Em đã nằm ôm tôi trong ngày Liên Xô tan rã

Cuối mùa thu năm 1991, khi tôi đang học lớp 12, thì được tỉnh lập danh sách trình trung ương cử đi học tại Liên Bang Xô Viết (kiểu như phát triển tài năng trẻ của tỉnh). Đợt đi ấy có đến 43 bạn trên cả nước được sang Liên Xô học tập, trong đó có tôi và em. Em là con của một Phó Bí thư tỉnh Hà Nam Ninh cũ, xinh đẹp, duyên dáng, bởi thế tôi bị đứng hình ngay lần gặp đầu tiên tại Nhà Khách của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
em-nam-1639591370.jpg
Ảnh do tác giả cung câp

 

Sang nước bạn, chúng tôi may mắn được học tại trường Đại học Lomonosov danh tiếng. Họ chia chúng tôi ra các lớp, lớp tôi chỉ mỗi tôi và em là người Việt Nam còn lại là người Đông Âu và Trung Quốc. Cũng chính vì thế mà chúng tôi có cơ hội thường xuyên chuyện trò cùng nhau, quan tâm giúp đỡ nhau.

Thi thoảng, cứ vài ngày là chúng tôi lại qua phòng nhau chơi, hoặc cùng đi dạo trong công viên của nhà trường. Em hồn nhiên kể cho tôi nghe về gia đình, về những người bạn, về những câu chuyện trẻ trâu. Những lúc em im lặng không nói gì, là khi đó em lại nhìn tôi chăm chú. Chẳng hiểu thế nào mà tôi lại có thể kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện vô bổ đó. Thậm chí, tôi còn tỏ ra thích thú nghe em kể chuyện, dù rằng mình chẳng hiểu gì về những câu chuyện đó cả. Từ dạo đó, trước khi đi ngủ, tôi lại thoáng nghĩ về em, dẫu cho lòng vẫn dặn lòng là đừng nghĩ nữa, mình không xứng đáng với em đâu.

Học được hơn hai tháng thì thời tiết sang đông, mùa đông ở Liên Xô lạnh lắm. Thời ấy, nhiệt độ -20, -30 độ C lạnh cóng tay, ra ngoài dù đã đi giày lót lông nhưng cũng phải trải thêm bìa các-tông trên tuyết đứng cho khỏi tê chân. Hai bàn tay xoa vào nhau, hít hà cho đỡ buốt dù đã đi găng tay dày. Tôi vốn không chịu được lạnh nên mới sang đông vài ngày mà đã sổ mũi, hắt xì hơi, lúc đầu cũng chỉ vài tiếng ho, sau thì ốm nặng phải nhập viện khẩn cấp.

 Tháng 11 năm 1991 là những ngày cuối cùng của nhà nước Liên Bang Xô Viết, vậy nên xã hội thực sự rất hỗn loạn, đồng rúp mất giá, lương thực thiếu thốn, trộm cướp, duyệt binh, chống bạo động, đình công,...bệnh viện không đủ thuốc, lò sưởi của phòng bệnh thiếu khí đốt, tiêu chuẩn ăn của bệnh nhân bị cắt giảm, bác sỹ thì bỏ bệnh viện để đi biểu tình...Trong lúc tôi đang bệnh tật như thế, với tôi thực sự là một cơn ác mộng.

  Nhập viện được một tuần thì em đến thăm tôi cùng với một cán bộ quản sinh của nhà trường. Em bảo, nhà trường cử em đến chăm sóc cho tôi. Tôi biết em nói dối, em đã tình nguyện đến đây thì đúng hơn. Tối hôm đó, tôi lên cơn rét, bác sỹ lấy thêm chăn cho tôi đắp nhưng vẫn không thể đủ ấm, hai hàm răng của tôi vẫn run cập cập đánh vào nhau kêu cốc cốc. Em cứ loay hoay bên giường bệnh như muốn giúp tôi nhưng không biết phải làm gì. Thấy thế, bác sỹ bảo với em "Hãy nằm xuống bên anh ấy" (Пожалуйста прокладывать, tạm dịch). Một chút chần chừ, ngượng ngùng, nhưng rồi em cũng cởi áo khoác ngoài, mặt đỏ ửng từ từ nằm xuống bên tôi. Em chui vào chăn và ôm tôi, mùi thơm từ mái tóc em, vòng tay em siết chặt, dẫu đang ốm nặng nhưng không tránh khỏi một cảm giác kỳ lạ khó tả chạy dọc xương sống của thằng đàn ông lần đầu tiên trong đời được con gái nằm ôm, toàn thân tôi tê dại, đầu óc lâng lâng, tâm lý căng thẳng vô cùng. Nằm bên, em thì thầm "cố lên anh, hãy cố lên anh, em sẽ ở bên anh", có cái gì đó xúc động, yêu thương, ngọt ngào không thể lột tả.

Nằm thế được một lúc thì nhiệt từ người em truyền sang, người tôi ấm dần, tôi lim dim thiêm thiếp đi vào giấc ngủ. Nửa đêm tỉnh dậy, quay sang, em cũng đã ngủ từ lúc nào. Trong ánh đèn mờ ảo, em đẹp như một nữ hoàng, mấy lần miệng tôi cách mặt em chưa đầy vài xăng ti mét để chuẩn bị làm thứ mà thằng đàn ông nào cũng muốn làm, nhưng sợ em thức giấc, lại thôi đành nằm im. Em đã nằm ôm tôi như thế cho đến sáng ngày hôm sau. Đó là một cái ôm đầu đời và dài kỷ lục. Đêm hôm đó (21/11/1991) chỉ mỗi hai chúng tôi là không biết Tổng thống Gorbachev đọc lời tuyên bố giải tán Liên Xô, thế nên tình hình hơn 700 lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô khó khăn mong manh hơn bao giờ hết.

Những ngày tiếp theo em vẫn vào thăm tôi đều đặn, chăm sóc và mua cho tôi vài thứ, có hôm em cũng ngủ lại, có điều vì tôi không lên cơn rét nên em không phải nằm ôm tôi nữa. Cứ hôm nào tôi đỡ hơn là đêm đó hai đứa thức trò chuyện thâu canh.

Chữa trị được vài tuần thì lành bệnh, tôi rời bệnh viện, vừa về đến ký túc xá thì nhà trường báo tin có nhân viên đại sứ quán phụ trách lưu học sinh cần gặp, linh tính có điều gì đó chẳng lành, tôi nhanh chân lên văn phòng khoa, tại đó họ báo cho tôi biết là bố tôi đã mất sáng hôm qua và có ý sẽ làm thủ tục cho tôi nếu tôi muốn về chịu tang bố. Trời đất như quay cuồng, tôi đổ gục xuống, đau đớn vô cùng.

Sáng ngày hôm sau tôi ra sân bay Domodedovo. Chia tay tôi, em đã khóc rất nhiều, tôi cũng vậy, tôi cũng khóc như một đứa trẻ, cũng chính vì vậy mà chúng tôi chẳng nói với nhau được câu nào, chẳng một lời yêu, chẳng một lời thương, chúng tôi cũng không nói với nhau một lời hẹn ước bởi cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng, theo vé khứ hồi thì vài tuần sau chúng tôi sẽ lại được bên nhau.

 Về Việt Nam, tôi được biết cái chết của bố tôi bí ẩn, cảnh sát đang tập trung điều tra nguyên nhân về cái chết của ông ấy. Sau đám tang bố, mẹ tôi vẫn cứ ngất lên ngất xuống, tiều tụy hẳn đi, tôi lo lắng lắm. Rồi cuối cùng cũng đến ngày bay, tôi lưỡng lự, không nỡ để mẹ ở nhà một mình trong lúc này, nên hoãn chưa sang.

 Thế rồi bệnh tim mẹ lại tái phát, mỗi ngày một nặng thêm, thần chết lúc nào cũng rình rập lấy mất mạng sống, bên cạnh đó cảnh sát cũng cần tôi hợp tác để điều tra về cái chết của bố. Nhà chỉ còn hai mẹ con, bởi vậy, tôi quyết định ở lại bên mẹ, học tập ở quê nhà, không sang Nga nữa. Sau nhiều ngày do dự, tôi báo cho em về sự lựa chọn của mình. Thư trả lời của em nước mắt lâm ly buồn thương lắm. Những tháng ngày tiếp theo chúng tôi vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với nhau. Trong thư chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm nồng nàn đằm thắm lắm, dẫu vậy từ "yêu" vẫn chưa kịp nói ra. Thời gian này thỉnh thoảng tôi lại được nhận những món quà nho nhỏ từ nước Nga xa xôi gửi về.

Cứ thế được ba năm thì bỗng nhiên em mất liên lạc, tôi đã tìm mọi cách nhưng không thể kết nối được với em, tôi cũng đã viết thư cho lớp em học, cho gia đình của em... nhưng không có thư nào được hồi đáp. Tôi thương nhớ em, đau buồn hụt hẫng, rồi nghĩ rằng sau này có điều kiện sẽ về quê tìm em.

 Sau khi ra trường, cuộc sống mưu sinh làm cho hình bóng em cũng dần vào quên lãng. Dẫu hôm nay đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng mỗi khi vô tình ai đó nhắc đến nước Nga xa xôi, nhắc đến tên em là nỗi nhớ em lại ùa về, hoài niệm về em làm tôi xao xuyến trong lòng, những lúc như thế trái tim tôi lại bồi hồi thổn thức và lại muốn đi tìm em. Em ơi, giờ em đang ở nơi nao?

Theo Chuyện quê