Cách đây hơn 71 năm, ngày 17/8/1952 trong một buổi nói chuyện với các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh đến vai trò của người làm báo trước những vấn đề của cuộc sống. Người chỉ ra vấn đề then chốt mà báo chí cần quan tâm thể hiện: đó là tiêu đề cần phải phù hợp với nội dung đồng thời nội dung ấy cần phải rõ ràng rành mạch, thấu suốt và nhất quán. Ông Cụ rất humer (hài hước) khi bộc bạch: “Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không hiểu khúc đầu nói cái gì? Đọc đến khúc dưới thì không hiểu khúc giữa nói cái gì? Thế là vô ích!” (Cách viết - Văn Hồ Chủ tịch trang 211 – NXB GDGP 1973).
Cũng trong buổi nói chuyện này, Hồ Chí Minh lưu ý các nhà báo trước khi viết cần phải tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: Vì ai mà mình viết? Mục đích viết để làm gì? Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? Ông Cụ cũng thẳng thắn khi cho rằng, ngoài việc đề cập phản ánh những cái hay cái tốt của nhân dân, của bộ đội, của cán bộ… thì cũng cần phê phán cái xấu của họ! Không nên chỉ tô hồng, phóng đại mà phải nói thẳng, nói thật, nói đúng chỗ! Suy rộng ra, những điều mà Cụ dạy có nghia là: Cần viết những gì cần thiết, có thực, nói những điều có ích cho cuộc sống, không viển vông, không câu khách! Và đó chính là sứ mạng của nhà báo chân chính! Nhà báo cần quán triệt sâu sắc 5 vấn đề: “Nghe, Hỏi, Thấy, Xem, Ghi để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem một tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp 2,3 vấn đề; 2,3 con số lại làm thành 1 tài liệu để mà viết” (sđd trang 212).
Làm báo kinh nghiệm lâu năm ở Pháp và một số nước trên thế giới, Người từng là chủ bút tờ báo “Người cùng khổ” ở Pari nên việc truyền đạt kinh nghiệm viết báo cho các thế hệ hậu sinh, những người đang làm công tác tuyên truyền cho Đảng và Chính phủ thời đó là diều bức thiết. Viết như thế nào để đến được với người đọc? Viết như thế nào cho chính xác, tránh tình trạng “bị hố”, hoặc “việt vị”, hạy “vẽ đường cho hươu chạy”… cũng được ông Cụ nhắc nhở. Đặc biệt hơn, Hồ Chủ tịch còn đưa ra 18 điều răn về cách viết văn, những điều răn này đến nay – theo chúng tôi vẫn còn vẹn nguyên giá trị! Đọc những bài báo hiện nay, trên đủ loại phương tiện càng thấy trăn trở bởi nhiều cây bút sử dụng kiểu “săn tin giật gân”, lôi những vấn đề “đời tư” tế nhị của người khác nhằm câu khách. Rồi có những nhà báo chưa kịp “Nghe, Hỏi, Thấy, Xem” mà đã “Ghi” những điều mình chưa tường tận, chưa hiểu kỹ thậm chí nghe những thông tin sai lệch nhưng không sàng lọc, suy xét và nhanh chóng đưa lên mặt báo, dẫn đến chuyện quảng cáo rùm beng sản phẩm “kit tet” và hậu quả thì ai cũng biết! Trong thời đại mà thông tin bùng nổ như hiện nay, nhiều vấn đề thời sự, kinh tế, chính trị, xã hội... trong và ngoài nước nhanh đến từng giây từng phút, đòi hỏi nhà báo cần chọn lọc thông tin đúng, trúng; phù hợp với các chuẩn mực đạo đức truyền thống và chính trị, luật pháp của quốc gia là điều cần suy xét. Báo chí có tính định hướng dư luận, nên không phải cứ có thông tin là viết và cho đăng trên báo giấy, báo hình hay báo điện tử với mục đích câu khách hay mục đích nào khác nữa…
Đọc lại “Cách viết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấm thía và khâm phục tài năng của Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ông Cụ không chỉ có tài lãnh đạo, tài chọn người, dùng người mà bên cạnh đó Người nói bằng chính văn bản mình soạn thảo, không cần đến người nào chấp bút cho mình; không hề giáo điều, lý thuyết hay xa rời thực tiễn. Mới thấy, nghề báo, cách viết báo khó lắm thay!