Hạnh phúc bắt nguồn từ trái tim

Trên đời này, ai mà chẳng có ước mơ! Có người ước mơ sau này trở thành bác sĩ, kĩ sư, nhà khoa học, giáo viên, người lính…
1-hanh-phuc-bat-nguon-1630382173.jpg

Dáng cha gầy, tóc bạc nhiều hơn, những nếp nhăn chằng chịt trên trán hằn nỗi lo âu. (Ảnh minh hoạ)

Bản thân tôi cũng có ước mơ của riêng mình. Hồi nhỏ, tôi có rất nhiều ước mơ. Cứ thấy ai làm điều gì hay hay là cũng muốn làm cho bằng được để thỏa mãn sở thích, để khẳng định bản thân mình, đôi khi chỉ là để thể hiện bản ngã bản thân trước lời thách đố của bè bạn. Thường thì cái “ điều hay hay” mà tôi cố “ thể hiện” thất bại nhiều hơn là thành công. Tại sao tôi lại bị thất bại? Đó là bởi vì trong suy nghĩ non nớt của mình, tôi nghĩ “ chuyện nhỏ, họ làm được thì mình cũng làm được”, “ họ không làm được, mình làm được, mới nể..”. Phải chăng, tôi ngựa non háu đá? Phải chăng tôi kịch kỡm với mọi người? Phải chăng tôi chưa nhận thức được bản thân mình?...

Khi đã trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng, ước mơ không phải là những điều to tát lắm. Đôi khi, đó lại là những điều rất giản đơn, bình dị và thân thuộc. Và, tôi nhận ra rằng ước mơ của mình là một “ ngôi nhà hạnh phúc” chan hòa tình cảm yêu thương, bình yên. Tôi không còn ước mơ có nhà lầu, xe hơi hay của cải vật chất giàu sang…vì những thứ đó chỉ cho ta được cái vẻ bề ngoài cao sang, quyền quý chứ không cho ta được hạnh phúc nếu ta không biết trân trọng. Hạnh phúc là thứ quan trọng nhất, quý giá hơn bất kỳ thứ gì trên đời mà tiền bạc không thể mua nổi, cho dù đó là “hột xoàn” hay “ kim cương” đi chăng nữa, bởi vì “ Hạnh phúc bắt nguồn từ trái tim của mỗi con người”.

Đâu phải gia đình giàu có đã có hạnh phúc. Có nhiều gia đình tuy của cải, vật chất không thiếu thứ gì, của ăn của để thừa mứa, sống trong nhung lụa, xa xỉ với nguồn tài sản bạc tỉ gửi ở nhà băng, trong két sắt…nhưng họ vẫn không có được hạnh phúc. Theo triết lí thì “ giàu” thì phải “ sung sướng” chứ tại sao lại “ khổ”, lại không có “hạnh phúc”..? Ấy là bởi họ đã không biết trân trọng những gì mình đã có, không biết trân trọng, yêu quý hạnh phúc gia đình. Họ cứ nghĩ, khi bản thân có tiền, có quyền thì cần phải “hưởng thụ” cho bõ những ngày “gian khó” thưở hàn vi hoặc giàu rồi thì cần phải lao vào kiếm tiền để giàu hơn nữa đến quên cả tổ ấm của mình để đến nỗi gia đình đứng trên bờ vực thẳm mới giật mình tỉnh ngộ thì đã muộn.

Ở những gia đình ấy, cha mẹ con cái ít khi được gần nhau để trò chuyện, bữa cơm đầm ấm trong gia đình cũng thưa thớt dần, gian bếp không còn ấm ngọn lửa, trở lên lạnh lẽo bởi bố mẹ thường xuyên đi sớm về khuya, tiệc tùng triền miên, không ít người không có thời gian để quan tâm đến nhau, đến con, họ chỉ quan tâm đến điều duy nhất là làm sao kiếm được thật nhiều “tiền”, “có tiền mua tiên cũng được” mà, có tiền là có tất cả. Cho nên, khi con cái xin tiền là họ sẵn sàng đáp ứng cho một “sấp tiền” cho con rồi bảo “thích mua gì thì mua..” và hậu quả thế nào thì ai cũng có thể nhận ra . Một gia đình mà chỉ biết có “tiền” thôi thì thật đáng buồn lắm thay!

Có những gia đình nghèo, cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn đủ thứ nhưng không gian gia đình luôn ăm ắp, rộn rã tiếng cười. Cha mẹ luôn vật lộn mưu sinh với những sấp vé số trên tay, gánh hàng rong rảo bước khắp hang cùng ngõ hẻm, gánh ve chai kĩu kịt nặng đôi vai gầy tần tảo đội nắng đội mưa trên khắp nẻo đường, giọt mồ hôi nóng hổi nhỏ trên đồng ruộng. Vất vả là vậy nhưng họ luôn giành thời gian để chăm sóc quan tâm đến con cái, đến tình chồng nghĩa vợ. Con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, bếp lửa luôn réo rắt niềm vui, mâm cơm đạm bạc quây quần, ấm cúng, đấy là hạnh phúc.

Trước đây, từng có những lúc tôi nghĩ cuộc sống của mình quá cực khổ. Cuộc sống gia đình tôi không lấy gì làm khá giả nếu không nói là “nghèo”. Bố thì làm nghề lái xe ôm, luân phiên lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày rong ruổi chiếc ngựa sắt cà tàng rệu rã đã quá tuổi nghỉ hưu vẫn bị bố vắt kiệt sức đón khách khắp mọi nẻo đường. Nhưng thường thì bố hay đón khách ở trước cổng bệnh viện, bởi ở đó bệnh nhân đi ra đi vô khám bệnh nhiều kiếm cuốc xe dễ hơn là đi rong ruổi, vừa đỡ tốn xăng vừa kiếm được thu nhập kha khá.

Nhưng chẳng mấy khi cha kiếm được kha khá bởi nhìn cái xe “cà tịch cà tàng” của cha người ta đã ngán đến tận cổ rồi, lắc đầu không thèm đi. Cưỡi cái con ngựa sắt già khú đế chạy vừa chậm, ngồi đau lưng, có khi mang vạ vào thân. Họ chọn cho mình những bác tài có chiếc xe mới, chạy nhanh và êm hơn để đi mà giá cả cũng không cao là mấy. Rồi những chiếc xe tacxi của các hang Mai Linh, An Hảo, Trọng Phúc…bu quanh bệnh viện cạnh tranh, giành giật, chèo kéo khách khiến cổng bệnh viện lúc nào cũng lộn xộn, bát nháo. Xe ôm, xe tacxi ngày càng nhiều, lượt đi của cha cũng ít đi, số tiền kiếm được cũng giảm. Dáng cha gầy, tóc bạc nhiều hơn, những nếp nhăn chằng chịt trên trán hằn nỗi lo âu.

Gia đình túng thiểu, để bớt khó khăn, mẹ vừa lo việc đồng áng, vừa tranh thủ bán xôi. Từ chiều hôm trước, mẹ đã ngâm nếp và đậu cho mềm, chuẩn bị sáng hôm sau dậy sớm thổi xôi. Xôi của mẹ chủ yếu là xôi đậu xanh, xôi đậu đen...

Sáng sáng, mẹ bán xôi ở cổng trường của xã. Xôi của mẹ giá rất bình dân, chỉ năm ngàn, mười ngàn là khách hàng đã có một phần xôi kha khá. Do giá cả phải chăng, xôi lại ngon nên luôn thu hút nhiều khách hàng là những cô cậu học sinh nhỏ tuổi. Có đôi lần bác bảo vệ xua đuổi, không cho bán hàng rong trước cổng trường nên mẹ phải dời đến bán dưới gốc cây bàng, cách cổng trường khoảng trăm mét. Song, không vì thế mà lượng khách của mẹ vơi đi. Lúc nào cũng thế, khi trống báo hiệu giờ vào học cũng là lúc nồi xôi của mẹ đã hết. Những học sinh đến muộn, không mua được xôi, dặn: “Sáng mai cô nhớ chừa phần xôi cho con nghen!".

Mẹ nấu xôi, nên khẩu phần ăn sáng của tôi luôn là xôi. Thời gian đầu mừng lắm, vì từ nay không còn phải vác cái bụng đói đi học nữa. Tôi hau háu ăn, đôi khi tham lam còn bắt mẹ gói một gói lớn bỏ vào trong cặp để ăn trong lúc đói giữa giờ ra chơi...

2-hanh-phuc-bat-nguon-1630382174.jpg

Nồi xôi lớn dần theo tuổi ăn, tuổi học của con. (Ảnh minh hoạ)

Thời gian cứ thế dần trôi. Mẹ vẫn tiếp tục nấu xôi bán ở cổng trường. Nhưng không còn là một nồi xôi nữa mà là hai nồi, ba nồi xôi đầy. Nồi xôi lớn dần theo tuổi ăn, tuổi học của con. Khi trống trường điểm giờ vào học, mẹ lại oằn vai đôi quang gánh xôi tìm đến chợ xã, chợ huyện.

Tôi là chị cả phải thay cha mẹ cáng đáng mọi việc trong nhà như nấu cơm, giặt đồ, quét dọn nhà cửa, chăm em… đầu tắt mặt tối chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, chơi bời, thật khổ! Tôi tự trách mình tại sao lại sinh ra trong một gia đình “khố rách áo ôm” như vậy? ước gì mình được sinh ra trong một gia đình giàu có để được sống sung sướng, ăn mặc có “mốt này mốt nọ”, “hàng hiệu này hàng hiệu kia” để nở mày nở mặt với bạn bè. Tôi giận cha mẹ mình!

Tôi đã không ý thức được rằng, mình còn sung sướng hơn bao người khác, có được tình yêu thương của cha mẹ, người thân và được đến trường. Trong khi đó, còn có nhiều bạn nhỏ gia đình khó khăn, nghèo khổ hơn mình, phải vào đời sớm, thất học để mưu sinh phụ giúp gia đình…Thất học, vào đời sớm thật tội nghiệp và bất hạnh đến nhường nào!

Từ đó, tôi nhận thức được điều quý giá của mình là “hạnh phúc”. Tôi không còn than thân trách phận nữa. Tôi ý thức hơn trong công việc của mình, ở trường là học trò ngoan, học giỏi; ở nhà là người con chăm chỉ, cần mẫn giúp đỡ cha mẹ việc nhà, đồng áng để cha mẹ vơi bớt những vất vả khó khăn của cuộc sống thường nhật, nuôi nấng chị em chúng tôi khôn lớn từng ngày; mỗi buổi chiều chị em tôi háo hức đợi bố mẹ về quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà ấm cúng, rộn rã tiếng cười. Hạnh phúc thật đơn sơ mà đầm ấm.

Hạnh phúc không chỉ gói gọn trong mỗi gia đình. Hạnh phúc còn là sự sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng đối với những cảnh đời bất hạnh “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. San sẻ những hạnh phúc với những cảnh đời bất hạnh thiếu may mắn, hạnh phúc sẽ nhân đôi khi ta biết sẻ chia. Bởi thế, ở trường tôi năm nào cũng tổ chức quyên góp sách vở tặng học sinh nghèo, gom giấy vụn bán lấy tiền xây dựng kế hoạch nhỏ, mua tăm ủng hộ người mù, người khuyết tật…Ai cũng hăng hái tham gia với mong muốn góp một phần công sức của mình giúp đỡ người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Tôi cũng đã xem trên ti vi phản ánh những gia đình có hoàn cảnh khăn được các mạnh thường quân, nhà tài trợ giúp đỡ họ căn nhà, vốn, bò…để họ làm ăn vươn lên thoát nghèo. Tất cả những hành động cao đẹp đó đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim của mỗi người biết quan tâm, yêu thương và chia sẻ. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã hình thành nên một cơn bão Haiyan khủng khiếp từ Philippin sang Việt Nam, trong đó, Philippin chịu ảnh hưởng nặng nề nhất gây thiệt hại nhiều về người và của. Nhờ sự cứu trợ kịp thời của các nước bạn đã giúp đất nước Philippin nhanh chóng được phục hồi kinh tế, ổn định xã hội.

Rồi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, lan rộng trong thời gian vừa qua, rất nhiều các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đã đồng sức đồng lòng giúp đỡ những cảnh đời khốn khó bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã góp phần nhân lên những nghĩa cử đẹp, lòng nhân ái của tình người.

Hiện nay đã không còn nạn kỳ thị chủng tộc, phân biệt màu da, ngôn ngữ; không còn cảnh trọng nam khinh nữ, chồng chúa vợ tôi. Tất cả đều sống hòa bình, bình đẳng, đoàn kết với nhau…đã đem lại hạnh phúc, bình yên trong mỗi ngôi nhà.

Hạnh phúc là có một thế giới hòa bình không có chiến tranh. Từ xưa đến nay, trên đất nước ta có biết bao nhiêu cuộc chiến vệ quốc. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu…rồi đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống quân bành trướng Trung Quốc, Khơ me đỏ…để bảo vệ “hạnh phúc”, bảo vệ “hòa bình”. Chỉ có hòa bình mới đem lại hạnh phúc, bình yên.

Trong cuộc sống bình dị thường ngày dẫu còn nhiều vất vả lo toan nhưng mỗi thành viên trong gia đình, cộng đồng hãy giang vòng tay nhân ái, mở rộng tấm lòng để quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức giữ gìn điều quý giá nhất trong đời sống của mình là “Hạnh phúc” bởi “Hạnh phúc bắt nguồn từ trái tim!”