Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương ba - Cuộc tái ngộ bất ngờ

Phạm Việt Long

24/08/2021 04:08

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương ba

HUYỀN THOẠI MỚI

 

Cuộc tái ngộ bất ngờ

 

Khi nói tới trạng thái tức giận hay thâm thù của con người, các cụ ngày xưa bảo rằng giận bầm gan tím ruột. Về nghĩa bóng, câu nói này giầu hình ảnh, giúp người ta dễ dàng hình dung rõ một trạng thái tinh thần khi liên tưởng tới một trạng thái thể chất. Còn về nghĩa đen, câu nói này cũng đầy tính chân thực. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng các trạng thái tinh thần của con người đều làm cho họ tiết ra các loại hoá chất, mặt khác, chính các loại hoá chất đó lại điều chỉnh, tạo nên các trạng thái tinh thần khác nhau của con người. Khi con người ân ái với nhau xong, trong trạng thái thoả mãn tràn trề, cơ thể tiết ra một loại hoá chất khiến cho con người mau chóng đi vào giấc ngủ êm đềm và nhờ đó mà nhanh chóng hồi phục sức khoẻ. Khi con người phấn chấn, cơ thể cũng tiết ra những hoá chất giúp họ thêm hưng phấn và thêm khoẻ khoắn. Ngược lại, khi ủ ê, hoá chất được tiết ra càng làm cho con người mệt mỏi, chán chường. Còn nếu như cứ nuôi dưỡng mãi lòng hận thù cùng những âm mưu đen tối, cơ thể sẽ tiết ra những chất độc gây hại đến nội tạng, khiến người ta bị bầm gan, tím ruột. Quá trình sống đầy hận thù, đố kỵ, ghen ghét như vậy sẽ làm cho cơ thể tiết ra và tích luỹ một lượng lớn chất độc làm hại chính bản thân con người. Quy luật này đã vận vào nguyên Chủ tịch Hoàng Phu. Lần ấy, sau trận tăng huyết áp kinh hoàng, may nhờ thầy nhờ thuốc bệnh viện Bạch Mai thuộc trình độ siêu đẳng, lão Phu qua khỏi. Nhưng khi cơ thể đã hồi phục dần về thể chất, thì hồn vía lão lại dở chứng. Hôm ấy, bà Kim vừa đi chợ về thì giật bắn mình vì nghe thấy một tiếng thét:

- Con mụ Minh kia, khai đi!

Trấn tĩnh lại, bà Kim nhìn quanh nhà thì thấy lão Phu đang đứng ở lưng chừng cầu thang, chỉ tay về phía mình. Trong ánh sáng mờ mờ, lão Phu chỉ là một bóng đen run rẩy với cái đầu hói lắc la lắc lư. Bà hỏi:

- Ông quát ai đấy?

Lão Phu vẫn chỉ tay về phía vợ, cười sằng sặc:

- Ta biết hết rồi, khai đi, thằng Nguyên kia. Con Lài là con ở nhà mi, bị mi bóc lột còn chối nỗi gì?

Lão buông thõng tay, lẩm nhẩm những gì trong miệng không rõ. Đầu lão vẫn lắc la lắc lư. Hoảng quá, bà Kim chạy lên ôm lấy vai lão Phu lắc lắc:

- Ông ơi, ông tỉnh lại đi. Tôi đây mà!

Chưa thấy lão phản ứng gì, bà Kim nắm mấy sợi tóc lơ thơ của lão giật mạnh một cái. Lão Phu giật nảy mình, khuỵu xuống, ú a ú ớ. Một lúc sau, lão mới đứng thẳng lên được, miệng đầy nhớt giãi, ngơ ngơ nhìn vợ bằng cặp mắt vô hồn, mấp máy đôi môi:

- Thôi, tôi về, về nhà, không đấu tố nữa!

Cả nhà lão Phu nháo nhào nhao lên về căn bệnh tâm thần mới phát của lão. Có lẽ phải đưa Ông đi Trâu Quỳ cũng nên. Nhưng nghe nói vào đó, người ta tiêm nhiều thuốc lắm, hại thần kinh, có hết điên cũng trở thành người ngây dại, lại thôi. Cậu con rể có hiếu tên là Hối chạy hết bác sĩ này đến ông lang nọ hỏi han về bệnh tình của bố vợ. Anh giấu, không nói người bệnh là nhạc phụ của mình, sợ người ta cho rằng như thế là nhà vô phúc. Nghe một người bạn mách tận Thái Nguyên có một bà lang chữa bệnh tâm thần rất giỏi, cậu bàn với gia đình đưa Ông lên xem sao.

Hôm ấy, tinh mơ tờ mờ thì gia đình đưa lão Phu ra xe ô tô. Chỉ có gia đình biết chứ hàng xóm tịnh không một ai hay. Đích thân cậu con rể Hối cầm lái ô tô. Bây giờ, đất nước đã khấm khá, lớp trẻ làm ăn được, nhiều người tậu xe ô tô sang trọng và tự lái là chuyện thường tình. Cùng đi với lão Phu có bà Kim. Lúc này, lão chẳng nói chẳng rằng, cun cút làm theo lời vợ con. Ngồi vào xe rồi, lão nhìn quanh bằng cặp mắt thẫn thờ vô cảm.

Không phải hỏi thăm nhiều vì anh bạn của Hối đã vẽ hẳn một bản sơ đồ khá chi tiết đường đi đến nhà bà lang. Anh bạn dặn rằng cứ đến đầu làng, tự khắc có người chỉ đường vào nhà bà. Những người dân quê ở đây đã quá quen với việc chỉ đường cho khách phương xa đến làng mình nhờ bàn tay cứu độ của bà lang. Cứ thấy xe ô tô tới thì thế nào cũng có một chú bé hay một cậu thanh niên ra tự nguyện chỉ đường. Chỉ dẫn vô tư, miễn phí chứ không như các chú chàng ở khu vực đền bà Chúa Kho dẫn đường nhằm mục đích vụ lợi, đưa khách vào mua đồ tế lễ ở nhà hàng của mình với giá cắt cổ khiến Thánh cũng phải lè lưỡi. Vùng quê này hẻo lánh, chưa nhiễm phải máu thị trường.

Tách khỏi đường huyện, xe đi vào con đường xã trải bê tông xam xám chạy dưới hai hàng bạch đàn thân trắng lốp. Đường nhẵn và êm, tạo cảm giác yên lòng cho khách tha hương. Cuối đường là làng Đại Khê. Làng này đẹp một cách hiền hoà. Rặng tre bao quanh làng nhìn xa giống như giải khăn xanh mềm mại quấn quanh, giữ hơi thở ấm áp của thôn xóm. Trong ánh nắng buổi sớm và trong màn sương mù bảng lảng, rặng tre khe khẽ xao động, dâng lên hơi thở phập phồng của miền quê êm ả. Đến gần, thấy thân tre và lá tre ánh lên sắc xanh đằm thắm, lại pha lẫn sắc vàng óng ả sang trọng. Đầu làng có một cái ao lớn nước trong văn vắt. Một nhóm thanh niên đang vun trồng mấy khóm hoa bên bờ ao, thấy xe đến liền dừng tay, bước lên đường ra hiệu cho xe dừng lại. Một cậu thanh niên da ngăm ngăm ghé sát vào xe hỏi:

- Các bác tới nhà bà lang phải không ạ?

  • Vâng, chúng tôi tìm nhà bà lang - Hối trả lời.
  • Vậy thì các bác để cháu đưa đi. Nhà bà lang ở tận cuối làng, tìm hơi khó.

Hối với tay mở cửa xe. Cậu thanh niên nhanh nhẹn ngồi vào xe và đóng cửa lại. Xe chạy ngoằn ngoèo trong làng. Nhìn quanh, nơi nào cũng có những vườn cây ăn quả với những cây xanh lấp ló quả chín vàng, chín đỏ hoặc những vườn hoa khoe sắc muôn màu. Tới một khu vườn có hàng rào bằng cây ruối xanh đậm, cậu thanh niên bảo Hối dừng xe cho ông bà Phu xuống trước, còn xe tiếp tục đi một đoạn nữa để đến bãi đỗ. Khi xuống xe, bước qua cổng nhà bà lang, bỗng lão Phu đứng sững lại. Lão giơ hai tay lên trời, rồi sụp người xuống lạy. Vừa lạy, lão vừa cầu khẩn:

- Lạy ông địa Nguyên! Ông tha tội cho con! Ông đừng bắt con đi theo ông!

Bà vợ bị bất ngờ, cũng sụp xuống cùng lão Phu. Hối đã cất xe ở góc bãi, đi vào, thấy thế liền đỡ bố mẹ vợ dậy. Nhưng lão Phu không chịu đứng lên mà chỉ ngước cặp mắt đờ đẫn nhìn về phía trước. Từ nãy tới giờ chỉ chú ý đến bố mẹ vợ, Hối không hiểu lão Phu nhìn thấy gì mà sợ hãi đến thế. Bây giờ, nhìn theo hướng mắt của lão Phu, Hối cũng giật nảy mình. Phía ấy, có một vườn cây thuốc xanh rì, ở giữa vườn nổi bật lên hình hài một người nông dân cao to lừng lững, quần áo âm lịch, đứng chống nạnh nhìn ra. Ánh nắng buổi sáng rực rỡ chiếu chênh chếch khiến cho khuôn mặt ấy bừng lên với nụ cười hiền hậu cùng cái nhìn nghiêm nghị. Định thần một lúc, Hối mới nhận ra đó là một bức tượng đá, cao to gấp rưỡi người thật. Lão Phu chỉ vào bức tượng, run rẩy nói:

- Địa chủ Nguyễn Nguyên đấy. Ông ta đang hỏi tội bố tố điêu. Lạy đi con!

Hối xốc nách lão Phu, ép lão đứng thẳng dậy:

- Bức tượng thôi mà, Ông!

Lão Phu chưa hoàn hồn, dựa vào Hối, run rẩy bước qua vườn cây thuốc, nơi có bức tượng đá tạc hình người nông dân, đi vào nhà bà lang.

Lúc này, bà lang đang ngồi một mình, mắt chăm chắm nhìn ra cửa. Bà chậm rãi nói:

- Mời ông bà vào. Tôi đang chờ ông bà đây!

Khi ba người đã yên vị, bà lang bắt mạch cho lão Phu, vẻ mặt tĩnh lặng, đôi mắt mở nhưng không nhìn vào đâu. Trên gương mặt phúc hậu của bà không bộc lộ một cảm xúc gì, chỉ hơi căng lên biểu hiện một sự tập trung cao độ. Bà chậm rãi nói:

- Ông có bệnh mà không có bệnh. Bệnh ở trong tâm. Tâm tĩnh thì bệnh lui!

Trong khi bố mẹ ngồi với bà lang thì Hối xuống nhà ngang thăm hỏi, chuyện trò. Anh chỉ về phía bức tượng, hỏi một cô gái người tròn lẳn, má bầu bĩnh:

- Em ơi, tượng ai đấy?

Cô gái trả lời với vẻ thành kính:

- Ông không biết ạ? Đây là tượng cụ Nguyễn Nguyên, thân sinh bà lang đấy ạ!

Vui miệng, cô gái kể câu chuyện về bà lang Lài như một huyền thoại mà cả làng Đại Khê này đều truyền tụng. Chuyện rằng bà lang Lài quê ở một vùng đồng bằng trù phú. Trong nạn đói năm một chín bốn lăm, bố mẹ, anh chị bà lang đều chết đói, để lại bà lang nằm thoi thóp bên cổng chợ. Bà được gia đình ông Nguyễn Nguyên đem về nuôi nấng, chăm sóc. Bà coi gia đình ông Nguyên như chính gia đình mình và ông bà Nguyên như chính bố mẹ đẻ mình. Nhưng rồi, Đội Cải cách về, đã quy cho ông Nguyên là địa chủ và cô Lài là người ở, bị bóc lột. Đội phát động cô lên đấu tố ông Nguyên. Cô thật thà nói: "Cháu không bị bóc lột gì cả! Cháu là con nuôi. Nhưng nếu bảo cháu là con ở cũng được, vì là con ở mà có người nuôi còn hơn phải đói khát ngoài đường!". Đội cho rằng cô chưa nhận thức được bản chất bóc lột gian ngoan quỷ quyệt của giai cấp địa chủ cho nên kiên trì phát động. Đội còn phái thằng Tèo sang lấy tình giai cấp động viên Lài lên đấu tố địa Nguyên. Hồi ấy Lài lớn hơn Tèo chừng ba bốn tuổi nhưng cái khôn ngoan lại không bằng thằng oắt con này. Nó ngon ngọt dụ dỗ cô Lài cùng với nó lên đấu tố ông Nguyên để xoá sạch giai cấp địa chủ, giải phóng giai cấp cùng khổ như nó và Lài. Đôi mắt sáng và sắc lạnh của nó cứ nhìn xoáy vào mắt Lài, như thôi miên. Miệng nó không ngớt lặp đi lặp lại câu nói: "Lão Nguyên là địa chủ. Chị phải lên tố khổ!". Chịu không nổi sự o ép của Đội, một đêm trời đen đặc, Lài bỏ làng trốn đi. Mãi sau này cô mới biết rằng ngay tối hôm sau, với tội danh địa chủ cường hào gian ác, và với tội ác mới nhất là giết cô Lài người ở vứt đi mất xác để bịt đầu mối, Nguyễn Nguyên đã bị xử bắn ngay trong buổi đấu tố. Khi sửa sai, gia đình ông Nguyên được hạ xuống thành phần Trung nông lớp trên. Nhưng mọi sự đã muộn, ông Nguyên đã về nơi chín suối. Cô Lài đi mãi, khi đầu đường lúc xó chợ làm thuê kiếm ăn qua ngày. Rồi cô lưu lạc lên miền rừng núi này. Cô bị lạc trong rừng cả tuần lễ, chỉ lấy quả rừng và nước suối làm nguồn sống. Hôm ấy, men theo triền núi hái quả chín, cô xảy chân ngã xuống vực. May sao, một bầy khỉ đã đưa cô về hang, lấy lá rừng dịt vết thương cho cô. Cô tỉnh dần. Bầy khỉ nuôi cô bằng hoa quả rừng, chữa vết thương cho cô bằng lá rừng. Vết thương kín miệng, lên da non. Khi sức khoẻ của cô đã hồi phục hoàn toàn thì có một tốp thợ săn của làng Đại Khê mải đuổi theo con mồi đã đến hang núi này, bắt gặp cô với hàng đống lá rừng bên mình. Họ đem cô về, chăm nom chu đáo. Rồi dân làng cất cho cô một ngôi nhà nho nhỏ trên một mảnh vườn lớn. Cũng từ đấy, không biết có phải do học được ở bầy khỉ cách lấy lá làm thuốc cứu người hay không mà cô Lài trở thành bà lang của làng. Dần dần, bà lang Lài nổi tiếng khắp các vùng về tài chữa bách bệnh. Bà giỏi nhất là chữa các bệnh về tâm thần. Nhiều người điên khùng xé cả quần áo, ăn rác ăn rưởi nhưng lên gặp bà lang, nghe bà khuyên nhủ và uống thuốc bà bốc cho, chỉ vài tháng sau đã khỏi bệnh. Khi cuộc sống khấm khá lên, bà lang mời thợ tận dưới Ninh Bình lên tạc bức tượng đá toàn thân ông Nguyên theo trí nhớ của bà. Bức tượng dãi dầu phong sương dễ có đến vài ba chục năm rồi mà vẫn tươi mới, sinh động như người thật.

Sau một hồi được bà lang Lài bấm huyệt và chuyện trò, lão Phu đã ổn định tinh thần. Lão vái ba vái cảm tạ bà lang rồi theo vợ con ra xe ô tô. Xe chạy vài chục cây số rồi, lão Phu mới hốt hoảng kêu lên:

- Chết rồi, quay lại, quay lại để tôi tạ lễ ông Nguyễn Nguyên.

Anh Hối vỗ về lão:

- Con tạ lễ rồi ông ạ!

Thấy bố vợ trầm ngâm, Hối nói tiếp:

- Khi con trả tiền thuốc, bà lang không nhận, bà bảo bố là người quen, bà giúp. Nhưng con vẫn đến dưới chân bức tượng ông Nguyễn Nguyên khấn vái và đặt lễ cầu mong cho bố mau khoẻ mạnh!

Bị thôi thúc bởi một điều bí ẩn, Hối mạnh dạn hỏi bố vợ một câu mà anh cho là thất lễ:

- Ông ơi, dưới tóc phía sau gáy ông có một nốt ruồi to lắm phải không ạ?

Lão Phu câm như hến. Thế là Hối hiểu. Tính ông già này là thế, đặt câu hỏi gì đối với Ông theo thể khẳng định mà Ông không trả lời, thì cứ coi như Ông đã công nhận, ngược lại, Ông sẽ đùng đùng quát tháo bác bỏ. Hiểu chuyện rồi, Hối không dám nói tiếp nữa. Bà lang Lài có dặn Hối rằng lão Phu có cái nốt ruồi phản trắc phía sau gáy, về nhà phải tìm cách tẩy đi và dặn lão phải tu nhân tích đức thì mới khỏi được bệnh. Nếu không, bệnh sẽ phát ngày một nặng. Người bệnh lúc ấy có thể chất rất khoẻ, nhưng tinh thần lại điên khùng, luôn luôn cắn xé, ăn bẩn ăn thỉu, có khi ăn cả phân của mình, đập phá lung tung. Trời sẽ bắt người ấy sống rất lâu, trăm tuổi chưa là giới hạn cuối cùng, để ông ta phải chịu đựng những nỗi thống khổ của cuộc đời. Hối lấy làm lạ, không hiểu tại sao bà lang vùng rừng núi này lại hiểu về ông bố vợ mình đến thế, nhưng anh không dám hỏi bà lang. Hối tự nhủ khi về Hà Nội sẽ đưa Ông đến Trung tâm thẩm mỹ thuê bác sĩ giỏi tẩy nốt ruồi sau gáy cho Ông bằng tia la de và sẽ lựa lời khuyên Ông tu tỉnh tính tình. Việc tẩy nốt ruồi, vào thời buổi công nghệ tiên tiến này, là chuyện nhỏ. Nhưng tẩy rửa tâm hồn, thì thời nào cũng vậy, phải do chính con người tự lo, gay go và phức tạp lắm. Anh Hối tự nhiên thấy bồn chồn trong dạ...

Xe bon bon trên con đường cái quan. Từ xã ra huyện là đường bê tông, từ huyện sang tỉnh toàn là đường nhựa, cho nên xe chạy êm như ru. Đất nước ta chuyển mình mạnh mẽ, hiển hiện ở ngay những con đường cứ vươn mãi về các vùng sâu vùng xa xoá đi cái nghèo nàn đói kém. Vùng rừng núi này đẹp lạ thường. Nhìn về phía núi, xanh rì cây cối. Nhìn về phía thung lũng, vàng rực lúa đang vào mùa thu hoạch. Trời đang ngả về tối. Hàng cây xanh bên đường xẫm lại, lướt vùn vụt phía ngoài cửa kính. Cả ba người trong xe đều trầm tư. Lão Phu xốc xốc áo, rụt cổ, ngồi thu lu trên ghế, trông xo xúi, không còn cái dáng vẻ oai vệ như khi ngồi xe cơ quan hồi còn đi làm nữa.

 

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương ba - Cuộc tái ngộ bất ngờ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn