Tuyên Quang: Nghi lễ cầu làng của người Dao Thanh Y

Người Dao Thanh Y, ở Khâu Lấu, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn - một trong 9 ngành dân tộc Dao sinh sống ở Tuyên Quang, vẫn giữ được lễ cầu làng một nét văn hóa tâm linh đặc sắc, với mong ước cầu tài, cầu phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chú thích ảnh Những người cao tuổi, uy tín trong làng giúp trùm làng Bàn Văn Quang, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang làm lễ cầu làng. 

 

Ông Lý Đức Ngân, người Dao Thanh Y, ở Khâu Lấu chia sẻ: Lễ cầu làng của người Dao Thanh Y còn được gọi là "Ài sấng mun” (theo tiếng Dao) đã có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo những người già trong làng kể lại, từ xa xưa người Dao Thanh Y đã tổ chức lễ cầu làng một năm 4 lần. Lễ cầu làng thường diễn ra vào ngày rằm các tháng 2, tháng 4, tháng 10 (âm lịch) và lần thứ 4 diễn ra vào ngày 25 tháng chạp.

Để thực hiện nghi lễ, người dân trong thôn sẽ họp để bầu ra ông trùm làng. Ông trùm phải là người đã có bài vị cấp sắc, làm thầy cúng và có uy tín, trách nhiệm. Nhiệm vụ của ông trùm sẽ là người quản lý, trông coi Đình nơi làm lễ và đứng ra tổ chức các nghi lễ ở làng. Lễ vật Lễ cầu làng của người Dao Thanh Y, ở Khâu Lấu thường có thịt gà, thịt lợn, hoa quả, cơm xôi... là những sản phẩm nông nghiệp do người dân lao động sản xuất được để tỏ lòng thành kính. Khi lễ cầu làng bắt đầu, những người cao tuổi, có uy tín trong thôn sẽ phụ giúp trùm làng thực hiện những nghi lễ. Ông trùm làng sẽ làm lễ, với những bài văn khấn bằng tiếng Dao.

Chú thích ảnh Trùm làng Bàn Văn Quang, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đang làm lễ cầu làng.

 

Trùm làng Bàn Văn Quang, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trùm làng là gia truyền, đến đời tôi là đời thứ 6. Để được công nhận là trùm làng thì phải được học đầy đủ, các phong tục tập quán phải nắm chắc, dân mới tin tưởng bầu lên làm trùm làng... Các bài cúng thầy dạy cho mình đến bài nào mình phải học bài đấy, đủ hết trình độ thì mình mới được làm trùm.

Cũng theo trùm làng Bàn Văn Quang, khi lễ cầu làng kết thúc, người dân trong thôn sẽ cùng nhau tổ chức bày mâm cỗ ăn uống thể hiện tình đoàn kết. Qua đó, giúp người dân trong làng thêm gắn kết với nhau hơn, cùng nhau lao động, sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp. Ai cũng mong được làm nên, ăn ra, làm đâu được đấy, không ai ốm đau, mong được của cải về mọi nhà về cả xóm, cả thôn để được ấm no, hạnh phúc.

Chú thích ảnh Phụ nữ người Dao Thanh Y trong trang phục truyền thống. 

Khâu Lấu, thuộc thôn 4, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn các hộ dân người Dao Thanh Y về định cư tại đây, từ năm 1971. Đến nay, trải qua bao thăng trầm đổi thay song người dân vẫn giữ được bản sắc, phong tục tập quán xa xưa.

Ông Lê Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 1.100 hộ dân, với trên 4.100 nhân khẩu, trong đó, người Dao Thanh Y có 309 hộ, với trên 1.300 nhân khẩu. Trong những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Việc người Dao Thanh Y ở Khâu Lấu, gìn giữ được nghi lễ cầu làng là một nét văn hóa rất đáng quý, giúp người dân trong bản làng đoàn kết với nhau hơn, đồng thời tạo dựng niềm tin, thêm sức mạnh tinh thần, vượt qua khó khăn, cùng nhau lao động, sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp.

---

Đọc thêm những thông tin mới nhất về văn hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và tình hình kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật trên Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển - https://nongthonvaphattrien.vn/