Với 650 trang in khổ giấy lớn (16X24), Phạm Quang Nghị ghi lại quãng đời của tác giả, từ tuổi thơ, "Lớn lên bên dòng sông Mã", tới trưởng thành "Chào mẹ con đi để được làm người", rồi về hồi tưởng "Những chuyện đã qua". Nhớ và ghi lại được khá chi tiết, sinh động về quá khứ dài dặc của cuộc đời, cho thấy anh là một người nặng lòng với cuộc sống, sâu sắc và giàu suy tư, giàu tình cảm. Nếu sống hời hợt, vô cảm, làm sao có thể viết nên những trang đời đằm thắm như vậy?
Tôi chưa đọc kỹ cả cuốn sách, cho nên chỉ ghi lại đây cảm nghĩ về Chương ba “Bộ Văn hóa – Thông tin, năm năm và một ngày”, đó là đoạn viết mà tôi cũng là người trong cuộc cho nên có thể so sánh những trang viết cùng những trang đời.
Khi anh Phạm Quang Nghị về làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, tôi đang làm Chánh Văn phòng Bộ, cho nên chứng kiến đầy đủ giai đoạn nhận bàn giao trách nhiệm và vào việc như anh đã viết trong sách. Việc đầu tiên khiến tôi có thiện cảm với anh, là vào một ngày, anh dẫn theo một đoàn cán bộ, nhân viên Văn phòng tỉnh ủy Hà Nam lên tham quan Bộ. Nói là tham quan, chứ không phải là thăm, vì anh chị em chưa biết một cơ quan Bộ hiện đại cỡ nào, đến để xem chứ không phải là tháp tùng lãnh đạo theo kiểu tiền hô hậu ủng cho oai. Đó là những cán bộ ăn mặc xuềnh xoàng, tác phong giản dị. Sau khi ân cần hướng dẫn anh chị em thăm thú cơ sở vật chất của Bộ và phòng làm việc của mình, anh bảo Văn phòng thu xếp cho anh chị em tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội. Chỉ riêng việc này, cho thấy anh rất quý trọng, rất tâm lý, quan tâm chăm chút đời sống tinh thần cán bộ, nhân viên dưới quyền.
Mấy ngày sau, anh nói với tôi: “Anh là Chánh Văn phòng, nắm được toàn diện công việc của Bộ, anh cố gắng giúp tôi nắm bắt nhanh tình hình”. Rồi, như anh đã viết trong sách, anh đi tới nhiều cơ quan của Bộ để lắng nghe tình hình và đã làm phiếu hỏi ý kiến. Anh tiếp nhận từng lá phiếu với thái độ trân trọng, như anh viết: “Tôi chân thành đón nhận những lời nhận xét, bình luận. Lắng nghe và suy ngẫm”. Tuy anh không nói ra, nhưng tôi hiểu rằng anh đã vận dụng phương pháp xã hội học văn hóa để nắm chắc thực tế khách quan, tránh chủ quan, giáo điều. Nhờ vậy, anh đã nắm bắt nhanh, phân loại, tìm ra việc trọng điểm để xử lý. Trong sách, anh kể ra 14 việc mà anh đã tập trung giải quyết vào thời gian công tác tại Bộ Văn hóa – Thông tin, gồm: Chùa Hương, Bài diễn văn, Ca sĩ Ái Vân, Nhà Vương, Di tích 18 Hoàng Diệu, Diễn đàn Quốc Hội, Quản lý báo chí, Thưa gửi trong Hội nghị, Thăm lại nước Nga, Lịch Bloc, Bản quyền Quốc Huy, Hoa học đường, Đại học Văn hóa, Tượng đài chiến thắng Điện Biên. Đó là 14 việc đọng lại nhất trong ký ức của anh, nếu khái quát lại, ta sẽ thấy cách xử lý của anh trong toàn bộ vấn đề quản lý ngành, từ giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, tới xử lý các điểm nóng ngoài xã hội, và xây dựng các văn bản quản lý có tính chất chiến lược để văn hóa phát triển.
Trong tác phẩm, Phạm Quang Nghị không đề cập tới bối cảnh xã hội và nội tình của Bộ lúc đó, nhưng tôi nghĩ anh nắm khá chắc cho nên đã chọn đúng những điểm mấu chốt của hoàn cảnh đó để xử lý. Lúc đó, có thuận lợi là nội bộ Bộ Văn hóa đoàn kết, từ lãnh đạo Bộ tới các Cục Vụ Viện... đều phấn khởi đón anh về và sẵn sàng cộng tác với anh. Nhưng, trong công tác quản lý, lại có nhiều vướng mắc. Lúc đó, trong sự bung ra của xã hội, có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật về văn hóa kéo dài, chưa được xử lý. Nội bộ một số cơ quan thuộc Bộ, có những nơi mất đoàn kết kéo dài, cũng chưa được xử lý. Cách xử lý trước đó thiếu đồng bộ, thiếu cứng rắn. Nhìn toàn bộ sự việc mà anh viết ra, có thể thấy anh đã chọn đúng “huyệt” để bấm, bấm mạnh, khiến cho toàn cơ thể xã hội phải chuyển động.
Trong “cái huyệt” của xã hội, có hiện tượng “Chùa giả, động giả” ở Chùa Hương. Tình trạng này diễn ra bộc phát, rầm rộ, chỉ trong thời gian ngắn đã mọc lên 42 chùa giả, động giả nằm rải rác dọc đường hoặc ở những nơi trọng yếu của di tích, với nhiều hòm “công đức” đặt vô tổ chức, thực chất là nhằm thu tiền bất chính, khiến dư luận hết sức bất bình. Đây là khâu khó khăn nhất, đụng chạm tới người vi phạm đã đành, còn đụng chạm tới cả địa phương và cơ quan quản lý khác. Thậm chí, có người còn sợ đụng chạm tới yếu tố tâm linh. Nếu xử lý được vụ này, sẽ tạo hiệu ứng đô mi nô để tấn công các hoạt động tiêu cực khác, nhưng nếu thất bại, chắc chắn Bộ sẽ mất thanh thế, gặp thêm rắc rối. Ở đây, thấy rõ bản lĩnh và mưu trí của người lãnh đạo: Dám đột phá vào khâu khó nhất, quan trọng nhất. Qua trang viết của Phạm Quang Nghị và qua thực tế mà tôi chứng kiến, tôi thấy anh đã tạo được sự thống nhất toàn diện giữa Bộ và cấp ủy địa phương, các ngành liên quan (có cả công an, quân đội), tạo dư luận xã hội ủng hộ thông qua hệ thống báo chí... Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động tập trung lực lượng trong và ngoài ngành, Bộ đã xử lý 42 “chùa giả, động giả” ở Chùa Hương, triệt được nọc mượn danh tín ngưỡng tạo dựng cơ sở kiếm lợi bất chính, cho tới tận bây giờ, vẫn còn tác dụng. Khi ấy, báo chí đưa tin: “Giải tỏa 42 chùa giả, động giả ở chùa Hương: Sau 5 ngày liên tục tiến hành dẹp bỏ những điểm thờ cúng bất hợp pháp ở khu vực chùa Hương, đến 10h ngày 3/1/2002, lực lượng liên ngành tỉnh Hà Tây đã giải tỏa không còn một điểm chùa giả, động giả nào trong khu vực thắng cảnh Hương Sơn.”.
Đến Chuyện nhà Vương, cũng là một sự kiện mang tính đặc thù của quản lý. Phạm Quang Nghị viết: “Tôi cũng cảm nhận được tính chất khó khăn, phức tạp và sự nhạy cảm không giống bất cứ vụ việc nào bởi giải quyết vấn đề Nhà Vương liên quan đến rất nhiều yếu tố luật pháp, lịch sử, văn hóa và những mối quan hệ quyền kế thừa trong nội bộ con cháu dòng họ Vương”. Qua các trang viết, anh đã diễn tả chân thực quá trình xử lý vấn đề hắc búa này. Khái quát lại, cách anh đã giải quyết là: Khảo sát, nắm chắc tình hình, hiểu tâm lý đối tượng, vận dụng nghiêm túc nhưng linh hoạt các quy định cho phù hợp với thực trạng, đã giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý, chấm dứt được khiếu kiện, bảo vệ được di tích, cuối cùng nhận được phần thưởng là “sự đồng tình rộng rãi của các cấp, các ngành; của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước”.
Giải quyết những vụ việc trong Bộ, tác giả nêu hai vụ việc rất ấn tượng. Đó là: Giải quyết vấn đề mất đoàn kết ở Đại học Văn hóa Hà Nội và trường Viết văn Nguyễn Du, và vụ án công trinh tượng đài Chiến thắng Điện Biên. Cả hai vụ việc đều là đòn cân não thử thách bản lĩnh Bộ trưởng. Với giọng văn giản dị, điềm tĩnh, tác giả đã cho thấy cách giải quyết rất khoa học, đúng nguyên tắc, có tình, có lý. Phương pháp xử lý vẫn là nắm chắc đối tượng, hiểu bản chất sự việc rồi mới áp dụng những biện pháp phù hợp.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và trường Viết văn Nguyễn Du mất đoàn kết kéo dài. Đến nỗi, nhiều năm không những trường bị phê bình, mà giáo viên cũng không ai được khen thưởng, lên lương, lên bậc. Như tác giả đã viết, một trong những người gây ra tình trạng này là con một “ông vua”! Khi Phạm Quang Nghị về Bộ, đã có một bản kết luận thanh tra chuẩn bị công bố. Nhưng, lắng nghe ý kiến của nhiều cán bộ, trong đó có ý kiến của tôi, anh chưa cho công bố kết luận thanh tra. Anh chỉ đạo lập một đoàn liên cơ quan xuống kiểm tra tình hình của trường, mà tôi được anh chỉ định làm trưởng đoàn. Trong quá trình đoàn làm việc, như anh đã viết trong sách, anh theo dõi sát sao, đối chiếu nhiều luồng ý kiến. Đến hôm cuối cùng, anh họp với đoàn. Tôi thay mặt đoàn báo cáo với anh kết luận hoàn toàn trái ngược với kết luận của Thanh tra Bộ. Anh hỏi đi hỏi lại anh Tĩnh, đại diện thanh tra Bộ là thành viên của đoàn, có nhất trí với kết luận này không. Được sự nhất trí cao, anh tổ chức một cuộc họp mở rộng, có đại diện của trường, lãnh đạo Bộ cùng nhiều cơ quan Bộ. Cuối cùng, anh đã xử lý vấn đề như anh đã viết trong sách: Chuyển hai cán bộ “có vấn đề” đi nơi khác. Anh rất thận trọng, đã gặp trước gia đình của anh B (phó Hiệu trưởng, chuẩn bị phải chuyển đi), báo cáo trước các đồng chí lãnh đạo cấp cao, cho nên làm chủ tình huống, xử lý êm vấn đề. Sau này, trường đi vào ổn định, đạt nhiều thành tích mà anh B cũng thấy phấn khởi. Anh B. phát biểu: “Nếu biết chuyển đi mà hay thế này thì mình đã chuyển đi từ lâu rồi!”.
Phần viết về Tượng đài Chiến thắng Điện biên khiến tôi rất xúc động. Đó là những trang viết vừa đầy tinh thần trách nhiệm vừa chan chứa tình cảm. Tác giả đã cho thấy rõ sự nỗ lực vô cùng lớn lao của cả một tập thể để xây dựng nên một tượng đài ghi dấu ấn lịch sử của đất nước ở Điện Biên phủ, những khúc mắc, tai họa mà chị Võ Thị Hồng, Giám đốc chủ đầu tư công trình, phải gánh chịu, mặc dù đã đem toàn bộ tâm lực của mình ra làm, không hề tham ô, tư lợi. Tác giả cũng cho thấy sự oan sai diễn ra ngay trước mắt, mà một người có quyền cao chức trọng như anh, mặc dù đã tìm mọi cách cứu vớt, vẫn không giúp giải được oan! Đau đớn hơn, trong thời gian bị tạm giam, chồng qua đời mà chị Hồng cũng không được gặp mặt lần cuối! Tác giả đã thẳng thắn và nghiêm khắc khi chỉ ra điểm yếu của Ban lãnh đạo Bộ Văn hóa giai đoạn sau; anh viết: “Thật lòng, tôi rất buồn vì ban lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thông tin ngày ấy đã im lặng trước những việc đang diễn ra”. Còn nhớ, khi anh làm Bộ trưởng và tôi là Chánh Văn phòng Bộ, tại FAFIM cũng xảy ra một vụ án, hiểu rõ bản chất vụ việc, biết cán bộ tại đó chỉ vì muốn được việc công mà vận dụng sai nguyên tắc, lãnh đạo Bộ đã không quản ngại “can thiệp”, xin chuyển về Bộ xử lý hành chính. Kết quả, đã giúp cho những cán bộ ở FAFIM thấy sai phạm, bị kỷ luật, nhưng không can án! Những trang viết về vụ án Tượng đài Điện Biên như một cơn mưa rào cuốn trôi đi những uẩn ức, lại như ngọn lửa nồng nàn sưởi ấm tâm hồn lạnh giá của người oan sai. Đáng mừng, là giờ đây, chị Võ Thị Hồng đã có một cuộc sống yên ấm, nếu đọc được những trang viết này, hẳn chị sẽ cảm thấy vẫn có thể tin yêu được cuộc đời.
Phần viết về phát biểu trước Quốc hội, tuy ngắn, nhưng cho thấy cả một quá trình mà tác giả cùng cán bộ có trách nhiệm của Bộ đã phải kiên trì thuyết phục để tạo ra cơ chế, chính sách mang tính chiến lược, giúp ngành có nguồn tài chính bền vững để phát triển. Kết quả đáng ghi nhớ nhất là anh đã thuyết phục được Quốc Hội, Chính phủ nâng tỷ lệ dành cho văn hóa từ 1% lên 1,6% ngân sách nhà nước mỗi năm.
Cũng trong phần viết về công tác quản lý, tác giả đề cập tới vấn đề “Lịch Bloc – xóa cơ chế độc quyền”. Riêng điểm này, tôi còn băn khoăn. Việc xóa độc quyền đã giải quyết được tình trạng tập trung cao độ sản phẩm vào một công ty phát hành của nhà nước, tạo nên sự bất bình đẳng trên thị trường, gây ra những tiêu cực. Nhưng ở khâu sản xuất, dù đã giải tán được 4 nhóm lịch, để mỗi nhà xuất bản có thể tự chủ hơn, nhưng việc xuất bản lịch vẫn phải thông qua kế hoạch của Cục Xuất bản và sự phân bổ chỉ tiêu cho từng nhà xuất bản, tức là lại hình thành cơ chế xin – cho khác. Mỗi nhà xuất bản nhận về chỉ tiêu mấy trăm ngàn lịch Bloc rồi tùy nghi giải quyết. Những nhà xuất bản nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu, không đủ khả năng tự làm lịch Bloc thường nhượng lại chỉ tiêu cho nhà xuất bản lớn hơn hoặc cho các nhà sách tư nhân. Đây là cái vòng luẩn quẩn mang tính đặc thù. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần nắm chắc thực tiễn hơn, nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn để có quy định phù hợp hơn.
Phần viết về công tác cán bộ, khiến tôi suy nghĩ nhiều. Tác giả nhắc lại lời giảng của một vị giáo sư Liên xô khi anh học ở AON: “Người cán bộ dù có năng lực, tài giỏi đến đâu cũng không thể tự túm tóc mình mà nhấc lên được”... “Phải có người phát hiện, đủ quyền lực mới có thể “túm tóc nhấc người cán bộ để đặt vào vị trí”... Đó là bài học về văn hóa cất nhắc cán bộ. Điều này khiến ta liên hệ tới thời phong kiến, có cách thức “Tiến cử”, đó cũng là một cách “Túm tóc lôi lên – đặt vào”, nhưng khi đó, cha ông ta kèm theo một điều kiện là: Nếu người được tiến cử phạm tội, thì người tiến cử cũng bị trị tội cùng!
Tác giả khẳng định có hai cách để được “túm tóc lôi lên”. Một là chạy chọt. Hai là “Hữu xạ tự nhiên hương”. Anh làm theo cách thứ hai. Chính vì vậy, khi dư luận xôn xao về việc có 5 ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa, mà anh là một trong số đó, anh vẫn cứ bình chân như vại! Là người trong cuộc, tôi thấy những trang viết này phản ánh chân thực hiện thực. Hồi đó, tôi cũng biết sẽ có một trong 5 ứng cử viên về làm Bộ trưởng khi anh Nguyễn Khoa Điềm được lên Bộ Chính trị. Tôi cũng thấy anh này anh khác trong 5 anh đó thỉnh thoảng tới Bộ gặp anh Điềm. Nhưng tôi không thấy anh Phạm Quang Nghị! Khi anh Điềm hỏi tôi về việc nên giới thiệu ai làm Bộ trưởng, tôi mau mắn trả lời là anh Phạm Quang Nghị, mặc dù tôi không hề quen anh. Sở dĩ tôi trả lời nhanh như vậy, là do tôi thấy anh không có vẻ chạy chọt. Hơn nữa, vào thời điểm đã lâu, khi anh là thư ký riêng của đồng chí Đào Duy Tùng, tôi đã chứng kiến một việc: Trong tình hình nóng bỏng về video “đen”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thời đó rất lúng túng. Tôi chứng kiến anh có thái độ khá gay gắt với Bộ trưởng về việc này. Khi đó, tôi nghĩ anh có vẻ tâm huyết với văn hóa nước nhà và rất thẳng thắn, “bạo gan”.
Viết hồi ký là viết về bản thân mình, yêu cầu phải khách quan, tránh việc “nêu gương” mình mà hạ thấp người khác. Trong “Đi tìm một vì sao”, tác giả thể hiện thái độ khách quan, phản ánh trung thực hiện thực, kể được chuyện mình, trong đó có những việc được coi là thành tích, nhưng khiêm tốn, không tự đề cao, không hạ thấp người khác.
Viết hồi ký thường mắc nhược điểm là thiếu cảm xúc, thiếu chi tiết, do thời gian đã lùi xa, những kỷ niệm không đủ sức làm cho những yếu tố đó “cựa quậy” trên trang giấy, kết quả là tác phẩm bị khô khan, thiếu sinh động. Nhưng trong “Đi tìm một vì sao”, tác giả đã khắc phục được không ít nhược điểm đó. Nhờ quan sát kỹ, rung cảm mạnh với cuộc sống, những chi tiết, xúc cảm được hằn sâu trong ký ức, để khi viết, bật lên thành những trang sách mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống. Văn phong thể hiên trong tác phẩm giản dị, mạch lạc. Tuy kể chuyện công việc, nhưng không khô khan, nhiều đoạn văn mềm mại, có tính trữ tình. Phần viết “Thăm lại nước Nga” chan chứa tình cảm, giàu lòng biết ơn.
Như người ta vẫn nói, văn là người. Những cuốn sách mà Phạm Quang Nghị viết ra thể hiện đúng con người anh: Đối với công việc kiên quyết, triệt để, đầy tinh thần trách nhiệm. Đối với bạn bè, đồng chí giàu tình cảm, thủy chung. Đọc “Đi tìm một vì sao”, tôi thấy lấp lánh ánh sáng văn hóa: Văn hóa quản lý, văn hóa ứng xử, tất cả đều thấm đẫm tính nhân văn.
Phạm Quang Nghị đã xuất bản nhiều cuốn sách, nhưng phần có tính chất văn học còn ít. Tôi biết anh rất yêu văn học và rất muốn viết nhiều tác phẩm văn học. Số phận đã đặt anh vào vị trí người chính trị. Nhưng bây giờ, anh đã được trở lại là người bình thường. Tôi tin rằng, với tình yêu văn học mãnh liệt và sự cần mẫn cày xới trên cánh đồng văn chương, anh sẽ trở thành một người văn thực thụ. Mong chờ những tác phẩm văn học của anh!
Hà Nội, 19 tháng 4 năm 2022 - PVL