Nhớ lại ngày thơ Nguyên tiêu Tết Đinh Dậu 2017 thật là vui. Mấy người bạn thơ chúng tôi đã nhận lời đến thăm làng Quan Nhân, cũng đồng thời là đến thăm nơi cư trú của nữ nhà văn xinh đẹp, nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan. Chúng tôi sẽ tham gia chương trình đọc thơ Xuân ở Đình Làng! Nhà riêng của chị Tôn Phương Lan kề ngay gần đó. Nhà chị mát mẻ, có một vườn cây và hàng rào nhỏ xinh nhìn khá đẹp. Chị may mắn có được ngôi nhà xinh xắn ở gần cạnh ngay đình làng Quan Nhân như thế này là quá vui. Rất thuận tiện cho việc đi lại, đi ra đình làng, hay đi dự những lễ hội của làng quê!
Nhà văn, nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan từng sống nhiều năm qua trong ngôi làng ấy. Đó là ngôi làng Mọc, ở Quan Nhân, Hà Nội. Chị đã ở đó nhiều năm nay cùng với vợ chồng cậu con trai. Tôi và nhà thơ Lại Hồng Khánh là những vị khách được chị mời đến đọc thơ Xuân. Nhân ngày hội thơ ca của Làng Quan Nhân, họ thường tổ chức vào dịp Tết rằm tháng giêng, chúng tôi cũng tranh thủ dịp đó về dự hội làng, vui cùng bà con trong ngày đầu Xuân. Nhà văn Tôn Phương Lan đã dẫn cả nhóm chúng tôi ra đình làng để tham dự lễ hội. Thật vui mừng khi được về thăm một ngôi làng đẹp đẽ như thế. Một ngôi làng mà tôi nghĩ cho tới nay vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống của văn hoá làng xã là rất quý. Chúng tôi đi theo chị Tôn Phương Lan, cùng tiến ra đình làng. Cùng chào hỏi bà con trong làng. Ai cũng vui, những gương mặt tươi rói, tay bắt mặt mừng niềm nở trong ngày đầu Xuân.
Chương trình văn nghệ và tham gia đọc thơ Xuân diễn ra rất vui vẻ, sống động ngay trên nền nhạc réo rắt do những người nhạc công ở làng quê thể hiên. Dàn âm thanh và loa đài cũng khá lớn, lại được đặt ngay cạnh trên "sân khấu nổi". Một sân khấu khá đẹp, ngự ngay giữa trung tâm, trước hồ nước xanh. Đây là hồ thả sen của làng. Làng Quan Nhân vốn đã rất đẹp với những con đường làng lát gạch, có những đền chùa, có cả những mái vòm uốn cong cổ kính. Một làng quê xưa, được hiện hữu ngay trong lòng thủ đô như thế này quả là hiếm hoi. Những con đường lát gạch đỏ hay láng xi măng nhìn rất sạch sẽ. Điểm nhấn chính là hồ sen nước trong, với những mái đình chùa cổ uốn cong rất nên thơ. Xuân về, nhìn cảnh vật, hoa lá cỏ cây xanh tươi hơn với cảnh sắc hữu tình.
Nhà thơ Lại Hồng Khánh được cự mời đọc trước. Ông hào hứng đọc liền 3 bài thơ. Ông từng công tác lâu năm ở Ban Tuyên giáo, ngành văn hoá Hà Tây và từ khi nghỉ hưu ông đã về sống và gắn bó với bà con trên mảnh đất quê hương Hà Đông! Đến lượt tôi lên đọc thơ tiếp sau ông. Tôi xúc động lắm nhưng vẫn diễn đọc liền cả 2 bài thơ xuân của mình trong cảm xúc dạt dào. Đối với các thi nhân, có lẽ ai cũng vậy. Một khi ta được đứng trước khung cảnh của một làng quê xinh đẹp và hữu tình như thế , hẳn ai cũng sẽ cảm thấy rạo rực. Thi ca sẽ nâng cánh bay cho tâm hồn của họ được thăng hoa!
Không gian nơi làng quê khá ấm áp và thân tình. Bà con làng Mọc - Quan Nhân hát hò rất sôi nổi. Họ đặc biệt tự tin khi đọc thơ và tự biên tự diễn cũng xuất sắc luôn. Có người còn biết ngâm thơ nữa, nghe cũng rất xúc động. Tôi thả hồn lắng nghe và thấy nhiều câu thơ hay đang cất lên. Có lẽ những người dân ở đây, họ từng sống, từng gắn bó với làng quê này nên có nhiều cảm xúc chân thực. Vì thế họ có được nét đẹp duyên dáng, sự giản dị, sâu lắng và thể hiện được sẽ tình yêu làng quê chân thành đến thế! Tất cả đã cùng làm nên những nét đẹp văn hoá làng quê và làm cho thi ca cất cánh bay trong một ngày đầu Xuân, ngay tại nơi đình làng! Họ chính là những người con của làng Quan Nhân này. Đã gắn bó máu thịt, đã sinh sống nhiều đời tại vùng quê trù phú nơi đây.
Không ồn ào và hoành tráng như không khí ngày đọc thơ Nguyên Tiêu ở Văn Miếu vào ngày rằm tháng giêng hàng năm.Không nườm nượp người đi du Xuân và ghé vào nghe thơ! Thế nhưng, cái không khí làng quê ở đây cũng đủ độ ấm áp và nô nức. Không cần phải nườm nượp chen chúc ra phố với những người là người, không bị ù tai nghe thứ âm thanh của loa đài mở hết công suất đến inh tai nhức óc như ngày thơ ở nơi khu vực Văn Miếu! Nơi đây, có đủ sự chân thành, thân thiết, nồng ấm của một làng quê mà những nơi khác, những ngày thơ ồn ào kia sẽ không thể nào có được. Không cần phải thả thơ lên trời, không ồn ào ngược xuôi đến từ mọi miền đất nước, không phải cố chờ, ngỏng cổ nhìn theo những câu thơ đang được thả lên rồi mất hút trên bầu trời cao xanh. Nói vậy, bởi tôi yêu cái không khí đầm ấm ở “vùng quê “ này! Nó ấm áp và khi ra về người ta còn giữ mãi những ấn tượng đẹp đẽ về thơ ca.
Nét đẹp và sự nhân văn có lẽ là sự thú vị của một làng quê nằm ngay trong phố. Làng Mọc tuy bé nhỏ nhưng luôn giàu có những nét văn hoá làng xã từ bao đời! Nơi ấy, người dân lao động vốn yêu cuộc sống, yêu cái đẹp, họ yêu quê hương, yêu nét văn hóa làng xã giản dị. Thế nên họ luôn yêu thơ ca! Vẻ đẹp muôn đời của thi ca đã được tôn vinh và thể hiện khá sinh động trong không gian nhỏ bé nơi làng quê nhưng không kém đi phần lãng mạn và sâu lắng. Tôi chợt nhớ đến cái không khí rộn ràng ấy ở Làng Chùa, một làng thơ có đậm đặc chất văn hóa thi ca ở quê hương Hà Tây, trong ngày Xuân- Ngày hội thơ Nguyên Tiêu. Đó chính là quê hương của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Quang Thiều mà tôi từng biết!
Tôi chợt nghĩ, thơ ca chưa bao giờ bị mất đi ở những vùng quê như thế! Khi con người ta còn yêu thơ, còn mong muốn được thưởng thức thơ ca một cách thực sự, họ hẳn sẽ là những người giàu có về tâm hồn. Tôi vẫn thích khi được ngồi nghe thơ trong những không gian bé nhỏ, đầm ấm và gần gũi như thế để thưởng thức thơ. Bởi chỉ cần đơn giản như thế, người ta vẫn có thể lắng nghe nhau, lắng nghe thơ và lắng nghe chính lòng mình! Họ đến, nghe thơ, sẽ cảm nhận sâu sắc được từng vẻ đẹp câu chữ với những áng thơ hay. Khi những áng thơ đẹp đẽ ấy được chính tác giả đọc lên trong một không gian ấm cúng, thân thiện và gần gũi, thơ khi ấy thực sự đã được thăng hoa và cất cánh!
Đọc thơ ở nơi nào, nên đọc ở đâu? Nghe thơ ở nơi nào, nên nghe thơ ở đâu? Đó là quyền lựa chọn của mỗi người yêu thơ. Có những bài thơ, người ta chỉ mang ra đọc trên bàn ăn để vui cười. Lại có những câu thơ, người ta chỉ muốn đọc riêng cho một người thôi! Có những áng thơ yêu nước và sự hào sảng chỉ thích hợp khi đọc trên quảng trường! Thơ đọc ở đâu, đọc cho ai nghe sẽ cần phù hợp với mục đích và đối tượng người nghe. Sự trang trọng, lịch lãm khi đọc hay khi trình diễn thơ cần có trong những không gian khác nhau, đặc biệt là những cuộc trình diễn, thi thơ.
Nói dài thế, xin tựu trung lại. Nơi nào mà người thơ cảm thấy mình được trân trọng, cảm thấy thoải mái nhất, họ có được tâm thái yên tĩnh và sự thư thái nhất thì không khí thơ ở đó đều rất hay. Thơ đọc lên ở những nơi quá ồn ào thì phí cả thơ vì chẳng có mấy ai nghe! (Trừ khi người ta trình diễn thơ trên quảng trường hay các sân khấu lớn ). Bởi khi ấy người đến nghe còn mải cười nói và mải giao lưu, họ vui vì được gặp mặt nhau là chính. Thơ bỗng nhiên trở thành rất phụ! Ngay cả những cuộc giao lưu, dẫu thân mật, dẫu gần gũi giữa các nhà thơ, tôi cho rằng cũng chỉ nên làm trong một không gian hẹp, thậm chí khá nhỏ, nếu có thể, bạn làm ở ngay trong trong ngôi nhà của mình cùng vài ba người bạn tri kỷ!
Người thơ có thể sẵn sàng đọc thơ cho bạn tri kỷ của họ nghe. Họ vẫn thường đọc thơ cho nhau nghe ở các CLB, ở bờ biển, ngoài vườn cây yên tĩnh, ở trong không gian thơ mộng nào đó hay trong căn phòng khách, thậm chí ngay giữa nơi đình làng giống như ở đây! Chỉ cần một chén rượu nhỏ hay có thêm tách trà nóng là niềm vui Xuân đã đủ để gửi trao cho nhau. Thế cũng là cách mà các cụ nho khi xưa họ vẫn làm. Họ tha hồ đàm đạo hay ngồi thưởng thơ hàng giờ bên không gian riêng trong làng! Người đọc thơ và người thưởng thơ khi ấy có thể trầm ngâm bên nhau. Cùng nâng chén trà thơm mà lắng nghe nhau. Họ nghe thấy cả hơi ấm của tình bạn bè, tìnhlàng xóm, thậm chí họ còn dừng lại, hay ngồi im lặng, lắng nghe thấy cả hơi thở của mùa Xuân và hơi ấm của đất trời đang lan tỏa ngoài kia!
Có lẽ thơ hay thì luôn thực sự cuốn hút người nghe. Thơ sẽ được chắp cánh bay lên ở những nơi làng quê Việt hay thậm chí ở một nơi vùng sâu vùng xa, ở giữa nơi núi non, hải đảo xa vời. Đó là khi tiếng nói từ tâm hồn thi nhân từ nơi sâu thẳm được cất lên giữa đất trời, giữa lòng người, giữa thiên nhiên xanh, ngay giữa lòng mẹ vũ trụ, giữa những nhóm bạn bè tri kỷ và đọc ngay trên mảnh đất nơi quê hương. Thơ sẽ làm rung động cõi người và cõi đất! Thơ chạm đến cõi sâu thẳm của mỗi người một cách bất ngờ nhất! Thơ làm cho người ta rung động, thấy thêm yêu thương cuộc đời, yêu như nó vốn có.
Thơ thực sự sẽ không nhất thiết phải cất lên ở một không gian quá rộng, với lượng người dự quá đông, bởi thơ luôn dị ứng với thứ âm thanh loa đài ầm ĩ. Những người thơ mà đến đó thì mục đích đi hội vui là chính, họ vui vầy bè bạn là chính, nam thanh nữ tú gặp nhau và tán dóc là chính, người ta ngắm nhìn các bà các cô váy áo xập xoè là chính, họ chém gió, chụp ảnh, tán chuyện và đong đưa, giao lưu là chính...Nhiều thứ chính quá rồi nên thơ bỗng dưng trở thành thứ rất...phụ! Thơ sẽ chỉ là cái cớ cho người ta gặp gỡ nhau và chuyện trò vui vẻ trong những ngày đầu Xuân!
Thương thay cho thơ và thương cho các thi sĩ nữa. Bởi thực sự thơ sẽ không cần trú ngụ ở những nơi quá cao sang hay quá ồn ào mà lại vô cảm như vậy. Đa phần các nhà thơ thực sự sẽ thấy ngại ngần khi họ phải đến những chốn qúa ồn ào của lễ hội! Tôi cũng vài lần theo chân bạn bè đến Văn Miếu trong ngày thơ Nguyên Tiêu, quả là ồn ào, tưng bừng và rực rỡ! Tôi cũng ngắm say sưa khung cảnh ấy và chờ cho đến khi thơ được thả lên trời cao và mất hút luôn trên tầng không thì quay ra khỏi sân thơ và chợt ngậm ngùi nhận ra điều ấy.
Mấy năm nay, từ năm 2020 - 2022 do đại dịch Covid 19 tiếp tục hoành hành nên mọi hoạt động giao lưu thơ ca trong ngày thơ Xuân - Tết Nguyên tiêu ở thủ đô Hà Nội đã bị đình hoãn! Ngồi nhà mãi, suốt dịp rằm thành giêng mà tôi cứ thấy bồn chồn trong lòng. Tôi chợt nhớ lại Tết năm2017, trong những ngày đầu Xuân khi không khí Tết vẫn chưa hết, chúng tôi từng được mời đến đọc thơ ở làng Quan Nhân, Hà Nội . Đó là kỷ niệm thật vui và ấn tượng khi nhóm chúng tôi được mời đến đọc thơ ở một nơi làng quê xinh đẹp, ngay trong lòng Hà Nội.
Vẻ đẹp của thi ca vẫn luôn hiện lên bất ngờ và lung linh, ở mọi nơi mọi lúc. Thơ ca không chỉ dành cho những địa chỉ của “thánh đường” hay những nơi quá sang trọng. Thơ ca của muôn nhà sẽ được tôn vinh và thể hiện khá sinh động ngay ở những nơi bình dị nhất, đặc biệt ngay trong không gian làng quê! Thơ ở nơi đây, trong ngày đầu Xuân, khi người ta đọc lên với thứ cảm xúc chân thành, tha thiết từ trong tim cũng không hề kém đi sự ám ảnh, sự lãng mạn và độ sâu lắng. Tôi vẫn luôn nghĩ như thế!