Góp phần tìm hiểu “Công tác đối ngoại của Vatican trên lĩnh vực văn hóa”

Dưới sự hướng dẫn của Giảng viên TS. Trần Phương Chi, nhóm tác giả Trần Ngọc Bảo Trâm - Nguyễn Thị Lan Anh - Trần Bảo Hà - Nguyễn Thị Tuyết Giang - Nguyễn Thị Ánh Dương - Nông Thị Ngọc Ánh - Phùng Diệu Hương (Khoa truyền thông và văn hóa đối ngoại của Học viện Ngoại giao) vừa thực hiện đề tài “Công tác đối ngoại của Vatican trên lĩnh vực văn hóa”, Vanhoavaphattrien.vn trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

b1vatican1-1684854611.jpg

 Vatican là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, với diện tích chỉ vỏn vẹn có 0,5 km2, lọt thỏm trong thành Rome (Ý). Nguồn: bienphongvietnam.gov.vn


1. Tổng quan về đất nước và công tác đối ngoại văn hóa của Vatican
Vatican có tên chính thức là Thành quốc (Vatican Status Civitatis Vaticanae - tiếng Latin), là một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ bao gồm một vùng đất được bao kín bởi tường thành kiên cố, nằm giữa lòng thủ đô Rome thuộc lãnh thổ của Cộng hòa Ý. Với diện tích vỏn vẹn 0,5〖km〗^2 và dân số khoảng 1000 người, Vatican hiện đang là quốc gia nhỏ nhất thế giới cả về diện tích lãnh thổ và số lượng cư dân. (6) Bên cạnh đó, đất nước nhỏ bé này được coi là trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo La Mã (hay Công giáo) nên mọi tín đồ Công giáo trên toàn thế giới đều là những “đứa con” tinh thần của Vatican. 
Quốc gia này được thành lập năm 1929 thông qua việc ký kết Hiệp ước Latêranô giữa Tòa thánh (Holy See) và Ý. (23) Hiệp ước này đã thiết lập nền độc lập của nhà nước Vatican. Trong đó, hiệp ước công nhận quyền tuyệt đối cũng như quyền bất khả xâm phạm của Đức Giáo Hoàng (ĐGH). Vì vậy, Vatican chính thức là một nền quân chủ thần quyền duy nhất tại Châu Âu do ĐGH nắm quyền lực tuyệt đối bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với Vatican. Ngoài ra, các viên chức cao cấp nhất của đất nước này đều là các giáo sĩ thuộc Giáo hội Công giáo La Mã xuất thân từ nhiều quốc gia khác nhau. Ở đây, cần hiểu rằng Vatican và Tòa Thánh (Holy See) là hai thực thể riêng biệt. “Vatican” ở đây được hiểu là thành quốc Vatican, một lãnh thổ nhỏ bé có chủ quyền cùng vài trăm công dân. Trong khi đó, “Tòa Thánh” là thực thể hành chính dùng để chỉ chung cho Giáo Hoàng và bộ máy giúp việc chính cho Giáo Hoàng. “Tòa Thánh” mang hàm nghĩa rộng lớn trên khía cạnh tôn giáo và cơ cấu điều hành với hơn một tỷ tín đồ.(7)
Dù chỉ là một quốc gia nhỏ bé nhưng Vatican lại nắm giữ quyền lực và tầm ảnh hưởng cực kỳ to lớn trên toàn thế giới. Đất nước này giữ một vai trò chủ đạo trong nền ngoại giao thế giới khi Tòa Thánh sở hữu mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng lớn nhất thế giới với 183 nước có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh và con số này đang tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, Đức Giáo Hoàng, nhà lãnh đạo Vatican, cũng đang dẫn dắt 1.2 tỷ tín đồ Công giáo có mặt ở khắp các quốc gia. Mạng lưới ngoại giao nói trên trước hết phục vụ cho nhu cầu của Giáo hội Công giáo, nhưng đồng thời cũng để giúp đỡ cho các quốc gia đang gặp xung đột, khủng hoảng. Mạng lưới này đóng vai trò trung gian như một sứ giả hòa bình trong việc giải quyết thỏa đáng các cuộc khủng hoảng, xung đột; xây dựng tình hiệp thông giữa các quốc gia, dân tộc, từ đó truyền tải các giá trị tôn giáo để soi sáng những lựa chọn cần thực hiện của các quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị, xã hội, kinh tế, sinh thái. (11) Trong nhiều thế kỷ, Tòa Thánh đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và tinh thần của các tín đồ trên khắp thế giới, giúp hình thành tâm trí con người và động cơ chi phối hành động của họ. Đó cũng chính là lý do mà Vatican trở thành công cụ tư tưởng cho các cường quốc trên thế giới điển hình là Mỹ khi nước này thường xuyên nhờ đến sự can dự của Vatican để có được sự bảo đảm và ổn định.
Trong những năm gần đây, mạng lưới ngoại giao của Tòa Thánh vô cùng phát triển, trong đó, phải kể đến một hoạt động vô cùng quan trọng là công tác đối ngoại của Vatican trong lĩnh vực văn hóa. Tận dụng các giá trị tôn giáo của Công giáo cũng như những lợi thế về du lịch này, Tòa Thánh đã tổ chức rất nhiều hoạt động để thúc đẩy công tác đối ngoại của Vatican trong lĩnh vực văn hóa với các nước nhằm giúp thế giới được tiếp cận với kho tàng văn hóa của Giáo hội. 
2. Một số tiềm năng và lợi thế trong công tác đối ngoại văn hóa của Vatican
2.1. Công giáo
    Đức Giáo hoàng Pope Francis

Giáo Hoàng Francis là người đứng đầu Giáo Hội Công giáo trên toàn thế giới đồng thời là nhà lãnh đạo của Vatican hiện nay. Ngài được mọi người biết đến với những hình ảnh tốt đẹp và luôn mang lại sự tích cực cho các tín đồ Công giáo nói riêng và công chúng toàn thế giới nói chung. Giáo Hoàng có lối sống giản dị, khiêm nhường được thể hiện qua phong cách ăn mặc đơn giản, thường xuyên di chuyển bằng xe buýt và chiếc ô tô Fiat 500L giá cả bình dân, lối sống khiêm tốn và cần kiệm, không sơn hào hải vị, không biệt thự xa hoa. 
Bên cạnh lối sống giản dị, khiêm nhường, Giáo Hoàng Francis còn được công chúng và truyền thông thế giới ca ngợi với hình ảnh là người lãnh tụ với tấm lòng nhân đạo, giàu tình yêu thương con người vô bờ bến. Ngài lo lắng, giúp đỡ, bảo vệ và lên tiếng cho những người yếu thế cũng như cho các vấn đề chung của xã hội từ giúp đỡ những người dân chịu ảnh hưởng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, hay lên tiếng, bảo vệ người thuộc cộng đồng LGBT, những chuyến tông du để giải quyết và thúc đẩy các vấn đề hòa bình, nhân đạo,... cho đến các vấn đề chung của xã hội như bảo vệ môi trường,...
Một trong những hình ảnh tích cực nhất về Giáo Hoàng phải kể đến việc thúc đẩy hòa bình thế giới. Đứng trước những biến động phức tạp của thế giới, Giáo Hoàng đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thúc đẩy hòa bình thế giới, đầu tiên là lên tiếng về những căng thẳng và xung đột. Ngài trực tiếp đến thăm các khu vực đang trong tình hình khó khăn, thậm chí Ngài đối thoại trực tiếp với những lãnh đạo của các quốc gia để trao đổi về hòa bình điển hình là trao đổi với đại sứ Nga về vấn đề Nga-Ukraine. Ngài luôn mong muốn có thể hòa giải các mối quan hệ cạnh tranh, luôn trăn trở và quan tâm sâu sắc về hòa bình của thế giới, đồng thời cũng đã và đang có những đóng góp tích cực đem lại cuộc sống bình yên cho các tôn giáo nói riêng và nhân dân thế giới nói chung. 
Những hình ảnh tốt đẹp của Giáo Hoàng được lan truyền trên thế giới không chỉ mang lại những tác động tích cực đến Giáo hội Công giáo mà còn giúp Vatican có nhiều cơ hội để phát triển quan hệ với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong công tác đối ngoại văn hóa thông qua Công giáo.
    Âm nhạc Công giáo 
Nền âm nhạc Công giáo đương đại hiện nay ở Vatican được xây dựng xoay quanh các chủ đề Công giáo, và được sử dụng rộng rãi trong các môi trường khác nhau (không bị giới hạn trong khuôn viên nhà thờ). Đặc biệt trong âm nhạc Công giáo phải kể đến Thánh ca. Các bài Thánh Ca này thường mang nhiều chủ đề khác nhau theo các mùa lễ như Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Giáng Sinh, Mùa Phục Sinh với những ngày lễ đặc biệt trong năm. (5) (17)
Vatican là cái nôi của Công giáo, do đó nền âm nhạc Công giáo ở Vatican luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của các giáo dân trên khắp thế giới. Âm nhạc Công giáo và Thánh ca được vang lên trong quá trình hành lễ, rước lễ và trong các thời điểm khác nhau. Do đó, âm nhạc giúp kết nối những cá nhân hoặc các cộng đồng những người theo đạo Công giáo ở các quốc gia trên thế giới lại với nhau. Khi âm nhạc Công giáo hay Thánh ca của Vatican được truyền bá vào các quốc gia khác thì ngôn ngữ của Vatican (tiếng Latinh) cũng được biết đến rộng rãi hơn. 
    Trang phục
Vatican là trung tâm giáo quyền của giáo hội Công giáo trên thế giới, do đó thành phố này là đại diện tiêu biểu cho Công giáo. Khi đến Vatican mọi người sẽ thường xuyên bắt gặp các phẩm phục Công giáo. Nói về trang phục phổ biến nhất ở Vatican phải kể đến phẩm phục của linh mục và nữ tu. Đối với các linh mục phải mặc Cassock màu đen. Trang phục của các nữ tu thường rất giản dị với những màu sắc phổ biến chủ đạo như đen, nâu, xám, trắng, và tùy thuộc vào mỗi dòng tu sẽ có những mẫu thiết kế đặc trưng riêng. (18)
Giáo hoàng Francis, với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, mang trên mình bộ trang phục rất đặc trưng và có thể được nhận ra ngay lập tức. Giáo Hoàng luôn mặc áo Cassock màu trắng, một chiếc áo choàng phù hợp bên ngoài Cassock và một chiếc mozzetta phủ qua ngực, lưng và đến khuỷu tay. Một cây thánh giá lớn được Giáo Hoàng đeo trước ngực. Trên đầu đội một chiếc zucchetto màu trắng, một chiếc mũ nhỏ vừa khít không có vành. Và đôi giày màu đen đơn giản. Ngoài ra, một trong những trang phục dễ nhận biết nhất ở Vatican là đồng phục của những người bảo vệ Giáo hoàng, đồng phục sọc xanh, vàng và đỏ. (19)
Có thể thấy khi bắt gặp những bộ trang phục kể trên, mọi người có thể liên tưởng ngay đến hình ảnh đất nước Vatican xinh đẹp vì đó là hình ảnh đặc trưng của Vatican, là biểu tượng cho nền văn hóa Vatican. Chính vì vậy, các bộ trang phục trên chính là yếu tố tiềm năng giúp Vatican thúc đẩy công tác đối ngoại văn hóa.
    Những ngày lễ của người Công giáo
Có rất nhiều ngày lễ khác nhau trong Giáo hội Công giáo, mỗi ngày lễ đều được thực hiện và tổ chức với những nghi thức và ý nghĩa riêng. Ở Vatican, hành hương và ngày lễ Công giáo là các nhân tố quan trọng trong đời sống của người dân. Ở Vatican, Giáo hoàng thường có các buổi tiếp kiến công chúng hàng tuần, cử hành các Thánh lễ và nhiều nghi lễ khác. Ngài cũng thường xuất hiện vào các ngày lễ lớn như lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh,... Với những sự kiện đầy ý nghĩa như những nghi lễ ban phước lành, các lễ tấn phong, hay những sự kiện quan trọng có đông người tham dự, Giáo hoàng thường làm lễ ngoài trời tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican. Việc Giáo hoàng tiến hành các nghi thức ngoài trời công khai như vậy giúp thu hút nhiều người theo đạo Công giáo ở các quốc gia khác nhau đến Vatican cùng tham gia. Cũng chính trong những nghi thức, ngày lễ Công giáo được tổ chức công khai này, người dân đến từ các quốc gia khác nhau, không phân biệt người theo đạo hay không theo đạo, sẽ giao lưu, hội nhập văn hóa với nhau. Ngoài ra, các nghi thức, ngày lễ Công giáo cũng là một trong những điểm mạnh của Vatican có thể giúp thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan đất nước hơn. Đây là một trong những tiềm năng lớn mà Vatican có thể tận dụng để làm công tác ngoại giao văn hóa với các nước trên thế giới. (4)
2.2. Du lịch
Vatican là nơi lưu giữ của nhiều kiến trúc đỉnh cao trong thời kỳ Phục hưng giữa thế kỷ 15 và 16. Mọi ngóc ngách của Vatican đều được lấp kín bởi các công trình kiến trúc ấn tượng từ nhà thờ, nhà nguyện, cung điện, thư viện, tòa nhà chính quyền, đến công viên. Phía bên trong những địa điểm này, các bức tường, mái vòm, hành lang đều được tô điểm bằng những bức họa và tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp phản ánh thẩm mỹ con người và văn hóa Vatican. 
Một trong những công trình kiến trúc nổi bật của Vatican là Nhà thờ Thánh Peter (St. Peter's Basilica), được xem là kiệt tác của kiến trúc Phục hưng với đường nét kiến trúc hoành tráng, các các bức tượng và kiến trúc nội thất lộng lẫy.
Mang phong cách thiết kế có sự pha trộn giữa phong cách Phục hưng và Baroque, nhà nguyện Sistine nổi tiếng với những bức bích họa trần do Michelangelo vẽ và cung điện Tông đồ vốn là nơi ở của Giáo hoàng cũng là những công trình kiến trúc ấn tượng của Vatican với những cầu thang, sảnh đường lớn và hoành tráng. 
Bên cạnh đó, không thể không kể đến những công trình kiến trúc nổi bật khác của Vatican: Bảo tàng Vatican lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật từ cổ đại đến hiện đại của các nghệ sĩ nổi tiếng như Raphael, Michelangelo, Leonardo da Vinci và Caravaggio, và các bộ sưu tập đồ vật tôn giáo; Vườn Vatican với đài phun nước và cảnh quan tuyệt đẹp; Thư viện Vatican được xem là kho tàng văn hóa quan trọng của thế giới, lưu giữ nhiều tài liệu quý hiếm và quan trọng của Giáo hội và lịch sử thế giới, và hơn 1,1 triệu cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực; phòng Borgia; nhà nguyện Pauline…
Với tiềm năng đó, Vatican đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch ở Châu Âu. Không thể phủ nhận những công trình kiến trúc đồ sộ là cầu nối giữa Vatican với nhiều du khách đến Vatican, từ đó là tiền đề để Vatican phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh của quốc gia này ra thế giới. 
2.3. Ẩm thực
Nằm trong lòng thủ đô Rome (Ý), văn hóa Vatican cũng mang đậm nét văn hóa Ý, trong đó có ẩm thực. Bên cạnh đó, ẩm thực của Vatican cũng chịu ảnh hưởng của ẩm thực La Mã và có các món ăn truyền thống của nhà thờ Công Giáo. Đến Vatican, không thể không thưởng thức món Polenta, Risotto, Pizza đế mỏng kiểu La Mã gọi là Pizza al taglio, Gelato, Gnocchi, Ossobuco, Antipasto, Cá ngừ vây vàng… Nền ẩm thực Vatican nhìn chung khá đơn giản, truyền thống, lành mạnh và cân bằng, góp phần tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của Vatican giữa nền ẩm thực muôn màu, muôn vẻ của các nền văn hóa khác. 
Bên cạnh đó, Vatican cũng nổi tiếng với loại rượu vang được trồng tại Castel Gandolfo - nơi ở của Giáo hoàng vào mùa hè. Rượu được sản xuất tại vùng đất này được đánh giá là loại rượu có chất lượng cao và ngon nhất ở Ý, và được sử dụng cho các sự kiện đặc biệt do Vatican tổ chức như yến tiệc, các dịp đón tiếp các phái đoàn ngoại giao và các dịp trang trọng khác. Rượu vang cũng được Giáo hoàng dành làm quà tặng cho các vị khách quan trọng của Vatican. Như vậy, ở đây rượu đã được sử dụng như một sản phẩm văn hóa để Vatican duy trì, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các hồng y, người dân trong Vatican với nhau, giữa Vatican với các cá nhân và quốc gia khác. Nhắc đến Vatican là nhớ đến văn hóa uống rượu vang cũng như loại rượu vang chất lượng của quốc gia này.
2.4. Hình ảnh đội vệ binh Thụy Sĩ
Việc đảm bảo an ninh cho Vatican, bảo vệ Giáo hoàng và thực hiện các nghi lễ của tòa thánh được thực hiện bởi vệ binh Thụy Sĩ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho sự an nguy của tòa thánh, vệ binh Thụy Sĩ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công tác đối ngoại văn hóa của Vatican. 
Hình ảnh vệ binh Thụy Sĩ xuất hiện tại Vatican là một nét đặc trưng không thể lẫn với những quốc gia khác, đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican với Thụy Sĩ. Trải qua nhiều thập kỷ, đội vệ binh Thụy Sĩ vẫn được tin tưởng và giao phó trọng trách cao cả này. Việc luật pháp Thụy Sĩ cấm công dân phục vụ trong quân đội nước ngoài nhưng lại cho phép tham gia bảo vệ Tòa thánh Vatican là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đồng thời, hình ảnh vệ binh Thụy Sĩ cũng được xuất hiện qua những chuyến công du của Giáo hoàng đến nước ngoài; những buổi gặp mặt, đối thoại, hoạt động tôn giáo mà Giáo hoàng tham gia; những sự kiện công cộng được tổ chức tại Vatican. Từ đó, vệ binh Thụy Sĩ hiện lên với hình ảnh tích cực, là biểu tượng góp phần thúc đẩy sự trao đổi văn hóa, hiểu biết chung, nền hòa bình giữa các nền văn hóa khác nhau và giữa Vatican với các nước khác. 
2.5. Con người Vatican
Đất nước Vatican đặc biệt bao nhiêu thì con người Vatican cũng độc đáo bấy nhiêu. Là quốc gia nhỏ nhất thế giới với khoảng 1000 người dân, tuy  nhiên không vì thế mà con người Vatican hiện lên với bản sắc kém đa dạng. Công dân ở Vatican chủ yếu là giáo sĩ công giáo (đóng góp vào các hoạt động Tôn giáo của Vatican) và vệ binh Thụy Sĩ. Không dựa vào dòng dõi hay huyết thống, không ai là công dân Vatican ngay từ khi sinh ra, bởi công dân Vatican đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và chỉ được cấp quyền công dân khi được bổ nhiệm để làm việc cho Tòa Thánh, góp phần làm nên sự đa dạng cho văn hóa nơi đây. Họ đều là những giáo sĩ có trình độ học vấn cao và có khả năng thông thạo nhiều ngôn ngữ. Điều này thể hiện tính tò mò, say mê học hỏi và tâm hồn cởi mở với nhiều nền văn hóa bên trong mỗi người dân Vatican. Con người Vatican có ý thức cộng đồng mạnh mẽ bởi sống và làm việc trong một cộng đồng nhỏ, cũng như có niềm tin sâu sắc với đức tin của mình, nguyện cống hiến cuộc đời mình để phục vụ cho Giáo hội. 
Văn hóa Vatican được tạo nên và lưu truyền bởi con người Vatican, sự đa dạng của nhiều nền văn hóa khác nhau từ xuất thân khác biệt của công dân kết hợp với văn hóa Công giáo tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo cho đất nước này. Đây cũng chính là một điểm có lợi khi xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Vatican trong giao lưu và quảng bá trên trường quốc tế.
3. Các cơ quan thực hiện công tác đối ngoại văn hóa và một số hoạt động giao lưu văn hóa nổi bật của Vatican
3.1. Các cơ quan thực hiện công tác đối ngoại văn hóa của Vatican 
Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hóa

Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hóa được thành lập vào ngày 20 tháng 5 năm 1982, ra đời dựa trên Cộng đồng Vatican II và sự quan tâm đặc biệt đối với nhân học và văn hóa của Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Hội đồng Giám mục, với mục đích thiết lập cuộc đối thoại giữa Giáo hội và các nền văn hóa của thời đại để họ có thể mở lòng đón nhận đức tin Kitô giáo. 
Không chỉ có trách nhiệm gìn giữ văn hóa trong nước mà hội còn được giao nhiều nhiệm vụ giúp tăng cường hợp tác, trao đổi với các tôn giáo khác nhau, tiêu biểu như thúc đẩy các mối quan hệ của Giáo hội và Tòa thánh với thế giới văn hóa bằng cách thực hiện đối thoại liên văn hóa. 
Bên cạnh đó, hội cũng hợp tác với các trường đại học Công giáo và các tổ chức quốc tế có tính chất lịch sử, triết học, thần học, khoa học, nghệ thuật hoặc trí tuệ và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức này. 
Bên cạnh tăng cường hợp tác và giao lưu, Hội cũng tích cực tìm hiểu, xem xét và bổ sung chính sách văn hóa Vatican để theo kịp các quy định và hoạt động của UNESCO, Hội đồng Châu Âu cũng như các chính sách và hoạt động văn hóa của các chính phủ trên khắp thế giới về văn hóa, triết học. Từ đó, giúp Giáo hội Công giáo Vatican được tham khảo những sáng kiến, sản phẩm của các tổ chức, quốc gia, đồng thời cũng là động lực khuyến khích các giáo hội địa phương tăng cường giao lưu văn hóa. 
Bên cạnh các nhiệm vụ cơ bản, Hội đồng Giáo Hoàng về văn hóa đã và đang thực hiện một số hoạt động về công tác đối ngoại văn hóa cụ thể như thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo về văn hóa ở các cơ quan khác điều hành ở cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, sản xuất các ấn phẩm hàng quý mang tên Culture e Fede – Cultures et Foi – Cultures and Faith – Culturas y Fe với 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn 
Thuật ngữ “Đối thoại Liên Tôn” nghĩa là sự tương tác giữa những người thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, với mục đích để thúc đẩy hiểu biết giữa các tôn giáo khác nhau để tăng cường chấp nhận và khoan dung. 
Hội đồng Tòa thánh đối Thoại Liên tôn là một cơ quan nhỏ, có 14 nhân viên thuộc nhiều quốc tịch và nguồn gốc khác nhau từ các vị trí như giáo dân, linh mục và tu sĩ, họ tham gia vào các tôn giáo khác nhau như Hồi giáo, các tôn giáo của châu Á và châu Phi, các phong trào tôn giáo mới. 
Với bản chất là tương tác với các tôn giáo khác nhau nên nhiệm vụ chính của Hội đồng là thiết lập và duy trì các mối liên hệ với các tín ngưỡng khác nhau trên khắp thế giới và thúc đẩy các mối quan hệ huynh đệ và thân thiện với những người có truyền thống tôn giáo khác nhau. 
Từ khi được thành lập, Hội đồng đã triển khai nhiều công việc có hiệu quả và quy mô lớn, điều đó được thể hiện qua một số hoạt động nổi bật như Giáo hoàng thường xuyên thực hiện các chuyến tông du, ký kết văn kiện về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự chung sống vào 4/2/2019. Đặc biệt, đối với riêng Hồi giáo, Hội đồng đã thành lập ủy ban riêng để giải quyết vấn đề để đảm bảo tăng cường kiến thức và sự tin cậy lẫn nhau, tình hữu nghị và sự hợp tác với Hồi giáo Sunni và Shiite, có trụ sở tại các quốc gia Hồi giáo hoặc có đa số người Hồi giáo. Bên cạnh Hồi giáo, Hội đồng cũng rất quan tâm tới các tôn giáo khác ở Châu Á, nhiều cuộc hội đàm, hội nghị thượng đỉnh các tôn giáo được tổ chức giữa Công giáo với Kitô Giáo và Phật Giáo. 
Một điểm thú vị trong việc triển khai các hoạt động công tác đối ngoại văn hóa của Hội đồng tòa thánh đối thoại liên tôn là thành lập Quỹ học bổng Nostra Aetate Foundation-Scholarships, cấp học bổng cho những người trẻ thuộc các tôn giáo khác, cư trú ở nước ngoài để khuyến khích những người trẻ muốn nâng cao kiến thức và tích cực thực hành tôn giáo. Sau khi hoàn thành chương trình học, những người này sẽ trở về nước để làm cho Kitô giáo.

3.2. Một số hoạt động nổi bật trong công tác đối ngoại của Vatican trên (lĩnh vực) văn hóa 
Các hoạt động trong công tác đối ngoại của Vatican trên lĩnh vực văn hóa được tiến hành bài bản trên đa dạng nhiều khía cạnh, nhưng về tổng quát, công tác đối ngoại của Vatican trên lĩnh vực văn hóa dựa trên 3 mục tiêu nổi bật: Gia tăng tầm ảnh hưởng của Công giáo, Thúc đẩy hòa bình thế giới và Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. 
3.2.1. Gia tăng tầm ảnh hưởng của Công giáo
Vatican là trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo La Mã nên Thành quốc này sở hữu nhiều công trình kiến trúc, văn hóa đẹp, độc đáo, mang đậm bản sắc của Công giáo. Dựa trên tài nguyên sẵn có, Thành quốc Vatican đã thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa nhằm quảng bá những di sản và giá trị văn hóa này đến các quốc gia và nền văn hóa khác, qua đó giúp nâng cao hiểu biết của công chúng thế giới về những nét đẹp văn hóa của Công giáo. Những nỗ lực này bao gồm các hoạt động như tổ chức triển lãm nghệ thuật và đồ tạo tác từ các bộ sưu tập của Vatican, tài trợ cho các hội nghị và đối thoại học thuật, tạo điều kiện trao đổi văn hóa và quan hệ đối tác, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ hiểu biết và đối thoại liên tôn. Bên cạnh đó, Tòa Thánh còn tích cực tham gia hỗ trợ các nỗ lực của UNESCO nhằm bảo tồn các di sản văn hóa trên khắp thế giới, chẳng hạn như thành phố cổ Aleppo ở Syria.
Một lĩnh vực quan trọng khác trong công tác đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa của Vatican là đối thoại liên tôn giáo, đây là một phương tiện hiệu quả để bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo và thúc đẩy hợp tác văn hóa và kinh tế giữa các cộng đồng thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Vatican đã thành lập Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn phục vụ Giáo hội trong sứ mạng đối thoại rộng lớn của mình, và điều này được thực hiện bằng cách cộng tác với các Giám mục của các Giáo hội địa phương, đặc biệt là thông qua các Ủy ban Giám mục về Đối thoại Liên tôn. Hội đồng có trang web riêng (www.pcinterreliosystem.org), nơi cung cấp thông tin, tài liệu, các trích đoạn các bài phát biểu của Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo của Hội đồng, và ấn phẩm của Hội đồng, Bản tin Pro Dialogo.
Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn có nhiệm vụ thiết lập và duy trì các mối liên hệ với các tín ngưỡng khác nhau trên khắp thế giới và thúc đẩy các mối quan hệ huynh đệ và thân thiện với những người có truyền thống tôn giáo khác nhau. 
Tựu chung lại, thông qua các hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa như đẩy mạnh quảng bá những di sản văn hóa Công giáo sẵn có của quốc gia và tăng cường giao lưu, trao đổi liên tôn giáo, Vatican đã góp phần lan tỏa những nét đẹp văn hóa, tinh thần của Công giáo đến công chúng thế giới, từ đó nâng cao sự nhận thức của công chúng về Vatican nói chung và Công giáo nói riêng.  
3.2.2. Thúc đẩy hòa bình thế giới
Thúc đẩy hòa bình thế giới luôn là một trong những đích đến mà Tòa Thánh luôn hướng tới. Để thực hiện mong muốn này, Vatican đã thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa đa dạng.   
Năm 1987, với cương vị Quan Sát Viên Thường Trực tại Liên Hợp Quốc, Phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh Vatican đã công bố cuốn sách: “Paths to peace: a contribution; documents of the Holy See to the international community” (Tạm dịch “Những con đường dẫn đến hòa bình: một đóng góp; các văn kiện của Tòa thánh gửi cộng đồng quốc tế”). Cuốn sách là một bộ sưu tập các tài liệu quan trọng về nhiều vấn đề quốc tế như: nhân quyền, văn hóa và giáo dục, giải trừ quân bị và hòa bình, phát triển,... Cuốn sách đã thể hiện được những quan điểm, cái nhìn, những ý kiến đóng góp về các vấn đề toàn cầu, qua đó bộc lộ những nỗ lực và mong muốn đóng góp cho tiến trình xây dựng hòa bình, ổn định, tiến bộ, ấm no trên toàn thế giới của Vatican. Cuốn sách đã góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng tốt đẹp của Tòa Thánh Vatican đến Liên Hợp Quốc nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung.   
Đặc biệt, Tòa Thánh Vatican chú trọng thực hiện mục tiêu thúc đẩy hòa bình thế giới thông qua giáo dục. Vatican đã khẳng định “Nền giáo dục không lấy hòa bình làm trọng tâm chính thì hoàn toàn không phải là nền giáo dục Công giáo.” (28) Sắc lệnh của Công đồng Vatican II về giáo dục - Gravissimum Educationis cũng nêu rõ: “Thông qua giáo dục, con người “trở nên cởi mở đối thoại với người khác và sẵn sàng cống hiến hết mình cho việc thúc đẩy Công ích” (29). Dựa trên cơ sở niềm tin “giáo dục là cơ sở để xây dựng hòa bình, hữu nghị”, Tòa Thánh Vatican đã áp dụng chương trình có tên “Xây dựng Trường học Hòa bình” trên hệ thống trường học Công giáo trên toàn thế giới. Chương trình “Xây dựng Trường học Hòa bình” tích hợp 4 nguyên lý của Giáo huấn Xã hội Công giáo: Một là, phẩm giá của con người – niềm tin rằng mọi con người đều có quyền được đối xử với sự tôn trọng sâu sắc; Hai là, cộng đồng và lợi ích chung – con người tồn tại trong xã hội, con người cần cộng đồng và luôn hành động vì lợi ích chung; Ba là, quyền và Trách nhiệm – phẩm giá con người có thể được bảo vệ và một cộng đồng lành mạnh chỉ có thể đạt được nếu nhân quyền được bảo vệ; Bốn là, thúc đẩy Hòa bình – Giáo huấn Công giáo cổ vũ hòa bình như một khái niệm tích cực, định hướng hành động (28). Bốn nguyên lý này được áp dụng rộng rãi trên hệ thống trường học Công giáo do Vatican quản lý, trải rộng trên toàn thế giới với mật độ dày khắp. Cụ thể, theo số liệu ngày 18/10/2020 của Sách Niên giám Thống kê của Giáo hội (Annuarium Statisticum Ecclesiae), Tòa Thánh Vatican đang quản lý 73.164 trường mẫu giáo, 103.146 trường tiểu học, 49.541 trường trung học và 12.662 trường đại học, cao đẳng với trăm ngàn học sinh, sinh viên. Đây là phương tiện hữu hiệu để Vatican thực hiện mục tiêu thúc đẩy hòa bình thế giới. Hơn thế, các trường học Công giáo còn luôn chủ động cộng tác với các trường học thuộc các lĩnh vực khác để tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa những nền văn hóa.
Thông qua các hoạt động đối ngoại về tôn giáo, giáo dục, Tòa Thánh đã ghi dấu trong lòng người dân toàn thế giới về hình ảnh một Công giáo luôn vì hòa bình, lấy hòa bình, hữu nghị giữa người với người làm trọng tâm giáo dục, qua đó gián tiếp thúc đẩy hòa bình giữa các tổ chức, các quốc gia và trên toàn thế giới. Nhờ đó, Tòa Thánh tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao tiếng nói, gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia trên trường quốc tế.
3.2.3. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Tòa thánh ủng hộ nhân quyền và đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy sự tôn trọng hơn nữa đối với phẩm giá con người trên khắp thế giới, bao gồm các nỗ lực chống nạn buôn người, bảo vệ tự do tôn giáo và cung cấp viện trợ cho người tị nạn và người di cư.
Bộ Phục vụ và Phát triển con người Toàn diện
Vatican có một cơ quan riêng chuyên về bảo vệ lợi ích và quyền con người con người, đó là Bộ Phục vụ và Phát triển con người Toàn diện. 
Vào tháng 8 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố việc thành lập Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện, là kết quả của sự hợp nhất của bốn Hội đồng Giáo hoàng đã có từ trước, gồm Công đồng Vaticanô II, Hội đồng Tòa thánh về Mục vụ cho người Di dân và Lưu động, Hội đồng Tòa thánh về Mục vụ chăm sóc sức khỏe và Hội đồng Tòa thánh Cor Unum. Bộ bắt đầu hoạt động vào tháng 1 năm 2017. Theo Đức Thánh Cha, Bộ có trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến người di cư, những người yếu thế và cần sự giúp đỡ, người bệnh tật, những người bị cầm tù và những người thất nghiệp, cũng như các nạn nhân của xung đột vũ trang, thiên tai, và mọi hình thức nô lệ và tra tấn.
Bộ Phục vụ và Phát triển con người cam kết thúc đẩy giữa các dân tộc: nhạy cảm với hòa bình, dấn thân cho công lý và tình liên đới với những người dễ bị tổn thương nhất như người di cư và người tị nạn. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, bộ đã thiết lập mối quan hệ với các hiệp hội, học viện và các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả những tổ chức bên ngoài Giáo hội Công giáo để cam kết thúc đẩy công lý và hòa bình. Bộ cũng tham gia thảo luận với đại diện của các chính phủ dân sự và các tổ chức công cộng quốc tế khác, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, gia tăng nhận thức của công chúng về các vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ. 
Bình đẳng giới
Vấn đề về bình đẳng giới và nữ quyền cũng được Giáo hội nói chung và Đức Thánh Cha nói riêng dành nhiều quan tâm. Điển hình, Vatican đã Chấp nhận cho phụ nữ được quyền bỏ phiếu tại Hội nghị Các giám mục Thế giới.
Cụ thể, ngày 26-4 vừa qua, Vatican công bố Giáo hoàng Francis đã chấp nhận cho phụ nữ được quyền bỏ phiếu tại Hội nghị Các giám mục thế giới sẽ diễn ra vào tháng 10 tới ở Rome. Theo đó, hội nghị sẽ có tổng cộng 40 phụ nữ, bao gồm 5 nữ tu đại điện cho các dòng tu nữ và 35 phụ nữ khác được tuyển chọn từ khắp các quốc gia, để đại diện cho các thành phần trong giáo hội và các dân tộc trên thế giới. Tài liệu hướng dẫn hội nghị đã khẳng định: hội nghị không nhắm tới việc tạo ra một tài liệu thần học, mà mục đích chính là "băng bó vết thương, khơi lên niềm tin và hy vọng của con người", để mọi người tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá nhưng mỗi người có bổn phận khác nhau tùy theo bậc sống của mình.
Quyết định này gia tăng thêm những cải tổ mang tính đột phá, chưa có tiền lệ liên quan đến vai trò và đóng góp của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo. Bởi trước đây, các phong trào nữ quyền thường chỉ trích Vatican về vấn đề "giáo sĩ trị", nghĩa là chỉ có đàn ông mới được làm linh mục, giám mục, hồng y và giáo hoàng. Phụ nữ thường có vai trò hết sức khiêm tốn trong Giáo hội Công giáo. Những cải cách giáo triều trên đã cho thấy Đức Giáo hoàng Francis nói riêng và Giáo hội nói chung đã rất nỗ lực nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong Công giáo. (8)
Quyền bình đẳng về chủng tộc: Xóa bỏ “đạo lý về sự cấm phá”
Phân biệt chủng tộc cũng là một trong những vấn đề nhân quyền phổ biến và luôn được Vatican quan tâm. Ngày 30/3/2023, Bộ Văn hoá và Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện đã đưa ra một tuyên bố chung với nội dung chính thức bác bỏ “đạo lý về sự khám phá”, vốn đã được sử dụng để biện minh cho chủ nghĩa thực dân châu Âu ở châu Mỹ và trên toàn thế giới. Về bản chất, “Đạo lý về sự khám phá” là một lý thuyết triết học, chính trị và pháp lý cho rằng những người thực dân châu  Âu có quyền chiếm đoạt đất đai và tài sản của người bản địa bằng cách mua lại hoặc chinh phục.
“Đạo lý về sự khám phá” này được nhắc đến trong hai sắc lệnh của Đức Nicholas V, Dum diversas (1452) và Romanus Pontifex (1455); và sắc lệnh Inter caetera của Đức Alexander VI (1493). Theo đó, hai vị Giáo hoàng này đã ủy quyền cho các quốc vương Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chiếm đoạt tài sản ở những vùng đất thuộc địa bằng cách khuất phục các dân bản địa. Nội dung của các tài liệu này đã bị thao túng cho các mục đích chính trị bởi các cường quốc thực dân cạnh tranh nhằm biện minh cho các hành vi vô đạo đức chống lại người bản địa. Bác bỏ đạo lý này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố: “Giáo hội Công giáo bác bỏ những quan niệm không thừa nhận các quyền con người vốn có của người bản địa, bao gồm cả những gì đã được gọi là “đạo lý về sự khám phá” về pháp lý và chính trị.” Người bản địa "không có nghĩa là bị tước đoạt quyền tự do của họ hoặc quyền sở hữu tài sản của họ, mặc dù họ không theo đạo Công giáo; và rằng họ có thể và nên, một cách tự do và hợp pháp, tận hưởng quyền tự do và sở hữu tài sản của họ; họ cũng không nên bị bắt làm nô lệ theo bất kỳ cách nào..." (9)
Xóa bỏ “Đạo lý về sự cấm phá” chính là một trong những để hành động quyết liệt nhất mà Đức Thánh Cha đã thực hiện để bảo vệ quyền bình đẳng giữa các chủng tộc.
Quan tâm, bảo vệ người tị nạn và người di cư
Vatican rất quan tâm đến những người di dân và người tị nạn. Đất nước này còn tổ chức một ngày lễ riêng để bày tỏ sự quan tâm, ủng hộ đối với nhóm người này. Hằng năm, vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 9, Tòa Thánh đều tổ chức Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới. Truyền thống này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1914, chỉ vài tháng trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Sau khi xúc động trước sự phản đối kịch liệt của hàng triệu người Ý di cư ra nước ngoài do bị cưỡng bức, Đức Giáo hoàng Pius X đã kêu gọi mọi người cùng chung tay cầu nguyện cho những người di cư. Người kế vị Benedict đã cảm động trước sự nhạy cảm của Giáo hoàng Pius, sáng lập và kỷ niệm ngày này hằng năm như một sự tôn kính, quan tâm đến nhóm người tị nạn và di cư.
Ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn được xem như một ngày lễ lớn ở Vatican với từng chủ đề khác nhau được công bố hằng năm bởi Bộ phục vụ và phát triển con người. Với mỗi chủ đề của từng năm, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện sẽ thực hiện một chiến dịch truyền thông nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về chủ đề của năm đó thông qua các phương tiện hỗ trợ, tài liệu thông tin và các suy tư thần học. Điển hình, Chủ đề của Ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn năm 2021 là Tiến tới một “chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn; năm 2022 là “Cùng Người Di Cư và Tị Nạn Xây Dựng Tương Lai” và năm nay, 2023 là “Tự do chọn lựa hoặc di cư hoặc ở lại.” Thông cáo của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện giải thích rằng chủ đề năm nay là sự suy tư về một quyền chưa được luật pháp quốc tế lập thành luật; đó là quyền có thể ở lại quê hương của mình, và nó “cần được đảm bảo một cách hiệu quả ở các quốc gia nguyên quán thông qua việc cộng đồng quốc tế thật sự thực hiện trách nhiệm chung.” (10)
Ngoài ra, với việc thành lập Bộ Phục vụ và Phát triển con người, Giáo hội công giáo đã hỗ trợ, an ủi những người di cư về cả vật chất và tinh thần. Điển hình, Giáo hội đã có những viện trợ tài chính thiết thực cho người di cư và tị nạn Trung Mỹ ở Mexico, trong cuộc khủng hoảng Covid-19, cầu nguyện cho trẻ em và người tị nạn trong cuộc chiến Nga - Ukraine,...
Việc tổ chức Ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn hằng năm với những chủ đề, dự án và hoạt động khác nhau, cùng với những nỗ lực viện trợ của bộ Bộ Phục vụ và Phát triển con người cho thấy Vatican dành sự quan tâm rất lớn đối với vấn đề người di cư và tị nạn - một vấn đề chưa bao giờ hết nóng trên khắp thế giới.
Xét xử các vụ án tình dục
Trước tình trạng các vụ ấu dâm của giáo sĩ công giáo, Tòa thánh Vatican đã đề cập tới các vụ án, điều tra, truy tố, xét xử và những cáo buộc về lạm dụng tình dục trẻ em đối với nhiều linh mục và thành viên dòng tu của Giáo hội Công giáo Roma, bắt đầu từ thập niên 1980. Trong những năm 2001-2010, Tòa thánh Vatican đã xem xét các cáo buộc liên quan tới 3.000 linh mục xảy ra trong vòng 50 năm, phản ánh các tình trạng lạm dụng kéo dài và thường được che đậy nên ngày càng nghiêm trọng hơn. 
Năm 2021, Giáo hoàng Francis đã công bố việc sửa đổi Luật Giáo hội La Mã để hình sự hóa hành vi lạm dụng tình dục. Theo đó, việc lạm dụng tình dục, dụ dỗ trẻ vị thành niên, tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em và che giấu hành vi lạm dụng đều bị coi là hành vi phạm tội theo Giáo luật. Với quy định này, Tòa thánh Vatican đã thiết lập chế tài pháp lý cụ thể để bài trừ nạn ấu dâm trong hàng ngũ tu sĩ nhắm vào trẻ vị thành niên hay những người yếu thế. (12)
Nhận xét 
Nhìn chung, có 3 xu hướng nổi bật trong các hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa của Vatican: hoạt động nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của Công giáo, hoạt động nhằm thúc đẩy hòa bình và hoạt động nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. 
Về mục tiêu gia tăng tầm ảnh hưởng của Công giáo, Vatican đã thành công lan tỏa những sản phẩm văn hóa độc đáo của Công giáo đến với công chúng thế giới thông qua các hoạt động triển lãm, trao đổi, đối thoại,..., tích cực tham gia hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa thế giới và đẩy mạnh việc đối thoại liên tôn giáo để gia tăng mối liên hệ giữa các tôn giáo trên toàn cầu, xây dựng môi trường tôn giáo hòa hợp, hữu nghị. Đây là đường lối ngoại giao đúng đắn, là nét đẹp văn hoá, tư tưởng đáng trân trọng trong công tác đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa của Vatican.
Về thúc đẩy hòa bình, với niềm tin “giáo dục giúp con người cởi mở đối thoại và sẵn sàng cống hiến cho hoạt động Công ích”, Vatican đặt trọng tâm của nhiệm vụ thúc đẩy hòa bình thế giới vào công tác giáo dục. Thông qua hệ thống trường học công giáo trải rộng trên toàn thế giới, Tòa thánh Vatican luôn chủ động xây dựng chương trình học chú trọng bồi đắp về cả thể chất lẫn tinh thần, cố gắng truyền tải những tư tưởng tốt đẹp về hòa bình, hữu nghị tới từng học sinh, sinh viên.
Về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu được Vatican luôn chú trọng phát triển. Tòa thánh Vatican đã có nhiều nỗ lực trong việc chống nạn buôn người, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ tự do tôn giáo, cung cấp viện trợ cho người tị nạn và người di cư và đặc biệt là chú trọng xét xử các vụ án tình dục vì công bằng cho những người yếu thế. 
Qua các hoạt động ngoại giao văn hóa nổi bật trên, có thể khẳng định, hoạt động ngoại giao văn hóa của Vatican được tiến hành trên nhiều khía cạnh đa dạng, bài bản và đã đạt được những kết quả, tạo ra những tác động nhất định. Qua đó,  ngoại giao văn hóa của Vatican đã góp phần xây dựng hình ảnh một quốc gia có chiều sâu về văn hóa; thân thiện, bao dung, hòa hợp giữa các tôn giáo; ưa chuộng hòa bình, lấy con người làm trung tâm, chú trọng đảm bảo quyền con người làm ưu tiên hàng đầu. Đây là một hình tượng có tính tích cực cao, dễ tạo được thiện cảm trong lòng công chúng quốc tế, qua đó vừa giúp lan tỏa được những giá trị văn hóa, tư tưởng tốt đẹp của Vatican nói chung và Công giáo nói riêng, vừa giúp gia tăng tiếng nói, tầm ảnh hưởng, vị thế của Vatican trên trường quốc tế.    

Hà Nội, tháng 5 năm 2023  

------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tham khảo Tiếng Việt:

1. Khánh Phương. (2022). Độc đáo Vatican - công trình kiến trúc bất hủ. Báo xây dựng. Truy cập ngày 10/05/2023, từ: https://baoxaydung.com.vn/doc-dao-vatican-cong-trinh-kien-truc-bat-hu-336779.html 
2. Kim Dung. (2013). Vatican thế giới thu nhỏ của kiến trúc và hội họa Ý: Kiến trúc quốc gia (Phần 1). Truy cập ngày 09/05/2023, từ: https://kienviet.net/2013/12/23/vatican-the-gioi-thu-nho-cua-kien-truc-va-hoi-hoa-y-kien-truc-mot-quoc-gia-phan-1/   
3. Nguyễn Hải Hoành. (2020). Những điều ít biết về đội vệ binh Thụy Sĩ của Tòa Thánh Vatican. Nghiên cứu quốc tế. Truy cập ngày 08/05/2023, từ: https://nghiencuuquocte.org/2020/11/30/nhung-dieu-it-biet-ve-doi-ve-binh-thuy-si-cua-toa-thanh-vatican/ 
4. Nguyễn Hồng Dương. (2001). Nghi lễ và lối sống Công giáo. NXB Khoa học Xã hội. Truy cập ngày 04/05/2023, từ: https://dlib.hcmussh.edu.vn/opac/search/detail.asp?ID=233947
5. Nguyễn Đình Lâm. (2015). Âm nhạc Công giáo trước và sau Công đồng Vatican II. Ban Tôn giáo Chính phủ. Truy cập ngày 05/05/2023, từ: http://thanhdiavietnamhoc.com/am-nhac-cong-giao-o-viet-nam-truoc-va-sau-cong-dong-vatican-ii/
6. Hoàng Đình. (2013). Vatican - quốc gia không biên giới. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 1/5/2023, từ: https://thanhnien.vn/vatican-quoc-gia-khong-bien-gioi-18537921.htm   
7. Hương Giang. (2017). Khám phá Vatican - quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới. VOV Việt Nam. Truy cập ngày 1/5/2023, từ: https://vov.vn/du-lich/kham-pha-vatican-quoc-gia-doc-lap-nho-nhat- 
8. (2023). Giáo hoàng Francis và vấn đề 'giáo sĩ trị'. Tuổi trẻ Online. Truy cập ngày 3/5/2023, từ: https://tuoitre.vn/giao-hoang-francis-va-van-de-giao-si-tri-20230430060614052.htm    
9. (2023). Giáo hội loại bỏ “đạo lý về sự khám phá” và bênh vực quyền của người bản địa. Vatican News. Truy cập ngày 3/5/2023, từ:https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-03/vatican-chinh-thuc-bac-bo-dao-ly-su-kham-pha.html.  
10. Hồng Thủy. (2023). Vatican công bố chủ đề Ngày Thế giới Người Di dân và Người Tị nạn năm 2023. Vatican News. Truy cập ngày 3/5/2023, từ: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-03/chu-de-ngay-the-gioi-nguoi-di-dan-nguoi-ti-nan-109-2023.html
11. Hồng Thúy. (2020). Tổng quát về quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các quốc gia. Vatican News. Truy cập ngày 3/5/2023, từ: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-01/quan-he-ngoai-giao-toa-thanh.html 
12. Trúc Huỳnh (2021). Giáo hoàng Francis sửa luật để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục, ấu dâm. Thanh niên Online. Truy cập ngày 3/5/2023, từ: https://thanhnien.vn/giao-hoang-francis-sua-luat-de-giai-quyet-van-de-lam-dung-tinh-duc-au-dam-1851256497.htm#

Tài liệu tham khảo nước ngoài:
13. Can you live in the Vatican City?. Sightseeing Tours Italy. Truy cập ngày 07/05/2023, từ: https://www.vaticancitytours.it/blog/can-you-live-in-the-vatican-city/ 
14. Prabhu Balakrishnan. (2021). Why Vatican citizenship is unique and difficult?. Best Citizenships. Truy cập ngày 09/05/2023, từ: https://best-citizenships.com/2021/02/21/why-vatican-citizenship-is-unique-and-difficult/ 
15. Inspired To Explore. (2023). Exploring the Art and Architecture of Vatican City: A Guide. Inspired to Explore. Truy cập ngày 09/05/2023, từ: https://inspiredtoexplore.com/vatican-city-art-and-architecture/ 
16. Alejandro Vázquez-Dodero. (2022). The pontifical Swiss Guard. History, trade and curiosities. Omnes. Truy cập ngày 09/05/2023, từ: https://omnesmag.com/en/newsroom/history-guard-switzerland/ 
17. Hymns And Hymnals, II: Vatican II And Beyond. Encyclopedia. Truy cập ngày 03/04/2023, từ: https://www.encyclopedia.com/religion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/hymns-and-hymnals-ii-vatican-ii-and-beyond
18. (2023). One Day In Vatican City Itinerary: Top Attractions In 24 Hours, The Geographical Cure. Truy cập ngày 03/04/2023, từ: https://www.thegeographicalcure.com/post/one-day-itinerary-vatican-city
19. Stefon M. Roman Catholic religious dress. Britannica. Truy cập ngày 04/05/2023, từ: https://www.britannica.com/topic/paganism
20. (2012). The Pontifical Council for Culture. The Holy See. Truy cập ngày 01/05/2023, từ: https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/cultr/documents/rc_pc_cultr_pro_06061999_en.html
21. (2021). The Dicastery for Interreligious Dialogue. Vatican News. Truy cập ngày 02/5/2023, từ:   https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2021-10/pontifical-council-interreligious-dialogue-cardinal-ayuso-inside.html 
22. Examples of Interfaith Dialogue that Contribute Toward the Understanding of Global Religious Traditions. Academy for Cultural Diplomacy. Truy cập ngày 03/05/2023, từ: https://www.culturaldiplomacy.org/academy/index.php?en_historical-examples 
23. Vatican City description. UNESCO. Truy cập ngày 1/5/2023, từ: https://whc-unesco-org.translate.goog/en/list/286/?_x_tr_sl=vi&_x_tr_tl=en&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=wapp 
24. Bordoni, Linda. (2016). Migrants and Refugees at the Heart of Pope's New 'Motu Proprio'. Vatican Radio. 
25. (2016). Statutes of the dicastery for promoting integral human development. The Holy See. Truy cập ngày 3/5/2023, từ: https://www.vatican.va/content/francesco/en/motu_proprio/documents/papa-francesco_20160817_statuto-dicastero-servizio-sviluppo-umano-integrale.html. 
26. José Saraiva Martins - Archbishop of Tuburnica Secretary. (1997). The catholic school on the threshold of the third millennium. The Holy See. Truy cập ngày 08/05/2023, từ: https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccatheduc/documents/rc_con_ccatheduc_doc_27041998_school2000_en.html 
27. L'Osservatore Romano Weekly Edition. (1968). The Contribution of the Holy See to World Peace. EWTN. Truy cập ngày 08/05/2023, từ: https://www.ewtn.com/catholicism/library/contribution-of-the-holy-see-to-world-peace-4133 
28. Anne Baker, Cullen MacKenzie, John McCormick. (2022), Building peace one school at a time: a case study for Catholic schools in South Africa. Tandonline. Truy cập ngày 08/05/2023, từ: https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/19422539.2021.2010461 
29. Catholic Schools’ Trustee Service, The role of Catholic schools in promoting peace and reconciliation in Northern Ireland. Truy cập ngày 08/05/2023, từ:  https://catholiceducation-ni.org/role-2/the-role-of-catholic-schools-in-promoting-peace-and-reconciliation-in-northern-ireland-2/