Có mặt tại Câu lạc bộ văn hóa Thái ở bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, khi các thành viên đang sắp xếp lại những nhạc cụ, đạo cụ để tập luyện sau thời gian tạm nghỉ do dịch COVID-19. Trống, chiêng là những nhạc cụ không thể thiếu trong múa xòe và được họ luôn nâng niu trân trọng. Có lẽ chẳng ai biết xòe có từ bao giờ, những người bà, người chị của họ đều đã múa xòe theo sự truyền dạy. Điệu xòe cứ như vậy truyền mãi theo những nhịp bước chân và các bàn tay nắm chặt trong vòng xòe không bao giờ dứt.
Chị Tòng Thị Hỏa ở phường Chiềng Cơi chia sẻ: Từ thời xa xưa, ông bà, cha mẹ chị đã múa xòe, nhất là điệu xòe vòng của dân tộc Thái không thể nào thiếu. Đến thế hệ chị tiếp tục ưa thích múa xòe và những điệu xòe của dân tộc Thái sẽ được truyền lại cho các con cháu để gìn giữ. Có mặt tại Câu lạc bộ văn hóa Thái ở bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, khi các thành viên đang sắp xếp lại những nhạc cụ, đạo cụ để tập luyện sau thời gian tạm nghỉ do dịch COVID-19. Trống, chiêng là những nhạc cụ không thể thiếu trong múa xòe và được họ luôn nâng niu trân trọng. Có lẽ chẳng ai biết xòe có từ bao giờ, những người bà, người chị của họ đều đã múa xòe theo sự truyền dạy. Điệu xòe cứ như vậy truyền mãi theo những nhịp bước chân và các bàn tay nắm chặt trong vòng xòe không bao giờ dứt.
Chị Tòng Thị Hỏa ở phường Chiềng Cơi chia sẻ: Từ thời xa xưa, ông bà, cha mẹ chị đã múa xòe, nhất là điệu xòe vòng của dân tộc Thái không thể nào thiếu. Đến thế hệ chị tiếp tục ưa thích múa xòe và những điệu xòe của dân tộc Thái sẽ được truyền lại cho các con cháu để gìn giữ.
“Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi”, đồng bào Thái có câu ca như vậy để nói lên ý nghĩa của điệu xòe trong đời sống sinh hoạt. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy giá trị xòe Thái đối với họ dường như một lẽ tự nhiên.
Ông Lù Tiến Quân ở phường Chiềng An (thành phố Sơn La), một người luôn say mê với những điệu xòe bộc bạch: Múa xòe là một món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La. Với đồng bào Thái, khi có các hoạt động như lễ hội hay ngày vui không thể thiếu những điệu xòe, nó thể hiện tình đoàn kết cộng đồng. Khi múa xòe cùng nhau nắm tay, múa hát, tạo cho tinh thần rất sảng khoái, nhẹ nhàng.
Nghệ thuật xòe Thái ở Sơn La đã được bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm trong đời sống cộng đồng với nhiều hình thái khác nhau. Múa xòe ở Sơn La không chỉ dùng trong sinh hoạt cộng đồng để biểu cảm, kết giao bạn bè, mà còn diễn đạt các ý tưởng của cội nguồn tâm linh và nó có bản sắc độc đáo từ nghi thức nghệ thuật đến trang phục. Bên cạnh đó, múa xòe còn được coi là một sản phẩm du lịch đặc sắc đối với mỗi du khách khi đến Sơn La. Ngoài biểu diễn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, tỉnh Sơn La đã khuyến khích phát triển loại hình nghệ thuật này thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với nghệ thuật xòe Thái. Xòe Thái đã thật sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng ở Sơn La. Năm 2015, nghệ thuật xòe Thái tỉnh Sơn La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam.
Đặc biệt, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái, tỉnh Sơn La đã có những hoạt động thiết thực, như: Triển khai Đề án “Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La”. Duy trì và phát triển các đội văn nghệ quần chúng tại các bản; trong đó phần lớn là đội văn nghệ thuộc các bản dân tộc Thái được coi là hạt nhân để duy trì và phát triển nghệ thuật xòe…Qua những hoạt động đó, đã khẳng định sức sống của nghệ thuật xòe Thái ở Sơn La.
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay trong các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ngày lễ hội, bước chân xòe lại dậm dịch bên sàn và nhịp trống xòe cũng rộn ràng khắp các bản. Nghệ thuật xòe không chỉ tồn tại đối với dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt, lan tỏa tới nhiều dân tộc khác và vượt ra cả thế giới. Bất cứ nơi đâu, trong thời điểm nào chỉ cần hơi ấm của tình đoàn kết được siết chặt, khi đó mọi người lại rộn ràng trong vũ điệu xòe. Cứ như thế, đời này qua đời khác, xòe Thái luôn tưng bừng để tô đẹp sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngày 15/12/2021, Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, của loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng.