Đường Láng xưa kia dài 4.104m, rộng 10m. Từ đường Láng nhìn bên kia sông Tô lịch thấy 3 trận địa pháo phòng không: Doanh trại Cót (pháo cao xạ 100mm, nay là đầu cầu 361) bãi cao xạ 12/7mm (giữa phố Nguyễn Khang) Doanh trại Mọc (pháo cao xạ 100mm, ở đầu cống Mọc nay) ba trận địa pháo này được dân công huyện Từ liêm đắp đầu năm 1966, sau đắp đê bao chống lũ qua làng Giàn và đài TNVN mễ trì năm 1965. Sau làng Cót, Trung kính thượng, Hoà mục, Nhân chính là các cánh đồng lúa rông mênh mông. Từ mép nước bờ sông lên đường Láng (bên tả ngạn) từ mép nước lên đường rìa làng Giấy, Cót, Trung kính thượng, Hoà mục, Nhân chính người ta tận dụng đất trồng rau, tiện việc tưới tắm rau màu. Năm 1984- 1985 Thành phố cải tạo sông Tô lịch, người tham gia được phát bánh mỳ. Thế là các vạt đất cao thấp bờ sông trồng các loại rau biến mất. Thế là các bè rau muống giữa dòng cũng tiêu, Toạch các ngọn rau muống dài múp míp sau mưa- đặc sản ròn ngon ngọt... giờ chỉ còn trong ký ức. Từ những năm 1990 về trước người dân quanh vùng vẫn nhớ sông Tô lịch sạch lắm dọc sông còn lắm vó bè kéo vó. Nhớ tối tối hè nhau đi rình thanh niên trai gái tình tự trên bờ sông Tô. Trước năm 1997 khu Cầu giấy còn là thị trấn của Huyện Từ liêm vắng lắm.
- Vừa rồi vào nhà ông anh ở góc ngã ba Láng hạ ngoặt ra Đường Láng. Lòng bồi hồi chợt nhớ nơi đây 195x- 1970 khu đất mấy ha này là nghĩa trang người Tàu rộng mênh mông, xưa đường láng heo hút, vắng người qua lại. Bao nhiêu ký ức cũ ùa về trong tâm trí.
Khi đó Láng còn thuộc huyện Từ Liêm. Chưa có đường rẽ phải Nguyễn Chí Thanh, đường Chùa Láng, đường Láng hạ, đường TT Yên lãng. Từ đê La Thành xuống các làng Láng chỉ có đường đi được xe đạp hai bên là ruộng lúa, rau mầu (với đặc sản húng Láng). Từ ngã ba Cầu giấy- Bưởi dọc theo đường Láng, tới trường đảng Lê Hồng Phong không có một ngọn đèn đường nào sất cả. Tả ngạn sông Tô lịch và khoảng giữa đường Láng với rìa tây của ba thôn Thượng Trung Hạ bên trong là bạt ngàn bãi màu trồng rau. Láng Thượng và Láng Trung trồng nhiều rau kinh giới xà lách tía tô, bạc hà thìa là, rau thơm, rau mùi, rau dăm hành lá; đặc biệt là rau húng láng rất nổi tiếng- mùi thơm không ở đâu có được, nhổ về nơi khác trồng nhưng mùi vị sẽ khác hẳn ngay. Còn Láng Hạ thì lại thả rau muống dọc sông Tô. Cả ba làng mùa nào trồng cây vụ ấy như su hào cải bắp cà rốt cà chua, các loại rau củ cải.
- Trên dải đất của ba làng Láng có nhiều chùa cổ đình đền khá là linh thiêng. Láng Thượng có chùa Thưa thờ bà chị của Từ Lộ, chùa Nền thờ bố mẹ Từ Lộ rồi đến chùa Láng thờ Từ Lộ và hậu thân của ông là vua Lý Thần Tông. Láng Trung có đền Đại ở ngay cổng làng, chùa Mứng ở cuối làng. Láng Hạ thì ở đầu làng có đình Ứng Thiên thờ Hậu Thổ phu nhân, nhiều nhà dân tộc học cho đó là nữ thần Đất. Ngoài ra đình còn thờ Cao Sơn, công chúa Vĩnh Gia, hoàng tử Linh Lang và Từ Lương Tôn Thần. Con gái Làng Láng không có ai tên là Hạnh hay là Hoa cả vì kiêng tên huý của thánh Láng và một bà chúa được thờ tại đền Vườn thuộc thôn Láng Trung. Nếu ai không biết chót đặt thì không được gọi mà phải có một tên nữa để gọi thay. Đền Vườn ngày xưa linh thiêng lắm, trẻ con người ta không bế qua cửa đền, nhất là giữa trưa hoặc chập tối sợ các ngài thấy xinh xắn sẽ bắt mất. Nếu buộc phải qua thì người ta bế đi vòng đướng khác. Đình Ứng Thiên thuộc Phường Láng Hạ thờ Mẫu Địa nổi tiếng linh thiêng. Ngày rằm, mùng 1 đầu tháng Âm lịch đông không kém Phủ Tây hồ. Người ta kháo nhau rằng ai muốn mua bán nhà cửa đất đai cứ đến lễ cầu xin Mẫu, Mẫu đồng ý cho thì sẽ mua đươc, bán được. Còn nếu Mẫu không đồng ý cho thì đừng cố làm gì vô ích. Chả biết với người khác thế nào chứ tôi thấy đình bây giờ vẫn rất đông người đến lễ lắm.
- Phong tục cưới cũng rất khác: Ở Hà nội nhà gái thường yêu cầu nhà trai mang trầu cau bánh cốm mứt sen và trà để khi mời cưới chia cho họ hàng làng xóm và khi mời phải có thiếp để người được mời biết thời gian và địa điểm tổ chức cưới. Nhưng ba làng Láng không có thiếp, không có chia quà. khi cô dâu chú rể cùng làng. Nhà gái thì không bao giờ nhận tiền mừng của ai. Họ chỉ mang môt cơi trầu đến mỗi nhà thì bỏ một miếng trầu vào một cái đĩa nhỏ và mời "ông bà và gia đinh sang nhà tôi xơi lưng cơm rau mừng cho các cháu và vợ chồng tôi". Vì nhà gái không phải bỏ tiền làm cỗ cũng như mua sắm đồ đạc cho cặp vợ chồng mới nên họ không nhận tiền mừng. Tiền cỗ của nhà gái cũng do nhà trai mang sang.
Ngày xưa đường Láng có ba cầu nhỏ sang làng Cót, Làng Trung Kính thượng, làng Mọc. Rẽ vào cầu Cót, cầu Mọc phải qua đi bãi đất trống dài trăm mét có dư. Xin điểm phong cảnh và các di tích nằm ven đường Láng theo chiều từ bắc xuống nam- từ Cấu giấy xuôi về Ngã tư sở (Số nhà đầu đường Láng lại được đánh từ Ngã tư sở trở ngược lên Cầu giấy).
- Có biệt thự vườn trang nhã của nhà thơ Tú Mỡ (phía nam Viện kỹ thuật giao thông đầu Cầu giấy bây giờ) ở số 1236 đến 1248 đường Láng. Năm 1978, TP.Hà Nội mở rộng đường Láng, Nhà nước đã lấy 220m2 đất để làm đường, gia đình nhà thơ Tú Mỡ không lấy một đồng đền bù nào. Cạnh nhà thơ Tú mỡ có đồn công an huyện Từ liêm và biệt thự nhà ông phán Quýnh sát đồn công an phía bên kia. Trong hàng xà cừ thi thoảng có cây me đến mùa hái ăn sả láng. Tôi nhớ gần nhà cụ Tú Mỡ có cây me khủng nhất. Đường Láng xưa còn 1 biệt thự 2 tầng nữa cũng rất đẹp (ở vị trí cầu vượt CG- Bưởi bây g), đó là dinh thự của gia đình người Hoa rất nổi tiếng làm lạc rang húng lừu. Năm 78 có vụ người Hoa nên cả gđ này đã hồi hương.
- Duy nhất có 2 biệt thự đẹp xây từ thuở Pháp thuộc sát đường Láng trồng rau: Một chiếc là nhà hàng Hoàng Long (nhà Đỏ xưa làm trạm y tế làng Láng) gần cầu Cót, Đầu dốc xuống cầu Cót có miếu thờ xưa- nay vẫn còn chả ai dám phá, đối diện miếu này phía bên kia có 3 cây gạo cổ thụ- ai còn nhớ?
- Đi tiếp ba trăm mét nữa sẽ gặp 4 cột đầu làng Láng thượng xưa (có nhà ông lang Liêu chuyên trị cao dán mụn nhọt) Đoạn kho lương thực Láng Thượng kéo tới đường Láng Trung cũ bít bùng rặng tre pheo. Một cái biệt thự cổ nữa ở gần đầu phố Láng trung cũ (xưa là UBHC Láng) bà ba Mai bán rau ở làng Giàn được chia một góc quả thực.
- Ai còn nhớ phân xưởng nấu Hắc ín cung cấp cho quốc phòng 1967- 1973 khói đen là là mặt hồ nước phía trước chùa cổ và lò bánh mỳ gia công, cách Chợ láng hạ B vài trăm mét.
về phía nam. Lại nhớ một tháng Tôi phụ nhào bột, cân bột ướt cho anh hai Hoa đưa bánh mỳ vào lò nướng. Lò bánh mỳ gia công của anh Nguyễn Kim Phác (người làng Giàn tôi) cũng vang bóng một thời (Anh là Quản đốc xưởng Hắc ín, kiêm phó chủ nhiệm HTX hoá chất Cửu long, trụ sở Đường Tàu bay).
- Chỗ nay là góc ngã tư Láng- Láng hạ- Lê Văn Lương thập kỷ 197x, vốn là khu nghĩa trang Quảng Thiện thời Pháp thuộc.
Tôi là HSPT làm thêm nửa ngày ở khu này. HTX có chú người Tàu làm chủ nhiệm các tổ ép nhựa guốc dép nhựa, dán bao bì, thêu ren, đóng xe bò cải tiến, ép mỳ sợi gia công. Tối gác xưởng hãi bỏ bà, gió các ngọn phi lào rì rào, nước hồ giữa nghĩa trang vỗ bờ ì oặp. Dịp HTX làm lễ truy điệu Bác Hồ mất (9/1969) Tôi mới vào khu gian thờ, nhớ mãi giọng đọc lơ lớ của ông Chủ nhiệm toàn văn di chúc của Bác và bạt ngàn bài vị chữ nho trên các bậc ban thờ, rất nhiều cuộn giấy đường kính >1m để làm sách vở...Dân hoa kiều kín đáo ngồi dạt 1 góc cách xa thợ Việt nam chúng tôi. Lại nhớ chú Hồng Tàu nước mũi rỏ ròng ròng, chủ tổ quay mỳ sợi gia công nổi tiếng đường láng 1967- 1978. Đi đổi bột mỳ lấy mỳ sợi tò mò biết công đoạn nhào bột, cán sợi, hấp mỳ...nhận cái giấy hẹn chữ nho loằng ngoằng kèm nụ cười chả mất lòng ai của chú ba Tàu này, hậm hực về khi họ giao mỳ thành phẩm lỗi hẹn. Chao ơi, nhận mỳ sợi vừa đổi, nhón bỏ mồm sao ngon thế, đang đói mà. Năm 1977 nạn kiều, chú chuồn về TQ mọi người ồn lên chú giàu có nhờ vụ làm mỳ sợi nhất khoảnh khu vực Láng xưa.
- Có cửa hàng bán thực phẩm duy nhất giữa Láng hạ "Nhà Xanh" (quán bia ngã tư Láng hạ quặt trái ra đường Láng ngày nay). Đình Ứng Thiên thì nhỏ xíu, Tết đi vào còn phải lội, có ông Từ trông nom từ hồi đấy đến khi đền to đẹp như bây giờ. Giờ vẫn nhớ vẻ mặt tần ngần của mẹ, nhắc bố chuẩn bị tiền mua gạo, thực phẩm mua tem phiếu đến kỳ hạn chót, đâm nhớ quầy thực phẩm duy nhất bên đường Láng ngày xưa ơi.
- Ở lối sang Cống Mọc còn có miếu Vô Vi (có lẽ là một nơi thờ phụng của Đạo Giáo?). Qua cầu Mọc khoảng 200m có "Khu tập thể lắp ghép Yên Lãng", được xây dựng từ năm 1972 đến nay vẫn còn khu tập thể này. Cuối đường Láng đoạn gần đến Ngã tư sở hồi trước những năm 198x có 1 hàng phở và hàng chè đỗ đen khá nổi tiếng. Bà bán chè mặt rỗ cạnh chùa Miếu. Tôi hay đi qua đoạn này và thỉnh thoảng lắm mới có đủ tiền để vào ăn bát phở hay cốc chè. Hồi đó nhớ giá bát phở 5đ, chè 2đ/1 cốc to đại tướng.
- Đoạn chùa Miễu (khu tập thể lắp ghép Láng hạ) đến trạm y tế số 5 (đối diện cây xăng Ngã tư sở nay) tuyền là các nhà cấp 4 lấp ló sau các rặng cúc tần). Có cửa hàng lương thực và cửa hàng Bách hoá nhỏ bé, cách chùa Miễu không xa. Ven đường bờ sông khu vực cầu Mọc đến cầu Mới này còn nhiều téc xăng nằm rải rác. Ô tô thi thoảng vọt qua, xe đạp thời đó chả có nhiều. người dân gánh gồng đồ nông sản, trẻ con quét lá rụng về đun...Cánh đồng rau thum thủm khi HTX thúc phân bón...
- Đứng từ Ngã Tư Sở nhìn về phía Cầu giấy: bên trái đường có mấy cây xà cừ, đến mùa thì rụng quả gỗ to hơn quả bóng bàn, xe đạp đi vào là trượt bánh. Sáng sớm mùa đông vào đường Láng là như lạc vào chốn thần tiên, sẽ biết thế nào là sương phủ, tầm nhìn xa không quá 5m. Trên đường đa phần là người đi xe đạp, thỉnh thoảng có xe máy bật đèn màu vàng xua tan sương khói. Từ khoảng chỗ cây xăng đầu tiên thì có thêm một nhánh đường nhỏ cho xe làn đối diện, cách đường lớn một dải phân cách chính là hàng cây che rợp con đường nhỏ rất vắng ít khi được quét, lá rụng thành thảm, những hôm mưa đi rất nặng xe. Triền đê ven sông Tô Lịch là ruộng rau thơm, hương nhu, bạc hà. Bên phải đường cách quãng lại là ruộng rau thơm, rau xà lách nõn nà, xanh mướt; húng Láng thơm cả quãng đường, vì thế mà rau thơm ở Láng có mùi thơm đặc trưng như vậy. Nhưng có lúc buổi sáng đi qua thì tha hồ ngửi mùi nước tiểu bà con tưới tắm. Trên đường cũng có vài cây phượng to lắm ở mạn Láng thượng. Không thể quên mưa giông đường Láng. Sấm chớp rạch ngang trời, mưa ào ào xối xả, chỉ cần ra Ngã Tư Sở hoặc Cầu Giấy đã là ngoại thành xa lắc. Qua bao năm, giờ nghĩ về con đường vẫn sâu đậm hàng cây lâu năm, sương giăng và ruộng rau thơm ngạt ngào kỷ niệm. Vài chục năm sau thì rau húng, rau thơm Láng không còn nữa. Những ruộng rau bát ngát thay vào đó là nhà cửa mọc lên. HN của một thời khó khăn nhưng đầy ắp kỷ niệm. Nhớ trưa hè ve sầu kêu inh ỏi, râm ran suốt hai hàng cây xà cừ, sấu cổ thụ trải dài gân 5 km của đường Láng xưa. Bây giờ chỉ còn một hàng cây xà cừ mấy trăm năm. Nếu muốn hình dung cảnh xưa, xin mời đọc bài thơ "Đêm trăng đường Láng" của Thi sỹ Xuân Diệu. Nghề truyền thống lâu đời của Láng là trồng rau thơm cung cấp cho Hà nội hàng mấy trăm năm. Thời nay tấc đất tấc vàng, làng thành phố, đất trồng rau lui dần nhường chỗ cho nay xây nhà ở. Húng Láng mất đi và mất theo nó là đặc sản truyền thống, đổi thay nhiều nếp sống và sinh hoạt của làng rau nổi tiếng xưa của Hà nội chúng ta (2/11/2020).