Hành trình ca nhạc của tôi

Năm 1963, Bố đèo tới Nhà hát nhân dân (Thực tế là một sân khấu xây có mái che, còn khán đài là mấy hàng bệ xi măng được xây giật cấp cao dần lên, những hàng phía trên được làm bằng gỗ) xem các đoàn văn công trong nước, các đoàn nghệ thuật của các nước XHCN anh em sang thăm và biểu diễn.
241474436-1113214265753272-2609412720261424405-n-1631793084.jpg

Từ 1966 trở về sau làng Giàn được bắc loa truyền thanh chủ yếu đề báo động phòng không. Nghe chương trình ca nhạc “Khắp nơi Ca hát” của đài truyền thanh Hà Nội, lại nhớ các giọng ca Ca sĩ Quốc Đông (Thanh niên xung phong, làm nghề xây dựng), anh sinh viên Trọng Nghĩa Đại học Bách khoa. Mấy ai biết ca sỹ Trọng Khang, em ruột Trọng Nghĩa cùng có bà chị là chị Tuyết Nhung, trong đoàn ca nhạc Đài TNVN, và là vợ Nhạc sỹ Văn Dung. Ngoài ra được nhiều người hâm mộ như Huy Túc (Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo), Văn Sáu (Nhà máy điện Yên Phụ) và Sao Mai (Khu công nghiệp Cao Xà Lá). Ngoài Mạnh Hà, trên công trường xây dựng Thủ Lệ hồi đó còn một giọng ca nữ cũng nổi danh không kém là Ngọc Bé (Sở Xe điện) Dương Minh Đức ĐH Quân sự, Quỳnh Liên ĐH Sư phạm. Thuở ban đầu, nhạc đệm thường đơn giản (Nhớ tên các ca sỹ đó, vì hồi đó đài chỉ đầy tin tức và ít ỏi ca nhạc). Hàng ngày 11h30 có Dân ca và Chèo, thi thoảng tiếp âm nhạc quốc tế. Ở luỹ tre làng chỉ được nghe có vậy.

Năm 1963, Bố đèo tới Nhà hát nhân dân (Thực tế là một sân khấu xây có mái che, còn khán đài là mấy hàng bệ xi măng được xây giật cấp cao dần lên, những hàng phía trên được làm bằng gỗ) xem các đoàn văn công trong nước, các đoàn nghệ thuật của các nước XHCN anh em sang thăm và biểu diễn. Vé và giấy mời bao giờ cũng ghi: “dành cho 1 người, không kèm trẻ em, khi đi nhớ mang theo áo mưa”. Tại đây nhớ mãi màn khẩu thuật của đoàn xiếc Trung quốc. Vở nhạc kịch Triều Tiên “Núi rừng ơi lên tiếng” họ hát chả hiểu mô tê, nhớ món áo choàng mũ lông khẩu súng trường dài ngoẵng.

Đoàn văn công PKKQ sơ tán tại làng Giàn năm 1965, 1967 mỗi lần ở 6 tháng. Giờ vẫn nhớ các gương mặt 2 Nhạc sỹ Thanh Phúc béo mặt tròn, Hoàng Tạo đen gày, Ca sỹ Thanh Hoà giọng khàn kiêm ngâm thơ, Diễn viên múa xinh đẹp Thu Hương (sau là vợ phi công AH Cốc), Cô Thu Hằng (em dâu Hải Hồ) sang TQ đóng phim màu múa “Ngọn lửa xô viết Nghệ Tĩnh”, Mạnh Hùng thổi sáo trúc (Yêu gái làng Giàn không thành), Ắc coc đê ông Tuấn đẹp giai (sau là chồng ca sỹ Thuý Hà mắt lẳng)... các văn nghệ sỹ Xuân Sách, Huy Du, Xuân Thiêm, Hải Hồ tấp nập về làm việc. Ngày nào mà dân làng chả xem mê mải các tốp ca, múa, hợp xướng tập tành vất vả. Trước khi đoàn chuyển đi, sẽ có buổi Tổng duyệt cho lãnh đạo và bà con xem buổi y như thật, máy nổ đèn pha rọi sáng, diễn viên phấn son xiêm y lộng lẫy. Chậc coi như thằng bé được xem ca múa nhạc chuyên nghiêp đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Xem ca múa nhạc hồi đó chủ yếu là chỉ nghiêng ngó các sân khấu ca nhạc quanh Bờ hồ Hoàn Kiếm (vào các tối ngày Quốc khánh, tết Dương lịch, Giao thừa tết Nguyên đán). Thì mới biết mặt Ngọc Bé, Mạnh Hà mắt lim dim, Thuý Hà mắt lẳng, Kiều Hưng lịch lãm, Trần Thụ dáng cun cút, Trọng Nghĩa đĩnh đạc, Mỹ Bình, Tuyết Thanh, Bích Liên, Vũ Dậu, Quốc Hương, Trần Khánh, Trần Hiếu... (nghe giọng hát trên đài từ lâu, giờ mới biết mặt). Báo hồi đó chỉ đăng tin phim kịch ở rạp, bãi nào đó mà thôi. Chưa bao giờ Tôi đặt bước chân vào Nhà hát Lớn Thánh đường của các nhạc kịch “Cô Sao” “Epghenhin”, “Người tạc tượng” với Gia Hội, Mai Khanh, Ngọc Dậu, Quý Dương, Trung Kiên, Trần Hiếu... mà chỉ nghe qua đài và đĩa máy hát mô nô. Chưa hiểu rõ lời, cảm nhận cái hay của giai điệu theo cảm tính; nhưng thán phục giọng ca kỹ thuật của họ.

239856501-1113214229086609-2279605404507607697-n-1631793199.jpg

Ngày 15/2/1971 Thầy Phú dẫn mấy ông Tây bà Đầm Hunggary thăm trường và Khoá 6 ta, rồi chiều xem ca nhạc tại xưởng trường này. Nghe thầy Phú hiệu trưởng giới thiệu: vợ chồng ca sỹ Trung Kiên (mẹ của NS Quốc Trung hồi ấy nhỏ bé và yếu) tay violon Khắc Huề, Ca sỹ Khánh Vân bé nhỏ mà giọng ễnh ương, Trần Hiếu… là CNV của trường chào đón khách quý, cả lũ K6 xem ké qua các ô cửa sổ cứ cười rúc rích. Hai năm học ở lớp K6i được xem ca nhạc 1 lần duy nhất ở sân hiệu bộ (thung lũng tập kết SV đi lính) chạy máy phát điện ròn rã, đèn điện sáng choang vùng hẻo lánh. Đoàn ca múa nhạc Hà nội biểu diễn trên sân khấu đất nện, nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Đại học Cơ điện, có Trọng Nghĩa ca sỹ trưởng đoàn...đến đẫn diễn viên múa may thì tung bụi mù mịt sàn đất nện… và dân kéo tới đông ầng ậc, ra về bụi quấn lên cả 1 vùng đồi trọc đất đỏ khô rang. Cuối tháng 12/1972 Các tiểu đoàn tân binh của Sư đoàn 304B, sau 3 tháng huấn luyện trước khi vào Chiến trường, được xem một tối Tuyên văn biểu diễn đủ ca khúc cách mạng, dân ca và chèo... Lính đeo ba lô, gác súng trên vai, xếp hàng đội ngũ ngồi xem đầy tâm tư nôn nao cảm xúc sắp vào miền nam chả biết rõ ngày về. Cuối buổi ca sỹ Thanh Chừng “Chúc các đồng chí vào chiến trưởng khoẻ và chiến thắng trở về nhé”.

Năm 1974 lên cơ quan BTL Tăng thiết giáp vẽ biểu đồ, bản đồ chiến lệ phục vụ Hội nghị Quân chính. Đoàn ca nhạc TCCT về diễn 2 tối tại sân đá bóng, các Tiểu đoàn lân cận hành quân đến xem, nhân kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đèn mầu, trang phục lấp lánh, diễn viên chuyên nghiệp múa dẻo hát hay mọi nhẽ, chương trình hay hoành tá tràng. Cứ là đông ngàn ngạt lính và dân quanh vùng thì tôi mới biết mặt Tường Vi, Trần Chất, Doãn Tần. Màn hát múa Kéo pháo và nhảy sạp lừng danh... Dạo 1977 các đoàn cải lương miền Nam ra diễn ở rạp ngoài trời Gang Thép... (Có danh tiếng từ xa xưa với Út Trà Ôn, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Kim Huệ... lừng danh, thì “thôi rồi Lượm ơi”, vì đã nghe đĩa than nghe băng cối từ trước), diễn mấy đêm liền, dân kéo đến xem đông nghìn nghịt, Cho người già và trẻ con mua vé vào 14-16h, để xí chỗ ngồi trước. Tối đến lô nhô rừng gậy chỉ dẫn người nhà đến chỗ đã xí phần. Đi sớm về khuya, nhà xa dăm km hết 1/4 ngày giời cho một đẫn xem kịch: Xưa với mọi người là “thường thôi”.

Chợt nhớ Đoàn ca nhạc nhẹ TW về trường ĐH Cơ điện biểu diễn. Ca sỹ Trần Hiếu đang say hát “Chú voi con ở Bản Đông” người khuỵu chân. Quả quần Simily toạc miếng to phơi da trắng hếu, trẻ con sát sân khấu rú lên cười, người tưởng khen hay càng gào khỏe, đám đông rú lên cười nghiêng cười ngả. Ở trường hân hạnh được xem các đoàn nghệ thuật Bắc Thái: Ca múa dân tộc Việt Bắc, Chèo, Cải lương, Kịch nói Bắc Thái. Từ chiều xe ô tô quảng cáo “Đã được thưởng Huy chương Vàng bạc nọ kia - Đã bao nhiêu đêm diễn ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc - Sân khấu hoành tráng, hệ thống âm thanh hiện đại - Mời mua ngay kẻo hết vé”. Giời ạ, phông màn sơ sài gió bay phất phới, micro bát úp đong đưa dây chăng ngang giữa sân khấu, diễn viên trẻ diễn kém hay, lũ SV tôi đứng cánh gà xem thấy hay hơn nhiều. May là tại trường không thu vé, chứ bán vé ma nó xem.

Thập kỷ 1980, nhiều lúc lại nhớ những lần xem ca nhạc ở sân khấu nổi trong Công viên Thống Nhất (phía đường Trần Nhân Tông), bục gỗ sân Văn Miếu (gần đường xe điện cua vòng Hàng Bột - Nguyễn Thái Học, trước gò Đống Đa: đủ ca múa nhạc đệm tấu hài của Hồ Biên, phông cháo lòng và mấy đèn pha chiếu hắt mặt diễn viên, đôi thùng loa trên cột rầm rĩ phát catset nhạc sôi động trước giờ diễn. Đi làm “nghe hơi nồi chõ” có nhiều giai thoại về ca sỹ Ngọc Tân, Thanh Hoa, Ái Vân... và phản ứng của dư luận quanh các Ca sỹ nổi tiếng. Làng Giàn Trung Kính Hạ của tôi có NSUT Duy Thường bị gãy chân trong chuyến đi định mệnh Như Hoa, Tiến Thành. Chỉ biết đoàn ca nhạc nhẹ TW, Hà Nội đi biểu diễn hợp đồng với các cơ quan. Tôi làm Tuyên truyền chuẩn bị sân khấu, có điều kiện gần NSND Thu Hiền nhí nhảnh, Trần Hiếu, Quang Huy cười hiền, Vợ chồng Thuý Hà hát - Chú Tuấn (đoàn PKKQ xưa) kéo ắc coc đê ông Quang Thọ hiền ngồi cùng chỉnh âm sắc... (đoàn này 2 lần diễn tại nhà máy chúng tôi). Đoàn dân ca Quan họ mới ra đời biểu diễn quanh Hà Nội.  Hồi đó ít bài hát nước ngoài, nên nhớ bài ca xưa: “Cây thùy dương”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Triệu đóa hoa hồng”, “Tuổi 18”, Đỉnh núi Lê-Nin Su-Li-Cô”, “Ba cỗ xe”, “Cuộc chiến tranh thần thánh”, “Lê-Nin sống mãi”, “Lòng bạn”, “Nâng cốc”, “Ánh lửa”, “Các đồng chí hãy dũng cảm tiến lên”, “Được mùa”, "Trở về Suriento”, “Ma-ma Paloma” Con ếch xanh”, Ca ngợi Lê-Nin”, “Kéo thuyền trên sông Von-Ga”, “Ka-chiu-sa”. Xan-ta-lu-xia” và “Đồng xanh”, “Hoa chăm- pa”, “Việt Lào anh em” “Điệu nhảy trên trống”...

Sau này, các tốp ca nhạc hay biểu diễn khu đất trống (công viên Nhân Chính bây giờ) và NVH thể thao Thanh Xuân, xe ô tô gắn loa nén quảng cáo chạy rông các đường phố. Sân khấu gỗ, phông trắng cháo lòng ở sau, hai dàn loa lênh khênh, giàn đèn xanh đỏ lập loè, pha đèn quay loang loáng chiếu phông hậu. Tối tôi đi xem nom thấy Nhật Tinh Anh “Vầng trăng khóc” thời chưa nổi tiếng, một mình thập thò bên cánh gà chờ đến lượt hát. Băng rôn căng ca sỹ Tấn Minh đơn lẻ góc đường Nguyễn Trãi.

241208391-1113214212419944-6721664876139740211-n-1631793255.jpg

Hơn chục năm đưa đón ông con út học đàn Piano tại HV âm nhạc QG từ Trung cấp lên Đại học, chờ con học trên lớp, Tôi lang lang thang khắp học viện, gặt hái nhiều điều thú vị:

- Lịch biểu diễn của các nhóm tam tứ tấu + nhạc trưởng nước ngoài + ca nhạc thính phòng + báo cáo tốt nghiệp ĐH, Thạc sỹ, Tiến sỹ... đầy ặc tại phòng hoà nhạc cũ tha hồ xem ban ngày hay ban tối đen tối hay ngày mai diễn Nhà hát lớn cũng chương trình đó thì vé hàng trăm ngàn cho giới thượng lưu + người nước ngoài, hay thấy ca sỹ Đức Long, Mỹ Linh, Thuỳ Dung “CS hình sự” ngồi xem như khăn giả, oánh ô tô tới nhâm nhi cà phê, ký tên cho lũ HS hâm mộ. Tôi thích cung cách giản dị của NSND Quang Thọ trưởng khoa, chén trà nguội điếu thuốc với tổ bảo vệ.

- Góp chè thuốc cùng tốp nhà xe chờ con học liên tục, nghe chuyện Nhạc viện hay đáo đẻ, biết mặt Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Anh Dũng và các giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc, tây phương. Tuyền là các cao thủ, họ hóm hỉnh vui tươi giữa đời thường. Nhan sắc của họ trên sân khấu và ti vi do phấn son mà ra cả, ko nhìn quen khó đoán. Thấy họ bận bịu sô diễn lịch dạy.

- HS/SV khoa dân tộc và tây phương khác nhau từ cung cách quần áo đến tác phong tại trường. Nao lòng khi thấy tốp HS khiếm thị dăt díu nhau vào lớp, tốp thanh nhạc và đàn tây điệu đàng các nhẽ. Khung cảnh ở đây khác xa các trường ĐH khác: nhẹ nhàng, thanh lịch. Giảng viên chạy sô muộn giờ dạy là cái sự thường, nhiều vị nổi danh nên tác phong kiêu kỳ nom cứ ngồ ngộ.

- Nghe các ban nhạc tập ghép vở đã thấy hay rồi, khán gỉa im lặng nghe và vỗ tay rào rạt, nghe trực tiếp mới cảm nhận cái hay của cụ Moza, Betoven, Sopanh... (ấy là theo cảm tính)

Đận tổng duyệt đại lễ Phật đản đầu tiên, phòng hoà nhạc chỉ chứa đủ dàn hợp xướng và ban nhạc, do NS Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy. Biết mặt nhạc trưởng Lê Phi Phi, Trưởng khoa violon con rể NS Phú Quang, NS Trần Văn Khê... Sau này, Tôi được NSND Công Nhạc (người cùng làng Giàn), GV dạy thằng con cho vé mời xem Nhạc kịch tại Nhà hát lớn, Ca nhạc tại NH giao hưởng mạn Cầu Giấy. Cảm nhận thêm về dòng âm nhạc bác học cách đây mấy trăm năm, giờ mới được thưởng thức Live, dù chỉ là phiên bản dân Việt Nam ta trình bày!.

 

Theo Chuyện quê