Dọc miền đất nước: Vùng đất văn hoá Tuy Phước

Vũ Đăng Bút

12/06/2022 23:20

Theo dõi trên

Tuy Phước vừa là mảnh đất có nền văn hóa phong phú, đa dạng, lại vừa là mảnh đất giàu tiềm năng về kinh tế, có nguồn lao động dồi dào, được thiên nhiên ưu đãi, con người cần cù, dũng cảm và nhân hậu.

le-hoi-dan-gian-1655050734.JPG
Lễ hội truyền thống Chợ Gò-Tuy Phước (Nguồn: Internet)

 

      Từ xưa, Tuy Phước (Bình Định) có tiếng là vùng đất khoa cử.

     Nhân dân Tuy Phước rất mộ đạo thánh hiền, tôn sùng nho giáo, đã sản sinh ra khá nhiều nhà khoa bảng. Nhiều người nổi tiếng, học rộng, tài cao, có đức độ lớn, cống hiến nhiều cho xã hội. Tuy Phước tự hào về những danh nhân tiêu biểu như Lê Công Miễn (1739 - 1800), Nguyễn Diêu (xã Phước Thuận), Đào Doãn Địch (xã Phước Hoà), Võ Trứ, Đào Tấn, Lê Đại Cang, Đào Phan Duân...Mỗi nhân vật trên đây đều có từng mặt cống hiến xuất sắc riêng đối với đất nước và quê hương, nhưng tất cả đều nêu gương sáng cho những thế hệ tiếp theo, góp phần tạo nên truyền thống yêu nước, yêu nhân dân, tinh thần hiếu học, chí dũng cảm và lòng nhân hậu. Phát huy truyền thống đó, thời đại nào ở Tuy Phước cũng có những nhân tài trong lịch sử địa phương.

     Mặt khác, từ thuở xa xưa, mảnh đất này đã có nền văn minh Trung đại. Những Tháp Chàm cổ kính với kỹ thuật kiến trúc đặc sắc còn lại cho đến ngày nay. Thành Thị Nại cổ xưa dựng từ trước thế kỷ thứ X còn lại dấu vết ở Bình Lâm. Có thể đây là đô thị cảng thương nghiệp lớn đầu tiên của người Chàm, đã trải qua một thời kỳ hưng thịnh lâu dài, có ghe thuyền của người nước ngoài đến buôn bán nhộn nhịp. Vào khoảng thế kỷ XV, một đô thị cảng mới ở Tuy Phước lại được xây dựng trên bờ Thị Nại. Đó là đô thị Nước Mặn của người Việt Nam. Tại đây, năm 1618, một giáo sỹ người nước ngoài đến lập trường giảng đạo và lập nhà thờ bằng gỗ đầu tiên ở Tuy Phước, đó là nhà thờ Nước Mặn. Ở vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, cảng Nước Mặn bị cạn, Vạn Gò Bồi được phù sa sông Côn bồi đắp, đô thị cảng Gò Bồi xuất hiện. Cuối thế kỷ XVIII, cửa Cách Thử bị lấp, tàu thuyền khắp Trung - Nam - Bắc và nước ngoài lại qua cửa Giã (Cảng Quy Nhơn ngày nay) để vào Gò Bồi buôn bán. Từ đầu thế kỷ XIX, cửa Giã dần dần hình thành thị trấn cảng.

     Như vậy, từ khoảng 10 thế kỷ trở lại đây, Tuy Phước đã trải qua một thời kỳ lịch sử văn hóa đô thị. Thị trấn Nước Mặn là một trong những thị trấn có sớm nhất ở nước ta từ đầu thời kỳ kinh tế hàng hoá phát triển. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của nhân dân Tuy Phước.

     Đời sống văn hóa ở Tuy Phước cũng rất phong phú và đa dạng. Cuộc sống lao động cần cù, chịu khó của nhân dân ở đây đã gắn liền với tên núi, tên sông, với những suy tưởng khá độc đáo. Núi Xương cá (Phước Thuận) đã đi vào lịch sử với truyền thuyết ngày xưa có người khổng lồ ăn cá bỏ xương chất thành núi. Trên núi Kỳ Sơn (Phước Sơn) với những hố chuông, hố trống, hố trúc, động tiên, đá mõ, đá nhà, đá ông táo... được hình dung là những dụng cụ của người tiêu dùng để tế trời và mỗi khi hội tụ vui chơi...

     Tuy Phước còn có những điệu hò giã gạo, hò chèo thuyền, hát ru em với nội dung vô cùng súc tích, rất sâu lắng và gây nhiều cảm xúc. Điệu hò bài chòi sôi nổi, vui tươi, thúc giục lòng người, được nhân dân ở đây rất ưa thích. Đặc biệt hát bộ (Hát tuồng) là môn văn nghệ độc đáo của Tuy Phước phát triển rất mạnh mẽ dưới thời phong kiến, ngày nay tiếp tục được phát huy và trở thành nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Cụ Đào Tấn (1845 - 1907) ở làng Vĩnh Thạnh, xã Phước Lộc là người có công lớn trong việc sáng tác, đạo diễn và truyền bá nghệ thuật trong môn hát bộ.

    Ngoài ra, Tuy Phước còn có tập tục cổ truyền là ngày Tết đi chợ Gò. Chợ Gò Trường Úc (xã Phước Nghĩa) chưa ai xác định được nguồn gốc lịch sử, nhưng cứ hàng năm chỉ họp chợ vào hai buổi sáng mồng một và mồng hai Tết nguyên đán. Chợ bán đủ mọi thứ, nhưng là một phiên chợ khá độc đáo, mang phong cách đặc biệt của ngày hội chợ đầu năm. Tại đây có đủ trai tài, gái sắc với trang phục ngày Tết, màu sắc rực rỡ, từ các nơi trong huyện và nhiều nơi khác về đây họp mặt. Họ chúc tụng đầu xuân, mua pháo, đốt pháo, mua tranh Tết, mua đồ chơi trẻ con, xem hát bộ, bài chòi, dự các trò vui...

     Tóm lại, Tuy Phước vừa là mảnh đất có nền văn hóa phong phú, đa dạng, lại vừa là mảnh đất giàu tiềm năng về kinh tế, có nguồn lao động dồi dào, được thiên nhiên ưu đãi, con người cần cù, dũng cảm và nhân hậu. Tuy vậy, dưới chế độ thực dân phong kiến tàn ác và lạc hậu, nhân dân Tuy Phước vẫn luôn bị kìm hãm trong cảnh đói nghèo, cực khổ. Ngày nay trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuy Phước đã phát huy mạnh mẽ truyền thống và những tiềm năng sẵn có, từng bước xây dựng quê hương giàu, mạnh.

                

 

Bạn đang đọc bài viết "Dọc miền đất nước: Vùng đất văn hoá Tuy Phước" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn