Đứa trẻ có hai tên

Dành cho sinh nhật tuổi 70.
dua-tre-1641378456.jpg

Tác giả (bên phải) cùng với ông trưởng tộc Họ Nguyên tại khu nghĩa trang dòng họ

 

 Năm Tân Mão*, chiều lạnh cuối năm. Một thiếu phụ tuổi 39 trở dạ. Người chồng vội vã gõ cổng bà đỡ đẻ của làng. Mấy cô con gái của ông léo nhéo chạy ùa theo. Từ mấy hôm trước chúng tranh nhau đặt tên cho em chúng, toàn cái tên giống các loài hoa mà chúng ưa thích ấy

   Từ nhà ngoài, ông nội già của bọn trẻ lặng lẽ đứng lên, sửa lại chiếc khăn xếp, thắp nén nhang lên bàn thờ. Ông lầm rầm nói những gì với tiên? Thằng con trại út của ông kia, nó đã không theo được con đường học vấn mà học nghề may, rồi ở lại đất Hà Thành, Mười tám tuổi ông gọi về quê cưới vợ cho nó. Đứa trẻ mà vợ nó sắp sinh ra là đứa cháu nội cuối cùng của ông.

  Thế sự cuộc đời thì không ai đoán biết được. Cũng một chiều đông rét mướt thế này vào năm 1946, vợ chồng thằng út tất tả dắt díu bốn đứa con nhỏ về quê lánh nạn. Bấy giờ quân Pháp đã quay lại tái chiếm thành phố

  Ông lẩm nhẩm lại cái tên ông định đặt cho cháu mình.

  Rồi đứa trẻ chào đời đúng giờ khắc gà lên chuồng. Mấy người anh người chị của đứa trẻ ùa đến. Chúng thò tay ngoáy rộng lỗ thủng ở vách, tranh nhau ngó mắt nhìn vào. Cửa buồng đóng kín, đống than được đốt lên đã đượm lửa hồng, nổ lép bép mang theo cả mùi thơm nồi mước lá bưởi đang sôi. Tiếng bà đỡ hồ hởi "Lại con trai nhé, Mợ trông đây này!". (Bà đỡ  là chị gái của cha bọn trẻ).

    Ngọn đèn giữa nhà đươc khêu cao lên, bừng sáng, hòa vào sự sôi động của mọi người chứng kiến sự ra đời của đứa trẻ. Phía bờ ao sau nhà tiếng kêu ếch nhái rơi tọt vào bóng đêm lúc nào cũng chẳng ai hay. Người cha của đứa trẻ tự dưng lúng túng vụng về, cứ đi đi lại lại, Người cha già vừa gỡ chiếc khăn xếp đặt lên bàn thờ rồi quay về phía con trại. Ông bảo: "Ngồi xuống đây, nghe cha nói".  Tiếng trẻ khóc từ buồng trong lọt ra yếu ớt như tiếng con mèo hen. Ông dặn:

-Vợ con rất yếu, lại sinh con lúc cao tuổi thế này, đứa trẻ phải được chăm sóc cẩn thận.

Ngừng một lát, ông nói cái điều mà ông đã chuẩn bị trước. Rằng :

 - Cha muốn đặt tên cho đứa cháu út của dòng họ nhà ta, được không? Khuôn mặt bồn chồn lọ lắng của cha đứa trẻ đã tan biến từ khi nghe tiếng khóc chào đời của thằng bé, nay rạng rỡ với cái cười  thật hiền lành.

- Dạ, vâng... con xin tên ông đặt cho cháu ạ. 

-Thằng bé này -tiếng ông trầm hẳn xuống chỉ đủ nghe cho hai người - cha muốn đặt tên là Khánh... Nguyễn Đại Khánh !.

Người con trai thoáng ngơ ngác nhìn ông. Ông nói tiếp như giảng giải :

- Theo phong thủy, KHÁNH được coi là pháp khí bảo hộ trấn giữ cô hồn dã quỷ, xua đuổi điềm xấu, tà dữ vây hãm con người, đem đến điều may mắn,

Trên ban thờ, những thanh nhang đã rụng hết tàn trắng, còn để lại ba đốm lửa nhỏ, đang le lói...

Đúng là đứa trẻ sinh ra bé bỏng, non nớt và yếu đuối. Mẹ nó bị hậu sản vì kiêng cữ quá lâu, hay vì cái chứng hẹn xuyễn khiến bà khó ngủ. Bà mất sữa. Nhưng mấy người chị của thằng bé không bận tâm điều ấy, chúng cũng chẳng tranh cãi nhau về cái tên của đứa em út này nữa. Chúng tranh nhau bế, tranh nhau đi xin bú nhờ hàng xóm cho đứa em bé xíu này. Chiếc võng đung đưa được căng giữa nhà, chúng cất lên lời ru em: "À ơi... Khánh vàng, Khánh bạc ngủ ngoan... mẹ còn đi cấy... cha làm đồng xa..".

Nhưng rồi, cuộc sống vùng thôn dã bất ngờ náo loạn. Cơn bão cải cách ruộng đất tràn về. Có tiếng gào thét ngoài ngõ với những con người đang bị kích động. Ông nội thằng bé cúi xuống nhìn đứa trẻ lên hai trước khi bị kéo ra sân đình đấu tố. Thằng bé mở to mắt nhìn ông nội nó, toe toét  cười.

Tội nghiệp, thân già và chốn lao tù khiến ông không chịu nổi. Vài tháng sau ông lặng lẽ ra đi. Ông không bao giờ biết thằng cháu Khánh của ông lớn lên ra sao.

Hậu họa đổ tiếp xuống gia đình thằng bé. Bố mẹ nó cũng bị liên lụy theo, tài sản cũng bị thu hồi hết. Đàn con bất ngờ nheo nhóc. Cha mẹ chúng từ thành phố về quê nào biết chuyện đồng áng ra sao. Anh con cả lớn nhất của cha chúng cũng chỉ 14 tuổi, còn chưa đủ sức để trông giữ một đàn em đang bồng bế lẫn nhau. Nhưng người cha vẫn dằn lòng bỏ lại chúng để đưa bà vợ hen xuyễn của mình lên rừng đốn củi, tìm kiếm mưu sinh. Mà lạ lùng thay, cuộc sống của cặp vợ chồng tiều phu ấy  lại chữa được cơn hen cho mẹ thằng bé. Nó cứ thế lớn dần lên trong yêu thương đùm bọc của mọi người.

  Vài năm sau gia đình chúng được giải oan. Thằng bé được tung tăng nô đùa cùng lũ trẻ hàng xóm. Nó đâu biết rằng nó còn cái tên thứ hai mà cha nó đặt cho.

  Ông nội mất, bà nội ở nhà buồn lo rồi đổ bệnh đi theo. Cha thằng bé, có lẽ trong tâm khảm mình ông còn áy náy vì làm trái với người cha khổ hạnh đã quá cố chăng. Ông không nói với ai về cái tên ông đã đặt, kể cả khi cha ông đã mất. Khi khai sinh cho con không biết cha thằng bé nghĩ đến điều gì?

 Cái tên KHÁNH vì thế cứ được gọi mãi trong nhà, trong họ tộc, và cả dân làng mãi mãi về sau. Khi cắp sách đi học thì thằng bé cũng học trường làng. Học bạ thì thày ghi theo giấy khai sinh, Ngoài giờ học nó mang tên ông nội nó đặt cho. Nó cũng chẳng để ý nhiều đến cái tên thứ hai cha đặt. Mọi thứ cứ chìm đi cho tới tuổi 15. Nó mang cái tẻn của cha đặt cho nó ra khỏi làng để đi học nơi xa lạ. Rồi còn đi mãi, đi

*

 Cánh đồng quê tôi, sát ngôi Đền Mẫu lính thiêng có hai khu nghĩa trang. Một khu rộng lớn, trong đó có môt khuôn viên tường bao quanh là nơi an nghỉ của các đời kế tiếp HỌ NGUYỄN LÀNG HIỀN LƯƠNG. Bắt đầu từ cụ tổ đời 7, đến ông nội tôi là đời 10, Con cháu dòng họ mỗi lần về quê đều ra đây thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên.

 Tôi đã từng đứng yên lặng rất lâu trước nấm mồ ông bà nội tôi trong khuôn viên đó. Tôi thầm nói với ông: “Ông ơi, con đây! Con là thằng KHÁNH bé bỏng của ông đây. Cả tuổi thơ của con, con đã mang theo cái tên ông đặt. Cho đến ngày nay cả họ hàng, làng xóm vẫn chỉ gọi cái tên này thôi. Đến các anh chị con biết cái tên thứ hai kia cũng chẳng mấy khi gọi nữa. Trong lần tôn tạo khu mộ tổ, tên KHÁNH của ông đặt cho, đã được vinh danh trước dòng họ, ông có nghe thấy không. Chính cha con đã gìn giữ cái tên này như để chuộc lỗi vì trái ý ông đấy. Bấy giờ, trong khoảng khắc con sinh ra, cha con đâu biết rằng cái tên KHÁNH ông đặt để xua đuổi mọi hiểm nguy cho con. Rồi  6 năm ở chiến trường Quảng Trị, bom đạn vây quanh, cái tên như từ cõi lính thiêng kia đã giúp cho con lành lặn trở về. Phải vậy không, ông nội ơi?

 Khoảng cách giữa hai nghĩa trang chỉ là môt con đường nhỏ.

 Tôi lại cúi đầu trước hai đấng sinh thành ở phía bên này. Tôi nói với vong linh của cha tôi: “Cha ơi, cái tên cha đặt cho con đã theo con suốt cả cuộc đời này. Những người bạn học xa quê, các thày dạy đỗ con, rồi đồng đội con đều gọi tên cha đặt. Cả tờ giấy chứng nhận huân huy chương của con được tặng vẫn chỉ một cái tên duy nhất ấy thôi. Con là thằng út mang tên TIẾN NHÂN của cha đây. Con nhớ một lần con hỏi cha về cái tên. Cha bảo, cha đặt cái tên NHÂN là chỉ mong thằng út sống có Nhân,  có nghĩa. Vâng, thưa cha. Con biết mình chẳng có tài cán gì, chẳng có một chút danh vọng nào trong đời. Con chỉ làm đủ bổn phận của một người bình thường trong gia đình và dòng tộc. Cũng có thể con là đứa trẻ yếu  đuối khi chào đời. Nhưng khi bước ra khỏi làng, trải qua bao trắc trở, con đã lớn lên rất nhiều.

Tên con cha đặt, cùng với tên ông nội đặt, là tất cả cuộc đời con cho tới hôm nay. 

 

* Ngày 5-1-1952 tức ngày 9-12 năm Tân Mão là ngày sinh nhật của tôi.

5-1-2022 – TN

 

Theo Chuyện làng quê