Gọi tên cái, tên con - Hồn quê đây, phong tục hay đang dần bị bỏ

Hồn quê, chất quê, sức sống âm ỉ quê hương là cách gọi tên cái tên con như vậy, cả một dòng họ quá khứ cha ông hiện về. Đi sâu tìm hiểu kỹ mỗi một cặp tên gọi như thế đều có căn cơ, có tích, có sự tích cả.
261128539-4562970620485664-5276039624089593611-n-1639121003.jpg
Ảnh minh họa

- Viết về vùng đất x. Nam Sơn, h. Đông Yên... nhiều gắn bó

- Viết về phong tục gọi tên của bố mẹ, ông bà... theo người con đầu lòng được sinh ra, bất kể là trai hay gái , đặc biệt là của vùng quê nông thôn trước đây phía Bắc.

Hồn quê, chất quê, sức sống âm ỉ quê hương là cách gọi tên cái tên con như vậy, cả một dòng họ quá khứ cha ông hiện về. Đi sâu tìm hiểu kỹ mỗi một cặp tên gọi như thế đều có căn cơ, có tích, có sự tích cả.

Cũng phải xin thưa và xin lỗi các bạn và người đọc, nếu trùng tên nhà mình trong bài viết này thì cũng là do tên nhà mình đặt rất hay, rất ý nghĩa nên hay trùng. Vậy chúng ta phải vui vì được lịch sử làng quê nhắc đến, không nên trách cứ phàn nàn để bụng.

1. Phong tục:

Ngày trước các gia đình ở quê khi sinh con đầu lòng tức là người con cả, là bố mẹ, thậm chí ông bà cũng gọi tên theo người con cả, cháu cả bất kể trai gái. Ví dụ ở quê gọi:

- Nhà bác Hùng Chính, thì người con tên Hùng, bố tên là Chính.

Và theo đó nâng lên cấp độ tỷ dụ như ông bà nội được gọi ông trẻ Hùng Chính, tuổi cao nữa gọi là bủ Hùng Chính. Còn tên thật của mẹ anh Hùng, ông bà nội ngoại anh Hùng sẽ ẩn đi, thậm chí các cháu có thể không biết tên thật của ông bà cho đến khi... tinh tinh tùm. Nhưng dân làng biết đấy là 1 dòng họ, 1 triều đại của gia đình ấy của quê mình. Con cháu anh em nhà các vị ấy khi có việc, khi cần hỏi đến chỉ nói đến tên cái tên con là người ta đã biết, đồng thời định vị được luôn vị trí chỗ ở của gia đình, gia thế quan hệ .

Ví dụ như đại gia đình thuộc loai "TÔNG TO HỌ LỚN" trong làng quê như gia đình các ông, các bủ: Thuyên Thăng, Hùng Cự, Tuấn Đắc, Nhu Phú, Nha Huỳnh, Hải Niệm, Ngân Vóc, Chinh Đồng, Nhất Thuyết, Nhân Nga, Oanh Ước, Dung Lạc, Dung Giai, Long Hợp, Hiểu Hợp, Giá Hợp, Khanh Hợp, Thỏa Hợp, Chính Hợp, Quỳnh Quý, Quỳnh Quyến, Quý Quyền, Oanh Ước, Cương Cừu, Mai Căn, Lân Lơ, Lân Lưu, Chương Hải, Chiểu Nhuận, Cấn Được , Hai Triệu, Tiền Triệu, Thùy Thụy, Thu Thảo, Toàn Bạ, Hanh Tuyển, Chung Phương, Loan Thường, Chương Hải, Chinh Tường, Giang Soạn...

Trong chúng ta tự liên hệ bản thân mình, nghĩ đến mình cũng là con cháu được gọi tên theo cách gọi đó, gia phả của mình.

2. Về âm lượng khi gọi:

Tức độ nhấn khi gọi tên cái tên con, kiểu có trọng âm cũng rất hay và có cung bậc tỉ lệ về âm thanh. Âm nhấn giọng hơi gằn một chút. Khi gọi tên cái tên con 100% âm, thường được nhấn âm vào một từ chính khoảng 60 và 40 trọng lượng âm, hoặc 45-55 âm. Ví dụ: gọi bác Chinh Chước thì:

- Chữ Chinh nặng khoảng 40% âm

- Chữ Chước khoảng 60% âm nhấn.

- Hoặc như gọi ông Tuấn Đắc thì Tuấn âm 45-Đắc 55 âm nhấn.

- Ông Vĩnh Yên âm 40-60.

-...

3. Hồn quê ăm ắp

Người ở quê nào tôi nghĩ cũng thấm đẫm chất quê, ngấm vào máu thịt những văn hiến của quê hương, văn hóa riêng của nơi chôn nhau cắt rún từ bao đời truyền lại.

Hồn quê 1:

Ở quê việc các gia đình chọn đặt tên cái tên con khi hiểu họ cũng tránh cùng tên.

Ví dụ như nhà bác kia gọi là Cừ ĐẠI, thì đối nhà kia gọi là ông Cừ Thế, nhà này thì HIỀN HÒA nhà kia là HIỀN HỮU. Hoặc đối lập nhau trong gia đình nhưng lại có gì đấy thống nhất, ví như: Bà Ca Nhạc chuyên đỡ đẻ, thì có em ruột là ông Viết Thủy chuyên thổi kèn đám ma... Hoặc đặc điểm của gia đình, ví dụ:

- "Dọn nhà bà Nha dọn ra dọn vào", ấy là người ta biết nhà bủ Nha Huỳnh xưa to lớn rộng rãi, nếu dọn dẹp nhà cửa không khéo có khi đồ chỗ này dọn sang chỗ kia rồi thấy vướng lại dọn lại.

Hoặc "lạch bạch như bủ Hồng Trạch" thể hiện dáng vẻ...

Hoặc tên là Nguyên là rất hay nhưng mỗi nhà gọi riêng một cách, như các gis đình:

- Nguyên Chất, Nguyên Tắc, Nguyên Mắm, Nguyên Vi, Nguyên Phương... toàn Nguyên riêng từng vị, từng gia đình, từng mùi không pha trộn.

Hoặc âm thầm để tạo nên một chuỗi giá trị nếu ghép tên các gia đình vào:

- Nhân Thể, Chương Trình, Nghi Binh, Toàn Quốc...

- Rồi tên đủ các nước: Nga Pháp, Đài Loan, Trung Quốc, Châu Á...

- Rồi tên đồ dùng sang trọng như: Ấm Đồng, Chén Trà, Sành Sứ...

Rồi tên các gia đình đủ hương mùi: Ngũ Vị , Mùi Quận

Âm thanh: Ca Nhạc, Chinh Đồng, Phê Quốc...

Rồi các phẩm hàm ngày xưa một thời oanh liệt vẫn được gọi như: bủ đồ Ẻn, ông thừa Phương, lý Trụ, lý Nhu, lý Sâm, lý Tỵ, cựu Chính, cựu Kha, phó Thau, Chưởng bạ Long, quản Trạch... con cháu những nhà ấy hỏi là người ta chỉ cho tận nơi.

Hồn quê 2:

Cách đặt tên "lóng" những người con theo tên bố mẹ, hoặc có đặc biệt riêng cá nhân là 1 kiểu ở quê, càng có hiểu biết xã hội người ta càng thâm sâu cách gọi tên cúng cơm, vừa vi diệu ẩn ý. Ví như:

Nhà bủ Thanh Lạc, ông cụ bố có tên là Lạc, vậy người con trai thứ tên là Điểm. Bạn bè trêu gọi tên anh là Điểm "ngẫy" tức là "ngẫy lạc". Nhưng đến đời cháu tên là Đồng, thì gọi là Đồng" vê" , chữ "vê" được cao thủ đặt tên vì khi nhắm Rượu với Lạc rang phải "vê" hạt lạc cho bong vỏ. Hoặc như nhà cụ Nhân Nga, cụ bố tên là Nhân, các con được bạn bè gọi là Ngọc "lõi" , Hùng "lõi" , vì "lõi" bên trong giữa cũng như là "nhân" bánh ở trong.

- Hoặc như gọi anh kia là Quý "tai" vì bố anh ấy là bủ Hùng Cự có tên là Nải, nải chuối cũng gọi là "tai" chuối. Hoặc mẹ anh kia tên là bà Thông, anh ấy được gọi là Hòa "thốc", nhiều người không hiểu cứ gọi vậy đến khi lịch sử được vỡ òa, à vì mẹ là Thông con biệt danh là "thốc" tức là Thông thốc.

Những danh đệm ấy đã là một nền văn hóa, một hồn quê của vùng ấy dù gọi có người phố thị không quen cho là hơi sỗ. Nhưng với quê hương đấy là thân thương. Ví dụ khách xa đến hỏi giọng lễ độ như:

- "Anh ơi làm ơn cho hỏi nhà anh Thắng ở đâu ạ!" , hỏi thế nhiều khi chịu chả ai biết.

Nhưng hỏi:

- Dạ, nhà anh Thắng "toét" ở đâu là biết liền, được chỉ liền. Anh Thắng thật ra không bị "toét", nhưng vì bố anh ấy là ông cụ Sáng Nhất, nên bạn bè anh ấy phản pháo đóng đinh anh ấy là Thắng "toét".

Rồi Mỹ "tơ", Doanh "én", Nga "don", Bắc "ninh", Thu "thảo", Lâm "kiu", Chức  "tỉn", Tụ "thính", Tuấn "nô", Hòa "mận", Đạt "cống", Hà "êm", Đức "điếc", Hoàn "ngọng", Ký "cốp", Tuấn "thở", Bình "củ", Đống "trà", Sơn "tút", Sơn "thiệp", Toàn "ốc" , Nhất "gầy", Liên "loe", Quỳnh "cổ", Trung "ngọng", Bình "è"... là biết liền.

Có những tên đệm theo tính cách nổi danh suốt đời mà quê hương cũng tự hào, như bác Minh "lì" ngày nhỏ nổi tiếng về can đảm, nhà bác gần sông nước lũ to về thấy cây gỗ lớn trôi bác nhảy xuống dìu cây gỗ theo dòng nước vài cây số mới vào được bờ rồi bán lấy tiền giúp gia đình. Sau này nhập ngũ qua các chiến trường từ thời đánh Pháp, rồi Mỹ rồi trở thành cấp cao trong quân đội, rồi dạy bao bác sĩ quân y trưởng thành.

Hồn quê 3:

Việc đặt tên con, trước bố mẹ trẻ hay hỏi các bậc trưởng thượng trong dòng họ để đặt tên. Ví dụ như nhà kia đẻ con người bên nội thì đặt tên con gái mình là Loan, là Phượng nhưng không cẩn thận có khi gặp bà ngoại hay bủ bên ngoại kêu lên: ấy, ấy tên đó là tên của mẹ chồng tao hay bà của mẹ tao là lại chuyển sang gọi chệch đi là Phụng, là Lan. Hoặc ngày trước các cụ thâm trầm Nho gia kết hợp với đẻ nhiều và kỳ vọng đặt tên con cái theo dãy đẹp, kiểu theo sê-ri cho thỏa tinh hoa.

Như ở cái vùng x. Nam Sơn, h. Đông Yên... rất nhiều gia đình 2 vợ chồng quyết chí đẻ dãy sê-ri cái tên đẹp trong một nhà để có nhiều phúc đức, thổ trạch, họ thi đua căn me nhau đẻ mấy con là cùng sản xuất ra số lượng, đối nhau chan chát, cũng vì chả phải sinh đẻ theo kế hoạch như nay. Ví dụ như đại gia đình 7 con được đặt tên theo dãy có ý nghĩa, có giai điệu, có nhạc, có vần:

- Văn, Thông, Thái, Lễ, Bái, Tạ, Ơn

- Gấm Bảng Khôi Nguyên, Nhân Đức Chính

- Thông Hồng Khối Của Bền Lâu Đài

- Chính Sự An Ninh Thường Thái Dụng

- Màu Mè Trê Chép Bống Lang Bang

- Đinh Lim Sến Táu Xoan Mít Dổi

- Công Ngỗng Ngan Nghê Trình Cừu Thỏ

- Sắc Thanh Minh Thọ Trà Sinh Thủy

- Bộ Tịch Quyển Sách Sớ Dò Ty

-...

Hồn quê tiếp:

Có những dòng họ gia đình chủ định đặt tên con cháu theo một chữ cái đầu như

- Chữ H: Huỳnh, Hùng, Hằng, Hổ, Hoa, Hương...

- Chữ Q: Quốc, Quân, Quất, Quát, Quận, Quản, Quang...

4. Bây giờ

Rất ít người gọi tên bố mẹ theo con nữa, họ gọi theo tên của vợ chồng như: Nhất Nga, Chí Xuân, Mai Phương, Thảo Minh, Thắng Hà, Thắng Ngân, Dung Chữ...

Nên cũng chả biết là con cháu nhà nào. Muốn biết phải hỏi đến 2, 3 cấp nữa mới biết à ra vậy.

5. Thay lời muốn nói

Kể ra cách gọi tên cái tên con của các gia đình cũng là một nền văn hóa lâu đời, sức sống mãnh liệt, nối tiếp đầy truyền thống từ đời nọ sang đời kia... Và đặc trưng đặc biệt của các tỉnh miền Bắc lâu đời, không giống gọi chú Ba, chú Tư như Nam Bộ. Kể ra về văn hóa cũng nên tôn vinh, bảo tồn giữ gìn phong tục gọi tên cái tên con và có thể đề nghị xếp vào VĂN HÓA PHI VẬT THỂ thì cũng rất được.

Bây giờ bị bỏ dần không gọi bố mẹ theo tên cái tên con nữa cũng đáng tiếc. Xin cảm ơn các bạn đọc đồng cảm về phong tục đẹp này và quan tâm, chia sẻ với nhiều người.

* Sài Gòn sáng chủ nhật - Ngày 29/11/2020

 

Theo Chuyện Làng Quê