VHPT - Phải nói, ở tuổi U90, một tinh thần lạc quan, không chỉ trong giao tiếp, trong sinh hoạt, chúng tôi cảm nhận được ở cả trong tâm hồn, từng bài thơ ông viết ra, sức làm việc không ngừng nghỉ không chỉ giúp ông minh mẫn tinh thần, hoạt bát cơ thể, cả hai ông bà sông vui, sống khoẻ mà còn sống có ích, thực sự truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Những thành quả của ông không chỉ là khối lượng khổng lồ các tác phẩm, mà chính bản thân ông cũng là một câu chuyện dài đáng được ghi nhận!.
“Có phải anh là Phúc không?” Một ông già, dáng nhanh nhẹn đi nhanh ra cửa gọi tôi khi tôi đang dừng xe bên cánh cổng biệt thự đã mở toang. “Tôi mở sẵn cổng chờ anh đấy.” ông đon đả đón khách và nói thêm:
- Chẳng là tôi tới muộn 30 phút vì phải hoàn thiện văn bản tới cho ông ký. Mặc dù cũng đã đọc một số giới thiệu, cũng được nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến kể qua, nhưng rất bất ngờ, một ông già nhanh nhẹn hoạt bát ở tuổi 88, U 90 ra đón đồng thời nhớ tên khách sẽ tới.
Một căn biệt thự lớn, hiện đại cạnh công viên Nghĩa đô. Phòng khách được vây xung quanh là các tủ sách, bên trong kín các loại sách. Dày có, bìa cứng có mỏng có. Lướt qua cửa kính, tôi kịp xem những tên sách quen thuộc từng đã đọc và gặp ở các nhà sách xưa. “Nhà tôi nhiều sách lắm, chỉ có sách là gia tài thôi.” Dường như đoán sự tò mò của tôi nên ông mặc kệ và im lặng một lúc, để tôi tự đứng và nhìn các tủ sách, một lát sau ông mới nói, đồng thời ra bàn rồi bảo tôi: “Anh ngồi xuống đi…” Lúc này chúng tôi mới bắt đầu làm quen và giới thiệu với nhau.
“Năm 18 tuổi tôi bắt đầu sang Trung quốc học và bắt đầu viết rồi.” Nhà văn, dịch giả Dương Thu Ái kể. Ông tên thật là Dương Văn Thụ, nhưng đi học vài năm, ông tự nhận thấy vần “T” xếp sau nên ít được chú ý, ông tự đổi tên thành Dương Thu Ái, vần “A” cho đầu bảng luôn. “Tới giờ, có lẽ rất ít người biết tên thật của tôi là gì!” ông cười khi kể chuyện.
Sau khi nhà thơ Đặng Quang Hưng viết về ông và đăng bài, nhiều báo, tổ chức đã tới lấy tin, bài cũng như phỏng vấn ông, rồi các tổ chức kỷ lục quốc gia, thế giới tới xác nhận thành quả của ông. “Tôi có 6 kỷ lục được xác lập, trong đó có một kỷ lục Thế giới.” Chỉ lên trên tường các chứng nhận kỷ lục cho tôi, nhà văn, dịch giả Dương Thu Ái giới thiệu, đồng thời, ông đứng lên dẫn tôi trở lại các tủ sách “Sang đây, cho anh xem các sách của tôi lâu nay.” Ông mở tủ, lấy từng cuốn sách và giới thiệu.
Thực sự tôi bất ngờ vì nhiều sách tôi từng đọc mấy chục năm qua, không hề để ý đến tên tác giả, dịch giả. Các sách tôi đọc do ông dịch nhiều. Từ sách tín ngưỡng (Phật giáo, Nho giáo, Khổng giáo), sách kỹ năng sống từ cổ chí kim (từ thời Đông chu, đến hiện đại ngày nay), sách lễ nghi, sách lịch sử, sách văn hoá, sách văn học, thơ… đặc biệt, rất nhiều truyện cười dân gian, là một trong những kỷ lục của ông.
Tên sách chắc các bạn cũng từng thấy và đọc như: “Tào Tháo” với 3 tập sách dày. “Chính trị mưu lược gia”, “Thích Ca Mâu Ni Phật”, “Nữ Hoàng Võ Tắc Thiên”, “Thánh Hiền Thư”, “Ngụ ngôn La Phông Ten”, “Khổng Tử với Luận ngữ”. Rất rất nhiều quyển khác, đa số đã lên màu thời gian vì chúng đã được xuất bản từ vài chục năm trước. Nhưng cũng rất nhiều cuốn mới xuất hiện, được xuất bản 2022 và 2023 như “Đánh thẳng vào hang sói” nhà xuất bản QĐND. “Trí tuệ của người xưa”.
“Các sách này được tái bản nhiều không ạ?” Rất nhiều sách hay, có cuốn không còn thấy ở các nhà sách nên tôi buột miệng hỏi. Ông dừng tay lấy sách, quay sang tôi, nói: “Không chỉ tái bản, mà rất nhiều lần tái bản, nhiều nhà xuất bản khác nhau, ngay cả chính nhà xuất bản lần đầu, họ cũng in số lượng lớn hơn số lượng công bố!” Lúc này thực sự tôi giật mình, tôi thường đọc sách, cũng đi hiệu sách và đã nhận ra được sách in lậu, in lố bản và thậm chí cùng một nội dung nhưng từ nhiều nhà xuất bản. “Họ có thông báo cho tác giả không ạ?” Tôi hỏi. Ông từ tốn đáp “Cũng có nhà xuất bản thông báo, trả bản quyền tượng trưng, nhiều nhà xuất bản không có thông báo, thậm chí xuất bản tới 5 lần nhiều năm sau đó.”
“Rồi, đi theo tôi, ta lên các tầng trên.” Ông đóng cửa tủ sách lại và kéo chúng tôi ra thang máy, vừa bấm số vừa nói “Tầng 2 là nơi tôi làm việc, các tầng trên nữa, tầng nào cũng có nhiều tủ sách, nhiều sách của tôi.” Vào tầng 2, căn phòng vừa là nơi ở, làm việc của hai vợ chồng ông. Tủ sách cùng các giấy chứng nhận, các huy chương, tặng phẩm, kỷ vật liên quan đến các tác phẩm cũng như các tổ chức đã tới xác nhận các kỷ lục và kết quả làm việc của ông.
Nếu bạn là người đọc sách và chăm đọc sách, thời gian làm việc mỗi ngày ở thời đại công nghệ, kết nối Internet, mạng xã hội, lấy đi của mỗi chúng ta rất nhiều giờ mỗi ngày. Ví dụ bạn đọc 1 cuốn sách trong 1 tháng. Mỗi năm bạn đọc khoảng 12 cuốn! 10 năm bạn sẽ có thể đọc 120 cuốn sách và 20 năm khoảng 250 cuốn sách! Đó là đọc, vậy nếu viết hay biên dịch, trong 20 năm, bạn có thể làm được, viết được bao nhiêu cuốn sách?
Một trong 6 kỷ lục của nhà văn, dịch giả Dương Thu Ái đó là số lượng sách xuất bản. Hôm nay tôi tới và chụp danh sách của ông, danh sách đang được ghi cho năm 2023 ở dòng thứ 264 và một cuốn mới ra chưa kịp ghi vào. Đó là 265 đầu sách mà ông từng viết, từng dịch đã được các nhà xuất bản in và công bố (tính lần in đầu tiên, có nhiều cuốn được tái bản hàng chục lần.) Như vậy, với người bình thường, chỉ có đọc thôi thì 20 năm đã không đọc hết số lượng sách ông đã viết và biên dịch!
“Có năm tôi xuất bản 30 cuốn sách!”, Ông khoe, đây cũng là một kỷ lục được ghi nhận về số tác phẩm của một người trong một năm xuất bản. Với rất nhiều chủ đề, lĩnh vực nội dung trong sách của ông đã xuất bản, trong đó có truyện cười cũng là một kỷ lục được ghi nhận. Về kỷ lục số lượng sách, được ghi nhận khi đó mới 245 tác phẩm (khoảng 8 vạn trang sách), nhưng tới nay, ở tuổi 88, ông vẫn đã và đang bổ sung thêm gần 20 cuốn sách mới!
Một trong các kỷ lục được ghi nhận khá lạ. Đó là bút, công cụ để ông thực hiện viết và dịch hàng trăm tác phẩm là được nhặt ngoài đường, ngoài phố, công viên khi ông và bà đi dạo, tập thể dục. Ngày nay chúng ta có máy tính, có chương trình để giúp cho các nhà văn, nhưng thế hệ của ông, chỉ có giấy và bút. Công việc viết và dịch thủ công hoàn toàn.
“Tôi thích làm việc và sống khoẻ vì làm việc!” ông vui vẻ chia sẻ về sức khoẻ, mắt tinh, tai thính. Lướt web, duyệt mạng xã hội, “Hai ngày tôi làm được một bài thơ, đều đặn đăng lên trang cá nhân, tới hôm nay là 1243 bài rồi.” nhà văn, dịch giả Dương Thu Ái mở iPag ra khoe với chúng tôi, và ông đọc to bài thơ của ngày hôm nay:
1243.BỖNG NHIÊN
Bỗng nhiên ý tưởng nảy sinh ,
Không ngừng nung nấu,nhiệt tình ruổi theo .
Mơ ước tốt đẹp bao nhiêu,
Ắt sẽ giúp bạn tạo nhiều thành công !
Ngày 16.1.2024 Dương Thu Ái
Phải nói, ở tuổi U90, một tinh thần lạc quan, không chỉ trong giao tiếp, trong sinh hoạt, chúng tôi cảm nhận được ở cả trong tâm hồn, từng bài thơ ông viết ra, sức làm việc không ngừng nghỉ không chỉ giúp ông minh mẫn tinh thần, hoạt bát cơ thể, cả hai ông bà sông vui, sống khoẻ mà còn sống có ích, thực sự truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Những thành quả của ông không chỉ là khối lượng khổng lồ các tác phẩm, mà chính bản thân ông cũng là một câu chuyện dài đáng được ghi nhận!
Các tác phẩm của ông, hiện đang được tái bản, xuất bản vi phạm bản quyền rất nhiều, nhiều nhà xuất bản vi phạm tái bản hằng năm tới 5 lần. Nhiều nhà xuất bản không xin phép, nhiều nhà xuất bản in vượt nhiều lần số lượng công bố. Với mỗi nhà văn, dịch giả, các tác phẩm là đứa con tinh thần, được công chúng đón nhận là điều hạnh phúc, thế nhưng các nhà xuất bản thực hiện nghĩa vụ của họ với tác giả, đó là sự tôn trọng tối thiểu trong xã hội.
“Các bạn bè tôi, các dịch giả cùng lứa tôi đã ra đi hết cả, chỉ còn mình tôi và tôi vẫn đang làm việc.” Ông chia sẻ khi chúng tôi vào thang máy đi xuống từ tầng 4. “Tôi dành thời gian để làm việc, để viết và dịch sách, không có khả năng và sức lực để đi đòi quyền lợi từ các ấn phẩm xuất bản được.” Đúng vậy, với người ở tuổi U90, làm sao có sức khoẻ, nắm được quy trình của pháp luật để đòi quyền lợi chính đáng được. “Thế nhưng, bằng mọi phương tiện, tôi sẽ rất vui nếu các anh chị giúp quảng bá, đưa được các tác phẩm, các kiến thức, nội dung trong sách này ra công chúng, tôi luôn ủng hộ”.
Ông rất hào hứng và hoan nghênh với đề xuất khi tôi nói “Hiện nay, để tiếp cần với công chúng, các tác phẩm sẽ có thể được tạo ra các tác phẩm phái sinh khác ở các phương tiện mới như Sách nói, Sách điện tử, Video hoá nội dung…” Ông sẵn sàng và cho phép, bất cứ nhà xuất bản nào muốn, tới làm việc với ông để xuất bản, tái bản, cũng như làm sản phẩm phái sinh. “Tôi uỷ quyền cho các anh chị toàn quyền xuất bản và thương mại các tác phẩm của tôi, hoạt động đúng pháp luật về quyền tác giả, tác phẩm nhé.” Ông dặn chúng tôi sau khi hoàn tất các văn bản trước khi chia tay và không quên hẹn tôi quay lại để ông kể về hành trình từng tác phẩm.