Gặp gỡ trong làn khói hương (Dâng lên cha mẹ)

Tôi mê man nhìn đàn cháu nhỏ đang nô đùa ở khu mộ gia đình. Chúng bỏ qua mọi lời nhắc nhở của cha mẹ chúng. Gần các bia mộ, những thanh nhang mỏng tang mang theo đụm khói nhỏ, ngan ngát hương, bay bay...
gap-go-1628611133.jpg
 

   Bất chợt một bàn tay đập nhẹ lên vai tôi. Tôi run rẩy nhận ra cha mình. Ông già gần tới tuổi 90 vẫn mặc bộ quần áo ngủ kẻ sọc ngày nào. Tay ông cầm chiếc gậy trúc,  đầu gậy bịt một mẩu sừng hươu cong cong, mà một người già Nghĩa Lộ ra thăm, tặng ông. Đỡ chiếc gậy và né người cho ông ngồi xuống bên cạnh, Tôi run run, lắp bắp: "Các cháu... các cháu còn nhỏ... nó... nó chưa biết..." . Ông cười: "Kệ chúng, nó đâu có nhìn thấy cụ... cả cha mẹ nó cũng chẳng trông thấy ông".

  Ngày cha tôi xắp đi xa, con cái vây quanh ông nghe lời dặn dò. Có ai đó trong tiếng nức nở, hỏi ông: "Cậu dặn dò gì cho các cháu không? ". Ông thều thào, đôi mắt già mua đã ngấn lệ: "Không... chỉ bảo chúng nó lấy vợ đi ".

  Ở cái tuổi 89 của ông chưa có một đứa cháu dâu nội nào,  kể cũng quá muộn màng. Nhưng các cháu trai của ông có lỗi gì đâu. Bây giờ tôi nói như thanh minh: "Cũng tại Cậu, tại Cậu ngày ấy chỉ hỏi chuyện học hành chúng nó, nên mới thế. Cả năm cháu nội của cậu kia đều tốt nghiệp đại học cả rồi đó sao". Tôi chỉ tay vào từng cặp vợ chồng các cháu đang vây quanh khu mộ. Đôi mắt ông hấp háy cười nhìn theo đàn chắt nhỏ của ông đang nô đùa, đuổi bắt nhau.

  Phút yên lặng đã làm nhòe khu mộ. "Giá như... Cậu sống thêm vài năm nữa - tiếng nói của tôi nhỏ dần đi". Ông xoay người nhìn vào thằng út của ông, thì chính ông lại vỗ về an ủi nó: "Mệnh người  thì không thể cưỡng lại được đâu con".

   Những thanh nhang buông những sợi khói xanh mỏng tang, ngan ngát vẫn  bay bay...

  Tôi chợt nhận thấy trên cổ cha tôi vẫn khoác cái thước dây ngày trước, một làn gió nhẹ thổi đến làm cho nó đung đưa. Tôi vội nắm lấy và ngước lên: " Ở dưới đó cậu vẫn làm thợ may sao?". Ông không trả lời. Có lẽ cha tôi đang quay về quá khứ và lần theo những kỷ vật mà tôi đang gìn giữ. Từ bức ảnh thời ông đi hoc ở trường Pháp- Vit (1930) tới tờ giấy hôn thú của cha toàn dấu tay điểm chỉ (1934), hộp kim tiêm thời kháng chiến chín năm, những bức thư, những tấm hình... và cuối cùng là cuốn hồi ký của cha viết dang dở. Tất cả những thứ ấy ông cất dấu trong cái tráp gỗ của bà nội tôi (2004) như một phần riêng tư của riêng ông. Tôi nghẹn lòng nói như một đứa con có lỗi với cha mình: "Con đã mang theo về quê định đọc lại cho con cháu nghe, nhưng lại thôi ". Cha tôi vẫn yên lặng. Bất chợt Ông dướn người lên, với tay như định gọi ai. Có lẽ đó là thời điểm cha tôi nhìn thấy mẹ tôi. Có cái gì nhói nhói buốt đau trong ngực khi tôi  ngước lên nhìn theo hướng tay ông chỉ.

   Mẹ tôi - người mẹ tuổi 49 đang tới gần. Tôi buột thành tiếng gọi: Mợ ơi!”.

  Bà mặc chiếc áo màu be, mái tóc dài  xõa sũng nước. Bà ngơ ngác nhìn tôi:

 - Thằng út đây ư ? tóc con sao bạc trắng cả rồi kìa?

 Vô tình những giọt nước từ tóc bà bắn sang mắt tôi.

 - Con đây... con đã gần 70 tuổi rồi...

 Tôi đỡ bà ngồi xuống bên cạnh. Bộ áo quần  của bà chạm vào tôi khiến cả người tôi lạnh toát. Tôi run rẩy hỏi: "Đêm mưa bão thế sao Mợ còn đi chợ ?... Lại không gọi Cậu con dậy đóng cửa nữa?"

 Bà không trả lời. Đôi mắt bà vẫn ngơ ngác của người từ thế giới bên kia trở về. Làm sao bà có thể biết cả đám đông cháu chắt đang vây quanh khu mộ này. Ngày bà đi xa để lại bảy đứa con, chỉ hai đứa lớn đến tuổi mới đi làm, còn đều đang đi học. Bà đã từng mơ một ngày có được những đứa con dâu, con rể kia. Chúng đã không kịp đến trước lúc bà đi xa, nay lại kéo một đàn cháu chắt đến đây. "Sao thế Mợ... sao Mợ lại gỡ tay con ra... trong đêm mưa bão ấy - tôi cố gặng hỏi, và chờ đợi". Bà ôm lấy tôi: "Con là thằng út hay làm nũng lắm đấy". Trong khoảng khắc tôi đã trở thành cậu bé chưa tới tuổi lên 10 để dũi mặt vào lòng mẹ nó - người mẹ tuổi 49 cả đời tần tảo nuôi con, không được một ngày an nhàn.

 Hôm trước, mấy anh em tôi đã đưa mấy chục con cháu lên chiếc xuồng máy đế đi dọc con đường ngày xưa của bà. Thằng bé lên mười ngửa mặt nhìn mẹ nó: "Mợ có trông thấy các cháu đi trên xuồng không?"  Mẹ nó nhả một miếng trầu để lộ cả hàm răng đã nhuộm đen, tay vuốt ve mái tóc thằng út. "Mợ đã đi cùng lên xuồng để giữ từng đứa một, cho nó khỏi ngã... Mợ thấy cả lúc con đưa bọn trẻ chụp hình bên cây thông già hơn trăm tuổi nữa - tiếng bà nói thoang thoảng như tiếng gió".

 Tôi đã dấu bọn trẻ chuyến đi này.

 Cái nơi chúng đang tụ tập chuẩn bị xuống xuồng là nơi có luồng nước từ đầm đổ xuống ngòi. Cơn lũ oan nghiệt năm ấy, đã dìm đắm con thuyền của bà chúng nó (1961).

 Lúc trên xuồng... tôi đã có lúc nghe thấy tiếng mái chèo khua dưới nước của mẹ lẫn trong tiếng động cơ đang rền rã. Cứ 5 ngày một lần, mẹ tôi lại dạy từ lúc gà chưa gáy, chèo con thuyền nan lênh đênh trên hồ nước hơn 3 tiếng đồng hồ, đi chợ Vân Hội, nuôi cả lũ chúng tôi. Phiên chợ cuối cùng cách đây đã gần 60 năm về trước.

Từ ngôi đền bà Âu cơ bên cạnh vừa đổ một hồi chuông dài. Có lẽ người nào đó vừa tới, đang cầu kinh nơi cửa phật. Nắng chiều đã tắt từ lúc nào. Bọn trẻ thôi nô đùa và ngước nhìn về phia cha mẹ chúng. Tôi cầm chiếc gậy trúc có cái mẩu sừng hươu bịt đầu đặt vào tay cha và đỡ cha tôi đứng lên, cùng lúc mắt tôi lại chạm vào mái tóc buông xõa đẫm nước sông của mẹ....

  Trên những nấm mồ, những thanh nhang mỏng tang đã thành tàn trắng đang uốn cong xuống, những đụm khói xanh đang thu dần... thu dần lại.

  Tôi thảng thốt nghe thấy tiếng vọng từ trong làn khói: "Các cháu sẽ chẳng biết tới ông bà... nếu các con  không..." - tiếng vọng ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi tan ra...

   Một cơn gió lạnh vừa lướt qua khu mộ.