Duyên nợ ba sinh!

Chị Tư thỉnh thoảng cứ đi ra, rồi lại đi vào căn nhà trệt cũ kỹ của mình để mà ngắm nghía, từ đầu nhà cho tới cuối nhà, dễ đến mười mấy lần.
244386733-6874207259263423-1911791779464122161-n-1634095407.jpg
Ảnh minh họa

Chị cứ xịch đi xịch lại những chỗ chưa vừa ý, từ bộ vi tính để bàn của đứa con trai những ngày nó còn học phổ thông, những bức tranh treo tường, cho tới mấy cái giò phong lan móc hai bên hiên nhà, làm sao cho người ta lúc bước vào làm lễ sẽ cảm nhận được hết cái vẻ đẹp, tuy đơn sơ nhưng rất ngăn nắp dưới bàn tay sắp xếp của chị, rất đàng hoàng, tươm tất. Đã sáu mươi rồi nhưng chị vẫn thấy yêu đời gấp bội vì không còn phải nhọc nhằn sinh kế lo toan, trong lòng chị lại đang có niềm vui lớn bởi vì ngày mai là đám cưới của con trai - đứa con duy nhất mà chị lúc nào cũng yêu thương hết mực.

Thằng Phong - con trai chị - rất hiếu thảo, đại học ra trường loại giỏi được tuyển dụng ngay vào công ty dầu khí nước ngoài, lương phạn tính bằng đô-la, sau ba năm làm việc không biết giờ được bao nhiêu tiền nhưng hằng tháng nó đều đặn đưa chị mười triệu để chi tiêu tùy ý. Cứ đến ngày lãnh lương nó về, bỏ tiền vào cái phong bì màu trắng, đặt lên cái dĩa nhỏ rồi hai tay đưa cho mẹ, chị Tư rất cảm động bảo rằng con cứ để đó, cứ để trên bàn cho mẹ lấy, nhưng nhiều lần nó vẫn quyết, không nghe. Nhà chỉ có hai mẹ con, chị thầm cảm ơn Trời Phật khi đã cưu mang nó từ trong trại mồ côi, lúc ấy nó vừa lên ba tuổi, có một mình chị biết điều này, sống nguyện để dạ, chết cố mang theo, nhất định không nói cho ai biết. Mấy tháng trước, nó dẫn một cô gái về nhà, giới thiệu đây là người yêu của con đang làm giáo viên tiểu học, nó bảo chúng con rất tâm đầu ý hợp, quen nhau trong một buổi đi làm từ thiện tại một vùng xa xôi.

Chị Tư rất ưng bụng khi cô gái có khuôn mặt trái xoan, nét đẹp thùy mị, ăn nói với chị rất nhẹ nhàng, lễ phép. Chị chợt nhìn cô gái này sao thấy quen quen, hình như có gặp đâu đó rồi. Chị ráng lục lọi, moi móc trong cái trí nhớ già cỗi của mình mấy lần mà vẫn không được, sau cùng chị cũng tự an ủi với lòng chắc đã gặp ở trên chùa. Mấy ngày lễ lớn thiện nam tín nữ đi vãn cảnh chùa rất nhiều, nơi ấy ai cũng thành tâm, hoan hỉ, gặp nhau thì chắp tay chào theo cung cách tinh tấn của nhà Phật. Nhưng mà thôi, nhớ làm chi cho mệt bởi con trai chị sắp cưới vợ rồi, cứ nghĩ đến đó mà trong lòng chị lại thấy lâng lâng, không gì ngăn cản được. Con trai chị vốn sinh trưởng chốn thị thành nên xắp xếp cái đám cưới rất chu toàn, vì vậy chị chẳng hề đụng tới cái móng tay.

Ngày rước dâu, cả góc phố nhỏ đều trầm trồ, ai cũng ngoái cổ nhìn cho bằng được cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa sánh bước bên nhau, họ thầm thì sao mà đẹp đôi quá. Thỉnh thoảng, cô dâu cúi nhẹ đầu chào chị với ánh mắt hàm biết ơn, làm cho chị lại mang máng nhớ đến hình ảnh cô gái đã gặp đâu đó trên chùa, chị sung sướng trong lòng nghĩ rằng có lẽ Phật Trời đã gia hộ để chị có được nàng dâu hiền lúc tuổi già bóng xế. Tiệc cưới đãi sáu mươi bàn, khách khứa hai bên trai gái gộp lại trên sáu trăm người, nam thanh nữ tú, ai cũng ăn mặc đẹp như đi dự dạ hội làm cho trái tim chị Tư bồi hồi chộn rộn vì nhớ tuổi xuân thì, tuy nhiên chị cũng nén xúc cảm để mà cùng nhau nói chuyện chung vui với bên đàng gái, hai bàn sui gia được xếp trên cùng, sát sân khấu. Cô dâu chú rể chụp hình từng bàn lưu niệm, đến vòng thứ hai thì cô dâu thay bộ soa-rê trắng, rạng rỡ vô cùng với bộ đầm kim tuyến sát vai, để lộ hai cánh tay trần ngọc ngà, dưới vai trái có một cái bớt màu đỏ son, lớn bằng đồng xu. Chị Tư ngồi hơi xa nên cố giụi mắt để nhìn cái đồng xu cho rõ, chị cứ tưởng mình bị hoa mắt, cuối cùng thì chị xin phép bên nhà gái rồi tiến lại gần cô dâu để nhìn cho kỹ hơn. Ôi trời, đây là cái vết son màu đỏ rất quen thuộc mà chị đã nâng niu từ thuở nó còn nằm nôi, cái hình son đỏ thắm nằm phía dưới vai trái một chút, mà chị đã thương, đã nhớ suốt đời, chẳng lúc nào quên. Chị Tư lập cập như muốn xỉu, vội trở lại bàn sui gia để xin phép thưa chuyện. Thấy vẻ mặt Chị Tư tai tái, lộ vẻ nghiêm trọng nên cả hai họ vội vào ngay phòng trang điểm cô dâu để hỏi chuyện, trong khi bên ngoài hội trường vẫn ầm ỉ tiếng ca nhạc rộn ràng. Chị Tư bồi hồi xúc động, nói chẳng thành lời, thưa rằng:

- Tôi xin phép hỏi có phần đường đột, có phải cô dâu là con ruột của anh chị sui hay không?

Bà sui đàng gái dịu dàng đáp lại:

- Có chuyện gì vậy Chị Tư, nó chính là con ruột, tôi đã sinh ra từ lúc nó còn đỏ hỏn mà?!

Nét đau khổ hiện lên nét mặt, Chị Tư sụt sùi rơi lệ cứ hai tay ôm mặt mà khóc. Bất chợt, anh sui gái lấy vai chạm nhẹ vợ bảo rằng:

- Thôi thì bà cứ nói sự thật đi, để cho chị Tư bớt mủi lòng.

Chị sui gái do dự, nhưng thấy hoàn cảnh bi thương quá nên quyết định nói ra sự thật. Chị kể rằng hồi đó, trong cơn binh biến loạn lạc, thấy có đứa nhỏ bên đường kêu khóc vì lạc mất cha mẹ nên chị bế nó về nhà nuôi dưỡng, lúc ấy bé gái mới được có hai tuổi, sau nuôi lớn lên cho tới tận bây giờ. Nghe vậy, chị Tư cũng sùi sụt tiếp lời, lúc giao tranh ác liệt, súng nỗ rền trời, chồng chị ẵm đứa con gái nhỏ mà chạy theo dòng người di tản, chị chạy theo sau, rồi không biết hai cha con trôi dạt phương trời nào. Khi nhìn vết son đỏ trên vai cô dâu, chị nghi ngờ đó là đứa con gái ruột của mình đã bị thất lạc mấy mươi năm về trước. Chị Tư kể thêm, mỗi lần cho con bú, chị đều mân mê cái vết son đỏ mà hy vọng rằng con gái sẽ được một tương lai sáng lạn sau này, hèn gì hai mẹ con như có mối thần giao cách cảm mỗi khi gặp nhau, nhưng chẳng hề hay biết. Hai bên sui gia ngỡ ngàng, rưng rưng nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh hai mẹ con đã tìm được nhau. Bất chợt, nhà gái giật mình, lo lắng cho sự việc, biết đâu cô dâu chú rể chính là hai anh em ruột sự thể này biết tính sao đây. Đến lúc này Chị Tư mới nhỏ nhẹ thưa rằng:

- Xin hai anh chị sui gái cứ yên tâm, sự thật là từ khi bị mất đứa con, tôi đau khổ quá nên đến cô nhi viện mà xin một đứa nhỏ về làm con nuôi, họ cho tôi một đứa con trai ba tuổi, nay là thằng Phong đó.

Mọi người trố mắt ngạc nhiên, sau cùng là niềm vui vỡ òa trong sung sướng bởi vì cô dâu chú rể không phải là anh em ruột cùng huyết thống. Hai bên sui gia xúc động vô cùng, họ không thể diễn tả được bằng lời mà chỉ biết ôm nhau mừng mừng, tủi tủi với niềm vui sướng vô bờ bến. Họ kêu anh dẫn chương trình tiệc cưới vào trong rồi kể hết ngọn ngành câu chuyện, chỉ có anh ta mới giúp cho sáu trăm thực khách hiểu hết mối tơ duyên tao ngộ bất ngờ này. Cả hội trường tiệc cưới vừa nghe kể xong thì không hẹn mà nên, đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay vang trời, tất cả đều chúc phúc cho cô dâu chú rể, cùng người mẹ già gặp lại đứa con gái năm xưa.

Ông chủ nhà hàng tiệc cưới cũng là người hào phóng, ông quyết định tặng thêm bốn bàn thức ăn dự phòng để mang về, gọi là xin đóng góp chút ít cho niềm vui đôi trẻ. Chiều hôm đó, Chị Tư mở tiệc liên hoan tại gia đình, mời tất cả mọi nhà hàng xóm lân cận, ai ai cũng phấn khởi, muốn nghe cho bằng được câu chuyện kỳ lạ này, riêng Chị Tư thì không bút mực nào diễn tả cho hết được niềm vui khi Châu về Hợp Phố! *

 (*) điển tích: Châu về Hợp Phố

Theo Chuyện Làng quê