Những chiếc khăn đội đầu - một trong những phụ kiện quan trọng của người phụ nữ dân tộc Thái nói chung. Bất kể là các nhóm Thái lớn ở Việt Nam như Tay Đăm, Tay Đèng hay Tay Dọ. Đó là chưa kể loại phụ kiện này cũng bắt gặp ở các dân tộc có quan hệ gần gũi với Thái như người Lự, người Tày, người Nùng,... Tuy nhiên, trong các nhóm Thái được nhắc đến ở trên, không phải nhóm nào cũng sở hữu những chiếc khăn đội đầu giống nhau. Trong bài viết ngắn này, với đối tượng là chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Tay Đăm (Thái Đen ở Tây Bắc) và Tay Dọ (cư trú ở Thanh Hóa, Nghệ An. Và ở Nghệ An thì họ còn có tên gọi đồng nghĩa là Tay Mương) chúng tôi muốn giải quyết hai câu hỏi nhỏ: thứ nhất, khăn đội đầu của Tay Đăm và Tay Dọ khác nhau cơ bản ở một số điểm nào? Và thứ hai, tại sao không nên gọi chung khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Thái là “khăn piêu” như cách dùng của nhiều người hiện nay?
Hình 1: Trang trí hai đầu khăn Tay Đăm
1 – NHỮNG KHÁC NHAU CƠ BẢN CỦA KHĂN ĐỘI ĐẦU TAY ĐĂM VÀ TAY DỌ
- Ở vật liệu cấu thành
Đó đều là một dải vải dài, đôi khi đến cỡ 2m hoặc thậm chí dài hơn đối với nhóm Tay Dọ. Dải vải này được nhuộm chàm đen hoặc đen ngả xanh, tùy thuộc vào mức độ đậm đặc của chất nhuộm. Về chiều ngang, theo quan sát của mình, chúng tôi thấy rằng khăn của Tay Dọ dài hơn nhiều so với Tay Đăm. Cụ thể, chiều ngang của khăn Tay Dọ dao động trong khoảng từ 25-30 cm. Như vậy, ngay cả ở điểm giống nhau này cũng đã bộc lộ những khác biệt nhất định.
- Trang trí ở hai đầu khăn
Khăn đội đầu của Tay Đăm có phần trang trí được thêu trực tiếp vào hai đầu của chiếc khăn. Như vậy, phần thân khăn mặc nhiên sẽ là phần ở giữa của một dải vải nguyên khối. Nhưng với Tay Dọ: phần trang trí được dệt [khwīt] xong xuôi rồi mới chằm vào hai đầu của dải vải làm thân khăn. Có lẽ điều này đã làm cho chiếc khăn đội đầu của họ trở nên dài hơn rất nhiều so với Tay Đăm.
Hơn nữa, phần trang trí trong khăn của Tay Dọ không giống nhau ở hai đầu khăn: một đầu được dệt rất tỉ mỉ và sặc sỡ và chiều dài của phần chằm này phụ thuộc vào sự lựa chọn của người dệt, nhưng thường bằng một khuỷu tay [xọk nừng]; ở đầu còn lại, phần dệt tuy cũng sặc sỡ nhưng ngắn hơn nhiều so với phần vừa rồi. Và đặc biệt, hai phần chằm trang trí trong khăn của Tay Dọ phải phối cùng một tông màu với nhau.
Hình 2: Trang trí hai đầu khăn Tay Dọ
- Phong cách trang trí
Nếu chúng ta làm một phép so sánh về độ đẹp của hai loại khăn thì quả thực đó là một việc làm khập khiễng, bởi mỗi một loại sẽ đẹp theo một phong cách khác nhau. Với khăn Tay Đăm “nguyên bản”, chúng tôi nhận xét cách trang trí họa tiết ở đây theo phong cách tối giản. Phần hoa văn thêu có thể không nhiều nhưng đó lại là điểm xuyến rất tinh tế và thể hiện được tài năng trong cách bố cục và sự khéo léo của người tạo ra nó. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thì một số mẫu khăn Tay Đăm đã cho phần họa tiết nổi lên lớn hơn (tiêu biểu là họa tiết hình ô trám) chiếm gần trọn diện tích của hai đầu khăn, khác với các khăn theo phong cách cổ xưa.
Hình 3: Một số kiểu hoa văn trang trí trên khăn Tay Đăm
Với Tay Dọ, chúng tôi nhận xét rằng nó có phong cách sống động. “Sống động” nằm ở chỗ phần trang trí thực sự là một bức tranh nổi bật và rực rỡ với những tông màu nóng (cam đất, đỏ nâu, hồng tía là chủ đạo) kèm theo đó là những hoa văn được dệt tỉ mỉ như những bức tranh.
d. Phần rìa của khăn
Với Tay Đăm, khăn được thêu viền với một chi tiết đặc trưng là “kút” (nghĩa là cây guột) vì hình dáng của nó rất giống với những mầm non của cây guột hay dương xỉ: cong vút và gãy gọn. Những nụ “kút” này chính là điểm nhấn lớn nhất ở phần biên trong chiếc khăn của nhóm Tay Đăm. Thêm vào đó, trong những chiếc khăn đội đầu Tay Đăm mà chúng tôi được nhìn thấy đến nay, vẫn chưa có một chiếc khăn nào có tua rua rủ xuống bên dưới, nhưng có một thông tin về “các tua vải màu” của khăn [pũi piếw]. Có lẽ đó là các phần nối dài của những nụ “kút” trên kia, chứ không phải là những tua dài thực sự. Mặt khác, phần hoa văn kéo dài đến đâu trên khăn thì phần mép vải bao quanh cũng sẽ được thêu viền lại đến đó.
- Sự đa dạng của khăn
Ngoài loại khăn có phần trang trí sặc sỡ như ở trên, Tay Dọ còn có một loại khăn đội đầu khác được gọi (dịch theo nghĩa đen) là “khăn mắt sâu” [khắn tá bông]. Loại khăn này thực chất là khăn đen nhưng có điểm xuyến ở các góc của khăn bằng các hình tròn rỗng (rất giống với mắt giả trên thân của các sâu bướm là ấu trùng của các loài: bướm phượng vàng - Papilio demoleus, bướm phượng đen - Papilio polytes và bướm phượng lớn - Papilio memnon, vì thế nên mới gọi là “mắt sâu”), được tạo ra bằng cách nhuộm buộc hay ikat [mị].
Còn đối với Tay Dọ, phần biên của khăn luôn chứa các tua rua rủ xuống [fằw khắn, xūi xāi khắn]. Những tua rua đó là các túm chỉ, thường tết bằng sợi tơ tằm và chúng cũng được nhuộm màu chứ không để trắng. Hơn nữa, khăn Tay Dọ thì không thêu bó đường biên, chỉ duy nhất phần đầu trực tiếp của khăn được chặn lại bởi các tua rua mà thôi.
Hình 7: “Khắn tá bông” của Tay Dọ và ấu trùng của loài Papilio polytes
Với Tay Đăm, trước đây họ cũng từng sử dụng những chiếc khăn đen hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay chiếc khăn đen hoàn toàn này gần như đã vắng bóng. Phạm vi sử dụng phổ biến của khăn đen giờ đây chỉ còn lại chủ yếu ở Mường Lò (Nghĩa Lộ thuộc Yên Bái) và Mường Than (Than Uyên thuộc Lai Châu).
Hình 8: Tay Đăm ở Mường Lò với khăn đen
2 – VÌ SAO KHÔNG NÊN GỌI CHUNG KHĂN ĐỘI ĐẦU CỦA NGƯỜI THÁI LÀ “KHĂN PIÊU”?
Cả Tay Dọ lẫn Tay Đăm đều có tên gọi riêng biệt, bằng tiếng Tay Đăm và tiếng Tay Dọ, cho những chiếc khăn đặc trưng tương ứng của mình.
a. Giải thích tên gọi qua cứ liệu ngôn ngữ
(1). Trong tiếng Tay Đăm, chiếc khăn đội đầu có trang trí của họ được viết một cách phổ thông là “piêu”. Nếu viết bằng chữ Tay Đăm nó sẽ là ꪜꪸꪫ piều /piəwA1/. Vậy âm tiết “piều” này có ý nghĩa gì không? Tại sao lại gọi chiếc khăn đội đầu là “piều”?
Theo sự ngờ vực của mình, chúng tôi chú ý đến âm tiết “piều” trong tiếng Tay Đăm còn có nghĩa là “ngọn” trong “ngọn lửa” (piều fãy). Xét thêm các dạng đồng nguyên của nó trong các tiếng Tày Nùng: pyêu, pyeo, cheo, piu (cũng có nghĩa là “ngọn” trong “ngọn lửa”. Ví dụ: fầy khửn pyêu – lửa cháy thành ngọn) và tiếng Thái Xiêm เปลว /pleːw/, Tay Dọ: péw.
Từ đó có thể đề xuất một giải thích khả dĩ: xuất phát từ nghĩa là “ngọn” này, âm tiết “piều” trong tiếng Tay Đăm đã chuyển nghĩa trở thành “vật để đội lên đỉnh đầu” tức phần “ngọn” của cơ thể.
Mặt khác, từ nguyên của “piều” này có thể là từ gốc Hán: 標 – với âm Hán Việt là “phiêu, biêu”, Hán Trung đại (MC) là *piaw (E. Pulleyblank), thanh Âm bình. Nghĩa ban đầu của nó là “phần ngọn của cây, trái với gốc rễ”. Đặc biệt, 標còn có một nghĩa phái sinh là “cờ xí, cờ phướn, dải băng” (sau này dùng chữ幖 – cũng đọc là “phiêu, biêu” để thông nghĩa này).
Tựu trung lại, nghĩa nguyên của âm tiết “piều” trong tên gọi của chiếc khăn đội đầu Tay Đăm theo chúng tôi có nghĩa là “ngọn”. Và về mặt từ nguyên, nó là một từ Hán Thái (Sino-Tai): 標. (Proto-Tai giả định: *pliəw)
(2). Về phía Tay Dọ, chiếc khăn đội đầu có trang trí sặc sỡ không phải là “piêu” như ở Tay Đăm Tây Bắc. Người Tay Dọ gọi chiếc khăn của mình là “khắn tǎi” /kʰanA1 taːjC2/. Tạm dịch là “khăn đuôi”, “khăn hai đầu” hoặc “khăn có phía cuối”.
Mấu chốt của tên gọi này nằm ở âm tiết “tǎi”. Tuy có nhiều ngữ cảnh khác nhau, những nghĩa của “tǎi” có thể tổng kết lại bằng một nét nghĩa chung là nói về “một vị trí hoặc thời điểm sau cùng”. Cùng xem qua một số ngữ liệu tiếng Tay Dọ dưới đây để chứng minh điều đó:
a) ...Khăw tôm chặng họ tóng khém
Xóng mư̄ nēm xị tǎi
Fại khăw tôm mạk ô̌m fă̄k đạp, hắw kwāi...
[Bánh chưng giờ mới gói lá đót
Hai tay đỡ bốn đầu
Phía chiếc bánh chưng gươm lớn, bánh sừng trâu]
(Xé hịnh lăw xụ đóng – Cúng rượu cần đãi thông gia)
(b)...Phẹn pha kwang mā lườ hươ̄ huống
Lườ hươ̄ lườ tẹ huố mươ̄ tǎi
Vai hươ̄ kwang háw đọn hōng hōng...
[Tấm đệm rộng đến mà chọn thuyền to
Chọn thuyền ngắm từ đầu đến cuối
Bước qua thuyền lớn màu trắng phau phau]
(Xón Chướng – Dặn Khun Chương)
(c) Lừk kô̄k lô̄ng tư̄ tǎi
Lừk chāi ai tư̄ chừ nēw hươ̄n
Pò bốn thén nā tan kă̄m đí mā và:
....Pụ băw yụ tín fǎ
Pụ nóng pá yụ nòk tǎi
Vai kón kǔm mươ̄ nhà xuốn nēn...
[...Con đầu xuống nắm phần cuối
Con trai cả người giữ rường nhà
Bố Bôn Then Na lựa lời lại bảo:
...Ông Khuôn đúc ở chân trời
Ông Ao cá ở ngoài mé
Bước qua cửa đến Bà Vườn mệnh...]
(Hăi xộng phí – Khóc Tiễn hồn)
“Khắn tǎi” do vậy, hiểu một cách cặn kẽ, tức là một cái khăn có hai đầu nằm về phía cuối của mỗi bên. Do đặc điểm phải chằm nối hai phần dệt riêng rẽ vào thân khăn có sẵn nên đặc điểm có hai đầu được xem như là tiêu chí nhận diện của loại khăn này. Hơn nữa, khi đội khăn, luôn có một đầu của khăn buông thõng xuống về phía sau, điều này cũng là một căn cứ để lí giải cho nghĩa của từ “tǎi”.
Quay lại một chút với âm tiết “tǎi”, có bằng chứng ủng hộ đây cũng là một từ gốc Hán. Cụ thể, đó là: 底 – âm Hán Việt: “để”, âm Hán cổ [OC]:*tˁijʔ và Hán Trung đại [MC] tejX (Baxter & Sagard, 2014). Trong tiếng Hán, nghĩa gốc của từ này là “phần dưới, bên dưới, mặt dưới” hay đáy, trôn, gầm, đế (bottom; underneath; underside), từ đó phái sinh ra các nghĩa khác, trong đó có một nghĩa là “cuối, rốt” (về thời gian).
Mặt khác, từ 底 trong tiếng Việt cũng chính là từ nguyên của “đáy” và “đế”. Hiện tại, theo dữ liệu mà chúng tôi có, từ “tǎi” này chưa tìm thấy dạng đồng nguyên tương ứng hoàn toàn ở các tiếng Tai Trung Tâm (như Tày, Nùng...) mà chỉ xuất hiện ở nhóm Tai Tây Nam (Proto-SWT *daːjC2) như: ท้าย /tʰaːjC2/ trong tiếng Thái Xiêm; ທ້າຽ /tʰaːjC2/ trong tiếng Lào; ꪕ꫁ꪱꪥ /taːjC2/ tiếng Tay Đăm; ᦑᦻᧉ /taːjC2/ Lự Vân Nam.
(3). Từ (1) và (2) có thể thấy, khăn đội đầu có trang trí của Tay Đăm và Tay Dọ về nguồn gốc tên gọi thực sự có những khác nhau. Nói một cách tếu táo đôi chút, “khăn piêu” của Tay Đăm là “khăn đỉnh”, “khăn tại” của Tay Dọ là “khăn đuôi”, một phía đầu và một phía cuối.
Như vậy, từ bản chất tên gọi khác nhau và dựa trên những khác biệt lớn về cách thức trang trí, đặc điểm họa tiết hoa văn hay nhiều thứ khác, có thể nói một cách xác đáng rằng: không nên sử dụng cách gọi “khăn piêu” cho toàn bộ khăn đội đầu của người Thái ở Việt Nam, trừ trường hợp đó là chiếc khăn piêu đúng như cấu tạo của Tay Đăm mà các Thái ở vùng khác có sử dụng đến. Cách tốt nhất để gọi, theo chúng tôi, một là “gọi đúng” theo tên đặc trưng của loại khăn đó (khăn piêu, khăn tại) hoặc đơn giản hơn, chỉ nên gọi là “khăn đội đầu” trong trường hợp người nói không biết khăn của nhóm Thái đó gọi là gì.
3 – THAY LỜI KẾT
Khăn piêu đã trở thành một vật thể định danh cho Thái ở Tây Bắc. Điều đó đúng, chúng ta không phủ nhận. Tuy nhiên, mỗi một nhóm Thái lớn (chẳng hạn như trường hợp của Tay Đăm và Tay Dọ đã nói trên đây) đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt và đặc sắc của mình. Chúng ta nên tôn trọng sự đa dạng văn hóa bằng chính việc sử dụng danh xưng cho chính xác với đối tượng. Điều đó không phải là để đề cao một địa phương Thái nào mà là đang thể hiện sự đa dạng nói riêng trong một khối dân tộc Thái nói chung. Thống nhất nhưng không có nghĩa là đồng nhất, nếu ai cũng giống nhau thì há chẳng phải là tẻ nhạt lắm sao?
---
Các hình ảnh sử dụng trong bài viết được tổng hợp từ nhiều nơi trên Internet cũng như của một số cá nhân: Hà Trung, Lò Văn Tuyên, Cầm Trang Thơ, Sầm Thị Tình, Hà Văn Thanh. Xin cảm ơn sự giúp đỡ từ các anh chị.
THAM KHẢO CHÍNH
- Hoàng Triều Ân, Vương Toàn (2016). Từ điển Tày – Việt. NXB Văn hóa dân tộc.
- Sầm Văn Bình (2021). Xợ Phí Hươ̄n – Xợ Hìt Khōng [Cúng ma nhà – Cúng theo phong tục].
- Lương Bèn (chủ biên), Nông Viết Toại, Lương Kim Dung, Lê Hương Giang (no date). Từ điển Tày – Việt.
- Quán Vi Miên (2010). Hày Xổng Phí (Khóc Tiễn hồn). NXB ĐHQGHN.
- Dai Lue Dictionary - ᦈᦹᧈ ᦶᦑᧃ ᦺᦑ ᦟᦹᧉ - 傣泐词典 © 2019 SIL International®. Truy cập tại: https://www.webonary.org/dailu/?lang=en
- Mục từ 底tại English Wiktionary. Truy cập tại: https://en.wiktionary.org/wiki/%E5%BA%95
- Mục từ 標tại English Wiktionary. Truy cập tại: https://en.wiktionary.org/wiki/%E6%A8%99