báo CIA

-Minh Nguyệt trong vai Bella, tình báo CIA

-Phùng Pha trong vai đại úy Phòng Nhì Pháp

-Doãn Ngọc Tú trong vai trung tá Phòng Nhì Pháp

-Mỹ Bình trong vai May-ry Nhung

Đạo diễn Kim Sơn nhận giải đặc biệt.

Vở kịch liên tục được công diễn suốt từ năm 1970 đến nay và được nhiều đoàn dựng lại để công diễn trên sân khấu và công chiếu trên màn ảnh nhỏ.

Đầu năm 1970, đồng chí Văn Báu - Phó bí thư Đoàn Thanh niên Lao động Sở Công an Hà Nội hoàn thành kịch bản đầu tay “Bản danh sách điệp viên”. Kịch bản được Ban giám đốc Sở Công an Hà Nội và lãnh đạo Bộ Công an chấp thuận.

Ngay lập tức, một số cán bộ chiến sỹ có năng khiếu văn nghệ thuộc Văn phòng Sở, Phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Quản lý Trị an, Phòng Bảo vệ Chính trị, Công an Hoàn Kiếm, Ba Đình và tác giả kịch bản Văn Báu được điều động về Phòng Công tác Chính trị để thành lập Đội kịch Công an Hà Nội.

Đó là lớp diễn viên thế hệ đầu tiên của Đội kịch Công an Hà Nội gồm các anh chị : Đội trưởng Doãn Ngọc Tú, Văn Thanh (Làm Đội trưởng khi ông Doãn Ngọc Tú trở về đơn vị cũ), Vũ Tăng, Phùng Pha, Ngô Tỵ, Quốc Toán, Văn Phú, Ngọc Mạnh, Tạ Khắc Đàm, Nguyễn Quang, Gia Độ, Bích Hoàn, Minh Nguyệt, Xuân Phương, Hồng Hải, Mỹ Bình, Tiến Phú, Đức Sầm.

Vở kịch được giao cho Đạo diễn Kim Sơn. Trước khi làm đạo diễn, ông vốn là huyền thoại của ngành công an, tham gia trận đánh có Liệt nữ Nguyễn Thị Lợi đánh bom cảm tử trên chiến hạm Amyot D'Inville của Pháp trên vùng biển Sầm Sơn - Thanh Hóa. Tiêu diệt hơn 200 sỹ quan, binh lính Pháp và hàng trăm tấn vũ khí đạn dược.

Vốn hiểu biết về lĩnh vực tình báo và là người trong cuộc, trải qua những ngày Pháp còn tạm chiếm Việt Nam, ông đã tái hiện chính xác Hà Nội những ngày giao thời trước khi quân Pháp rút vào Nam và đẩy tính kịch của các xung đột trong kịch bản lên cao trào, cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Vở diễn được họa sĩ Phùng Huy Bính thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ Kiều Linh viết nhạc và thu âm.

Trên sàn tập, những chiến sỹ công an – diễn viên nghiệp dư răm rắp tuân theo chỉ dẫn của đạo diễn Kim Sơn. Ông là người cầu toàn. Có những phân cảnh ông đã ưng ý nhưng sau đấy ít lâu ông lại cho tập lại. Ông trau chuốt ngôn từ, thị phạm cho diễn viên các động tác đặc trưng của từng nhân vật cho phù hợp với giai đoạn lịch sử của vở diễn. Ngay như diễn viên đóng vai là người nước ngoài nói giọng Việt, ông cũng căn chỉnh để ai cũng nghe thấy chất giọng lơ lớ của người phương Tây nói tiếng Việt, nhưng vẫn phải “tròn vành rõ chữ” để hệ thống mic treo trên cao “bắt được” và khán giả phải hiểu ngay lời thoại. Tác giả Văn Báu luôn theo sát đạo diễn Kim Sơn. Ông rụt rè : " Thưa thầy. Chúng em là chiến sĩ công an có tí chút năng khiếu. Trình độ chúng em còn rất hạn chế. Chắc thầy phải vất vả ạ ".

Cả Đội kịch xin tập thêm ban đêm để tránh cái nắng oi ả của mùa hè năm 1970. Ban giám đốc và các phòng ban, các khu, các huyện ủng hộ đường sữa cho đội kịch. Tất cả cho buổi công diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 8 năm ngày Hồ Chủ tịch ban hành Pháp lệnh Cảnh sát Nhân dân ( 20/7/1962 – 20/7/1970).

Vở kịch “Bản danh sách điệp viên” đã gây tiếng vang lớn ngay khi ra mắt sân khấu Thủ đô, trở thành “hiện tượng” của sân khấu kịch Việt Nam.

Sau Nhà Hát Lớn là các rạp Công nhân, Hồng Hà, Đại Nam, Đống Đa và cả các hội trường lớn của các bộ ngành đón Đội kịch CAHN về diễn. Hiện tượng phe vé xuất hiện, nhất là tại rạp Đại Nam khiến giám đốc Sở Công an Hà Nội Lê Đình Thảo phải triệu tập lãnh đạo 2 đồn công an ở khu vực Ngô Thì Nhiệm, Bùi Thị Xuân giao nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn cho đêm diễn.

Những ngày đấy Đội kịch CAHN diễn liên tục, không có ngày nghỉ. Tại các rạp xuất hiện tình trạng xếp hàng chờ mua vé bằng gạch từ lúc tinh mơ, như thường thấy ở các cửa hàng lương thực thực phẩm trong thành phố.

Đội kịch Công an Hà Nội đã thăng hoa cùng với vở kịch “Bản danh sách điệp viên”. Cũng nhờ tập thể cán bộ diễn viên Đội kịch Công an Hà Nội, đạo diễn Kim Sơn đã có dịp giới thiệu một cách chân thực những người đồng chí của mình trên trận tuyến Bảo vệ an ninh Quốc gia thời chống Pháp. Ông đã phần nào trả được mối ân tình với đồng đội năm xưa.

Đội kịch được bổ sung thêm lực lượng, đa phần diễn viên được đào tạo chính quy như ông Đặng Tất Bình (sau là NSƯT), Thanh Mai, Tuyết Minh, Nguyệt Minh, Kim Thu, Mộng Thoa, Ninh Vinh, Mỹ Lý…

Năm 1976, Phó giám đốc Cao Văn Bắc ký quyết định tuyển dụng lớp diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp từ Trường Sân khấu Điện ảnh về. Diễn viên gồm có Vũ Độ, Thế Hữu, Hoa Lê, Trà Vinh, Thúy Hoan, Thu Hương và các nhạc công Tuấn Hải (sau là NSND), Kim Hưng, Đoàn Vinh, Phương Đông. Đội có thêm ông Đỗ Bằng (Đoàn Quân khu 3 về), Phúc “kèn”, Kim Lan ( Ca múa Hà Tây), Đào Nhung (Trường Nhạc Việt Nam), rồi các diễn viên Dư Hòa, Kim Thanh, Bích Thủy…

Quân số đông đủ, Đội kịch CAHN có thêm mảng ca múa nhạc phục vụ nhân dân và cán bộ chiến sỹ trong ngành.

Năm 1979, ông Nguyễn Sính, cán bộ tình báo từ nước ngoài về được giao phụ trách đội kịch. Năm 1981 có thêm lớp diễn viên từ Đoàn kịch Tổng cục Hậu cần chuyển sang : Văn Vũ, Đức Bình, Hồng Sơn, Bình Xuyên, Hồng Duy và Văn Bình (Đại học Văn hóa). Từ trường Sân khấu Điện ảnh về có Minh Thùy, Mai Phương, Ngọc Lan, Phương Hạnh, Hiền Lương, Thu Lý, Hà Châu, Đăng Hải…

Năm 1982, Bộ Văn hóa công nhận Đội kịch CAHN lên quy chế chuyên nghiệp. Đội được đổi tên thành Đoàn kịch CAHN. Có một loạt diễn viên mới về và cả các diễn viên được đào tạo tại đoàn là Sỹ Cường, Hoàng Giang, Văn Đoan, Doãn Hải, Thanh Tú, Tuấn Lửng, Đỗ Hải, Thùy Dung, Kim Loan, Lệ Hằng, Bích Hạnh, Mi Hoàn, Thanh Huyền, Lan Anh…

Đoàn kịch CAHN dựng nhiều vở mới, luôn gặt hái thành công trên các sân khấu nước nhà như các vở Quán Trúc đào, Khi tan cơn bão, Sống ngoài tiêu chuẩn, Thủ phạm là ai, Hương “gai”, Ngôi sao cô đơn, Kẻ “rỗi hơi”.....

Bên cạnh lượng khán giả trung thành ở Thủ đô, Đoàn kịch CAHN còn thực hiện các chuyến lưu diễn dài ngày tới mọi vùng miền của Tổ quốc. Có những nơi như Bảo Lộc, Nam Ban ở Lâm Đồng, Đoàn còn ở lại đến vài tháng trời để phục vụ chủ yếu cho những bà con Hà Nội vào xây dựng khu kinh tế mới Lâm Đồng.

Mùa hè năm 1990, sau 20 năm vang bóng trong làng nghệ thuật Thủ đô và cả nước, Đoàn Kịch CAHN bị giải thể.

Khó khăn thời bao cấp và những quy luật thời kinh tế thị trường đã khiến Công an Hà Nội không thể duy trì hoạt động của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cũng như Đội bóng đá CAHN, Đoàn kịch CAHN bị giải thể là nỗi tiếc nuối của những người yêu nghệ thuật, không riêng khán giả Thủ đô. Suốt 20 năm tồn tại, Đoàn Kịch CAHN là đơn vị nghệ thuật số một của ngành công an và là một Đoàn nghệ thuật có bản sắc, có chỗ đứng vững vàng trong lòng người hâm mộ nghệ thuật Việt Nam. 

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Đoàn kịch Công an Hà Nội – Thời xa vắng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn