Con đường 14 dài thứ hai sau Quốc lộ 1, không những thế, quá nhiều cảnh đẹp, tắm suối, thịt trâu, các thuỷ điện Đa K’rông, nên tận 6 giờ chiều mới về tới A lưới!
Dự đinh chạy 350 km nữa đến Ngọc linh (Sâm) nhưng không thể vì đường đèo khó đi đêm với sương mù, quan trọng nữa là không ngắm được sự hùng vĩ của núi rừng trong đêm. Có đi mới để ý sông Đa K'rông là một dòng sông chảy ngược sang Lào, không như dòng sông Hương đổ xuôi ra biển Đông.
Qua A lưới 30 km trời tối hẳn, hỏi ra 50 km nữa mới đến làng gần nhất từ xã A Roàng, xã cách biên giới Lào chỉ 4 km, thật may, đúng lúc phân vân, nhìn thoáng qua biển Home Stay đỏ đèn!
Đây là Home Stay duy nhất của xã, vài trăm hộ dân người đồng bào Tà Ôi. Đồng bào Tà Ôi sống du canh du cư trên núi cao từ bao đời, khi chiến tranh, bộ đội dựa vào dân cùng giúp nhau, rồi bộ đội vận động dân xuống núi định cư! Tà Ôi trên cao nhất, nhánh giữa là Pa Cô và nhánh thấp là Pa Hy, dần dần xuống núi thấp từ 1972-1973. "Tà Ôi thuộc cả Lào và Việt Nam, hiện bên Lào đông hơn với 5 huyện gần đây, Việt Nam có khoảng 5 xã thôi." Cậu chủ nhà Viên Đăng Phú kể chuyện.
Đăng Phú là con trai duy nhất trong nhà 4 anh em, học từ bé trường nội trú khi lớp 6 dưới Đà nẵng và đã tốt nghiệp Đại học ở đó. Tham gia nhiều chương trình khôi phục văn hoá dân tộc mình, tổ chức du lịch tạo công việc cho cả xã. Là Đảng viên nên rất năng động, trồng hơn chục Ha rừng, cả Ha cỏ voi nuôi 20 con bò, thêm Home Stay. Bố mẹ thì đang ở Hà nội trong chương trình Làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam ở Đồng mô.
"Người Tà Ôi cuối cùng xuống núi sống định cư năm 2012, nhưng về bên Lào..." Đăng Phú kể tiếp. "Ban đầu cũng vất vả lắm vì không thích nghi được cuộc sông định cư, nhà nước nuôi bao cấp và chi cho cuộc sống mọi người dân 4 năm liền mới quen dần". Thực ra còn việc cũng năm này là định cư 106 hộ dân lòng hồ thuỷ điện A lưới, cũng còn nhiều điều tới bây giờ không nói ra...
Đăng Phú kể về sự cạn kiệt rừng, "Động vật về xuôi hết còn đâu!" Rừng trồng đa phần là ngắn hạn nên về lâu dài sẽ trơ trọi không tạo dựng được rừng đa tầng Nhiệt đới! "Cây gỗ quý không chỉ lâm tặc, chính Kiểm lâm khai thác mang bán, em chứng kiến luôn." Đăng Phú bức xúc. "Em trông được 50 cây gỗ Sưa cũng khoảng 15 năm rồi nhưng không dám trồng xa, mất ngay."
Có vẻ nhà Đăng Phú là nhà khá giả, cậu 29 tuổi chưa vợ, các cô em đều lấy chồng có con, trong nhà có cả bà nội, ngoại cùng sống, cô em mới sinh con 2 tháng nên về ở. "Em phải về đây, bố mẹ vất vả làm nhiều thứ, cả các dự định khôi phục các văn hoá của dân tộc mình nữa.." Đăng Phú nói và rót rượu, một thứ nước đục như rượu gạo, uống chua chua vị ngọt nhẹ nhưng cũng làm chếnh choáng. "Nước từ cây Đùng đình đấy, khoét lỗ trên vỏ cây, một đêm được khoảng 4,5 lít, thả miếng vỏ của một cây đặc biệt khác làm men tự nhiên". Bố Đăng Phú giới thiệu. Phú chỉ ảnh chụp ở làng văn hoá "ảnh trên bài báo này là bố mẹ em đấy"!
Trên sàn nhà, một ít vải, cuộn sợi và các thanh gỗ tròn, Đăng Phú nói "Đây là khung dệt zèng, dệt vải của người Tà Ôi đấy." Dệt Zèng, vừa được công nhận là Văn hoá Phi vật thể Quốc gia tháng 1 năm 2017 này.
Tà Ôi -Pa Cô được quan tâm từ sau 1945, các cán bộ từng thời kỳ đến với dân, họ sinh sống trên núi cao dãy Trường sơn chật vật, trước 1945, thuộc Pháp để họ mù chữ và thậm chí không có họ, về sau dần dần mới có và có cả một nhóm mang họ Hồ (anh hùng Hồ Thị Can Lịch), ở xã A Roàng này hiện có 2 hộ người Mường và 10 hộ người Kinh, xã hội phát triển giao lưu thuận tiện, sự hoà nhập hay thôn tính là một vấn đề khó!
"Khách du lịch đông dần anh ạ, đoàn nước ngoài theo tour hay tự đi mô tô thậm chí cá nhân, em có chương trình ngắn và dài ngày từ ở chơi, tracking, đấy!" Viên Đăng Phú chia sẻ.
Trở lại món rượu mà cậu Đăng Phú mời uống, hóa ra cây Đủng đỉnh chính là cây Mắc Coọc mọc ven suối cạnh nhà khi xưa. Nó thân như cây cau, lá nhiều rậm, mọc thành bụi như họ tre vầu. Quả cả chùm như cau nhưng buồng to gấp chục lần. Quả bé như quả trám.
Ở Việt Nam Đủng đỉnh núi hay Đùng đình núi này được người dân tộc Cơ Tu trồng nhiều ở vùng núi của huyện Tây Giang (giáp biên giới Lào) với tên gọi là cây “Tr’đin”. Loài cây này cho loại rượu tự nhiên từ vết cắt gần ngọn cây gọi là “Rượu Tr’đin” ngon nhất ở núi rừng Trường Sơn nên cây đủng đỉnh núi có biệt danh là cây “Trường Sơn đệ nhất tữu”.
Cây “Tr’đin” (Đủng đỉnh núi) sống thích hợp nơi rừng ẩm ướt, râm mát, gần các khe suối. Các già làng người Cơ Tu miền sơn cước Quảng Nam cho biết nơi nào cũng có cây “T’vạt” nhưng cây “Tr’đin” thì chỉ có ở vùng núi Tây Giang, nơi sát biên giới Việt Lào.
Hiện nay có nhiều nước khai thác nhựa cây Đủng đỉnh núi và nhiều loại cây có đường trong Chi Cọ để chế ra các loại rượu vang nổi tiếng gọi là “palm wine” để phục vụ khách du lịch.
Ở Việt Nam, người dân tộc cờ Tu ở vùng Núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có kinh nghiệm “độc chiêu” là dùng vỏ hoặc lá cây rừng bỏ vào dụng cụ hứng mật cây “Tr’din” để lên men trực tiếp trên ngọn cây tạo ra một loại rượu có tên là “Rượu Tr’đin”. Loại rượu này dược mệnh danh là “Trường Sơn Đệ Nhất Tửu” mà nhiều báo chí trong nước ca ngợi hiện nay.
Về quy trình sản xuất rượu “Tr’đin” như ông bố Đăng Phú kể. Họ đục lỗ trên thân cây, phần thân dự đoán nhiều nước/nhựa cây nhất, cho một đoạn ống tre và treo một cái binh hứng như hứng mủ cao su. Bản thân nhựa cây này sau một đêm, tùy mỗi cây cho khoảng 5 lít chất lỏng, nhưng chưa sử dụng được. Nó cần phải được lên men. Đồng bào có một loại men tự nhiên đặc biệt. “Bố em lấy miếng vỏ cây thả vào bình, để mấy tiếng là lên men và thành rượu uống được.” Đăng Phú chia sẻ. Vỏ cây này là gì thì họ không cho biết, bí mật của họ.
“Không có nó thì rượu không ngon, nó là men đó. Người Cơ Tu có kinh nghiệm lấy vỏ cây chuồn, cây này có hai loại là Apăng và Zuôn. Lột vỏ hai loại cây này phơi khô, sau đó bỏ vào. Nó tăng nồng độ rượu, phần nữa không làm hỏng nước Tr’đin chảy ra. Thiếu vỏ chuồn thì sẽ không lấy được rượu. Nhưng bỏ càng nhiều vỏ chuồn rượu sẽ đắng, do đó phải bỏ vừa phải”.
Hà nội nhiều nhà, nhiều công sở trồng cây Đủng đỉnh làm cảnh, buồng quả ra rất đẹp nhưng không ai biết cách làm rượu hay chế nước uống nhỉ?